Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/05/2023

Quốc hội Việt Nam có để làm gì ?

Phạm Viết Đào, Trần Tiến Đức, Quốc Phương

Quốc hội : Sửa Luật Đất đai và Giám sát Chi tiêu Ngân sách Công, không làm từ gốc, "sửa lặt vặt chỉ tốn thời gian"

Phạm Viết Đào, Quốc Phương, RFA, 12/05/2023

"Quốc hội mà chỉ sửa lặt vặt luật thì chỉ tốn thời gian", một ý kiến trong giới quan sát thời sự và chính trị từ Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do trong dịp Thường vụ Quốc hội Việt Nam đang nhóm họp, chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm, khóa XV vào cuối tháng 5/2023 và thảo luận, cho ý kiến một số vấn đề, trong đó có góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và giám sát vấn đề ngân sách công và sử dụng khi Ủy ban này cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo năm.

qh1

Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hà Nội hôm 12/5/2023. Hình : Quốc hội

"Về Luật Đất đai, bức xúc nhất của người dân hiện nay là cần phải thừa nhận quyền sở hữu đất đai của người dân, còn về chuyện quyết toán ngân sách Nhà nước, hay nói rộng hơn là giám sát quản lý ngân sách công, tôi thấy là phải làm lại từ đầu, nếu không chỉ tốn thời gian", ông Phạm Viết Đào, người từng là Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam trước đây nêu quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt hôm 12/05/2023.

"Nếu Quốc hội sửa lặt vặt, thì bàn làm gì, còn về đất đai, đúng ra là đầu tiên phải thừa nhận quyền sở tư hữu về đất đai, cái này Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đã thừa nhận. Đến năm 1959, Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở miền Bắc Việt Nam cũng vẫn thừa nhận quyền tư hữu đất đai, nhưng rõ ràng là sau khi thống nhất Bắc – Nam hai miền của đất nước rồi, mới nảy ra chuyện bãi bỏ quyền này trong cả nước, mà quy định theo điều mới trên cả nước được gọi là đất đai ‘thuộc sở hữu toàn dân’ do ‘Nhà nước thống nhất quản lý’. Như thế là có sự thay đổi trong chế độ sở hữu này nếu ta so sánh giữa các bản Hiến pháp 1946, 1959, rồi tới 1983, 1992…

Bây giờ đúng ra, tôi nghĩ rằng Nhà nước Việt Nam hiện nay cần phải công nhận quyền sở hữu tư nhân, hay quyền tư hữu về đất đai, tại sao trước đây thừa nhận được, mà sau này và đến tận bây giờ lại không thể ?"

Sửa mà không cơ bản, thì "sửa vặt" làm gì ?

Một bản tin từ Cổng thông tin của Quốc hội Việt Nam hôm 11/5/2023 đưa tin cho hay dự thảo Sửa đổi Luật đất đai đã nhận được 12 triệu lượt ý kiến, và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ông Vương Đình Huệ hôm thứ năm đã có ý kiến về vấn đề này :

"Cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và việc tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), qua đó nâng cao chất lượng hồ sơ dự án luật trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có hình thức để báo cáo lại với nhân dân việc lấy ý kiến và tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý ; đồng thời đề nghị rà soát để luật hóa cụ thể những vấn đề lớn được người dân mong đợi như về tài chính đất đai và giá đất", bản tin từ Quốc hội Việt Nam tường trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn một số nội dung của dự thảo Luật. Chủ tịch Quốc hội gợi ý như nội dung về cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, quy định mức thuế cao hơn với người sở hữu nhiều diện tích đất hoặc đầu cơ hoặc chậm sử dụng đất, bỏ hoang đất ; quản lý tiết kiệm, hiệu quả nguồn thu từ đất giữa trung ương và địa phương ; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản ; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp ; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững ; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai, trong dự án luật này…

Về vấn đề áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội cho biết theo báo cáo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có liên quan đến hơn 100 dự án luật và liên qua trực tiếp đến khoảng 20 - 22 luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát với những dự án luật đang sửa như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, v.v. và luật này để đảm bảo tương thích. Đối với các dự án luật khác liên quan, hiện có hai phương án. Một là rà soát lại để đưa vào dự án luật này để sửa luôn. Hai là dùng một luật để sửa nhiều luật. Do đó, đề nghị cân nhắc phương án để sửa ngay trong Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi, để khi Luật được ban hành không phải chờ các Luật khác và có thể vận hành ngay", vẫn theo Cổng thông tin của Quốc hội Việt Nam hôm 11/5.

