Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/03/2023

Võ Văn Thưởng thay Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước

Nhiều tác giả

Nếu Thưởng làm Chủ tịch nước ?

Viết từ Sài Gòn, RFA, 27/02/2023

Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết những người làm phong trào, làm công tác quần chúng, công tác thanh niên và công tác phát triển đảng (cộng sản) tốt đều phát triển lên những vị trí rất cao trong bộ máy chính trị, thậm chí phát triển lên lãnh đạo cao nhất như trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng, ông từng là lãnh đạo trong đội ngũ lý luận, phát triển Đảng cộng sản. Và kinh nghiệm cũng cho thấy, những lãnh đạo có nguồn gốc từ phong trào, từ công tác xây dựng đều rất kém năng lực trong phát triển kinh tế nhưng rất giỏi múa miệng. Thế nên, nếu Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước, thì chuyện gì sẽ diễn ra ?

vvt3

Ông Võ Văn Thưởng (thứ ba từ trái), thường trực Ban Bí Thư. (Hình : Zing)

Một giả định, nếu như lời của Giáo sư Carl Thayer đúng, ông Tô Lâm tự rút khỏi danh sách ứng viên Chủ tịch nước và ông Võ Văn Thưởng, người có khả năng trở thành tân Chủ tịch nước rất cao, thì, kinh nghiệm quan sát lại một lần nữa đúng, đó là những người làm công tác quần chúng, công tác đoàn đội, công tác bảo vệ đảng, phát triển đảng đã thắng trong cuộc cạnh tranh ghế quyền lực trong hệ thống Đảng cộng sản. Bởi với Đảng cộng sản, vấn đề xét công trạng xây dựng đảng được đánh đồng với công trạng xây dựng đất nước.

Và, điều đáng sợ nhất là hầu hết những người làm công tác đoàn thể đều là những người có học vấn rất kém, bất kì cán bộ lãnh đạo Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh ở xã nào, huyện nào, tỉnh nào (kể cả con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) cũng đều có học lực nhàn nhàn, thậm chí kém so với chúng bạn. Bởi ở độ tuổi từ 20 đến 25 là tuổi vào đại học, mơ tưởng xa xôi, cao vọng và chẳng mấy ai đủ rảnh rỗi để ăn quẩn cối xay ở xã, huyện mà họp vu vơ, múa hát, tổ chức những trò chơi nhảm nhí, kém trí tuệ và bị phản ảnh là dân "rỗi hơi". Thế nhưng, với những cô cậu thi rớt đại học, có nhiều bí thư đoàn rớt đại học năm năm liền, lại là cơ hội để bám trụ, giải sầu qua ngày và đương nhiên là cả phát triển.

Và, đương nhiên họ phải là con ông cháu cha, dù ở địa phương hay trung ương, họ phải có gốc gác, lý lịch đỏ, càng đỏ càng dễ phát triển. Và, nếu không đỏ thì họ đã chẳng vào đoàn làm gì, họ cũng như bao thanh niên lêu lổng khác rồi, ở đây, họ vẫn được lêu lổng nhưng lêu lổng một cách chính qui, có tổ chức, có đảng, nhà nước bảo trợ.

