Trên tuyến đường ven biển Quảng Nam, hàng loạt dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng bị bỏ hoang hoặc chậm triển khai, vừa gây lãng phí đất vừa ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Tổ hợp công trình thuộc dự án khu nghỉ dưỡng Hội An Golden Sea tọa lạc tại vị trí "đất vàng" ven biển An Bàng, Thành phố Hội An. Hiện Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đang thanh tra dự án này (Ảnh : Ngô Linh).
Ì ạch triển khai dự án trên "đất vàng" rồi bỏ hoang
Tuyến đường ven biển nối thị xã Điện Bàn với thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được ví như "tuyến đường tỷ đô" với hàng loạt khu du lịch được đầu tư xây dựng hết sức quy mô, hiện đại, kỳ vọng đưa những làng chài nghèo khó trở thành trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được xây dựng quy mô đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhiều dự án chậm triển khai hoặc đang xây dựng dang dở rồi bỏ hoang.
Vì "đắp chiếu" suốt thời gian dài, các dự án này đã trở nên hoang phế, xuống cấp gây mất mỹ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân xung quanh dự án.
Dự án khu khách sạn cao cấp nằm ở phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn) sau khi được xây dựng móng trụ thì bỏ hoang suốt nhiều năm, biến thành hồ chứa nước (Ảnh : Ngô Linh).
Dọc tuyến đường này còn có hàng loạt nhà cửa của người dân xập xệ, xuống cấp nhưng không thể sửa chữa, người dân ngậm ngùi "sống treo" giữa khu quy hoạch.
Ngôi nhà của gia đình bà Ngô Thị Chiến (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn) nằm trong quy hoạch của dự án Khu dân cư dịch vụ - du lịch. Gần 10 năm qua, dự án này vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó, nhà của bà Chiến và người dân ở khu vực này đã xuống cấp nghiêm trọng, luôn trong tình trạng nguy hiểm vào mùa mưa bão.
"Chờ mãi không thấy dự án triển khai, gia đình tôi buộc phải cải tạo nhà dù không được phép vì vướng quy hoạch. Dự án ì ạch triển khai mỗi năm một chút rồi để đó. Nếu không làm thì nên xóa bỏ quy hoạch để người dân ổn định cuộc sống", bà Chiến nói.
Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, trên tuyến đường ĐT603B qua địa bàn thị xã này có 28 dự án. Trong đó, mới có 4 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án bị thu hồi, 1 dự án đang được kêu gọi đầu tư. 9 dự án đang được triển khai nhưng vướng mắc giải phóng mặt bằng nên đành phải tạm dừng thi công suốt nhiều năm nay.
Dự án "Homeland Paradise Village" của Tập đoàn Homeland (Homeland Group) có tổng diện tích 31,43ha, tổng vốn đầu tư lên đến 4.250 tỷ đồng, dừng triển khai gần 2 năm nay (Ảnh : Ngô Linh).
Rà soát lại các dự án để nghiên cứu thu hồi
Khu vực ven biển từ thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An (Quảng Nam) đã thu hút tổng cộng 63 dự án; gồm 32 dự án du lịch, 21 dự án khu công viên, bãi tắm và chức năng hỗn hợp, 10 dự án khu dân cư, tái định cư.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nguồn vốn đầu tư lớn đổ vào tuyến đường ven biển này đã kích hoạt sự phát triển, tạo động lực cho vùng Đông của thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An. Tuy nhiên, vẫn có những dự án dang dở, triển khai ì ạch, không những ảnh hưởng đến cuộc sống người dân mà còn gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Ngoài ra, quỹ đất tái định cư rất thiếu, nhiều dự án giao cho nhà đầu tư, nhưng chủ yếu tập trung phân lô bán nền, dẫn đến thiếu đất tái định cư cho người dân và quỹ đất tái định cư cho tương lai.
Vào tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh đã giao thị xã Điện Bàn chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát tất cả các dự án 2 bên đường ĐT603B, khẩn trương đánh giá khả năng giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã triển khai lâu và vướng mắc giải phóng mặt bằng kéo dài.
Các hạng mục công trình còn đang dang dở, theo thời gian dần trở nên hoang tàn, trở thành nơi chăn thả bò của người dân (Ảnh : Ngô Linh).
Trên cơ sở rà soát, đề xuất điều chỉnh lại các dự án, loại trừ phần không thể giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án ; từ đó, phía các đơn vị xây dựng kế hoạch, đầu tư chỉnh trang bằng nguồn vốn đầu tư công, tạo điều kiện cho người dân sớm xây dựng nhà ở và đầu tư kinh doanh ổn định.
Đối với những dự án không đảm bảo về thủ tục pháp lý hoặc kéo dài, không triển khai do năng lực hạn chế thì đề xuất thu hồi theo quy định.
Theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, hiện địa phương có hơn 300 dự án đang triển khai thực hiện. Phần lớn các dự án khi triển khai rất bị động về vấn đề bố trí tái định cư cho những hộ giải tỏa trắng.
Ngoài ra, hầu hết dự án, nhất là khu vực đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và các dự án ven biển đều ảnh hưởng mồ mả cần phải được di dời. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, quỹ đất bố trí cải táng mồ mả tại các địa phương rất hạn chế, thậm chí không còn.
Vì vậy, theo UBND thị xã Điện Bàn, việc triển khai đầu tư của các dự án đều bị chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng phần lớn là do chính sách về giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo.
Giá đất được bồi thường theo giá đất cụ thể. Tuy nhiên, việc áp dụng giá đất cụ thể hiện nay còn nhiều bất cập, không tương xứng với giá thị trường, bị khống chế bởi giá đất 5 năm tại Quyết định 24/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam. Vấn đề này đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là giải phóng mặt bằng đối với đất ở (bồi thường thấp, bố trí tái định cư không hợp lý).
Ngô Linh
Nguồn : Dân Trí online, 12/05/2023