Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/05/2023

Làm thế nào để vượt qua khủng hoảng tăng trưởng ?

Phạm Quý Thọ

Kinh tế đầu tư trực tiếp từ nước ngoài của Việt Nam thay đổi thế nào để vượt qua khủng hoảng tăng trưởng ?

Kinh tế Việt Nam, trong đó khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trụ cột chủ yếu, phát triển theo mô hình Trung Quốc, cho thấy một chế độ cộng sản chấp nhận "tư bản" như một động lực tăng trưởng để củng cố nó cho đến lúc trở thành công cụ tranh giành ảnh hưởng với chế độ dân chủ phương Tây. Trong bối cảnh mới, FDI sẽ vẫn quan trọng cho tăng trưởng nhưng đòi hỏi Việt Nam cần phải đặt quyền tự quyết của quốc gia trên ý thức hệ trong quan hệ với các nước lớn, Trung Quốc và Phương Tây. Trong đó, tận dụng cơ hội để nâng cấp quan hệ chiến lược với Mỹ sẽ tạo ra khác biệt và, đó là sự thay đổi cần thiết để cải thiện chất lượng tăng trưởng.

tangtruong1

Công nhân làm việc trong một nhà máy lắp ráp ô tô của hãng Ford ở Hải Dương năm 2017 (minh họa) - AFP

Việt Nam được quốc tế, các quốc gia và các tổ chức toàn cầu như Ngân hàng thế giới WB hay Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, đánh giá là một câu chuyện phát triển thành công. Đường lối Đổi mới kinh tế, mở cửa và cải cách, do Đảng cộng sản khởi xướng từ năm 1986 trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hoá thuận lợi, "thế giới phẳng" đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng hơn hai thập kỷ. Từ năm 2002 đến 2020, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 đô la Mỹ (USD). Tỷ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 Đô la Mỹ/ngày, theo sức mua tương đương của tiền Đồng VN so với USD năm 2017, giảm từ hơn 14% năm 2010 xuống còn 3,8% năm 2020… Sự thành công trên có vai trò đóng góp lớn của khu vực kinh tế có đầu tư nước ngoài (ký hiệu FDI), một trụ cột chủ lực tăng trưởng kinh tế, chiếm hơn 20% tổng GDP và khoảng 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Doanh nghiệp FDI chi phối 12/24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ; đóng vai trò chi phối ở 4/5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ…

Khi FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn thể hiện nhất quán chính sách khuyến khích khu vực kinh tế này. Trong bối cảnh toàn cầu "không thuận lợi" như hiện nay khi dòng vốn FDI được dự báo đang suy giảm, đã có hai hội nghị với doanh nghiệp FDI được tổ chức với sự tham dự của ông Thủ tướng. Tháng 9/2022 trong hội nghị về chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" ông Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư hãy giữ vững niềm tin khi làm ăn tại Việt Nam, cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro. Cuối tháng 4/2023, tại buổi gặp gỡ nghe ý kiến của họ ông Thủ tướng hứa Chính phủ sẽ sớm đưa ra giải pháp thu hút đầu tư, các hỗ trợ khác ngoài thuế trên cơ sở không trái các quy định quốc tế, chẳng hạn như "thuế tối thiểu toàn cầu", hài hòa lợi ích và bình đẳng giữa các doanh nghiệp và cam kết "không hình sự hoá các quan hệ kinh tế"…

Chính sách phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và khu vực FDI nói riêng có nguồn gốc từ Mô hình Trung Quốc "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" trong đó có hai điểm then chốt, một là củng cố vai trò của Đảng CS để phát triển đất nước, hai là chính sách "cải cách và mở cửa" dựa trên tư tưởng thực dụng được đề xướng bởi Đặng Tiểu Bình để vượt qua một mâu thuẫn lớn về ý thức hệ, mở cửa cho tư nhân tham gia vào các hoạt động kinh tế, khuyến khích làm giầu và mở cửa với thế giới bên ngoài để du nhập những kiến thức, phát minh mới và thu hút vốn của thế giới tư bản. Trong thời kỳ cao trào toàn cầu hóa và quan niệm của phương Tây rằng hội nhập kinh tế sẽ dẫn đến cải thiện đời sống xã hội và chính trị, nhờ chính sách nêu trên Trung Quốc đã thành công trong hội nhập với thế giới, đưa đất nước lên đến vị trí nền kinh tế thứ hai toàn cầu, hàng trăm triệu dân thoát nghèo, là một đối tác quan trọng của thế giới trong các lĩnh vực từ tài chính đến công nghiệp hàng không, không gian, công nghệ kỹ thuật số...