Và, hầu như bất kì cơ quan, đoàn thể trực thuộc nào nước nào, những cán bộ phong trào, cán bộ làm công tác xây dựng đoàn/đảng đều phát triển rất nhanh. Có một qui luật rất khôi hài là trong chế độ này, nếu lý lịch tốt thì càng dốt càng mau tiến thân. Vì sao ? Vì cùng lý lịch đỏ như nhau, nhưng người học giỏi, học khá thì vào đại học, vào cao đẳng, vào trường nghề để học, lại bước vào một chu kì mới (cũng có thể phát triển đoàn, đảng trong môi trường này và sau này lại lãnh đạo trong khối ngành của họ), còn người học yếu kém, bắt đầu chu kì quanh quẩn cối xay, ban đầu thì đi sinh hoạt đoàn, đi chỉnh âm thanh, đi làm phụ việc cho cơ quan địa phương, chừng nửa năm, một năm trì bắt đầu vào chu kì mới, được xét lý lịch, được đặc cách dự các lễ kết nạp đoàn, đối tượng đảng và chẳng mấy chốc lại vào Hội đồng nhân dân cấp xã, cứ như vậy, chẳng bao lâu làm Bí thư đoàn xã, rồi Phó Chủ tịch xã, rồi lại thăng tiến theo bằng cấp lý luận đảng, bằng trung cấp, cao cấp chính trị… Đến nước này, những tân cử nhân không thể đấu đá nổi ở thành phố lại chui về quê, lại quay lại với địa phương và nếu may mắn lắm, họ được một chân pha trà, chân thư ký hoặc một chân cán bộ chuyên trách nào đó trong xã, để nuôi hi vọng. Nhưng mà đừng tơ tưởng gì nhiều, bởi mọi thứ đã có sắp đặt, an bài.

Chính vì các lãnh đạo địa phương đều rất giỏi phong trào, tức họ đi sâu, đi sát quần chúng và đương nhiên họ tự hào vì "dám làm", bù cho nhiều người có trình độ, năng lực mà không "dám làm" như họ (đương nhiên kiểu lập luận này đã cố ý che đi câu hỏi : "Ai cho tao/mày làm mà dám với không ?" rồi !). Cứ như vậy mà thăng tiến, nên chi, nói về năng lực nói trước đám đông, khả năng diễn đạo đức, chuẩn mực và khả năng khuấy động, "quẩy" cho mọi thứ sôi động hoặc khả năng tuân thủ, biến mọi thứ thành chiến dịch quan trọng, hét ra lửa (như vụ chọt mũi đồng loạt gây chết chóc trong thời gian qua, nếu không có sự góp tay của cán bộ phong trào, chắc mẫm nó không thành công và gây chết đồng loạt đến như vậy !)… thì hầu như, năng lực làm kinh tế hoặc năng lực tổ chức, củng cố văn hóa xã hội của lớp cán bộ này rất yếu, cực kì tệ mạt. Bởi họ không có trình độ, họ kém tư duy và họ chỉ quanh quẩn trong công tác tổ chức, xây dựng đảng. Trong khi đó, vấn đề quản lý kinh tế xã hội lại là vấn đề bao quát, nó đòi hỏi tư duy sắc sảo và hiểu biết ở tầm vĩ mô, có cái nhìn vượt ngoài lũy tre làng, vượt ngoài cây cầu huyện và thậm chí vượt ngoài bờ biển quê hương, đòi hỏi phải có cách nhìn thông thoáng, linh hoạt và thông minh. Những tố chất này, hầu như cán bộ phong trào không thể có.

Và bằng chứng cho sự "không có" này là các sinh hoạt phong trào của họ, nếu không may được phổ biến thì liền ngay đó bị ném đá tơi tả vì tính thiếu văn hóa, kém trí tuệ và dung tục của nó. Với nền tảng tư duy, văn hóa cũng như kiến thức như vậy, khi làm lãnh đạo, họ lại dùng thế mạnh quẩy, khuấy động phong trào để "an dân". Và hệ quả của nó ra sao, chắc cũng không cần bàn thêm. Nhưng, có điều đáng sợ là bất công xã hội ngày càng cao ngất, bởi chính những lãnh đạo thiếu chuyên môn này đã gây ra không ít các lỗ hổng đạo đức từ địa phương đến trung ương. Một mặt chính họ gây ra, từ các vụ nhân danh nhà nước cướp đất của dân đến các vụ cho vay nặng lãi hay phá rừng, tàn phá tài nguyên thiên nhiên đều đến từ nguyên nhân cán bộ thiếu năng lực, giỏi ngồi quán bia hơn ngồi văn phòng, giỏi bàn chuyện kinh tế trong karaoke hơn trên bàn làm việc. Và đến lúc này, hệ quả của nó tràn lan, nhưng tại sao Đảng vẫn chọn những cán bộ xây dựng phong trào, những cán bộ xây đựng đảng để phát triển ?!

