Tình trạng "trên nói, dưới không triển khai" phần lớn cũng do lợi ích của các bên liên quan xung đột với nhau.
Ông Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.
Không biết có nước nào trên cõi ta bà thế giới này có cái cụm từ tương đương như cụm từ thiệt hết sức thực tế và mỉa mai, "trên bảo dưới không nghe" của Việt Nam không ?
Cụm từ này lúc đầu thấy truyền miệng nhau trong dân gian và dần thấy trên báo chí, những ông quan lớn trong đảng, trong chính phủ cũng nói tới. Khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các chính quyền địa phương, ngày 28/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh : "Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng : chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn", "…đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.
Trên bảo dưới không nghe có lẽ thoạt đầu được cánh đàn ông quanh bàn nhậu đùa nhau về tình trạng suy nhược sinh lý của họ. Đầu thì muốn nhưng dưới không tuân lệnh, dần cụm từ chỉ sự yếu sinh lý này leo lên tới tận bàn tổng bí thư và từ miệng Tổng bí thư phát ra cho cả chính phủ nghe. Nó hàm ý có vẻ quốc gia đại sự nhưng cũng không khác khi đám đàn ông nhậu nói đến nỗi buồn của họ. Nỗi buồn của Nguyễn Phú Trọng cũng loanh quanh về chuyện yếu sinh lý của đảng. Đáng thương !
Tình trạng trên bảo dưới không nghe, dưới không triển khai lệnh trên, cấp dưới bất tuân thượng lệnh đẻ ra chuyện tổ chức này đá giò lái tổ chức khác, cá nhân này ngáng chân cá nhân kia, đồng chí này đâm sau lưng đồng chí nọ. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thì vô số, nhưng chính thì gồm :
1. Thiếu sự thống nhất và tương thích trong quyết định.
2. Thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm.
3. Thiếu nhận thức và giáo dục.
4. Sự thiếu kiểm soát, giám sát, trừng phạt.
5. Thiểu năng, lạm quyền.
6. Văn hóa u mê và lối sống tha hóa.
7. Tham lam.
Trên bảo dưới không nghe ở khắp trong đảng, trong chính phủ có nghĩa tất cả do đảng cộng sản độc tài cai trị, là những cơn gió lốc cuốn xoay cả bộ máy đảng và hệ thống chính trị, như Trần Đĩnh gọi là Đèn Cù. Tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, trên bảo dưới không nghe trong đảng, chính phủ là điều kiện tất yếu và đủ cho tình trạng trên bảo dưới không nghe, trên nóng dưới lạnh và các mối hiềm thù trong đảng, ngáng chân nhau, thúc cùi chỏ nhau, nếu không liên kết được thành bè phái lợi ích, là đương nhiên
Những nguyên nhân gây tình trạng trên bảo dưới không nghe trong đảng, chính phủ Việt Nam, nhìn góc nào đó, nó chẳng khác gì các chứng, bệnh trong một cơ thể về cả hai mặt tâm lý và sinh lý. Thí dụ thiếu sự thống nhất và tương thích trong quyết định. Khi quyết định được đưa ra bởi các cấp quản lý khác nhau không được thống nhất và tương thích với nhau, các bộ phận cấp dưới sẽ gặp khó khăn khi triển khai và áp dụng. Điều này đại khái giống như sự tương tác tâm sinh lý. Tâm lý và sinh lý là hai khía cạnh khác nhau của sức khỏe và trạng thái của một cơ thể, và chúng có thể ảnh hưởng đến nhau. Ví dụ, khi một người bị stress có thể bị tăng huyết áp hoặc suy giảm chức năng miễn dịch. Ngược lại, các vấn đề sinh lý như bệnh tim, đột quỵ hay bệnh Alzheimer có thể gây ra stress và các vấn đề tâm lý.
Thiếu nhận thức và giáo dục. Nếu người dân không hiểu rõ những hậu quả của hành vi tham nhũng và cách đối phó với nó, họ có thể không có đủ kiến thức để đánh giá đúng sai trong việc tham nhũng. Họ có thể cho rằng tham nhũng là hợp lý và không có hậu quả đáng kể và họ chấp nhận bỏ tiền đút lót. Đảng viên dễ đòi hối lộ, dễ tham nhũng và ngó lơ cho nhau tham nhũng vì thiếu giáo dục. Với một cơ thể, sự thiếu nhận thức và giáo dục khiến họ có suy nghĩ, hành động đôi khi khác thường, hay đáng chê trách. Văn hóa và lối sống. Tham nhũng, lười biếng, trốn, đùn đẩy trách nhiệm..từ lâu đã trở thành một phần của văn hóa và lối sống của đảng viên cộng sản. Trong chuyện tham nhũng chẳng hạn, họ cho rằng việc tham nhũng là cách để giải quyết vấn đề, hoặc chỉ đơn giản là một cách để kiếm tiền. Làm sai, làm đúng lệnh cấp trên tùy theo có lợi cho họ hay không.
