Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/02/2023

Nguyễn Phương Hằng và Đặng Thị Hàn Ni

Nguyễn Công Giang - Hà Nguyên

Điều gì sẽ xảy ra khi bà Nguyễn Phương Hằng và bà Đặng Thị Hàn Ni được giam chung một phòng ?

Nguyễn Công Giang, RFA, 28/02/2023

Bọn… "ác" khắp nơi đang tưởng tượng và ước gì hai bà Nguyễn Phương Hằng và Đặng Thị Hàn Ni được tạm giam chung một phòng. Có đứa còn đòi hạ giá bán mic và thiết bị livestream cho họ này tiếp tục đấu võ mồm với nhau trong phòng, live cho cả nước. Ít nhất cũng lôi kéo được vài đêm nhân dân cả nước không quan tâm đến thời sự.

phuonghang1

Bà Hàn Ni- Facebook Nhà báo Hàn Ni

Tôi xem khá nhiều livestream của bà Phương Hằng nhưng không để ý đến việc đấu khẩu bà Hằng và bà Ni. Quan sát những gì họ thể hiện trên mạng, qua lời lẽ, lý luận, thái độ, quan điểm… với nhiều sự việc khác nhau chắc hẳn ai cũng đã có nhận định và đánh giá riêng về từng người. Nên xin phép giật tít câu viu vậy thôi, còn bài viết dưới đây chỉ xin bàn đến một khía cạnh trong nghề nghiệp chính của bà Đặng Thị Hàn Ni (trong bài này xin gọi là bà Hàn Ni)-nghề làm báo.

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni là ai ?

Bà Hàn Ni nổi lên trong làng báo Việt Nam sau loạt bài về quán cà phê Xin Chào vào năm 2016. Trong vụ này, Công an và Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh đã vô cùng nhanh chóng bắt tháo dỡ công trình, khởi tố và truy tố oan sai một người dân kinh doanh quán cà phê ăn sáng nằm đối diện với trụ sở Công an huyện. Lẽ ra việc vi phạm của chủ quán chỉ phải xử lý hành chính và yêu cầu bổ sung giấy tờ đầy đủ.

Vụ việc gây rầm rĩ lên báo chí cả nước, kể cả báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam. Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh bấy giờ là ông Đinh La Thăng lập tức chỉ đạo Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh làm rõ. Thủ tướng bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh dừng ngay việc việc khởi tố hình sự chủ quán, yêu cầu làm rõ trách nhiệm từng người và chấn chỉnh lại hoạt động của Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ quán được xin lỗi và được tiếp tục kinh doanh. Những người liên quan bị xử lý, gồm Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh, một kiểm sát viên, Bí thư huyện ủy, Trưởng Công an, Phó Đội trưởng Đội cảnh sát kinh tế Công an huyện Bình Chánh bị cách chức, những người khác bị khiển trách.

Bà Hàn Ni được ghi nhận là người đầu tiên viết bài về vụ việc này trên báo Sài Gòn Giải phóng. Ngay sau đó, hầu như tất cả các báo thời sự-chính trị đồng loạt vào cuộc điều tra và viết bài khai thác chi tiết, tạo nên áp lực dư luận cực kỳ mạnh mẽ.

Một chi tiết hết sức nhạy cảm tạo nên sự phẫn nộ của công luận chính là việc quán Xin Chào nằm ở vị trí kinh doanh đắc địa nên có nguồn khách liên tục. Họ hoài nghi những động thái triệt để, liên tiếp và nhanh chóng của ngành pháp luật huyện này là nhằm bứng quán Xin Chào khỏi vị trí ấy, để cho tay trong vào kinh doanh.

Thời điểm này trùng hợp với thời điểm ông Đinh La Thăng về nắm quyền tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Những người làm báo chính trị xã hội đều còn nhớ ông Đinh La Thăng có phong thái làm việc khá đặc biệt, mà nhiều người gọi là phong cách "quan Đoàn", tức hay… khua chiêng gióng trống, tiền hô hậu ủng và sử dụng rất tốt bộ máy làm hình ảnh : ông đi làm việc, gặp gỡ, kiểm tra… ở đâu đều báo trước cho báo chí biết, cho xe đưa đón cả đoàn nhà báo chụp ảnh quay phim, phỏng vấn đưa tin viết bài. Ông cũng rất sẵn lòng đứng trước ống kính đáp ứng tất cả các yêu cầu đôi khi khá mất thời gian của cánh báo chí. Ông Thăng cũng nổi tiếng là người nhanh nhạy với tình hình, sát sao thực tế và quyết đoán. Mọi việc có thể gây sự chú ý đều được ông trực tiếp giải quyết với tốc độ sấm vang chớp giật.