Khi được đề nghị đưa ra bình luận, ông Phạm Viết Đào nói :

"Tôi nghĩ là nếu không đề cập vấn đề gốc rễ, thì tất cả chỉ là sửa chữa lặt vặt, mà sửa lặt vặt như thế thì góp ý có ý nghĩa gì ? Tôi đã nghiên cứu vấn đề hiến định quyền sở hữu đất đai ở Việt Nam từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và thấy rằng đã có thời điểm có Nghị quyết Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam tuyên bố ‘trả lại quyền sở hữu đất đai cho nhân dân’, trong đó có liên quan chống đất bị hoang hóa v.v., thế thì bây giờ tinh thần đó đã bị sửa đi, mà nếu nó có cái sai từ gốc, nhưng lại không được sửa từ chỗ đó, kể cả những chuyện như dự án, quy hoạch, quyền sử dụng, chuyển đổi mục đích, giá đất v.v., thì sửa lặt vặt chẳng có giá trị cơ bản gì".

qh2

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà. Hình : Quốc hội

Vì sao chưa sửa "cơ bản" và cái lợi của công nhận "quyền tư hữu đất đai" ?

Trả lời câu hỏi vì sao mà tới nay Quốc hội và nhà nước Việt Nam không sửa đổi để công nhận quyền tư hữu về đất đai đó, ông Phạm Viết Đào đáp :

"Cái này liên quan đến lợi ích, lợi quyền của chế độ và quan chức chế độ. Lâu nay những người có quyền lực trong chế độ này vẫn thụ hưởng các quyền lợi đó, nếu bây giờ mà sửa, thì họ sẽ mất đi quyền lợi, lợi ích, nên họ sẽ không chịu sửa. Do đó, những gì người ta bàn thảo là những chuyện đi vào chi tiết, lặt vặt, phái sinh, không phải là gốc rễ. Ở các nước như Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Liên Xô trước kia chẳng hạn, người ta không sửa, nhưng như ở Liên Xô sau này khi tan rã rồi, thì các nước thành viên cũ hậu Liên Xô, người ta đã sửa.

Nhân đây, tôi muốn nói tới một số vụ việc, chẳng hạn một vụ nóng cách đây không lâu mà còn do "lệ" gây ra, căn cứ trên ‘luật’ đó rồi, thì người ta có ‘lệ’, tức là cách thức xử lý, một bên là dân nói là "đất đó là của chúng tôi". Một bên kia thì bảo là "đất của họ", mà trường hợp này nói là "đất quốc phòng" của quân đội, rồi khi xử lý thì người ta đưa một cái ‘lệ’ vào để xử, đó là đưa công an vào, và thêm xung đột xảy ra.

Còn như các vụ khác từ Thủ Thiêm, đến Dương Nội v.v., nếu không sửa luật tận gốc, trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai cho người dân, công khai minh bạch giám sát quy hoạch, đất đai của cộng đồng, xã hội, và các giới v.v., thì những vụ việc như thế sẽ không tránh khỏi, tức là tiếp tục diễn ra việc những người dân bị ức hiếp, mà trong đó nhiều người dân sẽ trắng tay, chẳng còn gì cả, còn không thì họ phải thụ động chờ đợi vào sự "tử tế" của quan chức, nhưng cái người ta cần là luật bảo vệ quyền sở hữu đó của người ta, không có điều đó được quy định trong luật, tức là tư hữu đất đai, thì các vấn đề vẫn sẽ còn xảy ra. Tôi đã nghiên cứu văn bản rồi và tôi thấy sửa như thế, sửa lặt vặt như hiện nay, kiểu đó, thì sửa làm gì ?"

