Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/03/2023

Dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma

Ngọc Linh Lan - Tạ Duy Anh

Vì sao Tổng bí thư không dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma ?

Ngọc Linh Lan, VNTB, 15/03/2023

Dường như trong suốt gần 3 nhiệm kỳ là Tổng bí thư, chưa lần nào báo chí đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng đến dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.

danghuong1

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại khu mộ gió của 64 anh hùng, liệt sĩ - Ảnh : X.T

Hàng năm, gần như người ta chỉ đọc tin về cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang thực hiện các nghi thức tưởng niệm những người lính đã ngã xuống để bảo vệ biển đảo Việt Nam trước quân xâm lược Trung Quốc.

Kỷ niệm 35 năm trận chiến bảo vệ Gạc Ma – Quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa (14/3/1988 – 14/3/2023), tối 13/3, tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đến dự có nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang ; nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình.

Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, hoa tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, ở xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Và lần đó là lần đầu tiên sau 34 năm xảy ra vụ thảm sát Gạc Ma, một ủy viên Bộ Chính trị đang đảm nhận vai trò Thủ tướng, chính thức tham dự tưởng niệm 64 người lính vị quốc vong thân ở biển Đông.

Quan sát trên mạng xã hội, không khó nhận ra là kể từ lúc Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đã cố tình lờ đi những anh hùng, liệt sĩ vị quốc vong thân khi đối đầu với Trung Quốc cả ở biên giới Việt – Trung suốt từ cuối thập niên 1970 đến cuối thập niên 1980, lẫn biển Đông.

Thậm chí, có giai đoạn, hoạt động tưởng niệm do dân chúng tự tổ chức còn bị xem là "thủ đoạn nham hiểm của các thế lực thù địch", bị ngăn cản, bị đàn áp, bị… hài hóa như tổ chức… khiêu vũ ở tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) – nơi được chọn để tổ chức tưởng niệm !

Vì sao ông Tổng bí thư không tham gia các nghi thức tưởng niệm những người lính vị quốc vong thân trong chống quân xâm lược Trung Quốc ?

Có ý kiến lý giải rằng dường như ông Tổng bí thư ngại mích lòng ông bạn hàng xóm, vì nói gì đi nữa thì chức danh Tổng bí thư là tối cao trong hệ thống chính trị, nên nếu ra mặt – dù chỉ là thắp hương tưởng niệm, thì đây cũng là sự kiện để báo chí đưa tin rồi ‘tán hươu, tán nai’ ảnh hưởng đến tình đồng chí giữa Hà Nội với Bắc Kinh.

Điều nhận xét trên không võ đoán.

Cho đến hiện tại thì trên trang thông tin điện tử tổng hợp Soha vẫn còn bài viết tường thuật lời khẳng định của Tổng bí thư : "Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?…".

Số là vào sáng 8/12/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu quốc hội Hà Nội tại tổ bầu cử số 1 đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội), để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.

"Các bác thấy vấn đề Biển Đông chúng ta giải quyết như thế có đúng không ? Chuyện Biển Đông, càng ngày càng thấy tính đúng đắn của hướng giải quyết, vẫn đảm bảo được môi trường ổn định, hoà bình để phát triển.

Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không ?

Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không ? Để đảm bảo độc lập tự chủ, chơi với mọi nước nhưng không phụ thuộc vào ai mà các nước ta quan hệ, hợp tác đều phải nể trọng như vậy", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải và tự khen.

"Ta chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón 3 nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia…" – Tổng bí thư nhắc lại các diễn biến ngoại giao sôi động vào cuối tháng 11/2015 như minh chứng rằng điều mà ông đang tự hào không phải là cái bánh vẽ tuyên giáo nhằm lên dây cót chính trị.