Bởi hơn ai hết, chỉ có loại cán bộ này mới đủ cố chấp, đủ ngu xuẩn để tin rằng độc tài, toàn trị là nền tảng phát triển xã hội và chỉ có "Đảng" (mà họ là đại diện ưu tú) mới là người lãnh đạo sáng suốt, tối thượng của dân tộc này. Và để bảo vệ đảng, để bảo vệ cái ghế quyền lực nhằm bảo kê cho những tội lỗi phía trước cũng như nhằm che chắn, loa lấp cho các hệ lụy sau này, đảng buộc phải chọn cán bộ xây dựng đảng làm nòng cốt, chấp nhận sự trung thành dốt nát hơn là sự thông minh, sáng suốt mà không quản lý được. Đó là một thực tế.

Chính vì vậy, ở cấp trung ương, nếu tìm người có trình độ ngang với Võ Văn Thưởng, có lẽ phải chở cả mấy chuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông cũng chưa hết, nếu tìm những người giỏi hơn Thưởng, có lẽ phải vài chục chuyến xe buýt Hà Nội - Chương Mỹ cũng chưa hết, và những người giỏi ở mức Thưởng chỉ ngồi há mồm nghe mà không hiểu gì, chắc cũng vài chuyến xe buýt. Nghĩa là xét về trình độ văn hóa, tri kiến xã hội cũng như năng lực làm kinh tế thì Thưởng không có bất kì chút số má nào. Thế nhưng, xét về công trạng xây dựng và bảo vệ đảng, Thưởng là số một. Đương nhiên, xét về tư cách đảng, Thưởng cũng số một vì Thưởng chưa bị bóc phốt lấn nào (chứ chuyện dính chàm hay không thì hạ hồi phân giải), giữa lúc thời thế nhiễu nhương, niềm tin vào Đảng cộng sản bị lung lay như vậy, nếu có một người mà quyền lợi, sinh tồn của họ song hành với quyền lợi, sinh tồn của đảng, nếu không có đảng, họ bị vứt vào sọt rác như Thưởng, thì còn gì tuyệt với hơn việc Thưởng lên làm lãnh đạo. Chí ít, trong công cuộc "đốt lò" sắp tới cũng như trong công cuộc tung hứng quyền lực sắp tới, cùng một hội, một thuyền, cùng một khuynh hướng như Thưởng với Trọng thì còn gì bằng Trọng Thưởng !

Chính vì lẽ này, mà gần đây, cán bộ có năng lực cho dù ngồi ở ghế cao ngất cũng bị đá hất, cán bộ phong trào, cán bộ có công bảo vệ đảng và cán bộ xây dựng đảng, cho dù năng lực ù ù cạc cạc vẫn lên vèo vèo như diều gặp gió. Bởi, đảng cần những con chó trung thành giữ nhà hơn những con người văn minh mà khó quản !

Và, nếu Võ Văn Thưởng lên làm Chủ tịch nước, thì đương nhiên, Đảng cộng sản lại một lần nữa quay lại thời kỳ vàng son gắt máu với điệp khúc "nghèo thì kêu viện trợ" của nó. Bởi có những con người, họ biết làm gì khác ngoài vâng phục, cười, giả lả với bề trên, đe nẹt, mặt lạnh với cấp dưới và xin xỏ trở thành khả năng đặc trưng !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 27/02/2023

***************************

"Thượng tầng" Ba Đình với hai phiên họp đặc biệt

Hai Lúa, RFA, 01/03/2023

Ngày 1/3/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban chấp hành trung ương khóa 13 đã họp để xem xét và cho ý kiến về công tác cán bộ. Ban chấp hành trung ương đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026. Lại một kỳ họp đặc biệt nữa, lần thứ ba trong vòng ba tháng, cả Trung ương lẫn Quốc hội. Các hãng thông tấn "vỉa hè" đã thi nhau đưa tin về nghị trình của sự kiện "hai trong một" này từ cả chục ngày nay.

