Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/03/2023

Những nhà lập pháp đang… thất nghiệp (!?)

Cát Tường – Phú Nhuận

Làm sao luôn phải bảo đảm "ngon, bổ, rẻ"

Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp. Vậy thì vì sao đến nay quyền nay không được sử dụng để giải quyết hàng loạt vướng mắc về pháp lý của y tế nước nhà ?

quochoi1

Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã nghĩ ra một loạt giải pháp nhằm đưa sữa công thức trở lại các kệ hàng, sau một vụ sữa nhiễm vi khuẩn chết người buộc hãng Abbott phải đóng cửa nhà máy ở Michigan.

Nhìn từ nước Mỹ để thấy sự thờ ơ của quan chức Việt Nam

Tin tức từ Mỹ cho thấy dường như các đại biểu quốc hội ở Việt Nam quá thụ động, với ít nhiều thái độ vô cảm đối với sức khỏe của nhân dân. Theo đó, các nhà lập pháp Mỹ hiện đang cố gắng xoay chuyển các chính sách thương mại nghiêm ngặt để thúc đẩy sản xuất sữa công thức (Baby formula/Substitut du lait) cho trẻ sơ sinh, nhưng vẫn bế tắc.

Theo ghi nhận của báo chí phương Tây, thì Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đã nghĩ ra một loạt giải pháp nhằm đưa sữa công thức trở lại các kệ hàng, sau một vụ sữa nhiễm vi khuẩn chết người buộc hãng Abbott phải đóng cửa nhà máy ở Michigan.

Nhưng không có nỗ lực nào trong số đó – bao gồm cả việc viện dẫn đạo luật sản xuất quốc phòng và miễn thuế cao đối với hàng nhập khẩu công thức – có thể giúp ngăn chặn được sự thiếu hụt sữa đã kéo dài 1 năm qua.

Các quan chức và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) vẫn chưa thống nhất về giải pháp, nhưng hầu hết đều đồng ý vấn đề chủ yếu do các chính sách của Mỹ gây khó khăn cho những công ty mới tham gia vào sản xuất.

Chỉ riêng nhà máy sữa của Abbott ở Sturgis, bang Michigan, chiếm thị phần khoảng 20% sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh ở Mỹ. Các đối thủ cạnh tranh của Abbott như Mead Johnson, Nestlé SA và Perrigo Co. không thể bù đắp sự thiếu hụt khi nhà máy này đóng cửa.

Theo cuộc khảo sát mới nhất của Cục Điều tra dân số Mỹ, trong khi nguồn cung sữa công thức hiện tại tương tự như mức trước khủng hoảng, nhiều người Mỹ cho biết họ vẫn phải vật lộn để tìm sữa công thức trong các cửa hàng.

Ở Việt Nam, chuyện khủng hoảng y tế kéo dài và đa dạng hơn nhiều chứ không riêng chuyện sữa công thức như nước Mỹ.

Đơn cử hồi dịch giã Covid-19, với lệnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được đi kèm với súng ống và sắc phục quân đội là "ai ở đâu ở yên đó" cho chính sách khắc nghiệt của "Zero covid" đã khiến trẻ em không có sữa để sử dụng ; vì phụ huynh không được phép bước ra khỏi nhà, và các ngõ đường đều bị giăng dây có lính gác nên trong giai đoạn ngặt nghèo nhất, giới shipper cũng dù được ‘thẻ ưu tiên’ cũng phải chịu thua.

Hậu dịch giã đã đẩy luôn ngành y tế Việt Nam vào cuộc khủng hoảng của vật tư, thiết bị y tế – hay nói đúng hơn, thì hậu dịch chỉ là ‘giọt nước tràn ly’…

quochoi2

Bệnh viện thiếu thuốc, cạn kiệt vật tư : người bệnh tới khám, cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức vẫn rất đông trong ngày 1/3

Quan chức Việt Nam : làm ít – sai ít ?

Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, kể :

"Giữa năm 2022, hàng loạt bệnh viện, vừa kiệt quệ sau Covid-19, tiếp tục đối diện với khủng hoảng thiếu thuốc. Lúc đó, tôi đã đề nghị xem lại quy trình đấu thầu hiện nay. Yêu cầu mua sắm "ngày càng phải rẻ" khiến thuốc chất lượng thấp tràn vào bệnh viện, bệnh nhân dần mất niềm tin vào bảo hiểm y tế.

