Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/03/2023

"Khởi nghiệp" tâm linh

Ngọc Lan

Tôn giáo là cơ hội để tiền đẻ ra tiền

Ngày 7/3/2023, tại Samten Hills Dalat, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, tổ chức Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao tặng "Chứng nhận Không gian văn hóa tâm linh" dành cho Không gian Phật giáo Kim cương thừa bên trong Không gian văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat.

samten1

 Không gian văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng

Thông cáo báo chí từ ban tổ chức cho biết, không gian Samten Hills Dalat được sáng lập từ ý chí Đại lão hòa thượng Drubwang Sonam Jorfel Rinpoche của dòng truyền thừa Drikung Kagyu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Phật giáo Kim cương thừa tại Việt Nam.

Đại lão hòa thượng Drubwang Sonam Jorphel Rinpoche là Viện trưởng tu viện Drigung Kagyud Rinchen Palri, Nepal.

Hồi dịp Tết Quý Mẹo vừa qua, một chuỗi hoạt động lễ hội Phật giáo đã diễn ra tại Đại bảo tháp Tây Thiên (Đại Đình, Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Đức Gyalwang Drukpa và Tăng đoàn đến từ Ấn Độ chủ trì các buổi lễ cầu quốc thái dân an, gia trì cho các Phật tử cũng như du khách hành hương. Các nghi lễ văn hóa Phật giáo mang đậm màu sắc Kim Cương thừa thu hút đông đảo du khách tới chiêm bái.

Tin tức liên quan đến sự kiện trên được ban tổ chức gửi đến báo chí có nội dung như sau : Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo theo phong cách Kim Cương thừa được khởi công từ 2011. Khi hoàn tất, quần thể này sẽ bao gồm 5 tòa tháp nổi trên mặt nước. Hiện nay tháp chính đã được hoàn thiện sẵn sàng đón du khách thập phương đến hành hương chiêm bái.

Sáng mùng 6 Tết, Đức Gyalwang Drukpa – Vị đứng đầu Truyền thừa Phật giáo Ấn Độ Drukpa – đã cắt băng khánh thành 5 đường nhiễu trong vườn Phật uyển bao quanh tòa tháp chính. Đây là 5 đường tròn khép kín với các màu sắc thể hiện Không, Thủy, Hỏa, Phong và Địa. Theo quan kiến Phật giáo, đây là biểu trưng cho Ngũ Đại hình thành nên vũ trụ và con người.

Đức Gyalwang Drukpa giảng giải : "Khi đi nhiễu Bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, với tín tâm sâu sắc, chúng ta sẽ tạo ra những năng lượng tích cực, khai mở tâm và viên mãn mọi mong nguyện. Khi nào thấy mệt mỏi, chúng ta có thể nhiễu Bảo tháp để đón nhận nguồn năng lượng an lành của vũ trụ giúp phục hồi sức khỏe, an lạc thân tâm".

Để kỷ niệm 15 năm đến Việt Nam và hoằng pháp của Đức Gyalwang Drukpa, một triển lãm ảnh về các hoạt động của Ngài cũng được trưng bày tại Đại bảo tháp.

Hôm 7/3/2023, gây ấn tượng mạnh với du khách bên trong Không gian văn hóa tâm linh Samten Hills Dalat là khu chánh điện và công trình Đại bảo tháp kinh luân Drigung Kagyu Rinchen Khorchen Khorwe Go Gek.

Đại bảo tháp được làm bằng đồng tinh khiết, dát vàng 24K với trọng lượng 200 tấn, chiều cao 37,22m, đường kính 16,53m, đã xác lập kỷ lục thế giới – Guinness World Record vào cuối năm 2022 và đã trở thành Đại bảo tháp kinh luân lớn nhất thế giới.

samten2

Chủ đầu tư Samten Hills Dalat, theo giấy phép là Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Kim Phát.

Hiện nay chưa rõ là sắp tới đây Samten Hills Dalat có tổ chức những khóa tu tương tự như Đại bảo tháp Tây Thiên hay chỉ dừng lại là nơi nghỉ dưỡng tâm linh mang màu sắc huyền bí của bùa chú từ Mật tông Tây Tạng, hay Kim cương thừa.

Mặc dù đôi khi còn tranh luận về việc Phật giáo Mật tông Kim cương thừa (Vajrayana) là một nhánh khác của Phật giáo Đại thừa hay là một con đường khác biệt bên cạnh Phật giáo Đại thừa (Mahayana) và Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada). Đây là cách mà truyền thống Phật giáo hiểu chính nó, như là "sự quay trở lại" cuối cùng của giáo lý Đức Phật.

Người ta cho rằng, Phật giáo Mật tông xuất hiện từ Đại thừa ở Ấn Độ, có lẽ trong thế kỷ thứ 6-7. Nó nhanh chóng lan rộng ra khỏi Ấn Độ và được thành lập ở nhiều nơi trên thế giới như Nepal, Bhutan và Mông Cổ, nhưng đặc biệt nhất là ở Tây Tạng, nơi nó trở thành hình thức chính của Phật giáo. Thật vậy, Kim cương thừa thường được gọi là "Phật giáo Tây Tạng".

Mặc dù nó xuất hiện như là một phản ứng đối với chủ nghĩa triết học của Phật giáo Ấn Độ, và có thể đã được dự định trở lại với giáo pháp và thực hành ban đầu của Đức Phật, Phật giáo Mật tông nhanh chóng phát triển thành một hệ thống triết học và lễ nghi phức tạp.

Kim cương thừa cũng đôi khi được gọi là "Phật giáo Mật tông", một sự mở rộng bí truyền của tư duy và thực hành Phật giáo, nó tự coi mình như một con đường nhanh chóng và hiệu quả nhất để giác ngộ. Cũng giống như Phật giáo Đại thừa, Kim cương thừa nhấn mạnh vai trò của Bồ Tát, nhưng truyền thống có xu hướng thiên vị các vị thần hung dữ và mở rộng đáng kể hệ thống các vị Bồ Tát.

Nghi lễ thường sử dụng các thần chú mật tông (công thức bí truyền), Mạn-đà-la (sơ đồ và các bức tranh được sử dụng trong thực tiễn ảo hoá) và một loạt các nghi lễ khác. Sự nhấn mạnh lớn được đặt trên vai trò của các vị Đạo sư trong Kim cương thừa.

Đó là những người đã làm chủ được truyền thống triết học và lễ nghi. "Guru" hay "Lama" là tên gọi những bậc thầy vĩ đại của Phật giáo Mật tông, những người phục vụ cho chính trị và lãnh đạo tôn giáo với Đức Đạt Lai Lạt Ma là người được biết đến nhiều nhất của Tây Tạng.

…Như vậy với cái nhìn tổng quát từ hai sự kiện trên diễn ra khá gần nhau ở đầu năm Quý Mẹo 2023, cho thấy dường như bước đầu quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam cởi mở hơn, nhưng đó không phải vì chính quyền ‘mở cửa’, mà là cuốn theo đồng tiền của nhà đầu tư, và tôn giáo là cơ hội để tiền đẻ ra tiền.

Ngọc Lan

Nguồn : VNTB, 08/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Lan
Read 296 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)