Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/05/2023

Tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới 2022

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình gửi Quốc hội về tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới

Hôm nay (16/05/2023), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố bản phúc trình hàng năm cho năm 2022 gửi Quốc hội về tình trạng tự do tôn giáo ở khoảng 200 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

tongiao1

Chính các cộng đồng bị bách hại ở Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho bản phúc trình

Ngoại trưởng Blinken khẳng định chủ trương của Hành Pháp Biden là lên tiếng và hành động mạnh mẽ để bảo vệ và phát huy quyền tự do tôn giáo cho mọi người ở mọi nơi. Chủ trương này được Hành pháp của Tổng thống Trump khởi xướng năm 2018.

Tiếp sau Ngoại trưởng Blinken, Đại sứ lưu động cho Tự do tôn giáo quốc tế Rashad Hussain trình bày khái quát nội dung của bản phúc trình. Ông cho biết là ngày càng nhiều quốc gia sát cánh với Hoa Kỳ trong nỗ lực đấu tranh cho tự do tôn giáo toàn cầu.

Trong phần báo cáo về Việt Nam, bản phúc trình nhận định là trong năm 2022 có sự cải thiện đối với các tổ chức tôn giáo nào được nhà nước công nhận ; trong khi đó, các cộng đồng và nhóm tôn giáo không đăng ký với nhà nước tiếp tục đối mặt với hàng loạt sự vi phạm bởi chính quyền địa phương. Vì những vi phạm này, ngày 30 tháng 11 vừa qua, Ngoại trưởng Blinken đã liệt Việt Nam vào Danh sách Theo dõi đặc biệt (Special Watch List-SWL).

Tình trạng vi phạm tự do tôn giáo được dẫn chứng thông qua nhiều hồ sơ như vụ đàn áp nhóm Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, chính sách xóa bỏ đạo Dương Văn Mình và Hội thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, lệnh ép bỏ đạo nhắm vào các tín đồ Tin Lành người Hmong ở nhiều tỉnh miền Bắc và người Thương ở khu vực Tây Nguyên, lệnh tháo dỡ chùa Thiên Quang và Sơn Linh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, v.v.

Đại sứ Hussain ghi nhận các đóng góp quý báu và quan trọng của xã hội dân sự. Theo Ông, các nỗ lực từ phía chính quyền sẽ không đến đâu nếu không có sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả của nhiều thành phần trong xã hội dân sự.

Bản phúc trình nêu tên của tổ chức Boat People SOS (BPSOS) là nguồn đóng góp lượng thông tin đáng kể cho bản phúc trình.

"Chiếu theo các bản báo cáo của tổ chức NGO Boat People SOS, trong năm [2022] đã có ít ra 95 vụ vi phạm qua đó công an địa phương đã triệu tập, khảo tra, sách nhiễu hoặc đe dọa các tín đồ của các hội thánh không đăng ký Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên, Truyền Giảng Phúc Âm và Tin Lành Đề Ga", bản phúc trình viết.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, tổng số vụ vi phạm do BPSOS báo cáo năm 2022 là gấp đôi con số này, bao gồm nhiều vụ ép bỏ đạo các tín đồ Tin Lành người Hmong, các vụ sách nhiễu và hiếp đáp tín đồ theo đạo Cao Đài gốc bởi thành viên của Chi Phái 1997, các đợt tấn công vào Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, việc ngăn cản hoặc đe dọa người trong nước để không tham gia các sự kiện quốc tế về tự do tôn giáo…

"Thực ra, chính các nhóm và các cộng đồng bị bách hại ở trong nước đã cung cấp thông tin cho các bản báo cáo này", Tiến sĩ Thắng giải thích.

Từ năm 2015 đến nay, BPSOS đã huấn luyện khoảng 2 nghìn thành viên của trên 200 nhóm và cộng đồng tôn giáo như vậy cách thu thập và phối kiểm thông tin cho các bản báo cáo vi phạm. Từ đó đến nay, gần 500 bản báo cáo, bao gồm hàng nghìn vụ vi phạm, đã được chuyển đến Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và nhiều định chế nhân quyền quốc tế.

"Bản phúc trình nêu khá nhiều vụ vi phạm tiêu biểu nhằm minh họa các hình thức đàn áp tôn giáo ở Việt Nam", Tiến sĩ Thắng nhận định. "Tuy nhiên, bản phúc trình có 2 khiếm khuyết đáng kể".

Theo ông, bản phúc trình có nói về hiện tượng một số tổ chức tôn giáo được phép hoạt động đã bị nhà nước biến thành công cụ trấn áp những nhóm tôn giáo độc lập, nhưng chưa đầy đủ.

Trong phần nói về Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, bản phúc trình cho biết cụ Lê Tùng Vân và 5 đệ tử bị xử án tù vì bị các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, do nhà nước dựng lên năm 1981, cáo buộc đã xúc phạm một chức sắc của họ là ông Thích Nhật Từ và đã diễn giải sai Phật pháp. Tương tự, trong phần nói về đạo Cao Đài, bản phúc trình cho biết là người của Chi Phái Cao Đài 1997 do nhà nước dựng lên năm 1997 đã sách nhiễu các tín đồ theo đạo Cao Đài gốc với sự bảo kê của chính quyền địa phương.

"Trong thực tế tình trạng này phổ biến và nghiêm trọng hơn nhiều", Tiến sĩ Thắng giải thích. "Mục tiêu của chúng tôi năm nay là đưa tình trạng này ra ánh sáng, bắt đầu với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam – Miền Nam".

Ngoài ra, tình trạng đàn áp xuyên quốc gia nhắm vào các lãnh đạo tôn giáo và những người đấu tranh cho tự do tôn giáo hiện đang ở ngoài Việt Nam đã gia tăng đáng kể trong năm 2022. Theo Tiến sĩ Thắng, bản phúc trình hoàn toàn bỏ ngỏ vấn đề nghiêm trọng này.

"Tạo sự quan tâm quốc tế về vấn đề này cũng là trọng tâm ưu tiên của BPSOS trong năm nay", Tiến sĩ Thắng nói.

Tiến sĩ Thắng ở trong số 10 người đại diện các tổ chức xã hội dân sự được mời hiện diện tại buổi công bố bản phúc trình năm 2022 ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm nay.

Đúng 2 tuần trước đó, Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã công bố bản phúc trình hàng năm của họ, qua đó đề nghị Bộ Ngoại giao đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern-CPC) vì đàn áp tôn giáo một cách nghiêm trọng, có hệ thống và tiếp diễn. Một phái đoàn của cơ quan này đang có mặt ở Việt Nam để thị sát tình trạng của các nhóm và tổ chức tôn giáo bị bách hại cũng như tiếp xúc các cơ quan hữu trách của chính quyền Việt Nam.

Nguồn : VNTB, 16/05/2023

Thông tin liên quan :

Đọc bản phúc trình (tiếng Anh)

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế : Việt Nam xứng đáng vào danh sách CPC

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, VNTB, BPSOS
Read 174 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)