Dĩ nhiên vụ quán Xin Chào lập tức lọt vào tiêu điểm quan tâm của Bí thư Thành ủy.

Các yếu tố cộng hưởng khiến tốc độ và cách thức xử lý những người vi phạm trong vụ án này đều nhanh chóng và có lẽ nặng tay hơn bình thường. Có người cho rằng nó được chọn để làm gương nhưng cũng đồng thời để thị uy.

Mọi điều diễn ra sau đó như đã biết.

Tuy nhiên, sự thật là với xã hội Việt Nam, vụ quán cà phê Xin Chào không phải là vụ có quy mô quá lớn hay quá phức tạp.

phuonghang2

Quán cà phê Xin Chào. SGGP

Xin Chào nhà báo Hàn Ni đến với thế giới showbiz

Với nền báo chí Việt Nam, đây cũng chỉ là một vụ việc cỡ "hàng huyện", tầm tầm, vì các tình tiết sai phạm khá ấu trĩ, đơn giản và dễ dàng chứng minh.

Kết quả của vụ việc là từ áp lực cộng hưởng của nhiều yếu tố như trên đã nói, chứ không chỉ là thành tựu của riêng một tờ báo Sài Gòn Giải phóng hay tác giả Đặng Thị Hàn Ni, cho dù đây là tác giả và tờ báo đăng bài trước tiên. Mặt khác, một bài báo là tác phẩm giàu tính tập thể, nên không thể bỏ qua công sức của người biên tập, phản biện, chịu trách nhiệm nội dung và xuất bản, mặc dù họ không bao giờ có tên dưới bài báo. Vì vậy, những người làm báo tỉnh táo cho rằng cần thận trọng và suy xét khi chỉ riêng một cá nhân Đặng Thị Hàn Ni được ca tụng và thổi phồng lên quá mức.

Nếu chỉ là vài phút quá say sưa với thành tích mà chân hẫng lên khỏi mặt đất thì thôi, cũng là thường tình của con người. Không ai nắm tay từ sáng đến tối được. Nhưng sau những giây phút hân hoan vì thành tựu, người làm báo thật sự sẽ nhanh chóng bỏ qua để tiếp tục lao vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội đang cần cảnh báo, phân tích, lên tiếng. Tràng pháo tay của độc giả, sự khen tặng của cấp trên, sự ngưỡng mộ của xã hội nói chung… không bao giờ được là mục đích và động cơ của người làm báo. Người làm báo chân chính sẽ luôn tìm kiếm và ngợi ca cái đẹp, sự dũng cảm…v.v nhưng không bao giờ chọn đứng vào vị trí tâm điểm để cho người khác ngợi ca.

Một thành tích tầm tầm, thế nhưng loạt bài này lại trở thành điểm son trong "lý lịch" offline và online của bà Hàn Ni ! Nó được sử dụng liên tục như những tấm băng rôn quảng cáo cho cá nhân bà Ni, trở thành bệ phóng cho những hoạt động rất sôi nổi nhưng ngày càng rời xa chuyên môn báo chí, khiến bà Ni dần trở thành một "phóng viên showbiz" : đi nói chuyện về nhiều chủ đề, viết sách khuyên bảo về lẽ sống, giảng dạy về nghiệp vụ điều tra báo chí (mặc dù trong làng báo, bà Ni chưa đặt được dấu ấn nào mạnh mẽ và bền vững)… Nhưng, các tác phẩm báo chí đáng đọc khác thì không còn thấy đâu.

Đỉnh cao là việc mở văn phòng luật sư và luôn luôn xưng danh nhà báo - luật sư trong tất cả các thông tin về mình, mọi hoạt động của mình.

phuonghang3

Văn phòng luật Risk Free Law có sự tham gia của nhà báo/luật sư Hàn Ni ở Long An. Facebook Nhà báo Hàn Ni

Tư cách công và quyền lợi tư

Nhà báo học luật, đồng thời là luật sư không ít. Nhưng đây là hoạt động mà đạo đức nghề báo không tán thành.

