Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/03/2023

Ukraine và chương trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam

Carl Thayer

Tác động của chiến tranh Ukraine đến chương trình hiện đại hóa quân sự của Việt Nam

Nhân một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ngày 20/03/2023, trả lời các câu hỏi của báo giới về tác động của cuộc chiến này đối với chương trình hiện đại hóa quân đội Việt Nam.

ukvn1

Phái đoàn quân sự Việt Nam tìm hiểu xe tăng T-90MS của Nga trong Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế (Army-2020) tại Alabino, ngoại ô Moskva, Nga, ngày 23/08/2020. AP - Pavel Golovkin

1. Việt Nam đã thông báo các kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quân sự từ nay đến năm 2030 và do vậy gần như chắc chắn là Việt Nam phải mua vũ khí quân sự của nước ngoài. Đa số các hợp đồng lớn và các thiết bị quân sự tân tiến của Việt Nam đều do Nga cung cấp, vậy cuộc chiến tại Ukraine cũng như các trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga tác động ra sao đến khả năng của Việt Nam tiến hành hiện đại hóa quân sự trong 7 năm tới ? 

Carl Thayer : Các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Việt Nam đã được soạn thảo rất lâu trước khi Nga xâm lược Ukraine vào năm 2022. Và kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, mối đe dọa trừng phạt đã xuất hiện khắp nơi. Năm 2017, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật trừng phạt chống lại kẻ thù của nước Mỹ (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act - CAATSA). Nếu nhìn vào số liệu mua vũ khí của Việt Nam từ năm 2014, có thể nhận thấy tổng số tiền mua giảm từ hơn một tỷ đô la năm 2014 xuống còn vài trăm triệu đô la năm 2020.

Tóm lại, trong Đại hội lần thứ 13 (năm 2021), Đảng cộng sản Việt Nam đã thông qua một chương trình lớn nhằm hiện đại hóa bộ máy quân sự. Một năm sau đó, cuộc xâm lược Ukraine của Nga đã buộc Việt Nam phải đình chỉ các kế hoạch. Có hai lý do giải thích : đó là mối đe dọa bị phương Tây trừng phạt và Nga không còn đủ khả năng cung cấp vũ khí.

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, Cơ quan Dữ liệu Tổng quát Hàng không Không gian (Global Data Aerospace) và Trung tâm Tình báo Quốc phòng (Defence Intelligence Center), ngày 07/02/2022, đã công bố một dự báo thẩm định rằng nếu đạt mức tăng trưởng trung bình là 7,48% trong 5 năm tới (2023-2027) Việt Nam có thể chi trung bình 1,5 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, tổng cộng 7,5 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm. Kể từ khi dự báo được công bố, nền kinh tế Việt Nam đi vào giai đoạn phục hồi hậu Covid với mức tăng trưởng GDP lên tới 8,02% trong năm 2022.

Kinh tế phục hồi có nghĩa là Việt Nam sẽ hiện đại hóa một cách chọn lọc quân đội, đặc biệt là mua các công nghệ, vũ khí và nền tảng công nghệ từ các nguồn khác (không phải của Nga). Tuy nhiên, kế hoạch "Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh từ nay đến năm 2025 và đến năm 2030, một quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại" có ít cơ may đạt được.

2. Việt Nam dường như vẫn khai thác 3 trung đoàn không quân Su-22. Đó là thế hệ tiêm kích cũ. Ông đánh giá thế nào về nhu cầu hiện đại hóa máy bay tiêm kích của Việt Nam ?

Carl Thayer : Năm 2000, Việt Nam đã xác định việc nâng cao khả năng bảo trì, sửa chữa, đại tu (Maintainance Repair Overhaul/Operation - MRO) là mối ưu tiên. Việt Nam đã hiện đại hóa nhà máy A32 ở Đà Nẵng để phát triển khả năng MRO đối với các máy bay kế thừa từ thời Liên Xô và của Nga.

Đa số các nhà phân tích quốc phòng nghĩ rằng tiêm kích Su-22 của Việt Nam đã lạc hậu và sắp hết thời hạn sử dụng, kể từ năm 2015 đến nay đã có 6 vụ Su-22 bị rơi vào lúc có thể Việt Nam dự tính thay thế Su-22 trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân sự. Thế nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, các kế hoạch này dường như bị đình chỉ và Việt Nam chủ trương chờ xem.

3. Ông đánh giá thế nào về tác động của chiến tranh tại Ukraine đối với các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo trì, sửa chữa và hiện đại hóa các vũ khí tân tiến mua của Nga ?

