Phản đối đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’ : chính trị hóa sự kiện lịch sử
Lynn Huỳnh, VNTB, 05/05/2023
"Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng’, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại".
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối vụ đồng 2 đô-la Úc có hình ‘cờ vàng’ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước tháng 4/1975.
Bộ đồng xu 2 đô-la Úc kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi miền nam Việt Nam. Trong dải cuống huy bao quanh hình trực thăng UH-1 có hình cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Bộ vật phẩm này do Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc sản xuất, chia thành hai loại. Phiên bản giới hạn gồm 5.000 bộ, được mạ vàng và bán với giá 80 đô-la Úc. Phiên bản thường có 80.000 bộ mạ bạc, giá 15 đô-la Úc. 1 đô-la Úc tương đương với 15.648 đồng Việt Nam.
Hà Nội phản đối
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói rằng Việt Nam "lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối" hành động của Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc. Theo bà Hằng, Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Úc "đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh "cờ vàng", cờ của một chế độ đã không còn tồn tại. Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Úc".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng cho biết đã trao đổi với phía Úc và đề nghị "có hình thức dừng lưu hành các vật phẩm này và không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai".
Tôi cho rằng phía nhà nước Việt Nam, một lần nữa đã chính trị hóa với ít nhiều yếm thế đối với sự kiện lịch sử mang tính kỷ niệm.
Màu cờ vàng với 3 sọc đỏ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa, lúc đó đây là biểu tượng của đại diện quốc gia là đồng minh của quân đội Úc. Quân đội Úc có mặt tại miền nam Việt Nam là vì màu cờ này, nên giờ kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút lui khỏi cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam, họ ghi nhớ và tưởng niệm màu cờ này trong ký ức của kỷ vật thời chiến là điều hiển nhiên.
Lá cờ vàng 3 sọc đỏ của miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, cùng với trực thăng UH-1 là một kỷ vật thời chiến. Quân sử Việt Nam Cộng Hòa ghi nhận trong chiến tranh Việt Nam, có khoảng 7.000 trực thăng loại này từng được triển khai kể từ khi chiếc đầu tiên hạ cánh tại miền nam Việt Nam vào năm 1962. Các máy bay được sử dụng để vận chuyển binh lính và hàng hóa, sơ tán y tế, và tấn công từ trên không.
Khi cuộc chiến kết thúc vào tháng tư, 1975, phía quân đội Hà Nội về sau này đã công bố rằng họ thu được 50 chiếc UH-1 còn nguyên vẹn do Mỹ và quân đội Sài Gòn bỏ lại, sau đó những chiếc trực thăng này nhanh chóng được sửa chữa, hồi phục để đưa vào hoạt động. Trực thăng được sử dụng để tham gia nhiều loại nhiệm vụ gồm vận tải, chở khách, cứu thương, tìm kiếm cứu nạn, trinh sát, huấn luyện và chiến đấu.
Không lạ, vì Hà Nội cũng từng ‘lật kèo’
Trong quá khứ chính quyền Hà Nội từng ngăn cản những người lính Úc khi họ muốn được tưởng niệm về cuộc chiến này ngay tại xứ sở mà họ đã đổ xương máu.
Đó là câu chuyện của tháng 8/2016. Lễ kỷ niệm trận đánh Long Tân dự trù diễn ra ở di tích lịch sử Bia Thánh giá Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18/8/2016. Nhưng vào giờ chót, Việt Nam từ chối cho tổ chức sự kiện đánh dấu 50 năm ngày xảy ra trận đánh nhiều thương vong nhất của quân Úc trong chiến tranh Việt Nam.