Mô hình Trung Quốc đã trở thành công cụ tranh giành ảnh hưởng với phương Tây với những đặc trưng như "tư bản" không nhất thiết cần "tự do" và thịnh vượng kinh tế đồng thời với bộ máy kiểm soát tinh vi mọi hoạt động trong xã hội dân sự, trong kinh tế cũng như đời sống cá nhân. Trung Quốc muốn chứng minh điều ngược lại với chế độ dân chủ rằng một chế độ độc đoán, chuyên chế bởi Đảng cộng sản cũng có thể đem lại thịnh vượng cho người dân. Tuy nhiên, các nước phương Tây đã "thay đổi thái độ" sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012 khi những sự kiện như nạn cưỡng bức lao động ở Tân Cương, dân chủ bị bị bóp ngẹt ở Hồng Kông, đe doạ an ninh hàng hải quốc tế, tranh giành chủ quyền hải đảo, thái độ ủng hộ Putin trong cuộc chiến Nga – Ukraine…

Bối cảnh như vậy khiến phương Tây và Mỹ đã coi Trung Quốc như "đối thủ cạnh tranh chiến lược" trong quan hệ quốc tế và áp đặt những điều kiện như tăng thuế, hạn chế xuất khẩu công nghệ cao như chíp, thậm áp dụng tiêu chuẩn về dân chủ, nhân quyền trong thương mại, đầu tư… Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi điều này. Chẳng hạn, mới đây nhất, ngành dệt may và giày dép xuất khẩu của Việt Nam bị tác động mạnh do Mỹ siết chặt thêm việc nhập khẩu bông vải từ khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc theo Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ – (UFLPA). Chẳng hạn, các lô hàng dệt may và giày dép nhập khẩu trị giá 15 triệu USD bị tạm giữ theo Đạo Luật UFLPA với hơn 80% là hàng nhập từ Việt Nam… Hậu quả làm tình hình thêm trầm trọng khi từ tháng 10 năm ngoái đến nay, ngành dệt may & giày dép xuất khẩu của Việt Nam đã phải cắt giảm 90 ngàn lao động do giảm đơn hàng toàn cầu…

Thực tế cho thấy quan hệ kinh tế quốc tế dần mang màu sắc chính trị ngày càng đậm nét. Người ta không chỉ nói về sự kết thúc của thời kỳ đỉnh cao toàn cầu hoá, sự lo lắng cao độ về xung đột khu vực như chiến tranh Nga – Ukraine ở Châu Âu, mà còn chú ý tới sự cạnh tranh ý thức hệ sẽ định hình tương lai trật tự thế giới thế nào. Việt Nam, phát triển theo mô hình Trung Quốc bởi sự tương đồng về chế độ chính trị, nhưng lại là quốc gia có vị trí địa chính trị trong chiến lược xoay trục sang Châu Á của Mỹ nói chung và liên minh an ninh Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương nói riêng. Những năm gần đây Mỹ đang thể hiện sự quan tâm nâng cấp quan hệ với Việt Nam vơi những dấu hiệu rõ ràng bởi động thái ngoại giao mạnh và dồn dập : Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến Việt Nam tháng 8/2021, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới có chuyến thăm vào tháng 4/2023 với dự định nâng cấp quan hệ "đối tác chiến lược", dự lễ khởi công xây dựng Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội được cho là lớn nhất Đông Nam Á, lời mời thăm của hai nguyên thủ của hai nước… Đáng chú ý một phái đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ, bao gồm các hãng quốc phòng, công nghệ, dược phẩm như SpaceX, Netflix, hay Boeing đã đến Việt Nam trong tuần tới để tìm cơ hội đầu tư và thương mại. Đây là phái đoàn doanh nghiệp Mỹ "lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ đến Việt Nam phản ánh dấu hiệu tăng cường phát triển kinh tế giữa hai nước trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung…

Liệu đây có là cơ hội đang mở ra rõ rệt để thay đổi kinh tế Việt Nam, bao gồm cả khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), một trụ cột chủ yếu của nền kinh tế, hay không dường như còn tuỳ thuộc vào phía Việt Nam, trong đó ý thức hệ là rào cản lớn. Việt Nam duy trì nỗ lực là nền kinh tế mở lớn có Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP trên 200%, đã tham gia đàm phán và ký kết 17 Hiệp định tự do thương mại (FTA) với khoảng 60 nền kinh tế và đang tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu… Gần đây, trên diễn đàn ý kiến thảo luận về mối liên hệ giữa phát triển kinh tế và chuyển đổi dân chủ thông qua những bài học kinh nghiệm "độc tài, hóa rồng và dân chủ" ở Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore đã được quan tâm. Nhưng thực tế cho thấy răng, mặc dù cả Mỹ và Việt Nam đều cam kết tôn trọng sự khác biệt chế độ chính trị trong bang giao, nhưng liệu giới lãnh đạo có thể coi đây là thời cơ để thay đổi hay không khi những vấn đề gai góc về tự do biểu đạt, tôn giáo, nhân quyền còn gây tranh cãi về sự vi phạm.

Chúng ta sẽ cùng bàn thảo trường hợp lĩnh vực địa ốc khi nó được coi là trụ cột tăng trưởng nội cũng đang rơi vào khủng hoảng, để có thể lý giải thấu đáo căn nguyên để thay đổi cần thiết cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 03/05/2023

Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ : nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học Viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Việt Nam

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 315 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)