Khi được hỏi trong trường hợp chế độ tư hữu đất đai được thừa nhận và được sửa đổi trong luật pháp tại Việt Nam, nếu có việc đó, lợi ích sẽ như thế nào, ông Phạm Viết Đào nói :

"Có nhiều cái lợi và hiệu quả, trong đó có một điều là nếu sửa như thế người dân sẽ đầu tư thiết tha, người ta gắn bó với đất đai, đồng ruộng, họ thấy tài sản đó của họ là đất đai tư nhân được luật bảo đảm, bảo hiểm, thì họ sẽ làm mọi thứ để có hiệu quả, chuyện để hoang hóa đất đai cũng bớt đi.

Có tư hữu đất đai, người dân mới đầu tư, mới yên tâm, khi đó mới phát triển nguồn lực về nông nghiệp tốt. Còn bây giờ nếu tôi có tiền, nhưng đất đai đó tôi chỉ có quyền sử dụng, không phải là sở hữu của riêng tôi, thì tôi bỏ tiền, công của hết ra đầu tư để làm gì, cái đó có phải của tôi đâu ? Mở rộng hơn, nếu anh muốn người dân phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn, anh muốn người dân có tình cảm với quê hương, có sự gắn bó, thì phải công nhận quyền sở hữu đó về đất đai của người ta".

Lưu ý gì trong quản lý tài chính công hay ngân sách Nhà nước ?

Hôm thứ sáu, 12/5, Thường vụ Quốc hội Việt Nam khi tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23 đang diễn ra tại Hà Nội, và cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Dẫn lời của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, bà Nguyễn Thị Phú Hà trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp Thường vụ, Cổng thông tin Quốc hội Việt Nam cho biết :

"Hồ sơ Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021 được lập cơ bản đầy đủ theo quy định tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Qua kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách và báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 cho thấy kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 chưa nghiêm, nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm, đặc biệt công tác quyết toán ngân sách nhà nước chậm đã nêu trong các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được khắc phục v.v.

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và tăng cường việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội, từ quyết toán ngân sách nhà nước niên độ năm 2022, Quốc hội không phê chuẩn quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước trong niên độ đã phát hiện không đúng quy định ; các khoản chi phải hủy nguồn, thu hồi về ngân sách nhà nước trong niên độ và các năm trước, nhưng chưa thực hiện thu hồi và các kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước yêu cầu xử lý tài chính trong niên độ quyết toán ngân sách nhà nước".

Khi được đề nghị đưa ra bình luận về vấn đề này, từ quan điểm riêng, ông Phạm Viết Đào, nói :

"Những cái trên cũng chỉ là những chuyện kỹ thuật, chi tiết nghiệp vụ thôi… Tôi chỉ lưu ý một điều là có một lĩnh vực cần được quan tâm, đó là sử dụng ngân sách công của Đảng cộng sản Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên thuộc đảng này vẫn làm, thì theo các số liệu này hàng năm công bố ở Việt Nam là Ban Chấp hành Trung ương Đảng mỗi năm sử dụng gần 100 triệu đô la Mỹ, rồi Quốc hội là khoảng 60 triệu đô la, Chính phủ khoảng 50 triệu đô la, chưa kể các đoàn thể, đảng, đoàn v.v. một năm cũng đến vài ba chục triệu đô la nữa, thì cái này phải tách ra như thế nào, giải quyết ra sao là cả một vấn đề. Còn tất cả khoản chi liên quan Đảng cộng sản Việt Nam từ ngân sách Nhà nước, lâu nay hoàn toàn nằm trong quyền quyết định của các vị lãnh đạo, người dân không dám làm hay nói gì, cái này là vấn đề phải có luật, mà nó lại liên quan đến thể chế.

Còn mấy ý kiến họp bàn như trên ở Thường vụ Quốc hội như hiện nay, không riêng gì đất đai, hay quản lý ngân sách công, nếu cơ chế, thế chế hiện nay mà cần phải sửa đổi lại, thì theo tôi mọi thứ phải làm lại từ đầu, mà muốn làm lại phải có một lực lượng đủ mạnh để đổi mới. Nhìn vào ‘Tứ trụ’ hiện nay, tôi thấy không ai có đủ sức mạnh, khả năng để làm việc đó, ông nào mà không cẩn thận thì sẽ "bị" trước, cho nên ai cũng chỉ nói thế thôi, còn bản thân, dù có nhận thức được vấn đề, cũng chưa dám làm, trong khi người dân bây giờ người ta nhìn vào việc làm của các vị thì người ta mới tin", ông Phạm Việt Đào, nguyên Trưởng phòng Thanh tra hành chính và phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam trước đây nói với Đài Á Châu Tự Do từ Việt Nam hôm thứ sáu trên quan điểm cá nhân.

