Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/04/2023

Trả lại cho Đà Lạt nét đẹp thiên nhiên truyền thống

Nguyễn Vĩnh Nguyên - Gia Bình

Trả lại không gian thư nhàn cho Đà Lạt

Nguyễn Vĩnh Nguyên, Thanh Niên online, 23/04/2023

Trong quy hoạch Đà Lạt từ thời Pháp thuộc, khoảng trống (espace libre) và khu vực bất kiến tạo (zone non ædificandi) là những yếu tố được tính toán, chú trọng thiết lập dựa trên cơ sở khoa học về môi trường sinh thái cho đến nguyên tắc thẩm mỹ, tạo dựng cảnh quan đô thị.

dalat1

Núi đồi thơ mộng, chụp tại Đồi Cù năm 1967 - Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu

Những khu vực này được bảo vệ nghiêm ngặt trên thực tế vì chúng là điều kiện tiên quyết để tạo ra hình thái không gian, khung cảnh chung cho một thành phố thư nhàn.

Ðồi Cù là vùng bất kiến tạo và cũng đồng thời là khoảng trống giữ hồn cốt cho không gian đặc trưng Ðà Lạt.

Quy hoạch bảo tồn khoảng trống

Trong bản quy hoạch năm 1923 của kiến trúc sư Ernest Hébrard, thành phố Ðà Lạt được xây dựng theo hình một vòng cung từ Ðông sang Tây.

Vào buổi sáng của thập niên 1930, nếu ta thức dậy, mở cửa sổ từ Langbian Palace hay một biệt thự nào đó trên cung đường từ Paul Doumer (nay là Trần Hưng Ðạo) cho đến Rue des Roses (nay là Huỳnh Thúc Kháng), thì có thể nhìn thấy núi Lang Bian làm hậu cảnh cho một khoảng không gian phóng khoáng của hồ và những ngọn đồi nhấp nhô. Trên bản đồ án, khu vực Ðồi Cù ngày nay gồm Jardin Public (công viên) bên cạnh, có Golf Links (sân golf, sân Cù), cạnh Terrain de Sports (khu vực thể thao), Club Sportif (Câu lạc bộ Thể thao) với hai phân khu : bơi lội và chạy bộ. Trên thực tế, các "hạng mục" đó mới chỉ tồn tại trên bản đồ án quy hoạch, chưa được thực tế hóa như khu công trình nhà cửa, dinh thự trên tuyến cung Ðông - Tây.

Ngôn ngữ thiết kế quy hoạch từ Ernest Hébrard chuyển tiếp sang các đợt chỉnh trang mở rộng của Pineau (1933) cho thấy dấu ấn của một tầm nhìn quy hoạch sâu hơn về phương diện đô thị sinh thái, thông qua sự mạnh dạn mở rộng các vùng bất kiến tạo kéo dài về phía núi Lang Bian.

Trong điều kiện dân số tại chỗ và du khách gia tăng, chức năng thành phố có những "xê dịch" nhất định, nhưng bản quy hoạch, chỉnh trang mở rộng Ðà Lạt khởi từ Pineau đã duy trì, bảo tồn những khoảng trống hài hòa, tầm nhìn khoáng đạt qua việc mở rộng vùng bất kiến tạo. Thành tựu rõ ràng nhất là trong đồ án quy hoạch có tính kế thừa của J.Lagisquet (1942).

Ðồ án Lagisquet được triển khai trên triết lý quy hoạch của Pineau, với thành phố mở sâu về hướng nam, tây bắc. Ngoài đáp ứng chức năng trạm đô thị nghỉ dưỡng, thì còn thiết lập những khu hạ tầng của một trung tâm giáo dục, thể thao và thanh niên. Thế nhưng Lagisquet đã mở thêm các khu vực bất kiến tạo để giữ sắc thái của một "thành phố vườn", "thành phố công viên", "thành phố trong rừng".

Trong đồ án của Lagisquet, Ðà Lạt có tới 12 vùng bất kiến tạo và khoảng trống. Trong đó, sân Cù và công viên (sau gọi là Ðồi Cù) là vùng hội tụ hai đặc tính quan trọng nói trên.

Có thể hình dung từ thập niên 1930, khu vực đồi Cù ngày nay là vùng khoảng trống và bất kiến tạo phía bắc hồ Xuân Hương (Grand Lac), gồm hai phần chức năng : một Jardin Public (công viên) giáp với hồ và Câu lạc bộ Golf Ðà Lạt (Golf Club de Dalat, thành lập năm 1933).

Chức năng hai vùng phân lập công, tư (nhưng không có lằn ranh rõ ràng trên thực địa) đó vẫn được duy trì, cùng tồn tại cho đến 1975.

Phần đất không gian công viên (tài sản công) vẫn được người dân và du khách sử dụng, du ngoạn tự do cho đến đầu thập niên 1990.

Không gian cộng đồng bị truất hữu

Tháng 4/1992, sau một phê duyệt của chính quyền địa phương, hai vùng tài sản công và tư, chung và riêng ở Ðồi Cù có tổng diện tích 71,5 ha bị "gộp" lại, kéo rào chắn biến thành một sân golf lớn. Người dân và du khách mất đi một Jardin Public để dạo chơi, tận hưởng.