Truyền thông Úc lúc đó đưa tin, sáng 18/8 giờ Úc, Bộ trưởng Cựu binh Úc Dan Tehan nói Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã nói chuyện vào buổi tối. "Nhờ Thủ tướng Turnbull kêu gọi chính phủ Việt Nam bày tỏ cảm thông và nhân từ với các cựu binh và gia đình đến Việt Nam, chính phủ Việt Nam quyết định cho phép được đặt vòng hoa tại địa điểm", ông Tehan nói. "Việt Nam cũng sẽ cho phép các nhóm tối đa 100 người đến thăm địa điểm" – ông Tehan nói chính phủ Úc "rất biết ơn" chính phủ Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam vẫn giữ quyết định không cho phép tổ chức sự kiện theo quy mô ban đầu mà Úc mong muốn, Việt Nam trong ngày 17/8 đồng ý cho phép các nhóm nhỏ tối đa 100 người đến di tích lịch sử Bia Thánh giá Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 18/8.
Úc nói việc tổ chức tưởng nhớ sự kiện đã là chủ đề thương lượng suốt 18 tháng giữa hai nước và Úc tỏ ý thất vọng khi Việt Nam đột ngột thay đổi quyết định vào cuối ngày thứ Ba 16/8. Tin tức lúc đó cũng cho biết đã có hơn 1.000 cựu binh Úc và gia đình đã đến Việt Nam để mong được dự buổi lễ này.
Thông cáo của Úc khi ấy viết rằng : "Các cựu binh Úc và gia đình đã dự định dự buổi lễ ở Long Tân, có sự kính trọng cả hai bên để tưởng nhớ và vinh danh sự hy sinh của những người đã ngã xuống trong chiến tranh Việt Nam ở cả hai phía".
Hãy tôn trọng kỷ vật chiến tranh
Xem ra chặng đường nửa thế kỷ vẫn chưa đủ để Hà Nội tự tin về vị trí của mình khi hậu chiến đã lùi xa 48 năm rồi. Họ vẫn e ngại cả những kỷ vật thời chiến, chẳng hạn như lá cờ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa được thiết kế trong dải cuống huy bao quanh hình trực thăng UH-1 của bộ đồng xu 2 đô-la Úc kỷ niệm 50 năm ngày Úc rút quân khỏi miền nam Việt Nam.
Royal Australian Mint, Xưởng đúc tiền Hoàng gia Úc, đã viết những dòng sau, khi phát hành hai đồng xu mới này :
"Khoảng 60.000 người Úc đã phục vụ tại Việt Nam. Hơn 500 người thiệt mạng, nhiều người khác bị thương. Đó là cam kết quân sự lớn nhất của Úc trong nửa sau của thế kỷ XX, và là một trong những giai đoạn gây chia rẽ nhất của đất nước.
Đồng xu kỷ niệm này tưởng nhớ đến chiến tranh Việt Nam vì những mất mát và thiệt hại mà cuộc chiến gây ra cho những người phục vụ, cũng như tác động của nó đối với nước Úc trong suốt một thập niên đầy biến động".
Xin hãy tôn trọng những biểu tượng của kỷ vật chiến tranh thời tao loạn.
Lynn Huỳnh
*************************
Việt Nam ‘can thiệp nội bộ’ Australia khi phản đối đồng xu có hình cờ vàng ba sọc đỏ ?
VOA, 05/05/2023
Một số người am hiểu luật pháp quốc tế cho rằng Hà Nội đã can thiệp vào công việc nội bộ của Australia khi lên tiếng phản đối nước này lưu hành đồng xu kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam có mang hình cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa trước đây.
Như VOA đã đưa tin, vào ngày 4/5, một đại diện của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ trích hai cơ quan thuộc Kho bạc và Bưu chính Australia phát hành đồng xu có hình cờ vàng nhân dịp Canberra kỷ niệm 50 năm kết thúc tham chiến ở miền nam Việt Nam năm 1973.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói : "Chúng tôi lấy làm tiếc và kiên quyết phản đối việc Công ty Royal Australia Mint và Bưu chính Australia đã phát hành các vật phẩm với hình ảnh ‘cờ vàng’, cờ của một chế độ đã không còn tồn tại".