Những người am hiểu xã hội Việt Nam biết rõ sức mạnh của báo chí lên dư luận, đặc biệt là các tờ báo chính thống từ đầu đến chân như báo Sài Gòn Giải Phóng, báo Nhân Dân, Đài phát thanh, Đài truyền hình… Xuất phát từ hoàn cảnh độc quyền thông tin hồi xưa, cho đến bây giờ vẫn còn không ít độc giả lớn tuổi vẫn cho rằng tất cả các thông tin được đăng/phát trên các tờ báo này đều tuyệt đối đúng, là chân lý.

Một số khác thì e ngại mối liên hệ phía sau của những lãnh đạo chủ quản tờ báo, một số cá nhân có uy quyền trong tờ báo (ví dụ người kêu gọi được lượng quảng cáo, tài trợ nhiều nhất về) hoặc ảnh hưởng của những độc giả đặc biệt (các quan chức, các lãnh đạo địa phương còn đương chức hay về hưu…). Một cú điện thoại của các bác này có thể là gây động rừng ở nơi khác.

Đáng lẽ bà Hàn Ni phải tách bạch được ba vai trò : một Đặng Thị Hàn Ni nhà báo chỉ được xưng danh này khi viết báo, đăng báo trên cơ quan báo mà bà đang làm việc ; một Đặng Thị Hàn Ni cá nhân, trên trang mạng cá nhân, nơi bà có thể tha hồ viết mọi thứ mà không có ai phản biện, xuất bản và chịu trách nhiệm giúp, và một Đặng Thị Hàn Ni luật sư, hỗ trợ pháp lý cho người có yêu cầu

Luật báo chí Việt Nam chưa cấm người làm báo làm các công việc khác song song. Nhưng, về mọi mặt, nghề báo và nghề luật sư mâu thuẫn với nhau : nhà báo có chức năng phụng sự sự thật, trong khi luật sư thì chức năng cao nhất là bảo vệ thân chủ.

Một trong những quyền lớn nhất của nhà báo là được tiếp cận với tất cả các nguồn tin, mọi cơ quan, mọi tổ chức để yêu cầu cung cấp thông tin, nhằm tiếp cận sự thật, phản ánh xã hội. Nhà báo là tư cách công. Còn quyền lợi mà luật sư được trả khi thực hiện hỗ trợ pháp lý là quyền lợi tư. Nhưng khi nhà báo cũng là luật sư, liệu họ có thể hoàn toàn trung thực để không mang tư cách công và các thông tin được nhận trên tư cách công ra phục vụ cho quyền lợi tư hay không ?

Những thông tin được cung cấp cho một nhà báo khi lọt vào tay luật sư sẽ giúp luật sư đó chiếm rất nhiều ưu thế với đối thủ. Tờ báo Sài Gòn giải phóng mà bà Ni đang làm việc cũng là tờ báo được các cơ quan Nhà nước quan tâm và vì nể nhất định so với các báo khác, vì nó là "tiếng nói của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh". Đó cũng là lợi thế rất lớn của các nhà báo làm việc tại đó. Nên, cá nhân, tổ chức nào có thể dám chắc và rạch ròi mình đang cung cấp thông tin cho nhà báo Đặng Thị Hàn Ni hay cho luật sư Đặng Thị Hàn Ni đây ?

Một luật sư đồng thời là nhà báo sẽ có thể viết bài trên báo theo hướng có lợi cho thân chủ của mình, từ đó định hướng dư luận nói chung. Và điều này đi ngược đạo đức nghề báo. Nhưng ở Việt Nam, đó là một ranh giới xam xám, nhờ nhờ mà nhiều người chọn cách chấp nhận, vì nó có lợi.

Với hào quang được thổi phồng một cách rất hướng đích và sự mạnh mẽ trong ngôn phong thể hiện trên mạng xã hội, bà Đặng Thị Hàn Ni khiến nhiều người tin vào sức mạnh của hai vai trò bà đang đảm nhận, đồng thời khiến họ nhầm lẫn giữa hai vai trò đó. Sự thiếu minh bạch cố ý đó khiến tôi phân vân khi xét đến tính trung thực của cả nhà báo Đặng Thị Hàn Ni lẫn luật sư Đặng Thị Hàn Ni.

