Những ngày này, Đảng cộng sản Việt Nam đang hướng tới kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (03/02/1930-2023) với nhiều hoạt động công cộng.
Sau Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, Đảng đảm nhiệm cả hai vai trò : lãnh đạo và cầm quyền.
Các trang báo nhà nước liên tục đưa tin, bài ca ngợi Đảng, đưa tin về các hoạt động như đợt chiếu phim kỷ niệm ngày 03/02, phong trào "cán bộ, đảng viên tiên phong nêu gương" trong nhiệm vụ… Các trang báo này cũng có cả những bài phân tích về thách thức đối với Đảng hiện nay.
Trên VietnamNet ngày 1/2/2023, Tiến sĩ ngành Quản trị công Nguyễn Văn Đáng đề cập đến hai thách thức lớn nhất của Đảng trong thời gian tới, đó là : thu hút sự ủng hộ của dân, và quản trị quốc gia tốt.
Việc hội nhập quốc tế sâu rộng cùng với làn sóng giới trẻ du học, làm việc ở các quốc gia phát triển, đã dẫn đến sự đa dạng hóa về tư duy, về tư tưởng và lối sống. Phần đông lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh đã không còn mối liên hệ với những "thành quả Cách mạng" của thế hệ đi trước. Việc độc quyền lãnh đạo của Đảng đã trở nên khó khăn hơn, nhiều trở lực hơn.
Những vấn đề này hoàn toàn không mới, nhưng Đảng cộng sản không có giải pháp. Bởi vì, cho đến nay, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận mô hình đa nguyên, dân chủ và nhân quyền kiểu phương Tây. Hệ thống báo chí và hệ thống tuyên truyền Đảng vẫn coi việc chuyển đổi mô hình này là nguy cơ của Đảng. Đảng xác định 4 nguy cơ lớn là "tham nhũng", "suy thoái", "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa".
Việt Nam đang bị cuốn trong những mâu thuẫn nội tại, giữa sự đòi hỏi phải mở rộng tự do để phát triển kinh tế, sự đòi hỏi một cơ chế minh bạch để phát triển bền vững và ổn định, với tham vọng nắm giữ độc quyền cai trị của Đảng cộng sản.
Những đòi hỏi để phát triển sẽ dẫn tới những đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu chính trị, đó lại là tử huyệt của Đảng.
Từ cuối năm 2017, hai tác giả Adam Fforde và Lada Homutova đã có bài đăng trên trang journals.sagepub.com với tựa đề tạm dịch là "Quyền lực chính trị ở Việt Nam : Đảng cộng sản có phải là nhà khổng lồ bằng giấy". Hai tác giả đặt câu hỏi tiến trình Đổi mới có mục tiêu gì.
Theo các tác giả, công cuộc đổi mới của Đảng ban đầu có mục đích "cứu nguy cho chế độ". Dần dần, nó thêm vào mục tiêu "thành công". Mục tiêu thành công này bao gồm cả thành công bảo vệ chế độ và thành công phát triển kinh tế. Vậy nên, xã hội Việt Nam cứ tiếp tục mở cửa và phát triển kinh tế, nhưng đồng thời bộ máy nhà nước vẫn theo kiểu cũ, cồng kềnh, tập trung và quan liêu.
Các học giả nước ngoài đặt ra câu hỏi, liệu đặc thù của thể chế ở Việt Nam có sức sống thế nào ; và liệu mô hình tân tự do có tương lai gì ở Việt Nam hay không.
Ông Adam Fforde, một chuyên gia có thời gian làm việc lâu tại Việt Nam, dùng hình tượng một người khổng lồ nắm quyền để giải thích về việc chính quyền Việt Nam đang cố gắng tìm một con đường khả thi trong bối cảnh thay đổi các mối tương quan trong nội bộ và quốc tế. Hình tượng người khổng lồ đặc trưng cho một nhà nước lớn, một nhà nước muốn quản lý tất cả, can thiệp tất cả từ không gian tư nhân cho đến không gian công cộng.
Ông Adam Fforde cho rằng, thể chế Việt Nam là một thứ thể chế nhấn mạnh đến uy quyền, sử dụng uy quyền để thực hiện các công việc cho quốc gia và cho chính họ. Họ giữ quyền trong tâm thế vì quốc gia và bảo vệ dân, nhưng bằng một thứ ngôn ngữ khá độc đoán.
Do đó, thách thức cho việc hiện đại hóa bộ máy đã gặp một cản trở lớn, ngay trong quan điểm chính trị.
Khi nào nhà cầm quyền Việt Nam còn ôm giấc mộng Marx Lenin thì khi đó chính trị và xã hội Việt Nam còn bất ổn, bởi rất đơn giản, tư tưởng Marx Lenin không chấp nhận thị trường tự do, tự do cá nhân. Họ coi, mỗi cá nhân chỉ là một phần tử trong tập thể và tuân thủ các quyết định của tập thể. Và tất nhiên, điều này đối lập với quan điểm tự do.
Hoàng Anh (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 04/02/2023