Thế nhưng trong mắt quần chúng, có lẽ họ sẽ hài lòng hơn khi lễ tưởng niệm 35 năm trận chiến bảo vệ Gạc Ma – Quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa (14/3/1988 – 14.3/2023), nếu không thể vào được Khánh Hòa, thì tại sao ông Tổng bí thư không lập một đàn tế các anh linh người lính Việt Nam ngay giữa quảng trường Ba Đình, nơi có lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đàn tế này như một đàn xã tắc ngay thủ đô, qua đó càng củng cố thêm sức mạnh đại đoàn kết dân tộc của quân dân một lòng bảo vệ quê hương đất nước.

Và, ước gì ở đàn xã tắc ấy, gác qua mọi quyền uy chức tước, cá nhân công dân Nguyễn Phú Trọng lên tiếng đầy mạnh mẽ của tinh thần ‘cây tre quật khởi’ (mượn ý "ngoại giao cây tre" mà Tổng bí thư hay ví von), rằng, "Hãy luôn tỉnh táo, ghi nhớ tội ác tày trời này, cùng lịch sử hàng nghìn năm và hiện nay, trong quan hệ với nước láng giềng phương Bắc, để có đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, xây dựng cho bằng được mối quan hệ song phương quan trọng nhất, hệ trọng nhất của nước ta này thực sự hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp luật pháp và quan hệ quốc tế văn minh !"

Ngọc Linh Lan

Nguồn : VNTB, 15/03/2023

**************************

Trước Tượng đài Gạc Ma

Tạ Duy Anh, VNTB, 15/03/2023

Trong chuyến đi Cam Ranh lần ấy, chúng tôi du lịch, nghỉ ngơi là chính. Nhưng khi xe chạy qua con đường vắng vẻ có biển hiệu ghi địa chỉ huyện Cam Lâm, một người trong đoàn nói nhỏ : Khu tưởng niệm Gạc Ma ở đâu đây.

danghuong02

Hóa ra nó rất gần, từ nơi nghỉ, chỉ hơn chục phút đi taxi là chúng tôi đã có thể đến thắp hương, cúi đầu tưởng nhớ những đồng đội vĩnh viễn không trở về. Nước mắt nhiều người tự nhiên ứa ra. Tất cả chỉ biết im lặng, nhưng dường như đều hiểu rõ từng ý nghĩ trong đầu nhau.

Đứng trước Khu tưởng niệm Gạc Ma lần đầu tiên hôm đó, tôi cảm thấy có chút ấm lòng. Khu tưởng niệm hướng mặt chính thẳng ra biển, với cái nhìn bao quát từ trên cao. Tên tuổi, hình ảnh của các chiến sĩ Gạc Ma được khắc ghi chi tiết vào bia đá, đặt ở nơi trang trọng, nhiều ánh sáng. Tôi thấy ấm lòng vì tên tuổi các anh đã được khắc lại để ghi nhớ, dù đáng lẽ phải sớm hơn. Người Việt còn nhiều khiếm khuyết và đó là điều không có gì phải ngại nói thật. Nhưng truyền thống ơn nghĩa những ai có công với xã tắc, những ai lấy máu mình để giữ đất, giữ biển, thì người Việt hiếm khi lãng quên, trong suốt cả hàng nghìn năm.

Đó là một trong rất nhiều ý nghĩ lộn xộn đã chạy qua đầu óc, khiến tôi rối bời suốt cả buổi chiều ở Cam Lâm.

Chỉ cần đọc qua lịch sử hình thành nên mảnh đất hình chữ S, sẽ thấy điều đặc biệt sau đây : phần lớn lịch sử ấy gắn với các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Để tồn tại như một quốc gia, người Việt đã chiến đấu ròng rã hàng nghìn năm trời, ngay trên mảnh đất của mình. Vì thế, không có gì lạ khi bất cứ người Việt Nam nào cũng bẩm sinh là một chiến binh, một nhà quân sự.

