Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/02/2023

Trí tuệ nhân tạo đe dọa nghề sáng tạo nghệ thuật ?

Nguyễn Hoàng Minh Anh, Chi Phương

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo trong thời gian gần đây đã dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của nghề sáng tạo. Liệu Trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể thay thế con người cũng như sáng tạo nghệ thuật của giới nghệ sĩ ? Đâu là viễn cảnh nguy hiểm nhất nếu như AI ngày càng phát triển hơn nữa ?

ai1

Hình ảnh minh họa Trí tuệ nhân tạo (AI). © canva

RFI tiếng Việt đã đặt câu hỏi này với ChatGPT là một phần mềm trò chuyện thông minh, với công nghệ A.I, cho phép đối đáp giống như con người và đưa ra những câu trả lời sơ khai nhưng cũng có thể phức tạp. Sau đây là câu trả lời của ChatGPT : "Trí tuệ nhân tạo có thể thay thế sự sáng tạo của con người để trở thành nguồn sáng tạo chủ đạo trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có thể trí tuệ nhân tạo sẽ làm gia tăng khả năng sáng tạo của con người. Trong cả hai trường hợp, viễn cảnh nguy hiểm nhất là nếu trí tuệ nhân tạo loại bỏ hoàn toàn khả năng sáng tạo của con người".

Được ra mắt vào tháng 11/2022, ứng dụng robot chat trực tuyến ChatGPT do công ty Open AI tại Thung lũng Silicon ở Hoa Kỳ phát triển, đã thu hút sự chú ý của hàng triệu người qua các bài tiểu luận, bài thơ hay cả những lời khuyên cá nhân. Công cụ này đã gây náo động khi chính thức được công nhận là tác giả của một số bài đăng trên các tạp chí khoa học danh giá. Ví dụ như vào tháng Giêng, tạp chí Education in Practice đã công nhận AI là đồng tác giả trong một bài xã luận với nhà nghiên cứu công nghệ y tế, bà Siobhan O’Connor tại đại học, Manchester, Vương quốc Anh.

ChatGPT không phải là công cụ Trí tuệ nhân tạo duy nhất làm mưa làm gió từ năm 2022. Tại Đức, phầm mềm sử dụng Trí tuệ nhân tạo đã hoàn thiện bản nhạc Symphony số 10 còn dang dở của nhà soạn nhạc Beethoven . Tại Hoa Kỳ, một chương trình máy tính đã viết một cuốn tiểu thuyết từ đầu đến cuối, lấy cảm hứng từ tác phẩm Sur la route của Jack Kerouac. Các phần mềm trí tuệ nhân tạo vẽ tranh như Dall-E2, Midjourney hoặc Stable Diffusion đã tạo tiếng vang với khả năng tạo ra những hình ảnh chân thực, nhanh chóng và chất lượng cao chỉ từ một mô tả bằng văn bản đơn giản. Ví dụ như bức chân dung của Edmond de Belamy được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo và được bán ra với giá hàng trăm ngàn euro tại sàn đấu giá Christie’s, hay tác phẩm Théatre d’opéra spatial giành giải cao nhất trong một cuộc thi nghệ thuật ở Colorado, Hoa Kỳ.

Công nghệ kiểm soát con người ?

Tuy nhiên, nếu như một số người coi sự phát triển vũ bão của công nghệ đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo, mở ra một tương lai tốt đẹp hơn với vô số tiện ích, thì một số khác lại tin rằng loài người đang dần mất kiểm soát giống như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng (Matrix) : Công nghệ "vượt mặt", kiểm soát con người. Sự xuất hiện của A.I được xem như là một cuộc cách mạng trong giới sáng tạo, khơi dậy một làn sóng gây mê hoặc người dùng bởi những tiện ích mà chúng đem lại nhưng đồng thời cũng gây lo ngại.