thuong1

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng - người vừa được Đảng chọn làm Chủ tịch nước - AFP

Những diễn viên đóng thế 

Đảng cử, Quốc hội bấm nút ! Dù báo chí "mậu dịch" vẫn giấu tên "ứng cử viên", nhưng cả bàn dân thiên hạ đều đã biết, ông Võ Văn Thưởng sẽ là tân Chủ tịch nước, còn các Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương bổ sung thì chẳng mấy ai để ý. Ngày khai mạc hai cuộc họp nói trên, những tin tức về nhân sự đã trở nên lạc hậu. Vấn đề nóng bỏng mà dư luận quan tâm, đó là liệu Tổng bí thư có xử lý tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính như đã xử lý nguyên Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hay không và ông Trọng sẽ chuẩn bị phóng những "chưởng" nào để chế ngự "cơn sóng thần" bất chợt có thể ập đến giữa các hội nghị bất thường này ?

Trước hai kỳ họp lần này, các trang mạng "lề phải" đua nhau đăng các bức ảnh chụp đám mây tỏa ánh hào quang trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh là quê ông Trần Lưu Quang – Phó thủ tướng). Không biết đấy có phải là quầng mây chiếu sáng dương trần mang lại nhiều phước lành cho xứ sở như cách giải thích của dân chúng ở địa phương ? (1 )

Ngày 20/2/2023, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc Phòng Úc, đã đưa ra một số nhận định về các chuyển động trên thượng tầng chính trị Ba Đình trong bài "Việt Nam sẽ chỉ định tân chủ tịch nước" (2 ). Tuy nhiên, bài viết này có một số dữ liệu cần "chấn chỉnh". Thứ nhất, nếu Ban chấp hành trung ương Đảng chấp thuận sự chỉ định ông Thưởng, thì việc Quốc hội bấm nút để ông Thưởng ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch nước có thể sẽ được tiến hành chóng vánh hơn, chứ không nhất thiết phải chờ đến ngày 20/5/2023, tên của ông Thưởng mới chính thức được đệ trình lên Cơ quan Lập pháp. Thứ hai, việc ông Võ Văn Thưởng sẽ vào "Tứ trụ" và ông Trần Lưu Quang trở thành Phó Thủ tướng thường trực tuy không phải là bước ngoặt về đường lối, nhưng liệu có thể hy vọng mở ra một thời kỳ "hưu chiến" trong cuộc đấu giành ghế trên thượng tầng chính trị của Hà Nội, để xã hội được yên ổn làm ăn hay không ?

Dẫu sao, việc nổi lên hai thành viên mới trong elites lãnh đạo ở Ba Đình có gốc gác từ Nam Bộ sẽ củng cố vững chắc thêm cơ cấu vùng miền, để cánh miền Nam đỡ thắc mắc như lâu nay. Nhưng kể cả khi Võ Văn Thưởng là vị Chủ tịch nước đầu tiên trẻ nhất của Việt Nam, ở độ tuổi 52 (xưa nay hiếm), thì dư luận xã hội vẫn cho rằng, cả Thưởng lẫn Quang vẫn chưa thể có ảnh hưởng lớn ; cả hai chỉ là những "cascadeurs" – những "diễn viên đóng thế" (cascadeurs) – không hơn không kém. Theo lý lịch, Võ Văn Thưởng có học vị Thạc sĩ Triết học, Cao cấp Lý luận chính trị. Cho nên dư luận không mấy ngạc nhiên khi truyền thông tường thuật lời huấn dụ nhân danh Thường trực Ban bí thư rằng : "Nói… như Bác Hồ thì cán bộ phải gương mẫu, phải đi trước để làng nước theo sau. Phải biết lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân" (3 ). Nhưng than ôi, câu này ông Hồ cũng chỉ nhắc lại ; gốc gác sấm truyền này là từ Phạm Trọng Yêm (989 – 1052) – nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống.