Nguyễn Công Giang

Nguồn : RFA, 26/02/2023

**************************

Vừa là bị cáo, vừa là bị hại

Hà Nguyên, VNTB, 27/02/2023

Các bên liên quan trong vụ ‘chửi nhau trên mạng’, theo những gì đang diễn ra cho thấy việc hoán đổi tư cách tố tụng từ bị hại thành bị can và ngược lại có thể xảy ra xung đột vì tư pháp ở Việt Nam thiếu tính độc lập.

phuonghang4

Bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng.

Sau gần 1 năm kể từ khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, ngày 24/2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, bắt tạm giam bà Đặng Thị Hàn Ni cùng về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong vụ án này, bà Nguyễn Phương Hằng được xác định là bị hại.

Lập luận chung về pháp lý ở đây, đó là pháp luật không cho phép thực hiện một hành vi trái pháp luật để chống lại một hành vi trái pháp luật khác. Đối với hành vi đôi co trên mạng xã hội như bà Phương Hằng và bà Hàn Ni thì rất dễ dẫn đến tình trạng mình là bị hại, nhưng hành vi của mình cũng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.

Như vậy, bà Phương Hằng và bà Hàn Ni sẽ là bị cáo trong vụ án này và là bị hại trong vụ án kia. Những rối rắm, lẫn lộn có thể diễn ra qua cảm xúc có thể bị chi phối của "định hướng xét xử" và cả sức ép công luận.

phuonghang5

Bà Hàn Ni - Ảnh minh họa 

Đơn cử, theo quy trình thì chuyện xác định tư cách tố tụng tại phiên tòa hình sự sẽ như "đám rừng" đối với công chúng theo dõi vụ án này ; và càng rối rắm thì người ta càng luận bàn với đủ mọi thuyết âm mưu.

Nếu trường hợp lại có một kịch bản dẫn dắt dư luận để phục vụ mục đích "chính trị thời vụ" nào đó thì càng tệ hại hơn đối với thân phận pháp lý của các bên liên quan.

Theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật tố tụng hình sự, thì có đến 20 loại người tham gia tố tụng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau, bao gồm : 

1. Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố ;

2. Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố ;

3. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp ;

4. Người bị bắt ;

5. Người bị tạm giữ ;

6. Bị can ;

7. Bị cáo ;

8. Bị hại ;

9. Nguyên đơn dân sự ;

10. Bị đơn dân sự ;

11. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án ;

12. Người làm chứng ;

13. Người chứng kiến ;

14. Người giám định ;

15. Người định giá tài sản ;

16. Người phiên dịch, người dịch thuật ;

17. Người bào chữa ;

18. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự ;

19. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố ;

20. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật này.

Tuy nhiên trong số những người tham gia tố tụng quy định như trên, chủ yếu những người sau đây tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự : 

1. Bị cáo ;

2. Bị hại ;

3. Nguyên đơn dân sự ;

4. Bị đơn dân sự ;

5. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tới vụ án ;

6. Người làm chứng ;

7. Người giám định ;

8. Người định giá tài sản ;

9. Người phiên dịch, người dịch thuật ;

10. Người bào chữa ;

11. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự ;

12. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Việc quy định phân biệt những người tham gia tố tụng trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc giải quyết dân sự trong vụ án hình sự. Tư cách tố tụng được xác định về bản chất từ góc độ tố tụng hình sự và tố tụng dân sự.

Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, về bản chất pháp lý, có một số người tham gia với hai tư cách tố tụng, tùy theo từng lãnh vực giải quyết vấn đề là hình sự hay dân sự, cụ thể : Trong trường hợp bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại hoặc nguyên đơn, thì người đó tham gia tố tụng với hai tư cách : Bị cáo (trong lãnh vực hình sự) và Bị đơn dân sự (trong lĩnh vực tố tụng dân sự) ;

Trong trường hợp Bị hại được bồi thường thiệt hại, thì người đó tham gia với hai tư cách : Bị hại (trong lãnh vực hình sự) và Nguyên đơn dân sự (trong lãnh vực tố tụng dân sự).

Trong các trường hợp này, căn cứ vào quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án sẽ xác định tư cách tố tụng có quyền và nghĩa vụ bao trùm hơn, đảm bảo lợi ích của người đó cao hơn, đó là bị cáo trong trường hợp thứ nhất và bị hại trong trường hợp thứ hai…

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 27/02/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Công Giang, Hà Nguyên
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)