Hơn 20 ngày nhận chức Chủ tịch nước, ông Thưởng chưa ký một quyết định kinh tế nào. Trước khi ông Thưởng nhận chức, bà Võ Thị Ánh Xuân ký liên tục những quyết định mang tính khen thưởng như trao tặng huân chương lao động, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, danh hiệu anh hùng lao động.
Hơn 20 ngày nhận chức Chủ tịch nước, ông Thưởng chưa ký một quyết định kinh tế nào
Trong vòng 20 ngày từ khi nhận chức Chủ tịch nước, người tiền nhiệm của ông Thưởng là ông Phúc đã ký nhiều quyết định khen thưởng, đặc biệt trên cương vị tân chủ tịch nước chỉ vài ngày, ông Phúc còn ký hai quyết định về kinh tế đó là đồng ý sửa đổi khoản viện trợ số 0550 của ngân hàng phát triển Châu Á đối với chương trình đô thị xanh loại 2 và phê chuẩn hiệp định viện trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật thúc đẩy chương trình điện mặt trời.
Khoản viện trợ số 0550 của ADB được dành cho ba tỉnh là Huế, Hà Giang, Vĩnh Phúc
Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế Lê Trường Lưu là chỗ thân cận của ông Phúc. Người đã giúp ông Phúc trong việc cho công ty Banyan Tree của Sing đầu tư dự án cờ bạc, du lịch ở Chân Mây nâng vốn lên 2 tỷ usd vào năm 2018. Trước đó dự án này bị đình trệ do một số vướng mắc, nguy cơ còn bị thu hồi.
Bí thư Hà Giang là Đặng Quốc Khánh, con nuôi ông Tư Sang, ông Sang là đàn anh ông Phúc.
Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Loan từng bị kiểm điểm ở khóa 12 do trách nhiệm trong những sai phạm về buông lỏng quản lý, dẫn đến nhiều đất đai được cấp không đúng mục đích... giới thiệu nhân sự mang tính cục bộ, không khách quan. Đến khóa 13 con gái bà Loan được bổ nhiệm phó giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh gây bức xúc dư luận, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã vào cuộc và quyết định bổ nhiệm con gái bà bị thu hồi. Bà cũng gây xôn xao dư luận vào tháng 8/2022 khi có một nam cán bộ dưới quyền đột tử tại nhà bà vào ngày chủ nhật.
Trong nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông Phúc khen ngợi Vĩnh Phúc hết lời. Ông phát biểu :
- Thành tựu của Vĩnh Phúc là minh chứng sống động cho đường lối đổi mới đúng đắn của đảng (phát biểu năm tháng 12/2020).
- Vĩnh Phúc là tỉnh đi đầu trong phòng chống dịch (phát biểu tháng 9/2021).
Mặc dù cả khóa 12, 13 Ủy ban Kiểm tra trung ương đều nhắc đến khuyết điểm của bà Loan, nhưng ông Phúc luôn bảo vệ bà bằng những lời khen ngợi.
Việc ký quyết định viện trợ số 0550 của ông Phúc khi mới làm Chủ tịch nước mấy ngày để có lợi cho 3 tỉnh này có vô tư hay không là một câu hỏi.
Quyết định về kinh tế thứ hai trong vòng 20 ngày ông Phúc nhận chức Chủ tịch nước là phê chuẩn hiệp định viên trợ của ngân hàng thế giới về hỗ trợ kỹ thuật phát triển điện mặt trời.
Đặng Văn Thành chủ tập đoàn TTC đang sở hữu nhiều dự án về điện mặt trời, ông Thành là chỗ thân tình với ông Phúc nhiều năm như người trong gia đình (lời của ông Thành khi giải thích việc con trai ông Phúc ở nhà con gái ông bên Mỹ).
Chỉ trong vòng 20 ngày nhận chức Chủ tịch nước, hoạt động của ông Phúc và ông Thưởng đã có những khác biệt.
Điều này có thể do những khả năng sau.
1. Ông Thưởng không có những vây cánh sân sau để ưu ái như ông Phúc.
2. Ông Thưởng năng lực kém hơn ông Phúc.
3. Ông Thưởng tư cách đạo đức hơn ông Phúc.
4. Ông Thưởng vào lựa chọn để đi xa hơn.
Khả năng 1 rõ ràng ông Thưởng không có vây cánh sân sau như ông Phúc. Khả năng thứ 2 khó có thể xét đoán vì cả hai đi hai hướng khác nhau đến chức Chủ tịch nước. Ông Thưởng nặng về đoàn, đảng còn ông Phúc thì hướng thiên về kinh tế. Khoản 3 thì cho đến nay (không tính nghi vấn 4 tiếp viên vừa qua) thì ông Thưởng đang hơn ông Phúc về mặt này.
Khả năng 4 là đáng xem xét nhất, nếu như 3 khả năng về lợi ích nhóm, năng lực quản lý và tư cách đạo đức đều không có vấn đề. Ông Thưởng sẽ lọt vào tốp 3 người có khả năng kế vị chức tổng bí thư.
Thông lệ chọn tổng bí thư có những quy định, đó là người ứng cử phải là người đã ở trong các vị trí như chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội hoặc có thể là thường trực ban bí thư.
Trong 3 vị trí này, sẽ chọn người có thâm niên ở trong Bộ Chính trị lâu nhất.
Lựa chọn như thế, sẽ bảo đảm được tính bảo thủ hay gọi cách khác là tính trung thành với lý tưởng của đảng.