Ở vị trí gần với ngôi "Nguyên thủ Quốc gia", thiết nghĩ ông Võ Văn Thưởng nên đưa ra những khuyến nghị có viễn kiến thay cho việc cóp nhặt tư tưởng Đông – Tây từ tâm thế ngộ nhận quyền lựcLãnh đạo ngày nay không chỉ là tiên liệu. Thời đại công nghệ số, lãnh đạo nhất thiết phải là những nhà kỹ trị (technocrats), nhưng không đơn thuần biết kỹ năng quản trị, mà còn phải là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Lãnh đạo hiện đại càng cần phải có kỹ trị, tức là sự hiểu biết và kỹ năng trong mối liên kết đa ngành mình chịu trách nhiệm. Riêng Việt Nam còn cần phải có thêm mưu mô, thế giới thì gọi là mưu lược ! Nhớ lại thời trị vì của Chủ tịch Lê Đức Anh, ông đã "ngồi xổm" lên trên cả Tổng bí thư lẫn Thủ tướng để điều hành quốc gia (Chí ít, quân thần hồi ấy còn sợ). Đằng này cứ hô to mãi khẩu hiệu chính trị suông như Thưởng, chỉ tổ đẩy người dân "nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị" (Nỗi lo được thốt ra bằng lời của chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) (4). Cứ dựa mãi vào "Tứ thư Ngũ kinh" bên Tàu, làm thế nào tạo dựng được động lực cho mọi tầng lớp xã hội, tạo dựng các năng lượng tích cực và đầy cảm hứng, cũng như phát triển và nâng cao kỹ năng cho môi trường xung quanh mình ?

thuong2

Các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam tại Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 31/2021 : (từ trái qua) Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. AFP

Các "phản đòn" chống lại Tổng Trọng

Võ Văn Thưởng sở dĩ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lựa chọn, vì ông đạt được một tiêu chí ít ai sánh kịp. Đó là sống chết thề trung thành với chủ tướng, ít nhất là cho đến thời điểm bây giờ. Thưởng cùng với bộ sậu đã giúp ông Trọng ra được ba bộ sách "lớn" (5 ). Cùng với Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, ông Thưởng cúc cung tận tụy xây dựng hình ảnh ông Trọng vượt lên trên các bậc đàn anh Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh về lý luận Mác – Lênin (Hậu duệ như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu… không chấp). Nói "vượt lên trên" là vì các các đồng chí Ba (Duẩn) – Đồng – Chinh – Bằng – Tôn (Nguyễn Lương Bằng và Tôn Đức Thắng) chỉ dám ra "sách đỏ" (Tuyển tập các bài do Thư ký viết) sau khi các vị ấy đã "băng hà". Ngược lại, "trước tác" của ông Trọng (dĩ nhiên cũng là do Ban Thư ký chấp bút) ra đời khi ông còn tại chức, dù lết không vững !

Tuy nhiên, gần đây có "lực lượng thù địch" nào đấy đang "chọc ngoáy" và "phản đòn" chống lại Tổng bí thư. Các phiên bản điện tử của báo chí "mậu dịch" mất cảnh giác cách mạng đến mức, gần đây đã công khai một số tin tức có mức "rung lắc" cao đối với chế độ : 

Thứ nhất, đưa tin các ngư dân Quảng Nam cho tàu vô Hoàng Sa tránh bão, bị Trung Quốc tịch thu hải sản, phá hoại ngư cụ. Không giúp người hoạn nạn, Trung Quốc còn giở trò cướp bóc dã man ! Qua đó cho thấy mấy chữ vàng bốn tốt cũng như cái huân chương "đầy những đầu lâu" mà ông Trọng vừa nhận, chỉ là "trò mèo" chính trị. 