Đối với sự xuất hiện của ChatGPT, nhiều nhà xuất bản cũng như các nhà phát hành tạp chí đã cấm hoặc hạn chế việc sử dụng A.I vì lo ngại rằng có thể ảnh hưởng đến các tài liệu học thuật do những thiết sót trong nghiên cứu, hoặc bịa đặt thông tin hay vấn đề về đạo văn.

Nghề sáng tạo bị mai một 

Theo trang Equaltimes của Bỉ, những lo ngại đối với A.I không phải là không có lý do. 56 % công việc ngày nay vốn đã bị đe dọa bởi tự động hóa, liệu các nghệ sĩ, nhà thiết kế hay các chuyên gia làm về sáng tạo có thể là những người tiếp theo ? Liệu rằng sáng tạo từ trí tuệ nhân tạo có khiến cho sáng tạo của con người trở nên mai một hay không ?

Trong giới hội họa, AI art generators - các công cụ sáng tạo nghệ thuật từ AI được coi là anti-artist : phản nghệ sĩ. Các công cụ như DeviantArt hay Midjourney và Dall-E đã gặp phải vô số bê bối vì các tranh được tạo ra mang hơi hướng phân biệt chủng tộc, giới tính. Nhiều nghệ sĩ đã thực hiện các thủ tục tố tụng chống lại các công ty xây dựng phần mềm vẽ tranh AI vì vi phạm bản quyền. 

Họa sĩ vẽ tranh nhưng bị nhầm là do A.I vẽ

Một vụ việc thu hút sự quan tâm của công luận khi một tác phẩm tranh kỹ thuật số (Digital Art) của một họa sĩ Việt bị coi là do A.I vẽ. Trên một diễn đàn thảo luận về nghệ thuật - r/Art, trên Reddit với hơn 20 triệu thành viên, Nguyễn Hoàng Minh Anh, với nghệ danh Ben Moran làm việc tại studio Kart ở Hà Nội, đã đăng tải một tác phẩm tranh kỹ thuật số. Bài đăng của anh đã bị gỡ bỏ vì cho rằng đó là tác phẩm của A.I. Diễn đàn này cấm tác phẩm do A.I tạo ra. Sau khi liên lạc với quản trị viên để giải trình về tác phẩm tiêu tốn hàng trăm giờ của mình qua Photoshop, tài khoản của Ben Moran đã bị chặn. Quản trị của diễn đàn này đưa ra lý do : "Nếu là nghệ sĩ thực thụ, bạn nên tìm một phong cách sáng tạo khác. Bởi vì không ai sẽ tin khi nói rằng tác phẩm này không phải do AI tạo ra. Trong vài giây, máy móc có thể làm tốt hơn việc mà bạn đã tiêu tốn hàng giờ để thực hiện". 

Theo họa sĩ Việt, đây thực ra đây không phải là lỗi của Trí tuệ nhân tạo mà là do việc bài trừ trí tuệ nhân tạo một cách hơi cực đoan. Với sức mạnh của trí tuệ nhân tạo ngày càng lớn như hiện nay, khó kiểm soát và có thể dẫn đến những tình huống không hay, như là trường hợp của anh. Về vụ việc này RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với họa sĩ kỹ thuật số, giáo viên dạy vẽ bộ môn nghệ thuật kỹ thuật số - digital Art Nguyễn Hoàng Minh Anh.

Xin cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Minh Anh đã dành thời gian chia sẻ với qúy thính giả của RFI Tiếng Việt trong mục tạp chí xã hội tuần này.

RFI : Trước tiên, anh có thể cho biết cảm nhận của mình về việc một tác phẩm sáng tạo của mình lại bị coi là sản phẩm của Trí tuệ nhân tạo ? 