Còn theo Cổng thông tin của Quốc hội Việt Nam dẫn lời của Chủ tịch Quốc hội nước này, ông Vương Đương Huệ, hôm 11/05 cho biết :

"Đối với một số nội dung mới như quy định về việc cho phép đơn vị sự nghiệp công được sử dụng quyền sử dụng đất dùng cho mục đích dịch vụ kinh doanh... Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là những nội dung mới, đáng chú ý nhưng chưa thể tiếp thu ngay được, cần tiếp tục nghiên cứu thêm sau này hoặc có những vấn đề trái với những quan điểm, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước thì không thể tiếp thu được hay chưa thể tiếp thu được nhưng cũng cần có báo cáo một cách tường minh".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 12/05/2023

************************

Quốc hội Việt Nam cần sớm trả món nợ "ban hành Luật về Hội"

Trần Tiến Đức, Quốc Phương, RFA, 11/05/2023

Nhà nước Việt Nam "đã quá muộn" trong việc giải quyết món nợ ban hành Bộ luật về hội, hội đoàn, hiệp hội, kể cả luật về Đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam. Nay là lúc Quốc hội Việt Nam không thể chậm trễ hơn được nữa với "món nợ đã hai chục năm rồi". Ngoài ra Nhà nước và Chính phủ cũng không nên "e ngại" xã hội dân sự, vì thiết chế này "không phải và không bao giờ sẽ là mối đe dọa của chế độ", theo một cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam các khóa trước.

qh3

Ông Trần Tiến Đức phát biểu tại một hội nghị - Trần Tiến Đức

Trong phần tiếp theo của cuộc trao đổi (mời quý vị theo dõi phần đầu phỏng vấn ở đường dẫn này) với Đài Á Châu Tự Do.

Khi được hỏi ý kiến trên quan điểm riêng về nhu cầu đối với việc ban hành luật liên quan xã hội dân sự và các hội đoàn ở Việt Nam, tính riêng tới thời điểm này, ông Trần Tiến Đức, nguyên Vụ trưởng Vụ Truyền thông Ủy ban Dân số, Kế hoạch hóa Gia đình, thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây, cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói :

Trần Tiến Đức : Tôi nghĩ rằng nếu mà nói là đã đến lúc, thì đã quá muộn ! Nhu cầu phải có một bộ luật, có một hành lang pháp lý để quy định hoạt động của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội dân sự, các nghiệp đoàn, thậm chí các đảng phái là rất cần thiết. Bởi vì có như thế, Nhà nước mới quản lý được, vì chúng ta là một nhà nước pháp quyền, chúng ta quản lý trên cơ sở luật pháp, chứ không phải trên chỉ thị của Đảng lãnh đạo, hoặc là những thông tư, nghị định của chính quyền – đó là những văn bản dưới luật.

Vì vậy, phải có một bộ luật chính thức để tạo ra khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp pháp và chính đáng của các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức khác. Tôi nghĩ rằng đó là một nhu cầu mà đã được đặt ra từ lâu, mà theo tôi có lẽ cũng đã đến hai chục năm rồi.

Và tôi nói rằng Quốc hội Việt Nam đang còn nợ luật đó đối với người dân Việt Nam. Lúc đầu người ta đặt vấn đề về ‘Luật về Hội’, nhưng sau đó qua rất nhiều hội thảo mà tôi cũng từng được tham gia, kể cả có những vị đã từng là quan chức nhà nước như ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hay là ông Vũ Mão, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội, họ đều thống nhất.