Tình trạng "trên nói, dưới không triển khai" phần lớn cũng do lợi ích của các bên liên quan xung đột với nhau. Ví dụ, trong một tổ chức, cấp trên có thể có lợi ích trong việc giữ quyền lực, vị trí, tiền tài, trong khi cấp dưới có thể có lợi ích trong việc tìm kiếm lợi ích cá nhân như tiền lương, thù lao, hay các lợi ích khác. Tình trạng trên nóng, dưới lạnh xảy ra khi các lợi ích của các bên không được đảm bảo và bảo vệ, và khi có một môi trường không minh bạch, không trung thực, không công bằng, và không có quyền truy cứu trách nhiệm. Khi đó, việc triển khai những lời hứa và cam kết của cấp trên có thể bị trì hoãn hoặc bị phá vỡ, gây ra sự không tin tưởng và thất vọng của cấp dưới.
Trung ương bảo, địa phương không triển khai có thể do xung đột lợi ích giữa Trung ương và địa phương. Khi có sự xung đột lợi ích giữa các cấp quản lý khác nhau, việc triển khai các chính sách và quyết định của cấp trên có thể bị chậm trễ hoặc không được triển khai đúng theo kế hoạch do sự phản đối hoặc khó khăn từ cấp dưới. Cả hàng ngàn dự án giá trị hàng trăm ngàn tỷ đồng bị chậm trễ vì lợi ích địa phương chênh với lợi ích trung ương, khi các túi tham của vợ ông, chồng tôi chưa được thỏa mãn.
Tình trạng trên bảo dưới không nghe dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Nếu cấp trên yêu cầu thực hiện và cấp dưới không tuân thủ, hay ngược lại, thì sẽ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng cho tổ chức hay quốc gia như :
1. Thiệt hại về tài sản và kinh tế : Nếu cấp trên, hay cấp dưới tham nhũng, lãng phí tài sản, thì sẽ dẫn đến sự lãng phí và thiệt hại về tài sản và kinh tế của tổ chức hoặc quốc gia.
2. Thiệt hại về uy tín : Khi những lãnh đạo cấp cao đưa ra chỉ thị nhưng không được tuân thủ hay đề nghị của cấp dưới không được cấp trên đáp ứng thì sẽ dẫn đến mất uy tín và sự tôn trọng của cả tổ chức hoặc quốc gia.
3. Tình trạng thất thoát nguồn nhân lực : Các nhân viên có năng lực và trung thực sẽ không muốn làm việc trong một tổ chức hay nước có tình trạng tham nhũng, lãng phí tài sản, điều đó sẽ làm giảm số lượng người tài và ảnh hưởng đến hiệu quả của tổ chức hay nước.
4. Sự mất động lực : Các nhân viên cấp dưới sẽ không có động lực để làm việc vì họ không thấy được tính công bằng trong tổ chức. Họ có thể trở nên thất vọng và không có động lực để cống hiến cho công việc của mình, dẫn đến giảm hiệu suất làm việc.
Khi trên chỉ đạo và dưới không thực hiện, hay cưa ghế của nhau, hất cẳng nhau, đâm sau lưng nhau giữa các đảng viên, quan chức thì tham nhũng, lạm dụng chức quyền và bất công bùng nổ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người dân và xã hội.
Tham nhũng và bất công trong các quyết định, chính sách của chính phủ đã dẫn đến sự không công bằng trong phân phối tài nguyên, giảm sự tin tưởng của người dân vào chính phủ và thể hiện một mức độ kém hiệu quả của hệ thống quản lý.
Ngoài ra, tình trạng này còn gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế, vì các quyết định được đưa ra dựa trên lợi ích cá nhân, không được đưa ra một cách đúng đắn và khách quan, dẫn đến sự lãng phí tài nguyên, kinh phí, thời gian, tăng chi phí sản xuất, giảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ, và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế.
Các hành động bất hợp pháp, tham nhũng, lạm dụng chức quyền đã và đang gây ra sự bất bình, phản đối của người dân, gây ra mất ổn định chính trị, xã hội, gây ra mất mát về tài sản, nhân quyền, an ninh, trật tự, hòa bình và gây thiệt hại cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Nói tóm lại, có thể ví đảng cộng sản, hệ thống hành chánh Việt Nam hiện nay mà ngay cả ông Trọng đang mắc chứng "trên nóng, dưới lạnh, trên bảo dưới không nghe" chẳng khác gì như một cơ thể đầy chứng và bệnh như kê trên : lười biếng, trốn trách nhiệm, nhật thức kém cỏi, tham lam, bội thực... khiến đầu óc không còn bình thường, tứ chi bại liệt, không thể thi hành lệnh, từ cái đầu cũng nóng lạnh bất thường, ban xuống.
Hoàng Lan Mộc Châu
Nguồn : VNTB, 28/04/2023