Nguyễn Hoàng Minh Anh : Thực ra thì tôi thấy vừa vui vừa buồn, vì sức mạnh của trí tuệ nhân tạo rất lớn, các sản phẩm của A.I cũng rất đẹp. Khi được so sánh như vậy, vui là bởi vì tác phẩm của tôi được công nhận nhưng buồn là vì những cố gắng, tâm huyết đặt vào tác phẩm lại bị nhầm với một sản phẩm do máy móc tạo ra. 

RFI : Là một nghệ sĩ, lập trường của anh đối với việc các sáng tạo của AI là gì ?

Nguyễn Hoàng Minh Anh : Theo quan điểm của tôi, thì tôi không đồng ý với cách sử dụng hiện tại của Trí tuệ nhân tạo. Theo mình được hiểu thì A.I nên sinh ra là để phục vụ con người và việc A.I sinh ra để phục vụ nghệ sĩ khi giúp họa sĩ giảm thời gian vẽ tranh và tạo ra nhiều tác phẩm hơn. Còn hiện tại, A.I đang đi lệch hướng đấy. 90 % số họa sĩ mà tôi biết đều không ủng hộ sự xuất hiện của AI. Khi A.I được sử dụng quá đại trà và dễ sử dụng nên là bất kỳ ai có thể sao chép và tạo ra một sản phẩm của riêng mình nhưng lại dựa trên phong cách sáng tác của người khác, do vậy nên hiện đang xảy ra rất nhiều lùm xùm về bản quyền ở nước ngoài, và cũng có nhiều vụ kiện cáo.

RFI : Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo có thể thay đổi cách hoạt động trong thế giới sáng tạo nghệ thuật hay không ? 

Nguyễn Hoàng Minh Anh : Theo tôi dự đoán, A.I vẫn sẽ có một chỗ đứng cho riêng mình và Digital Art sẽ chuyển sang một hướng khác. Các họa sĩ máy móc như mình sẽ rất dễ bị nhầm với các nghệ sĩ sử dụng A.I. Đây là một cơ hội để các họa sĩ truyền thống có chỗ đứng lớn hơn.

RFI : Nói như vậy thì nghề của bạn có phải đang bị đe dọa ?

Nguyễn Hoàng Minh Anh : Có thể là như vậy. A.I có thể lấp nhiều chỗ trống của các Digital Artist như tôi nếu như mà mình không đủ giỏi. Tính cạnh tranh đang bị đẩy lên quá cao và vượt quá tầm với của con người. Chung quy lại, dù là digital art hay hội họa truyền thống, trước khi A.I xuất hiện, cả hai đều được thực hiện phần lớn là dựa vào kỹ thuật và hiểu biết của họa sĩ. Tuy nhiên khi A.I xuất hiện, nó sẽ làm thay gần như đến 90 % công việc. Nghề Digital artist này đang bị lung lay.

RFI : Các họa sĩ sẽ phải thích ứng ra sao ?

Nguyễn Hoàng Minh Anh : Hiện tại thì tôi cũng khá là bế tắc. Cách đây một năm rưỡi, chúng tôi biết đến trí tuệ nhân tạo, ví dụ như phần mềm Midjourney, nó không mạnh như là bây giờ. Lúc đó chúng tôi nghĩ là có thể tăng số lượng và chất lượng tranh của studio chúng tôi. Nhưng hiện tại, AI rất mạnh, làm hết mọi thứ và các họa sĩ gần như không cần động tay vào. Sai số là quá nhỏ. Hiện tại chắc không chỉ riêng tôi mà giới Digital cũng đang rất là bế tắc và đang tìm cách chống lại bằng việc sử dụng bản quyền, chứ gần như là không có cách nào để thích ứng với một công cụ đang làm mưa làm gió như vậy cả. 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Minh Anh đã dành thời gian chia sẻ về lập trường của mình đối với A.I.