Ðà Lạt bị truất hữu một không gian thư nhàn công cộng.

Hình ảnh những đôi tình nhân hò hẹn, những gia đình dạo chơi ngày nghỉ, những nhóm bạn quây quần, những du khách tự do dạo bước lên đồi, dưới những tán thông xanh mướt của công viên Ðồi Cù đã thuộc về một quá khứ xa mờ. Trên bức tường của căn biệt thự Câu lạc bộ Golf Ðồi Cù, du khách may mắn được đặt chân đến có thể thấy treo những bức ảnh đen trắng của thập niên 1930 đến 1970, ghi lại cảnh sắc nơi đây, từng là một không gian công cộng mang vẻ đẹp yên bình, thảnh thơi bên trong thành phố nghỉ dưỡng.

Việc trả về không gian vườn Bích Câu cho cộng đồng mới đây đã không xảy ra tương tự ở Ðồi Cù.

Ðến đây, cần lật lại những bản quy hoạch, chỉnh trang của Pineau, Lagisquet để truy vấn xem những gì làm nên hồn cốt, bản sắc cảnh quan Ðà Lạt. Cần đặt lại câu hỏi, vì sao khu vực Ðồi Cù ngày nay được định hình là khoảng trống hay bất kiến tạo ; nó có ý nghĩa gì về cảnh quan và những vùng môi trường cảnh quan liên đới? Vì sao trong giai đoạn 1954 - 1975, các công trình lớn về giáo dục, khoa học phục vụ cho mục tiêu phát triển Ðà Lạt đưa Ðà Lạt lên tầm vóc quốc tế như Viện Ðại học, Trung tâm nghiên cứu nguyên tử Ðà Lạt hay Giáo Hoàng Học viện Thánh Pio X..., tất thảy đều giữ khoảng cách, không thể xâm phạm vào vùng bất kiến tạo và khoảng trống này ?

Trong thời chiến tranh, không có một bản đồ án quy hoạch chỉnh trang nào được thực hiện (dù ý định mở rộng thành phố để giãn dân cư đã từng được đưa ra vào năm 1968), nhưng những nguyên tắc nền tảng cho một thành phố có khoảng không, công viên không cho phép xây dựng nhân tạo nối liền với hồ nước để tạo nên cảnh sắc đặc thù luôn được nhất quán trong tầm nhìn của nhà chức trách.

Ðáng tiếc, những nguyên tắc đó không được giữ để bảo tồn và phát triển Ðà Lạt giai đoạn về sau. Nếu chính quyền địa phương theo đuổi định hướng phát triển đô thị bền vững, hãy kịp thời trả những không gian công cộng như công viên Ðồi Cù trở về cho bản thân Ðà Lạt, người Ðà Lạt và du khách.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn : Thanh Niên online, 23/04/2023

****************************

Đà Lạt : Làm công viên mở ở ốc đảo Bích Câu

Gia Bình, Thanh Niên online, 15/04/2023

Khu đất "vàng" ốc đảo Bích Câu ở thắng cảnh hồ Xuân Hương (Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) sẽ làm công viên mở phục vụ người dân và du khách.

dalat2

Ốc đảo Bích Câu trên thắng cảnh hồ Xuân Hương khi tạm giao cho Hội sinh vật cảnh Lâm Đồng - Gia Bình

Ngày 15/4, Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt, cho biết thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố Đà Lạt, đơn vị đã tiếp nhận và quản lý khai thác ốc đảo Bích Câu trên thắng cảnh hồ Xuân Hương để san sửa mặt bằng, trồng và chăm sóc công viên cây xanh ở đây.

Ngoài việc chỉ đạo tiếp nhận này, UBND Thành phố Đà Lạt còn yêu cầu Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt khẩn trương bổ sung đèn chiếu sáng, trồng các loại hoa, cây cảnh dài ngày, bố trí lối đi và ghế đá phù hợp để kịp thời phục vụ bà con và du khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp đến.

Cũng theo Công ty cổ phần dịch vụ đô thị Đà Lạt, việc tiếp nhận và làm công viên ở ốc đảo Bích Câu này chỉ là tạm thời, sau đó Thành phố sẽ cho đo vẽ, thiết kế xây dựng lại phương án cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới đầu tư làm công viên mở bài bản hơn.

Trước đó, tháng 9/2022, Báo Thanh Niên đã có bài phản ánh về việc ốc đảo này được UBND tỉnh Lâm Đồng tạm giao cho Hội sinh vật cảnh Lâm Đồng. Diện tích đất tạm giao này thuộc quy hoạch đất công viên cảnh quan, đất công viên cây xanh. Thời hạn tạm giao đã hết hạn từ tháng 8/2022, tuy nhiên trên ốc đảo vẫn đang được sử dụng kinh doanh ăn uống, giải khát.

Sau đó, tháng 1/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất "vàng" tại ốc đảo Bích Câu đã giao cho Hội Sinh vật cảnh Lâm Đồng (hơn 6.095m2) vì hết thời hạn sử dụng và giao cho UBND Thành phố Đà Lạt quản lý.

Gia Bình

Nguồn : Thanh Niên online, 15/04/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Gia Bình
Read 254 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)