Carl Thayer : Trong thập niên vừa qua, trước khi bị Nga xâm lược, Ukraine đóng một vai trò quyết định trong việc phát triển khả năng MRO của Việt Nam nhằm hiện đại hóa các phi đội máy bay tiêm kích mua của Liên Xô/Nga. Ví dụ, năm 2013, Ukraine đã giúp Việt Nam hiện đại hóa nhà máy A32 thực hiện MRO đối với các động cơ Saturn AL-31 của tiêm kích Su-27SK và Su-30MKS.

Năm 2017, Việt Nam đã nhận được một sự trợ giúp kỹ thuật quan trọng từ phía Ukraine, cho phép nhà máy A32 tiến hành hiện đại hóa các tiêm kích Su-22M3, Su-22M4 và Su-27SK của Việt Nam. Từ cuối năm 2020, nhà máy A32 đã bắt đầu thực hiện các MRO cho phi đội Su-30MK2.

Việc Nga xâm lược Ukraine năm 2022 đã làm thay đổi các ưu tiên của Ukraine và làm gián đoạn khả năng – nếu không phải là do ý muốn chính trị - giúp đỡ Việt Nam vì Việt Nam không lên án Nga xâm lược.

4. Trong tháng 03/2022, Nga đã oanh kích nhà máy Ukraine Zorya-Mashproekt, nơi sản xuất các động cơ tuốc-bin khí cho một số tàu chiến tốt nhất của Việt Nam, trong đó có tàu hộ tống Gepard 3.9. Ông đánh giá thế nào về những khó khăn của Việt Nam trong việc bảo trì và duy trì hoạt động cho các tàu chiến này do tác động của cuộc chiến tranh ?

Carl Thayer : Trước tiên, Việt Nam đã phải tiến hành nhiều nỗ lực ngoại giao để có được các tuốc-bin chế tạo tại Ukraine, lắp ráp vào những tàu hộ tống mà Nga đóng, sau vụ Nga sáp nhập Crimea năm 2014

Thứ hai, trong một thập niên rưỡi vừa qua, Việt Nam đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm hiện đại hóa và nâng cấp ngành công nghiệp đóng tàu, kể cả bảo trì, sửa chữa và đại tu (MRO) tàu biển. Trong giai đoạn này, Việt Nam đã cho thấy khả năng lắp ráp các tàu tuần tiễu có trang bị tên lửa, với các bộ vật tư do Nga cung cấp, đóng tàu tuần tiễu TT400TP và được phép đóng tàu hộ tống nhỏ trang bị tên lửa dẫn đường lớp Tarantul-V tại xưởng đóng tàu Ba Son.

Việt Nam đã lập nhà máy X52 tại Cam Ranh để hỗ trợ đội tàu ngầm quy ước của Việt Nam trong khuôn khổ dự án 636 Varshavyanka. Nhà máy X52 cũng đóng một vai trò to lớn trong việc cung cấp các dịch vụ MRO cho Hải quân Việt Nam. Ví dụ, năm 2017, báo chí đưa tin nhà máy X52 cung cấp các dịch vụ MRO cho 20 tàu chiến.

Tóm lại, rất có thể Việt Nam có năng lực bảo trì các tuốc binh của tàu hộ tống nhỏ. Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của nước ngoài, như Ấn Độ, Hà Lan và những nước khác. Nhưng đồng thời, Việt Nam có thể buộc phải giảm thời gian hoạt động trên biển của các tàu hộ tống Gepard để kéo dài tuổi thọ của loại vũ khí này. 

5. Ông đánh giá thế nào về ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam ?

Carl Thayer : Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam tiếp tục phát triển và hiện đại hóa. Việt Nam có thể bảo trì, sửa chữa, tân trang và phục chế các vũ khí và các nền tảng đã mua từ trước của Nga hoặc vừa mới mua. Ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam có khả năng đóng các tàu 1500, 2200 và 4300 tấn cho lực lượng tuần duyên Việt Nam.

Như đã nói ở trên, Việt Nam đã đóng được tàu pháo tuần tra TT-400TP và lắp ráp tàu hộ tống tấn công nhanh lớp Molniya (Tarantul) trang bị tên lửa. Việt Nam đồng chế tạo tên lửa phòng không và chống hạm như Igla (SA-18), Yakhont (SS-N-26) và Kh-35 Ural-E (SS-N-25).