***

Hiện tại A.I vẫn còn khá mới mẻ nên khó có thể xác định được tác động của loại công nghệ này với giới làm nghề sáng tạo nói chung. Trên Facebook, nhà thiết kế trang sức Trần Thị Thanh Nga cho rằng A.I được sinh ra là để hỗ trợ cũng như thử thách nhà thiết kế : "A.I thật tuyệt vời để chơi cho vui, chứ nếu chỉ tập trung vào từ khóa rồi chờ kết quả, chọn một vài mẫu đổi tí sửa tí thành thiết kế thì lâu dần tôi sẽ mất đi trí tưởng tượng và khả năng tư duy thiết kế. Chưa kể quá trình sáng tạo, thử nghiệm và trải nghiệm là quá trình thú vị nhất đối với một nhà thiết kế và một người yêu sáng tạo. Nó sẽ là một điều ngược đãi với bản thân nếu mất đi quá trình này." 

Trên trang The Conversation, giáo sư tại đại học Michigan của Hoa Kỳ, ông Kentaro Toyama đặt câu hỏi "trí tuệ và óc sáng tạo của con người sẽ được đánh giá ra sao khi máy móc trở nên thông minh hơn và sáng tạo hơn những người thông minh nhất ?». Trong một số lĩnh vực, công việc do con người làm vẫn được coi trọng ngay cả khi máy tính có thể làm tốt hơn. Trong lĩnh vực khác, ví dụ như về ngành minh họa (illustration), người xem không quan tâm liệu hình ảnh đó là do người vẽ hay máy vẽ mà chỉ xét đến liệu nó có phù hợp hay không và có thể mang tính giải trí. Nếu máy tính vẽ tốt hơn thì sao, độc giả trên thực tế cũng không để ý ai là tác giả.

Giáo sư Tomaya khẳng định rằng lịch sử cho thấy gần như chắc chắn rằng A.I sẽ làm biến mất nhiều công việc hơn, số lượng người làm những việc mà chỉ con người có thể cũng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, những công việc đòi hỏi những kỹ năng mới cũng xuất hiện.

Về phần mình, giáo sư triết học tại đại học Carlos III ở Tây Ban Nha, trả lời trang Equal Times rằng : "cuộc sống là ví dụ điển hình nhất về sự sáng tạo vẫn tồn tại. Nếu một cơn bão có thể thay đổi môi trường thì nó cũng có thể tạo ra một thứ gì đó mới mẻ. Tuy nhiên, chính loài người - xã hội mới mang lại giá trị và quyết định làm gì với sự sáng tạo. Do vậy, chúng ta không nên tập trung vào sự khác biệt của con người với máy móc và mà thay vào đó là điều gì chúng ta muốn làm với máy móc". 

Theo trang Equal Times, giống như bộ não của con người, các phần mềm được phát triển dựa trên trí tuệ nhân tạo có mạng lưới tế bào thần kinh riêng, hay còn gọi là tế bào thần kinh nhân tạo. Chúng lưu trữ một lượng lớn dữ liệu và sau đó phân tích, phân loại và tổng hợp lại với nhau. Đây cũng là cách mà các ý tưởng được ấp ủ.

Theo bà Karina Gibert, giám đốc của trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo IDEAL-UPC, Tây Ban Nha. "Trí tuệ nhân tạo không chỉ có thể phân tích dữ liệu mà còn có thể học hỏi từ kinh nghiệm của chính nó. A.I có thể phân loại các thông tin và kết hợp chúng để tạo ra một thứ gì khác mới".

Ví dụ như trường hợp về bức chân dung của một nhân vật giả tưởng Edmond de Belamy, được AI tạo ra sau khi phân tích 15 000 bức chân dung được vẽ từ thế kỷ 14 và 20. Một tác phẩm khác "The next rembrandt project", được tạo ra sau khi nghiên cứu 300 tác phẩm của một danh họa người Hà Lan, A.I đã vẽ một bức mới và bắt chước theo phong cách của họa sĩ này. 

Chi Phương

Nguồn : RFI, 01/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Hoàng Minh Anh, Chi Phương
Read 369 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)