Tôi thấy là chưa có một ý kiến nào phản đối. Nhưng về sau tên gọi có khác nhau và người ta thấy rằng đầu tiên có người nói là "Luật về quyền được lập hội". Cái đó là cái đầu tiên mà bức xúc nhất, vì khi muốn có hoạt động của hội, thì phải được lập hội đó. Tên gọi theo tôi không quan trọng lắm, tuy tất nhiên nó tạo một bước về mặt chiến thuật, để tạo đà tiếp sau. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu đã làm một bộ luật, thì nên làm một Bộ luật về Hội, trong đó có quyền về được lập hội, trong đó có những vấn đề trách nhiệm giải trình của các tổ chức đó đối với những thành viên của tổ chức của mình và đối với nhà nước, rồi vấn đề tài chính của những tổ chức đó như thế nào, quyền được nhận tài trợ ra sao, và sự minh bạch trong quản lý tài chính phải như thế nào, rồi những hội viên phải có những trách nhiệm gì, v.v.

Tôi nghĩ tất cả những cái đó là những điều rất quan trọng và đã có rất nhiều cuộc thảo luận, và qua những cuộc thảo luận có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, lẫn của các quan chức của Quốc hội và các quan chức của Nhà nước, tôi chưa thấy một ý kiến nào bác bỏ nhu cầu, bác bỏ việc phải có một bộ luật đó, nhưng rất tiếc rằng không rõ vì lý do gì, không biết do sự chỉ đạo của ai, không có thông tin nên tôi không dám nói, nhưng cho đến nay Bộ luật đó vẫn chưa ra đời.

Và trong nghị trình của Quốc hội Việt Nam khóa này, tôi chưa từng thấy là Bộ luật đó được nêu trong danh sách những luật cần phải được xây dựng và được thông qua.

RFA : Như vậy, ông có khuyến nghị với Quốc hội, chính quyền, nhà nước và Đảng cộng sản ở Việt Nam rằng Bộ luật này phải là một ưu tiên để ban hành hay không ?

Trần Tiến Đức : Tôi nghĩ rằng rất cần, nếu tôi được phép kiến nghị, tôi xin kiến nghị với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị lãnh đạo Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội và những đoàn thể chính trị mà hiện nay đã được Nhà nước công nhận, thì nên ủng hộ, việc sớm làm, chứ không phải cứ nói là "chúng ta sẽ sớm ra", mà phải nói rằng "trong nhiệm kỳ này của Quốc hội (2021-2026), phải ra được Bộ luật về hội".

RFA : Ông có nói ở trên rằng ngay đảng phái ở Việt Nam cũng phải có luật, tại sao lại cần như thế và nếu có Luật hay Bộ luật về đảng phái như thế, thì cần ưu tiên nội dung gì ở trong đó, thưa ông ?

Trần Tiến Đức : Chúng ta đều biết rằng theo Hiến pháp phiên bản năm 2013, điều 4 có quy định là Đảng cộng sản Việt Nam được toàn quyền lãnh đạo đất nước. Đấy là một việc rất quan trọng. Nhưng lãnh đạo đất nước là phải trong khuôn khổ luật pháp, cho nên tôi rất muốn rằng bên cạnh Bộ luật về hội, thì phải có Bộ luật về Đảng cộng sản Việt Nam, để cho Bộ luật đó khẳng định rằng với hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay thì Đảng cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo, nhưng mà cũng quy định quyền hạn của đảng lãnh đạo bao gồm những lĩnh vực gì và nó được thể hiện như thế nào.

Rồi trách nhiệm giải trình của Đảng này đối với các đảng viên, đối với quốc dân, đối với đất nước là ra sao ? Tôi nghĩ rằng điều đó rất là quan trọng, bởi vì như thế mới là sự công bằng, chúng ta vẫn nói rằng xã hội mà nhà nước Việt Nam đang xây dựng là dân chủ, công bằng, văn minh, thì điều đó là thể hiện sự công bằng, sự văn minh.

Còn các tổ chức khác cũng phải hoạt động theo luật, bây giờ chúng ta (Việt Nam) có Luật về Công đoàn, trong đó tổ chức công đoàn phải hoạt động theo pháp luật. Vậy thì Hội phụ nữ cũng phải hoạt động theo luật, Đoàn Thanh niên cũng phải hoạt động theo luật v.v... Bây giờ những tổ chức đó đều hưởng ngân sách của Nhà nước và nhiều khi tôi nghĩ rằng nó có những khía cạnh bất hợp lý, không biết bây giờ có còn như thế nữa hay không, nhưng khi tôi còn làm việc, tôi biết là Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh của Việt Nam có đến 27 cục, vụ, viện.