Thứ hai, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho biết, trong 20 ngàn chi tiết làm nên chiếc xe hơi, Việt Nam chỉ sản xuất được con ốc vít gắn biển số xe. Từ điều này suy ra, nguyên cả chiếc xe VinFast bán trên thị trường là do nước khác làm chớ không phải của Việt Nam. Sau nửa thế kỷ tiến lên chủ nghĩa xã hội, trí tuệ Việt ngày nay tệ hại đến thế này sao ? 

Thứ ba, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Đà Nẵng bị bắt, không phải vì đòi tự do học đường, tự do học thuật, mà vì liên quan đến biển thủ tiền bạc (6 ). Báo chí "cách mạng" thế này thì làm thế nào thể hiện được "ý chỉ" của Tổng bí thư : "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Nghiêm trọng hơn, bọn "lề trái" mấy ngày nay đang hô hào Tổng bí thư là kẻ tham nhũng lớn nhất nước, đề nghị phải xử lý ! Bọn này học mót đâu ra, nói tham nhũng chính trị, tham những quyền lực là trọng tội !

Nói đến tự do học đường và học thuật cho thanh niên và sinh viên, Tổng bí thư Trọng có thể không biết, vả lại ông cũng chẳng thèm quan tâm. Nhưng các đồng chí "bò đỏ" (nhung nhúc hàng vạn hồng vệ binh A47) và Ban Tuyên giáo thì đã canh rất kỹ, không cho lọt bất cứ một dòng tin, chứ chưa nói tới hình ảnh về "phong trào Hoa Hướng Dương" ở Đài Loan tháng 3/2014. Giới trẻ "Dâu Tây" đã thực sự bùng nổ khi một nhóm các nhà hoạt động dũng cảm đã chiếm giữ Lập pháp viện (Nhà Quốc hội) trong 23 ngày (7 ). Đồng chí Tổng bí thư biết không, vào thời điểm đó, hơn 20 hiệu trưởng các trường đại học nổi tiếng nhất Đài Loan đã gửi Khuyến cáo lên Tổng thống Mã Anh Cửu, yêu cầu cấm công an đàn áp sinh viên. Sinh viên được nhà trường cho nghỉ học, giáo sư và giáo viên nhiều trường tình nguyện tiếp tế thực phẩm cho các em những ngày tuổi trẻ Đài Loan yêu cầu chính quyền không được lệ thuộc quá sâu vào Trung Hoa đại lục. Phải tay Tổng bí thư, chắc đồng chí đã lệnh cho Đại tướng Tô Lâm phải "tắm máu" ngay đối với hàng vạn sinh viên ấy, đồng chí nhỉ ? (8)

Cho nên rồi đây, lịch sử sẽ "vinh danh" Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bên cạnh các tên tuổi như : Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin, Thống chế Than Shwe và cha con Kim Chính Nhật – Kim Chính Ân (Kim Jong-il và Kim Jong-un)… Không biết lúc bấy giờ các "sử quan" xứ Đông Lào có dám viết lại việc đồng chí đã "hạ bệ" Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một cách ngoạn mục như thế nào vào thời điểm "năm cùng tháng tận" Tết Nhâm Dần không nhỉ ? Dù sao, hình như Ban cố vấn của Tổng bí thư cũng sáng suốt, tuy không còn "Hòa thân" Hỗ Mẫu Ngoạt bên cạnh. Có tin là Trung ương tới đây chưa "đàn hặc" Thủ tướng Phạm Minh Chính như đã xử lý Bảy Phúc. Tỷ lệ các đồng chí phản đối công khai việc "hất ghế" Bảy Phúc khiến Tổng Trọng giật mình ! Vì vậy, nay ông đang lo phải đối mặt với "cơn sóng thần" bất chợt có thể ập đến giữa các hội nghị đặc biệt kỳ này. Việc cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang "quay xe", không thèm ra Ba Đình gặp gỡ nguyên lãnh đạo các thế hệ, khiến ông Trọng phải đề phòng nguy cơ bất ổn ngay trên "thượng tầng" (9 ). 