Việt Nam đã đề nghị phía Australia "dừng lưu hành các vật phẩm này, đồng thời không để xảy ra những sự việc tương tự trong tương lai", bà Hằng cho biết và nói thêm : "Việc này hoàn toàn không phù hợp với xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia".
Bình luận với VOA về động thái kể trên, luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền từng bị Việt Nam bỏ tù và trục xuất sang Đức, khẳng định rằng Việt Nam chắc chắn đã "can thiệp vào công việc nội bộ của Úc". Ông phân tích thêm :
"Lá cờ đó thuộc về Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Chế độ đó không còn nữa nhưng nó vẫn là di sản của cộng đồng người Việt ở Úc, Mỹ và một số nơi trên thế giới, và đã được một số bang ở Mỹ và Úc công nhận là di sản văn hóa. Việc Bưu chính và một công ty Úc đưa vào đồng xu để kỷ niệm Chiến tranh Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Úc, không liên quan gì đến Việt Nam".
Theo quan sát của VOA, đây cũng là quan điểm được không ít người bày tỏ trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, một phó giáo sư-tiến sĩ có hơn 63.000 người theo dõi trên Facebook, viết trên trang cá nhân rằng bản thân bà "không có cảm tình đặc biệt gì với cờ vàng" song bà "khá ngạc nhiên" về lời phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam mà bà xem là "sự gay gắt… không cần thiết" này.
Lưu ý đến thực tế là chính quyền Việt Nam hiện nay, nằm dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, không sở hữu cờ Việt Nam Cộng Hòa cũng như không liên quan gì đến tiền tệ của Australia, bà Ánh cho rằng quốc gia đó in gì lên tiền lưu niệm là quyền của họ.
Nữ phó giáo sư-tiến sĩ nhấn mạnh rằng "lịch sử là không thể bác bỏ" trước khi chỉ ra sự thật là Australia có tham chiến với Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ và bà đặt câu hỏi "họ kỷ niệm cựu chiến binh của họ có gì sai đâu ?"
Vẫn bà Ánh đề cập thêm rằng hiện nay có hàng trăm ngàn người gốc Việt sống ở Australia, chủ yếu là những người ra đi từ Việt Nam Cộng Hòa trước đây, nên theo bà, việc chính quyền Australia công nhận gốc gác của họ cũng là điều dễ hiểu.
"Ta có quyền gì mà cấm đoán một quốc gia có chủ quyền sử dụng một hình ảnh không thuộc sở hữu của mình ?" bà Ánh chất vấn.
Từ góc độ quan sát của mình, bà Ánh thấy rằng việc Hà Nội "cao giọng" như vậy "có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tốt đẹp" của quan hệ hai nước. Nhiều Facebooker khác cũng có chung quan điểm, theo quan sát của VOA.
Từ Đức, luật sư Nguyễn Văn Đài đưa ra nhận định : "Việc phát hành đồng xu đó trùng với thời điểm 30/4, cho nên có lẽ phía Việt Nam hơi vội vàng, hấp tấp, không chín chắn trong việc đưa ra phản ứng của mình, cho nên hoàn toàn không phù hợp, không đúng".
Một số Facebooker, trong đó có ông JB Nguyễn Hữu Vinh, có 66.000 người theo dõi, liên hệ việc Việt Nam vừa phản đối Australia về vật phẩm kỷ niệm chiến tranh với việc Trung Quốc có nhiều hoạt động, vật phẩm kỷ niệm cuộc chiến tranh đẫm máu với Việt Nam từ năm 1979 đến giữa những năm 1980, song Việt Nam lại không phản đối, lên án Trung Quốc.
Luật sư Đài chỉ ra sự khác biệt là ở chỗ Việt Nam và Trung Quốc "có quan hệ ý thức hệ" và Đảng cộng sản Việt Nam "chịu nhiều ơn huệ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ".