Tức là bộ máy to hơn cả một Bộ của Chính phủ, dù là cơ quan của chúng tôi, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa gia đình lúc bấy giờ chỉ có 4-5 Vụ thôi, kể cả Thanh tra, kể cả Trung tâm Nghiên cứu, trong khi Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có hơn hai mấy cục, vụ viện như thế, thì tức là bộ máy phình rất to. Tôi xin nói rằng Đoàn thanh niên cộng sản là thuộc những đoàn thể quần chúng, và nếu đúng danh nghĩa của họ, thì họ hoạt động phải theo tác phong quần chúng.

Tôi nhớ là Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hồi năm 1974 hay 1975 từng nói rằng, theo ông : "Lãnh đạo của Trung ương đoàn không nên đi ô tô (xe công) xuống cơ sở, mà nếu ở trong địa phận một thành phố, thì chỉ nên đạp xe thôi, thì nó mới gần gũi dân !" Tôi cũng nhớ, hồi cha tôi, Bác sĩ Trần Duy Hưng, làm Hướng đạo sinh thời còn Pháp thuộc, thì không có ăn lương và toàn bộ đi đâu đều toàn tự túc các phương tiện. Thí dụ như khi tổ chức cho Hướng đạo sinh đi cắm trại, để tổ chức những hoạt động giới thiệu lịch sử, giới thiệu về tinh thần yêu nước, họ toàn đi bằng phương tiện công cộng hoặc là đi xe đạp, đến nơi thì tự túc ăn uống, cắm trại v.v. Nên tôi nghĩ đó là những hình thức cần được khuyến khích để những đoàn thể quần chúng thì phải thực sự là quần chúng. Chứ còn tác phong bây giờ hành chính quá, và tôi nghĩ rằng nếu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh mà hành chính quá như thế, thì nên gọi là "Bộ Thanh niên", hoặc làm thành Bộ gọi là "Bộ Giáo dục và Thanh niên" như ở một số nước. Chứ còn đã là đoàn thể, nên hoạt động với ngân sách tiết kiệm nhất, một khi còn được hưởng ngân sách của Nhà nước.

RFA : Liệu nhà nước và chính quyền ở Việt Nam có nên quan ngại về điều được cho là "diễn biến hòa bình" hay không, thưa ông ?

Trần Tiến Đức : Tôi nghĩ rằng Nhà nước không nên quan ngại. Bởi vì cái "diễn biến hòa bình" có xảy ra hay không là phải phụ thuộc vào lòng dân. Dân người ta muốn thay đổi, thì dù anh không thay đổi, cũng sẽ dẫn đến thay đổi. Tôi lấy thí dụ, chúng ta từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung chuyển sang một nền kinh tế thị trường sau Đại hội đổi mới năm 1986 (Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam), thì trước hết đó là động lực đầu tiên xuất phát từ dân, từ những người dân đầu tiên mà ở tỉnh Vĩnh Phúc, do ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy, rồi sau đó là ở miền Nam, ở tỉnh Long An, rồi từ ở các xí nghiệp, như là những xí nghiệp dệt ở Sài Gòn v.v. dần dần, nó mới thành ra những sáng kiến của dân, mà sáng kiến ấy là sáng kiến từ dân mà ra.

Có những sáng kiến được Đảng ủng hộ ngay từ đầu, cũng có những sáng kiến dân bắt đầu lên, thì cuối cùng Đảng cũng ủng hộ, và ông Trường Chinh là một con người vẫn mang tiếng là rất bảo thủ, nhưng chính ông ấy đã nhận ra được những khiếm khuyết của một nền kinh tế kế hoạch tập trung, và chính ông là người đã đề xướng và thực hiện Đổi mới, để tạo nên sự đổi mới của đất nước về mặt kinh tế.