Hai Lúa (Sài Gòn)

Nguồn : RFA, 01/03/2023

Tham khảo :

1. https://zingnews.vn/xuat-hien-quang-may-sang-cuc-la-tren-dinh-nui-ba-den-post1402067.html

2. https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20230223-ai-s%E1%BA%BD-l%C3%A0-t%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-vi%E1%BB%87t-nam

3. https://nld.com.vn/chinh-tri/thuong-truc-ban-bi-thu-vo-van-thuong-dan-la-goc-cua-moi-quyet-sach/20230220140103567.htm

4. https://vtc.vn/tong-bi-thu-nhat-dang-kho-doan-xa-roi-chinh-tri-duoc-khac-phuc-mot-buoc-ar720800.html

5. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/compare-books-written-about-general-secretary-nguyen-phu-trong-01192022122541.html

6. https://vietnamthoibao.org/vntb-nang-luc-that-su-cua-tong-bi-thu/

7. https://www.youtube.com/watch?v=Zojh-rnctVw

8. https://luatkhoa.org/2020/01/the-he-tre-da-thay-doi-chinh-tri-dai-loan-nhu-the-nao/

9. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/meeting-with-retired-leaders-vcp-wary-of-instability-in-leadership-02242023101701.html

**************************

Ông Võ Văn Thưởng chính thức giữ chức Chủ tịch nước

Quỳnh Nga, Công Thương, 02/03/2023

Sáng 2/3, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Võ Văn Thưởng.

vvt1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tuyên thệ trước Quốc hội và cử tri cả nước.

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14, Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24/11/2015 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV để kiện toàn nhân sự Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trình bày Dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, căn cứ Hiến pháp, các quy định của pháp luật, kết quả kiểm phiếu, Quốc hội quyết nghị : ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Đại biểu quốc hội khóa XV giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua

Kết quả biểu quyết, đã có 487/488 tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 98,38% tổng số đại biểu quốc hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Võ Văn Thưởng.

Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau khi Quốc hội bầu sẽ làm lễ Tuyên thệ trước Quốc hội.

Ông Võ Văn Thưởng sinh ngày 13/12/1970, vào Đảng ngày 18/11/1993, quê quán xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long, trình độ lý luận chính trị Cao cấp, trình độ chuyên môn Thạc sĩ Triết học.

Ông Võ Văn Thưởng là Ủy viên Bộ Chính trị Khóa XII, XIII ; Ủy viên Trung ương Đảng Khóa X (dự khuyết), XI, XII, XIII ; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Khóa XII ; Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIV.

Ông Thưởng cũng từng là Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (từ tháng 1/2007) :

- từ tháng 8/2011-4/2014 : được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi ;

- từ tháng 4/2014 - 10/2015 : được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ;

- từ tháng 10/2015 - 2/2016 : tái cử giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ; được Bộ Chính trị phân công điều hành công tác Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Võ Văn Thưởng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông được bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 2/2016, Võ Văn Thưởng được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Ngày 30/1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Ngày 31/1/2021, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Võ Văn Thưởng được bầu vào Bộ Chính trị khóa XIII.

Ngày 5/2/2021, tại Quyết định số 01-QĐNS/TW, Bộ Chính trị đã phân công Võ Văn Thưởng giữ chức Thường trực Ban Bí thư.

Quỳnh Nga

***********************

Đảng cộng sản Việt Nam chọn ông Võ Văn Thưởng làm chủ tịch nước

Thanh Phương, RFI, 01/03/2023

Theo hãng tin Reuters, hôm 01/03/2023, trong một phiên họp "bất thường", Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã chọn ông Võ Văn Thưởng làm tân chủ tịch nước, thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, từ chức vào đầu tháng 1 vừa qua. 

vvt2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước sáng 2/3 – Phạm Thăng

Báo chí chính thức hôm nay có loan tin là Ban Chấp hành Trung ương "đã quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026", nhưng không nêu tên cụ thể.