Sau đó, những vướng mắc liên quan đến Luật Dược và các quy định về đấu thầu mua sắm quốc gia phần nào được tháo gỡ nhờ Nghị quyết 80/2023 ban hành đầu tháng 1. Nhưng không lâu sau, hệ thống y tế công trên cả nước, đặc biệt là ở hai thành phố lớn, tiếp tục thiếu vật tư y tế trầm trọng, dẫn đến tình trạng hoạt động cầm cự, thậm chí phải hoãn mổ, kê tạm thuốc giảm đau cho bệnh nhân.

Vì sao đến nỗi như vậy ?

Ngành y tế có ba chân kiềng – dự phòng, điều trị và cung ứng – liên quan chặt chẽ với nhau và đều đang lung lay : dự phòng yếu nên bệnh nhân nhiều, gây quá tải điều trị và trở nên thê thảm hơn khi cung ứng bị khủng hoảng, không đáp ứng được yêu cầu về thuốc, trang thiết bị…

Thực trạng này cần nhìn nhận như một tất yếu khách quan do các chính sách, quy định không phù hợp kéo dài nhiều năm, càng sửa càng rối. Đơn cử như vấn đề cung ứng, làm thế nào để thoát cảnh cạn kiệt về vật tư, máy móc ở các bệnh viện ?

Điều kiện tiên quyết là phải có tiền để mua. Với khả năng hạn hẹp của ngân sách nhà nước, các bệnh viện công khó được trang bị đầy đủ và kịp thời máy móc hiện đại, nhất là các bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh, các vùng khó khăn.

Hành trình đi xin đầu tư, lập dự án mua trang thiết bị luôn rất gian nan, không loại trừ có tiêu cực. Quá trình trang bị máy móc cho hệ thống bệnh viện có phần đóng góp rất lớn của chính sách xã hội hóa, liên doanh liên kết, và nỗ lực của các bệnh viện trong mục tiêu nâng cao y hiệu, chất lượng điều trị.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có tổng kết trên quy mô quốc gia, để đánh giá vai trò của Nhà nước trong việc trang bị máy móc cho các bệnh viện công, và làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng thiết bị lạc hậu sau nhiều năm chờ đợi thủ tục.

Thiếu thì phải mua bổ sung thông qua đấu thầu. Tiêu chí đầu tiên để tham gia thầu là trang thiết bị phải có số lưu hành và giấy phép nhập khẩu. Hai khoản này chậm chạp, vướng mắc triền miên, thường được gia hạn năm một bằng các nghị định.

Mới đây Chính phủ ra Nghị định 07/2023 sửa đổi một số điều của Nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế, chủ yếu gia hạn hiệu lực số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đến 31/12/2024.

Nghị định 07 chỉ giải quyết được vướng mắc về số lưu hành và giấy phép nhập khẩu. Theo tôi, Chính phủ cần xem lại về quy chế gia hạn tự động số lưu hành và giấy phép nhập khẩu, nếu không, đến hết 2024 khó khăn sẽ tiếp diễn.

Vướng mắc chủ yếu chưa gỡ được là sức ép làm sao luôn phải bảo đảm "ngon, bổ, rẻ".

Vấn đề giá cả, quy trình mua sắm các trang thiết bị đã bộc lộ nhiều vấn đề và đang là đối tượng của cơ quan điều tra các cấp. Việc mua sắm trang thiết bị (thường đắt tiền) ở đâu cũng phải kiểm soát được thất thoát – kể cả hệ thống tư nhân.

Nhưng hệ thống tư nhân không bắt buộc đấu thầu, không tự trói mình. Còn hệ thống công lập luôn phải loay hoay "tránh bẫy", vì sợ vướng mắc quy định pháp lý về xây dựng giá dự toán, giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu…".

…Với những nhận xét trên cho thấy ở đây lỗi thuộc về Quốc hội, khi họ đã không sử dụng quyền lập pháp để tu chỉnh Luật Đấu thầu cùng các văn bản pháp quy liên quan.

Cát Tường – Phú Nhuận

Nguồn : VNTB, 09/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Cát Tường – Phú Nhuận
Read 337 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)