Nhưng như tôi vẫn thường nói với bạn bè của tôi là "Đổi mới về kinh tế, thì phải kéo theo đổi mới về chính trị, vì đổi mới chính trị mới làm cho đổi mới kinh tế bền vững !" Tôi biết bây giờ nhiều người đang cố gắng, nhưng người ta cũng nói rằng "Cái gì cũng phải làm từ từ !", thì tôi nói lại rằng : "Đúng là mọi chuyện phải có những bước đi cần thiết, phải có những khảo cứu, nhưng xã hội dân sự không phải là mối đe dọa !"

Và tôi xin nhắc lại một lần nữa xã hội dân sự không phải và không bao giờ là mối đe dọa với thể chế chính trị của đất nước này. Thể chế chính trị chỉ thay đổi một khi lòng dân thay đổi. Và có lần trong một cuộc hội thảo ở Nha Trang với các nghị sĩ, khi tôi vẫn còn làm tư vấn cho Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, thì trong bữa ăn, tôi hỏi thật các vị ấy : "Bây giờ, nếu như các vị cho phép các Đại biểu tự do hoàn toàn tự do ra ứng cử, thì các vị thấy sao ? Các vị có ngại không ?"

Nhiều vị cứ chần chừ, tôi bảo họ : "Theo tính toán của tôi, nếu cho phép những người được gọi là Đại biểu tự do ra ứng cử, thì với thể chế và quy tắc bầu cử hiện nay, họ sẽ không thể nào chiếm quá được 30% số ghế trong Quốc hội. Và như vậy, tất cả những chính sách mà các vị đưa ra, các vị muốn thông qua, thì các vị vẫn thông qua được, với đa số. Tất nhiên không phải với đa số áp đảo như hiện nay, nhưng với tỉ lệ 60%, thậm chí với 55% thì các vị vẫn thông qua được. Và nó vẫn tạo ra được một môi trường phản biện lành mạnh, bởi vì trong Quốc hội mà phản biện nhau thì là chuyện lành mạnh rồi. Như thế, tôi nghĩ rằng nó sẽ đảm bảo cho đất nước ta (Việt Nam) phát triển một cách nhanh chóng hơn".

Cuối cùng, nghe xong, các ông đó bảo tôi : "Ông Đức nói đúng đấy, chúng tôi hoàn toàn đồng ý !" Nhưng từ sự đồng ý trong trao đổi riêng, đến sự thay đổi về mặt chính sách thì chắc vẫn còn những bước đường dài, song tôi tin tưởng rằng đất nước này sẽ thay đổi và sẽ thực sự hòa nhập với đời sống quốc tế.

RFA : Xin trân trọng cảm ơn ông Trần Tiến Đức đã trả lời cuộc phỏng vấn này với Đài Á Châu Tự Do !

Trên đây là phần hai và cũng là phần cuối của cuộc trao đổi của RFA tiếng Việt với ông Trần Tiến Đức nguyên là Vụ trưởng vụ Truyền thông, Ủy ban Dân số & Kế hoạch hóa Gia đình, thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trước đây, ông là nhà quan sát xã hội dân sự, từng là chuyên gia hoạch định chiến lược, chính sách quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực truyền thông dân số, truyền thông phát triển, cựu Giám đốc dự án Policy do USAID tài trợ chuyên về vận động chính sách và thúc đẩy tiếp cận trên cơ sở quyền và tăng quyền cho người có HIV tại Việt Nam, cựu đại diện của The Futures Việt Nam, thuộc The Futures Group toàn cầu, chuyên về nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu chính sách và vận động chính sách, trong đó có tư vấn chiến lược trong lĩnh vực dân số & kế hoạch hóa gia đình, giới, sức khỏe sinh sản v.v. Ông từng là Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (1993-1998) và cố vấn của Ủy ban các Vấn đề Xã hội thuộc Quốc hội Việt Nam các khóa trước đây. Ông Trần Tiến Đức cũng được biết đến là con trai thứ của Bác sĩ Trần Duy Hưng, cố Thị trưởng đầu tiên đồng thời là người giữ cương vị này lâu nhất của Hà Nội, dưới thời chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại miền Bắc Việt Nam trước đây bắt đầu từ ngày 10/10/1954.

Phần 1 của bài phỏng vấn ông Trần Tiến Đức : Tình trạng "tạm lắng" của các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam và triển vọng ?

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 11/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Viết Đào, Trần Tiến Đức, Quốc Phương
Read 24863 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)