Những năm tháng trong quân ngũ giúp tôi nghiệm ra một điều : người Việt học cách sử dụng vũ khí rất nhanh ; và dù nghèo nàn, thiếu thốn, họ vẫn rất nỗ lực tìm cách chống chọi với kẻ thù. Nhưng về cơ bản và từ trong sâu xa, người Việt chỉ mê cày cuốc.

Tôi tin rằng, học cách để cùng tồn tại qua chiến tranh, qua những giây phút hiểm nguy, có thể là một thứ gen trội, là đức tính quan trọng và đặc biệt quý giá của người Việt.

Chúng ta có cả kho bài học cần ghi nhớ. Một trong những bài học lớn ông cha để lại mà con cháu không chỉ phải nhớ mà cần thuộc làu, là mọi chiến thắng, vốn đều xuất phát từ sự đáp trả khi không còn lựa chọn nào khác, không bao giờ là sự tự hãnh. Bởi không gì thay thế được sinh mạng con người. Không gì khủng khiếp, vô nghĩa hơn sự tàn phá bằng bom đạn. Nói cách khác, chiến tranh phải luôn là lựa chọn bất đắc dĩ, khi không còn cách nào khác để xác lập và khẳng định quyền tự chủ.

Chiến thắng nhà Minh là một trong những chiến thắng vang dội, đáng ghi nhớ nhất của lịch sử chống ngoại xâm thời phong kiến. Nhưng hậu chiến, Vua Lê Lợi đã lập tức trả lại gươm thần. Đó không chỉ là hành động mang tính biểu tượng của bậc quân vương, nhằm dạy bảo quần thần, tỏ thái độ hòa mục với ngoại bang. Đó thực sự còn là mong muốn của con dân – làm sao để đất nước không bao giờ còn phải dùng đến vũ khí.

Dù câu chuyện là sự thật lịch sử hay truyền thuyết, nó cũng phản ánh khát khao hòa bình của đất nước này.

Đành rằng ý muốn là một chuyện, thực tế cuộc đời đôi khi lại là câu chuyện khác, nằm ngoài mọi dự liệu. Nhưng quan điểm chiến tranh là bất đắc dĩ, là lựa chọn khi không còn cách nào tránh, phải tiếp tục bám rễ trong mọi cái đầu. Để nếu bần cùng phải cầm vũ khí chiến đấu, thì không phải là do muốn tìm kiếm sự thỏa mãn cảm hứng chiến thắng, mà mục tiêu duy nhất khi đó là để bảo vệ đất nước.

Tôi nhất quán với quan điểm ở mọi nơi, mọi lúc rằng : Thượng sách là hòa bình. Trung sách cũng vẫn là hòa bình. Chiến tranh luôn là hạ sách.

Nhưng đã nói ra một triết lý sinh tồn quan trọng như vậy, thì cũng phải nói cho hết nhẽ : Khi dân tộc này bị đe dọa về chủ quyền, thì việc bó giáo xin hàng không bao giờ là lựa chọn của cha ông.

Nếu bị đẩy vào tình huống ấy, chỉ có một cách duy nhất để có được hòa bình, ấy là muôn người phải như một, muôn người phải liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh đối kháng.

Ông cha ta đã làm thế. Thế hệ sau không thể làm khác đi.

Đứng trước tượng đài Gạc Ma, nghĩ về những bà vợ góa, những đứa trẻ lớn lên thiếu cha, nghĩ về hàng triệu con người đang cần mẫn kiếm sống, tôi thấy khôn ngoan nhất, không phải chỉ thời điểm này, mà mọi lúc, là phải tìm mọi cách để giữ chặt lấy hòa bình, nếu còn có thể. Tìm mọi cách, chứ không phải bằng mọi giá.

Đó chính là ý nghĩ rành mạch nhất của tôi trong cái buổi chiều trước Tượng đài Gạc Ma hôm ấy.

Tạ Duy Anh

Nguồn : VNTB, 15/03/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ngọc Linh Lan, Tạ Duy Anh
Read 297 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)