6. Việt Nam có thể có những sáng kiến mới gì để có thể tiếp tục hiện đại hóa lực lượng vũ trang ?

Carl Thayer : Có ba điểm cần nhấn mạnh :

Thứ nhất, ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để sản xuất các thiết bị quân sự tại Việt Nam : ký một thỏa thuận với một công ty Nga để chế tạo xe vận tải quân sự tại Việt Nam, hợp tác với một doanh nghiệp Israel để chế tạo súng trường tấn công.

Việt Nam và Indonesia đã dự tính khả năng cùng chế tạo máy bay tuần dương. Hiện nay, Việt Nam đang suy nghĩ tới một đạo luật về các ngành công nghiệp quốc phòng và an ninh và về việc huy động ngành công nghiệp cho phép các công ty sản xuất vũ khí nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam đang xác định vị trí ngành công nghiệp quốc phòng của mình để tham gia thị trường vũ khí quốc tế với những sản phẩm ngách như đạn dược, mìn, các loại drone nhỏ, các thiết bị thông tin và công nghệ C5ISR (Command, Control, Communication, Computers, Cyber, Intelligence, Surveillance and Reconnaissance - Chỉ huy, Kiểm soát, Thông tin, Máy tính, Internet, Tình báo, Theo dõi, Trinh sát).

Thứ ba, ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam không đủ khả năng chế tạo các loại vũ khí và các nền tảng đắt tiền, như các máy bay tiêm kích thay thế máy bay Su-22s, hiện đại hóa Su-30s hoặc máy bay tàng hình thế hệ mới. Việt Nam phải tìm kiếm các thị trường ở bên ngoài để hiện đại hóa lực lượng quân sự, đặc biệt là binh chủng Phòng không Không quân.

Nếu Việt Nam quyết định mua vũ khí và các nền tảng của các nước khác (ngoài Nga), điều này sẽ cần đến một thời gian nhất định để thực hiện nhằm tạo ra các dịch vụ hậu cần, bảo trì và hỗ trợ các nguồn nhân lực cần thiết để bảo trì các thiết bị tác chiến hiện đại.

Đức Tâm biên dịch

Nguồn : RFI, 17/03/2023

***********************

SpaceX, Netflix, Boeing tham gia phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam

Minh Anh, RFI, 17/03/2023

Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) hôm 17/03/2023 cho biết một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, bao gồm các hãng quốc phòng, công nghệ, dược phẩm như SpaceX, Netflix, hay Boeing sẽ đến Việt Nam trong tuần tới để thảo luận về cơ hội đầu tư và bán hàng. 

quocphong2

Máy bay không người lái và máy bay trực thăng H145 đã bay cùng nhau để trình diễn các hoạt động MUM-T trong tháng 6 / aerospacetestinginternational - Ảnh minh họa 

Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ "lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ đến Việt Nam, được cho là đang có sức phát triển mạnh. Điều này cho thấy sự quan tâm ngày càng lớn của nhiều doanh nghiệp Mỹ đối với Việt Nam trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung. 

Theo Reuters, đáng chú ý là trong phái đoàn lần này, có sự tham dự của nhiều hãng hàng không vũ trụ như Boeing, Lockheed Martin và Bell. Các hãng này sẽ tổ chức các cuộc họp với các công ty mua sắm quốc phòng của Việt Nam. Theo lời của ông Vũ Tú Thành, đại diện của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN (viết tắt là USABC) tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên sau một thập kỷ, các hãng an ninh của Mỹ quyết định tham gia phái đoàn doanh nghiệp.

Hãng tin Anh nhắc lại, vào tháng 12/2022, các hãng hàng không này đã có các cuộc đàm phán với giới chức lãnh đạo Việt Nam về khả năng bán máy bay trực thăng và drone, vào lúc chính quyền Hà Nội tìm kiếm các nhà cung cấp mới và cuộc xung đột tại Ukraine hạn chế khả năng cung ứng của Nga, đối tác quân sự chính của Việt Nam từ nhiều thập niên qua. 

Hãng Boeing, trong một thông cáo cho biết, các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào mối quan hệ đối tác ngày càng lớn với Việt Nam cũng như là các cách thức để tăng cường năng lực hàng không và quốc phòng của Việt Nam. 

Cũng theo đại diện của USABC, với một thị trường tiêu thụ có sức mua ngày càng cao, và với mức tăng trưởng hơn 8%, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm từ một số doanh nghiệp công nghệ cao như SpaceX, hiện đang tìm cách cung cấp các dịch vụ internet qua vệ tinh cho Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. 

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Carl Thayer, Đức Tâm, Minh Anh
Read 323 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)