Khi Trung Quốc kỷ niệm cuộc chiến tranh 1979, thậm chí đưa ra thông tin sai lệch về cuộc chiến, Việt Nam "chỉ nhẫn nhịn chứ không dám phản đối", ông Đài nhận xét và nói thêm : "Khả năng phản đối của Việt Nam với Trung Quốc là không được, nếu phản đối Trung Quốc sẽ lĩnh hậu quả nhiều hơn".
Như tin của VOA đã đưa, cộng đồng người Việt tại Australia bày tỏ sự bất bình trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam. Một đại diện của Cộng đồng Người Việt Tự do ở Úc Châu nói với VOA rằng lời phản đối của Việt Nam thật "vô lý" và "có tính cách độc đoán".
***************************
Vụ đòi Úc rút đồng tiền có cờ vàng : "Việt Nam nên học cách ngoại giao văn minh !"
RFA, 05/05/2023
Bộ Ngoại giao Việt Nam đòi Chính phủ Úc phải dừng lưu hành đồng tiền lưu niệm 2 đô la có cờ Việt Nam Cộng Hòa, người Úc gốc Việt nói cách hành xử này không văn minh.
aussiecoinsandnotes
Công ty Royal Australian Mint hồi đầu tháng 4 phát hành hai đồng tiền có mệnh giá 2 đô la Úc có màu bạc và vàng để kỷ niệm 50 năm ngày quân đội Úc rút khỏi chiến tranh Việt Nam, điều đặc biệt là hai đồng tiền này đều có in biểu tượng lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 4/5, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đề nghị Úc dừng lưu hành các ấn phẩm có in hình "cờ vàng" và không để tái diễn các sự việc tương tự.
Bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại tiểu bang Tây Úc ngày 5/5 nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do :
"Theo tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam phải nên học cách đối xử ngoại giao văn minh, thứ nhất người Úc ra đồng tiền đó để kỷ niệm một mốc thời gian của lịch sử.
Thời gian đó người Úc đến Việt Nam để giúp miền Nam chiến đấu với cộng sản, Việt Nam Cộng Hòa lúc đó là quốc gia được các nước trên thế giới công nhận, nên bây giờ người Úc kỷ niệm thời điểm lịch sử đó không lẽ người ta lại trưng cờ đỏ sao vàng trong đó ?".
Theo ông Dũng, cơ quan ngoại giao của chính quyền Hà Nội cần bỏ tâm trạng tiểu nhân và thù hận, không phải cứ thấy cờ vàng ở đâu là sửng cồ lên. Ông nói :
"Theo suy nghĩ của tôi, họ chiếm miền Nam một cách bất hợp pháp, ngược với công pháp quốc tế cho nên họ mặc cảm tội lỗi và không muốn ai nhìn thấy thời điểm lịch sử đó nữa".
Theo Chính phủ Úc, có khoảng 60.000 binh lính nước này tham chiến ở miền Nam sát cánh với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh. Hơn 500 binh sĩ Úc tử trận, 2.400 lính bị thương trong cuộc chiến này.
Sự tham gia của Úc vào cuộc chiến chính thức kết thúc khi Tổng toàn quyền ra tuyên bố vào ngày 11/1/1973. Lực lượng chiến đấu duy nhất còn lại ở Việt Nam là một trung đội bảo vệ tòa Đại sứ Úc ở Sài Gòn, đã được rút vào tháng 6/1973.
Cùng năm đó, Úc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện năm 2009 và Đối tác Chiến lược năm 2018.
Ông Hoàng Ngọc Diêu, chuyên gia công nghệ thông tin hiện đang sống tại Sydney cho rằng, đề nghị của Việt Nam là không hợp lý :
"Nói là nước Úc đừng có tái diễn những chuyện trong quá khứ thì mình thấy là thái quá. Việt Nam là cái gì mà đòi hỏi một quốc gia khác phải làm như vậy ?!".