Cả 3 ông Huệ, Chính, Thưởng đều đang ở vị trí bằng nhau về thời gian trong Bộ Chính trị, cả ba đều vào Bộ Chính trị cùng năm 2016.
Ông Huệ đang là người có độ tuổi ông lớn hơn 2 ông kia, hai thời trước Tổng bí thư đều đi lên từ ghế Chủ tịch quốc hội. Ông có thời gian làm bộ tài chính, tổng kiểm toán, bí thư Hà Nội, phó thủ tướng... do đặc tính vùng miền và vị trí công tác, ông có nhiều mối quan hệ hơn hai ông còn lại.
Ông Vương Đình Huệ
Từ khi ông Thưởng làm Chủ tịch nước, ông Huệ hăng hái hoạt động hơn, ông vừa có chuyến đi Bình Thuận khá oai phong, ông cũng vừa có quốc điện đàm với ông Triệu Lạc Tế, ủy viên trưởng ban thường vụ Nhân Đại Toàn Quốc của Trung Quốc, chức vụ như chủ tịch quốc hội Việt Nam. Nội dung cuộc điện đàm mang tầm vóc của người đứng đầu đất nước khi đề cập đến nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, chính trị, chủ quyền biển đảo.
Ông Huệ được lựa chọn làm người chỉ mặt, gọi tên ông Phúc trong cuộc họp Bộ Chính trị đầu tháng 1/2023 và lớn tiếng đề nghị ông Phúc phải xin nghỉ vì những gì liên quan đến vụ Việt Á.
Nhìn tổng quan về mọi mặt, ông Huệ đang là ứng cử viên thứ nhất cho chức Tổng bí thư khi ông Trọng nghỉ.
Hầu như các cuộc thanh trừng hoặc kiểm tra từ Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, ban kiểm tra trung ương và Bộ công an đều né tránh những gì liên quan đến ông Huệ. Việc nhà máy nước sông Đuống được Bộ tài chính đồng ý cho Viettinbank vay đến 80% vốn, dự định tăng giá nước cho nhà máy này gây ầm ĩ thời gian trước đã được bỏ qua một bên, cùng với việc thanh tra bảo hiểm của đại gia Đỗ Liên cũng bị vào quên lãng. Suốt quá trình từ khi làm bộ trưởng tài chính, bí thư Hà Nội, phó thủ tướng… bóng dáng của ông Huệ gắn bó với đại gia bảo hiểm, nước sinh hoạt Đỗ Liên có quá nhiều thứ cần phải thanh tra, xem xét nhưng việc bỏ qua thanh tra những dự án, hoạt động của Đỗ Liên là điều cho thấy ông Huệ rất mạnh, khiến công cuộc đốt lò của đảng có thể động đến mọi nơi, nhưng trừ ông ra.
Đến đây phải nói rằng ai là người kế nhiệm ông Trọng là do chính ông Trọng quyết định, người được ông Trọng đưa ra giới thiệu chắc chắn sẽ đến 90% giữ chức Tổng bí thư tương lai. Ông Huệ đang là người có lợi thế nhất, nhưng nếu ông Trọng chưa đưa ra giới thiệu kế nhiệm ông, thì mọi lợi thế chẳng nói lên được điều gì.
Trong cuộc đua ứng cử viên cho chức Tổng bí thư tương lai, ông Chính hầu như không có cửa, nếu may mắn có lẽ ông làm trọn được nhiệm kỳ thủ tướng này, bởi ông Tô Lâm đang theo sát ông Chính từ bà Nhàn cho đến những sơ hở của ông Chính thời kỳ ở Quảng Ninh.
Cuộc đua chức ứng cử viên (nên nhớ chỉ là ứng cử viên) hiện nay chỉ diễn ra giữa hai người là ông Huệ và ông Thưởng.
Trong đó ông Huệ đang dẫn nhiều ưu thế hơn, chắc chắn trong thời gian tới, ông Huệ sẽ đẩy mạnh mối quan hệ với những tỉnh thành phía Nam để dành sự ủng hộ từ vùng miền này. Nếu ông không sớm dành được các mối ủng hộ nơi đó, sự ủng hộ từ những vùng đất này sẽ sớm hình thành quanh ông Thưởng.
Từ ông Phiêu, ông Mạnh đến ông Trọng đều đi đến chức tổng bí thư qua những quá trình hoạt động, cương vị không dính dáng mấy đến điều hành chính phủ, họ đều khá mờ nhạt không tạo dấu ấn trước khi đi đến chức tổng bí thư. Ông Thưởng cũng dạng người như các ông này.
Sự khôn ngoan, từng trải, lọc lõi, kinh qua nhiều lĩnh vực của ông Huệ đôi khi lại trở thành điểm hạn chế của ông, nó khiến cho nhiều người e sợ khi ông nắm quyền sẽ thực sự là người rất mạnh. Vì thế có khi họ muốn một Tổng bí thư ít đáng lo như ông Thưởng hơn, họ sẽ dành ủng hộ ông Thưởng vào vị trí Tổng bí thư.
Nếu ông Trọng không có ý định về, tiếp tục làm tiếp nhiệm kỳ sau thì chẳng thể biết được Tổng bí thư sau ông là ai, khả năng lớn sẽ là ông Thưởng.
Còn nếu ông Trọng hết nhiệm kỳ này về, chắc hẳn ông phải đưa người kế nhiệm ra giới thiệu vào năm sau, tức năm 2024 để kịp bồi dưỡng, vun vén người kế nhiệm đảm nhận tốt chức vụ của ông để lại. Nhiều khả năng sẽ là ông Huệ.
Người Buôn Gió
Nguồn Facebook, 28/03/2023