Năm nay 52 tuổi, hiện là Thường trực Ban Bí thư ông Thưởng là ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính Trị và được coi là một nhân vật thân cận với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng do ông Trọng phát động mà ông Nguyễn Xuân Phúc cùng với hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã buộc phải "xin thôi việc". 

Tân chủ tịch nước sẽ chính thức được Quốc hội bầu trong kỳ họp "bất thường" vào sáng 02/03 và sau đó sẽ làm lễ tuyên thệ trước các đại biểu. Tại Việt Nam, chủ tịch nước là một chức vụ phần nhiều là mang tính hình thức, nhưng đây lại là một trong những nhân vật lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ, cùng với Tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội. 

Theo Báo Điện tử Chính phủ, trong cuộc họp hôm nay, Trung ương Đảng cũng đã bầu bổ sung 3 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đó là các ông Nguyễn Mạnh Hùng, Đinh Hữu Thành, Lê Văn Thành.

Thanh Phương

**************************

Ông Võ Văn Thưởng được đề cử làm Chủ tịch nước

RFA, 01/03/2023

Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hôm 1/3 đã nhất trí chọn Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước theo đề nghị của Bộ Chính trị. Reuters trích dẫn các nguồn tin giấu tên biết rõ về vấn đề này cho biết như vậy.

thuong3

Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Võ Văn Thưởng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 1/2/2021 - AFP

Ông Võ Văn Thưởng, 52 tuổi, là người sẽ thay thế Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người vừa xin từ chức vào hồi tháng 1 vừa qua vì những sai phạm của cấp dưới.

Trang thông tin báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và các báo Nhà nước khác hiện chỉ mới đưa tin về quyết định giới thiệu nhân sự để bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021 – 2026 nhưng chưa có thông tin nào về việc ông Thưởng được bầu vào vị trí này.

Theo thủ tục, sau khi được Ban Chấp hành Trung ương bầu chọn, ông Thưởng vẫn phải được Quốc hội phê chuẩn chính thức trong một phiên họp bất thường dự định diễn ra vào ngày 2/3.

Hiện tại, quyền Chủ tịch nước do bà võ Thị Ánh Xuân – Phó chủ tịch nước đảm nhận cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới.

Ngay trước khi có tin về quyết định nhân sự mới của Đảng cộng sản Việt Nam, các nguồn tin ngoại giao và chuyên gia nước ngoài đã xác nhận về việc ông Thưởng sẽ là Chủ tịch nước sau khi Bộ trưởng Công an Tô Lâm - ứng viên nặng ký cho chức vụ này – xin rút lui và bày tỏ mong muốn hoàn tất hai nhiệm kỳ trong cương vị hiện tại.

Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận xét với Đài Á Châu Tự Do rằng ông Thưởng thích hợp với vị trí này vì "ông ta là một phần của bộ máy, ông ta sống và hít thở nó".

Vị chuyên gia về an ninh và chính trị Việt Nam nhận xét : "Sự nghiệp chính trị của ông ấy là làm công tác xây dựng Đảng, công tác quản lý cán bộ, lý luận, tuyển dụng, giảm quan liêu…".

Ông Võ Văn Thưởng bắt đầu sự nghiệp từ Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, sau đó được đề bạt là Bí thư Đoàn. Ông cũng có bằng về Chủ nghĩa Mác – Lênin, triết học và học ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Cũng trong ngày 1/3, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định bầu bổ sung ba Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII là các ông : Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Địa bàn I, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương ; Đinh Hữu Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình ; Lê Văn Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ.

Nguồn : RFA, 01/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quỳnh Nga, Thanh Phương, Hai Lúa, RFA, Viết từ Sài Gòn
Read 562 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)