Theo ông, việc Việt Nam nêu chuyện Đối tác Chiến lược với Úc giống như một sự hăm dọa, một hành động không khôn ngoan và không lấy làm gì tốt đẹp với quốc gia khác.
Ông cho biết mặc dù Công ty Royal Australian Mint thuộc Chính phủ Úc nhưng hoạt động độc lập và chịu rất ít sự kiểm soát của nhà nước.
Ông nói truyền thông Úc không đả động gì đến phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong khi Công ty Royal Australia Mint đã bán hết số đồng xu có in cờ Việt Nam Cộng Hòa mà họ phát hành.
Ông có liên lạc với họ và được biết doanh nghiệp này không có kế hoạch cụ thể về việc phát hành thêm nhưng sẽ xem xét vì nhu cầu mua khá lớn.
Nhiều nhà đầu cơ đã mua đồng xu này và rao bán trên mạng với giá từ 1.000 đến 2.000 đô la Úc, ông nói.
Vị chuyên gia công nghệ thông tin nói hoàn toàn không biết việc Úc phát hành đồng xu có in cờ Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi nhận được thông tin phản đối của Chính phủ Việt Nam.
"Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa cũ"
Phát ngôn nhân của Sở Đúc tiền Hoàng gia Úc (Royal Australian Mint) ngày 5/5 phản hồi email của RFA cho biết:
"Thiết kế của đồng xu phản ánh màu sắc của các dải huy chương nghĩa vụ được trao cho những người Úc từng phục vụ tại Việt Nam, bao gồm huy chương Phục vụ Việt Nam, được giới thiệu vào năm 1968. Chính phủ Úc không công nhận quốc kỳ của Việt Nam Cộng Hòa cũ".
Phản ứng của Nhà nước Việt Nam có tác dụng ngược. Nhiều thế hệ trẻ ở Việt Nam không biết về lá cờ vàng ba sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa, tuy nhiên, bằng sự phản ứng dữ dội của Hà Nội giới trẻ sẽ tìm hiểu vì tò mò, ông Diêu nói.
"Trong 48 năm qua, khi mà đụng đến Việt Nam Cộng Hòa hay đụng đến lá cờ vàng ba sọc đỏ, nhà cầm quyền Việt Nam luôn có phản ứng gay gắt, thậm chí thái quá.
Đối xử với một chế độ không còn tồn tại một cách đầy hiềm khích và nặng nề".
Theo ông, Hà Nội có tiêu chuẩn kép. Khi cộng đồng quốc tế lên án vi phạm nhân quyền, Việt Nam lại nói rằng đó là "chuyện nội bộ" nhưng lại phản ứng với việc Úc phát hành tiền xu - một việc hoàn toàn là chuyện nội bộ của một quốc gia xa xôi.
Những phản ứng vặt vãnh như vậy không mang lại gì ngoài biểu hiện yếu ớt và ti tiện của một chế độ độc tài và kém cỏi, ông Diêu kết luận.
Phóng viên gửi email tới Bộ Ngoại giao và Thương mại của Úc và Đại sứ quán Úc tại Hà Nội để đề nghị bình luận về phản ứng của Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.
Theo đài SBS tiếng Việt, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, hay còn được gọi ngắn gọn là cờ vàng, được nhiều đơn vị hành chính trong cả nước Úc công nhận là lá cờ chính thức đại diện cho Cộng đồng Người Việt Tự do, cộng đồng người Việt tị nạn và con cháu của họ ở Úc.
Ngoài hai đồng tiền 2 đô la do Sở đúc tiền phát hành, Bưu chính Úc cũng phát hành các con tem có hình ảnh Huân chương Việt Nam với dải cờ vàng 3 sọc đỏ, khi xưa dùng để trao cho các quân nhân Úc và các thành viên của các tổ chức từ thiện được công nhận phục vụ tại miền Nam Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam.