Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/05/2023

Hội nghị Trung ương giữa kỳ bế mạc : có gì mới ?

Quốc Phương

Ai có "tín nhiệm thấp" có thể bị xử lý ở Quốc hội

Hà Hoàng Hợp, Quốc Phương, RFA, 17/05/2023

Hội nghị Trung ương 7 khóa XIII (Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ) của Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam họp phiên bế mạc hôm 17/5/2023, sau khi hoàn thành chương trình làm việc, theo truyền thông chính thống Việt Nam đưa tin cùng ngày.

hoinghi01

Ông Phạm Minh Chính nắm tay ông Nguyễn Phú Trọng vào dự lễ bế mạc Hội nghị Trung ương 7 vào sáng 17/5/2023 - VGP/Nhật Bắc

Nhân dịp này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị cấp cao thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas-Yusof Ishak) ở Singapore dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trả lời phỏng vấn mà nội dung xin mời quý vị theo dõi sau đây. Trước hết, nhà nghiên cứu cho biết khái lược về kết quả chính mà có thể được cho là nổi bật của Hội nghị này :

Hà Hoàng Hợp : Như đã nói từ trước Hội nghị Trung ương7 (còn gọi là Hội nghị Trung ương giữa khóa), họp từ ngày 15 đến 17/5, đã bế mạc.

Hội nghị là một nỗ lực ổn định nhân sự lãnh đạo VN trong tình hình quốc tế có nhiều biến động.

Hội nghị tổng kết hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, kiểm điểm công tác của từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lấy phiếu tín nhiệm đối với từng người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Không có ai trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải nghỉ công tác trong Hội nghị Trung ương này.

Lấy phiếu tín nhiệm để ‘tự soi, tự sửa’

RFA :Việc lấy phiếu tín nhiệm do Ban chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành có kết quả cụ thể ra sao với những người được ‘lấy phiếu tín nhiệm’ ? Đã có hai trường hợp được công bố kỷ luật, ngoài ra thì sao, thưa ông ?

Hà Hoàng Hợp : Kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa được công bố cụ thể. Việc lấy phiếu tín nhiệm, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói : không để bị lợi dụng chia rẽ nội bộ, hiểu cách khác, lấy phiếu tín nhiệm để từng người tự nhìn vào đó mà "tự sửa".

Cả hai trường hợp kỷ luật đều dựa trên kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Hội nghị 7, vẫn có thể có các trường hợp khác sẽ bị kỷ luật, vì công tác kiểm tra là liên tục.

RFA :Có bổ sung nhân sự cao cấp nào được tiến hành tại kỳ Hội nghị Trung ương 7 này không và nếu có thì kết quả cụ thể ra sao ?

Hà Hoàng Hợp : Tôi chưa thấy công bố về điều chỉnh nhân sự của Hội nghị, chắc Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ sớm công bố.

RFA :Kết quả chính của Hội nghị sẽ được triển khai cụ thể ra sao trong khắp hệ thống chính trị của Đảng, nhà nước, Quốc hội Việt Nam từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ của Ban chấp hành Trung ương khóa 13 ?

Hà Hoàng Hợp : Nửa nhiệm kỳ 13 còn lại, sẽ kế tục nửa nhiệm kỳ vừa qua, và kế tục đường lối có từ các Đại hội trước, sẽ không có thay đổi căn bản nào.

Đảng cộng sản Việt Nam nhấn mạnh sự ổn định nhân sự, tiếp tục chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp tục triển khai mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, thúc đẩy tích cực đối ngoại.

Dự báo là sẽ không có thay đổi gì trong cơ cấu tứ trụ.

RFA :Hội nghị kế tiếp của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tới đây, theo kế hoạch, thì sẽ có vấn đề, khía cạnh nào về nội dung mà theo ông là đáng chú ý và cần được đón theo dõi ?

Hà Hoàng Hợp : Hội nghị Trung ương 8 tới đây sẽ được tổ chức trong đầu tháng 10, nội dung chính sẽ là các vấn đề bảo vệ tổ quốc (quốc phòng - an ninh - ngoại giao)

RFA :Hội nghị Trung ương 7 này có thành công rực rỡ hay không, có vấn đề gì mà công chúng cần biết, đáng biết mà chưa thể biết? Về cách làm có gì cần cải thiện, đổi mới không ? Có điều gì mà được kỳ vọng là nên được làm, hay làm khác đi không thưa ông ?

Hà Hoàng Hợp : Bấy lâu nay, chỉ thấy có câu 'thành công tốt đẹp'.

Đảng viên và cử tri luôn kỳ vọng về một cấp độ cao hơn về minh bạch, pháp quyền và quản trị nhà nước tốt hơn.

Hội nghị 7 được tiến hành rất gọn, chỉ có hơn 2 ngày, đây là một bước tiến tích cực, thể hiện hiệu quả cao hơn của bộ máy của Đảng cộng sản Việt Nam.

Sẽ có chuyện ‘nghỉ việc, giáng chức, chuyển công tác’ ?

RFA :Cuối cùng, trên đây, ông có nói  rằng sau Hội nghị 7, vẫn có thể có các trường hợp khác sẽ bị kỷ luật, vì công tác kiểm tra là liên tục, đó là về mặt Đảng, còn về mặt Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm với các quan chức, nhân sự được Quốc hội Việt Nam bầu, bổ nhiệm, dự kiến tiến hành vào cuối năm, có thể ảnh hưởng tới việc quan chức nào bị cho thôi việc, thay thế hay không thưa ông? Và xin cảm ơn ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này.

Hà Hoàng Hợp : Bỏ phiếu ở Quốc hội là thủ tục quan trọng có ý nghĩa pháp lý chính trị. Nếu ai phiếu tín nhiệm thấp, sẽ tùy mức độ, sẽ phải nghỉ việc, giáng chức, chuyển công tác.

Nếu nói 'lấy phiếu tín nhiệm' là để 'biết mà tự sửa', thì 'bỏ phiếu tín nhiệm' sẽ có hiệu ứng 'cho nghỉ việc, chuyển công tác, hay giáng chức vụ'.

Những ai có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thấp, có thể sẽ được đưa sang bỏ phiếu tín nhiệm.

--------------------------

Trên đây là cuộc trao đổi của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas (Singapore), dành cho RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng.

Tại kỳ họp này, bên cạnh các nội dung mà cũng đã được công bố trên báo chí truyền thông, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với các quan chức cao cấp là các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, tuy nhiên kết quả bỏ phiếu chỉ được công khai trong nội bộ.

Tại hội nghị này có hai trường hợp bị kỷ luật được công bố, trường hợp thứ nhất là ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai, thôi chức vụ  ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Và trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tỉnh Lào Cai, bị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định kỷ luật, khai trừ ra khỏi Đảng.

Còn theo một nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính, chia sẻ với RFA, về công tác nhân sự cấp cao : "vào phút chót, Hội nghị Trung ương 7 đã quyết định không bầu hai Ủy viên Bộ Chính trị và một Ủy viên Ban Bí thư như dự kiến. Lý do là thủ tục bầu chưa chuẩn bị xong, nhưng chắc là để đến một Hội nghị Trung ương bất thường trong mùa hè này thì Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tiến hành". 

Ngoài ra, ông Đặng Quốc Khánh (sinh năm 1976, nơi sinh và quê quán ở Hà Tĩnh) từ Hà Giang trên vai trò Bí thư Tỉnh ủy sẽ về làm Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh (sinh năm 1974, quê quán ở Hà Nội) từ Cần Thơ trên vài trò Bí thư Thành ủy ra làm Bí thư Đảng đoàn Bộ Tài Nguyên - Môi trường, còn bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí thư, tiếp tục kiêm chức Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng," nhà quan sát này cho RFA biết hôm 17/5 trên quan điểm riêng.

Quốc Phương

RFA, 17/05/2023

*************************

Nhà quan sát đánh giá về khả năng thay đổi trong tứ trụ

Quốc Phương, RFA, 16/05/2023

Việc lấy tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 7, tức Hội nghị giữa kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII đang diễn ra tại Hà Nội, có dấu hiệu "mù mờ" theo ý kiến từ giới quan sát thời sự và chính trị Việt Nam, cùng với đó sẽ có khả năng về một sự thay đổi trong vị trí bốn người đứng đầu.

hoinghi1

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ Chính trị điều hành thảo luận hôm 16/5/2023 - Báo Chính phủ/ Nhật Bắc

"Ông Tổng Bí thư nói rằng việc lấy tín nhiệm là để cán bộ ‘tự soi’, ‘tự sửa’, nhưng ngay trước đó chính ông lại ra tín hiệu về việc ‘tự rút’ với những ai ‘tự thấy’ mình chưa xứng đáng để bảo toàn ‘danh dự’, tôi cho rằng đây là một sự mù mờ", nhà báo Võ Văn Tạo, nguyên chuyên viên Bộ Thương mại của Việt Nam thời kỳ trước đây nói với Đài Á Châu Tự Do từ Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hôm thứ ba, 16/5/2023.

Từ Hà Nội, cùng ngày, nhà quan sát Trọng Nghĩa, một người theo dõi thời sự chính trị Việt Nam trên cả hai lĩnh vực nội trị và bang giao nói với RFA tiếng Việt :

"Tôi chưa thấy ở đâu người ta có những cách thức gọi là ‘lấy phiếu tín nhiệm’ như thế cả. Nhưng tôi thấy là có thể kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm này có thể được sử dụng mà có thể gây ảnh hưởng tới vị trí hay ghế của bất cứ ai, nếu như người ta thấy cần làm như thế. Chính trị Việt Nam ở bộ máy cấp cao bây giờ, tại giai đoạn này, dường như không theo bất kỳ một quy luật nào mà có thể lường trước được cả.

Khi cần ưu tiên vấn đề xử lý quan hệ chính trị nội bộ và quyền lực bên trong, người ta đã có thể cho những người như là Chủ tịch nước, rồi mấy Phó Thủ tướng nghỉ việc rất nhanh, có thể những người đó cũng bị bất ngờ, hay không hoàn toàn lường được hết.

Hiện tại, tôi thấy trong giới quan sát mà tôi cảm nhận được có ý kiến cho rằng có thể chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên tư cách khách mời, theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản, người sẽ chủ trì hội nghị thượng đỉnh của khối G7 ở Hiroshima khai mạc ngày 19/5 này, như được dự kiến trước, có thể sẽ không xảy ra nữa, mà nếu điều đó diễn ra, có thể liên quan tới việc lấy phiếu tín nhiệm ở Hội nghị Trung ương này, bởi vì nếu tín nhiệm ‘không cao’, có thể sẽ có sự thay đổi nào đó chăng".

Mô hình tập trung chuyên quyền có thể "có hại"

Từ Tokyo Nhật Bản, nhà báo, nhà biên khảo và quan sát chính trị Đỗ Thông Minh cũng nêu góc nhìn trên quan điểm riêng về Hội nghị này và việc ‘lấy phiếu tín nhiệm’ với các quan chức cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông nói :

"Ở Nhật Bản, thực ra để biết được quan chức nào của chính quyền mà thuộc đảng cầm quyền có tín nhiệm hay không là đã thông qua lá phiếu của cử tri, người dân khi người ta bầu cho rồi. Còn việc từ chức thì không phải đợi đến phiếu tín nhiệm ở đâu, ở Nhật Bản đã có văn hóa từ chức, nếu một quan chức mắc lỗi nghiêm trọng, thì phải xin lỗi và từ chức, còn nếu không sẽ bị đảng đối lập và công luận, truyền thông gây áp lực buộc phải từ chức, mọi việc là công khai, có luật, chứ không phải là chuyện của nội bộ đảng gì cả.

"Ngoài ra, tôi thấy mô hình mà một người lãnh đạo đảng và một nhóm ‘a dua’ hùa với nhau thâu tóm hết quyền lực về một người hay về nhóm của mình thực ra là không hay, là độc hại cho đảng đó, và nếu đảng đó cầm quyền, thì sự tác hại đó sẽ ảnh hưởng lây đến việc quản lý, lãnh đạo quốc gia. Làm cái gì cũng phải có cái phanh, ngay ở trong đảng cũng phải có sự cân bằng, nếu tất cả về hùa cho một phe mạnh, và phe mạnh thao túng hết quyền lực về tay mình, không có một cái phanh nào, bộ cản nào để hạn chế quyền lực của họ, thì việc đó tự động sẽ dẫn đến nguy cơ của lạm quyền, của chuyên quyền và sai trái".

Từ Canada, cũng trong dịp này, luật sư Vũ Đức Khanh, giảng sư luật học bán thời gian tại Đại học Ottawa, đưa ra bình luận với Đài Á Châu Tự Do :

"Theo những gì tôi nghe được được từ giới quan sát chính trị Việt Nam ở trong và ngoài nước, có thể chuyến đi của người đứng đầu đại diện chính phủ Việt Nam tới Hiroshima dự hội nghị G7 sẽ có thay đổi.

Ở một phiên họp G7 lần trước, Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Thủ tướng nước chủ nhà Canada là Justin Trudeau mời tham dự, gặp gỡ và tôi nghe được rằng nếu có thay đổi gì kỳ này, thì có thể một nhân vật trẻ trong Tứ trụ của Việt Nam sẽ đi dự thay, theo lịch trình thì đại diện lãnh đạo Việt Nam, như khách mời của hội nghị này, bên lề sẽ có một cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, cuộc gặp sẽ làm tăng vị thế của người đại diện của phía Việt Nam, và việc lấy phiếu ở Hội nghị Trung ương 7 giữa kỳ này có thể liên quan tới việc đó.

Nhưng đó chỉ là một dự phóng, hãy cứ để thực tế diễn ra và kiểm nghiệm, song nếu người thay thế cho người đứng đầu Chính phủ mà đi dự, chẳng hạn như có chuyện như vậy, mà ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, thì rõ ràng là giới quan sát quốc tế sẽ rất chú ý tới diễn biến đó và đặt dấu hỏi điều gì đã xảy ra với chính trị nội bộ tầng cao của Đảng cộng sản và Chính quyền ở Việt Nam".

Hôm thứ hai, 15/5, một nhà quan sát quen thuộc với vấn đề, không tiết lộ danh tính vì lý do an ninh, chia sẻ với RFA tiếng Việt rằng có thể tại kỳ hội nghị giữa kỳ này, Ban Chấp hành Trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bầu bổ sung hai suất ủy viên Bộ Chính trị và một suất ủy viên Ban Bí thư, hai vị trí bổ sung vào Bộ Chính trị theo nguồn này có thể là các ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng quân đội, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ông Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, còn vị trí bổ sung vào Ban Bí thư sẽ là ông Trần Lưu Quang, tân Phó Thủ tướng.

Liệu còn có thay đổi trong "tứ trụ" sau việc ra đi của một Chủ tịch nước ?

Khi được đề nghị bình luận về khả năng những phương án nhân sự cấp cao có thể được bổ sung này của Đảng cộng sản Việt Nam tại kỳ Hội nghị, từ thành phố Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo nói trên quan điểm cá nhân :

"Tôi thấy rằng ông Phạm Minh Chính cũng có thể đang là một mục tiêu "bị nhắm" như có một số thông tin trong giới quan sát chính trị Việt Nam cảm nhận và đặt dấu hỏi, nghi vấn, nhất là sau khi đã có những điều bất ngờ xảy ra với ông Nguyễn Xuân Phúc, hay những người khác như các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, thì cái gì được cho là cũng có thể xảy ra…"

Từ Hà Nội, nhà quan sát Trọng Nghĩa đưa ra thêm bình luận :

"Tôi cho rằng thời gian qua ở Việt Nam và ngoài nước, giới quan sát chính trị quan tâm Việt Nam đã khá bất ngờ trước những thay đổi trong nội bộ của ban lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cũng có những ý kiến tới hôm nay vẫn còn cho rằng những thay đổi ‘bất ngờ, đột xuất’ đó và những phương án nhân sự thay thế cho họ được đưa ra rất mau lẹ ngay sau đó, làm cho người ta phải suy nghĩ về tính ổn định trong chính trị nội bộ và nhân sự cấp cao của Đảng cộng sản Việt Nam.

Còn về cá nhân, tôi thấy rằng ông Phạm Minh Chính tỏ ra là khá năng nổ, ông có nhiều kinh nghiệm, tuy chưa có ngày nào làm Phó Thủ tướng, song cũng đã có kinh nghiệm công tác, làm việc ở các vị trí lãnh đạo, quản lý cấp cao ở một số bộ ngành, địa phương như Bộ Công an, rồi tỉnh Quảng Ninh, Ban Tổ chức Trung ương Đảng v.v…

Có thể người ta cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã cần một người năng nổ để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội trên cương vị người lãnh đạo Chính phủ để cơ cấu ông vào đó. Tuy nhiên tôi cho rằng việc ưu tiên trật tự quyền lực nội bộ qua dàn xếp, thay thế nhân sự cấp cao, nếu có, cần lưu ý tới cả tính ổn định trong hiệu quả, sức mạnh của bộ máy nhà nước và nhân sự về cả nội trị lẫn bang giao, còn như những gì đã xảy ra với những vị Phó Thủ tướng như các ông Phạm Bình Minh chỉ nói riêng về mặt kinh nghiệm ngoại giao, với ông Vũ Đức Đam về mặt quản lý y tế, xã hội vừa qua, đã gây ra nhiều suy nghĩ, băn khoăn và có người cho rằng các quyết định cho các ông nghỉ đã gây ra thua thiệt, làm yếu đi năng lực của bộ máy nhân sự, khi những người là cán bộ lãnh đạo cấp cao có kinh nghiệm, năng lực như vậy, vốn không nhiều, đang cần tới, lại bị cho nghỉ việc như với cung cách đã xảy ra vừa qua", nhà quan sát từ Hà Nội nói với RFA trên quan điểm riêng.

‘Tự soi, tự sửa’ và tự động ‘rút lui trong danh dự’

Hôm thứ hai, 15/5/2023, trang tin điện tử của Đảng Bộ TP Hồ Chí Minh dẫn một bản tin từ Thông Tấn Xã Việt Nam trong một bài viết có tựa đề "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng : Lấy phiếu tín nhiệm giúp các cán bộ 'tự soi,' 'tự sửa'", trích lời người lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, cho biết ý nghĩa và mục đích của hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ Hội nghị Trung ương 7 giữa kỳ này như sau :

"Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là một trong những nội dung đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng ta, bắt đầu được tiến hành từ nhiệm kỳ khóa XI đến nay.

Mục đích là để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn các chủ trương, đường lối, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện ; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng có đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ ; giúp các đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm "tự soi", "tự sửa", tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống và không ngừng nâng cao trách nhiệm nêu gương, trình độ, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng".

Trước đó không lâu, cũng trên truyền thông Việt Nam, hôm 13/5/2023, chỉ vài ngày trước phiên khai mạc Hội nghị Trung ương7 giữa kỳ nói trên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15, và ông được dẫn lời nói :

"Anh nào, địa phương không làm được thì xử lý. Đã không xứng đáng thì từ chức đi, rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp thế rồi và đang còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem", ông Trọng gửi thông điệp, theo báo mạng VnExpress hôm thứ Bảy 13/5.

Còn hôm 15/5, một nhà nghiên cứu cấp cao về chính trị Việt Nam và khu vực từ Viện nghiên cứu Iseas (Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, từ quan điểm riêng, cho rằng Hội nghị Trung ương7 giữa kỳ của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần này sẽ lấy phiếu tín nhiệm với quan chức cấp cao trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, nhưng sẽ không để dẫn đến việc bất kỳ ủy viên nào trong hai cơ quan đó của Đảng "phải nghỉ công tác".

Còn hôm 16/5, báo Tuổi trẻ Online có bài viết với tựa đề "Thủ tướng Phạm Minh Chí sẽ dự Hội nghị G7 mở rộng tại Nhật Bản", cho hay : "Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 16/5, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự Hội nghị G7mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5... Việt Nam đã ba lần được mời đến Hội nghị G7 mở rộng. Lần đầu tiên là vào năm 2016, cũng vào năm Nhật Bản giữ chức chủ tịch của nhóm", tờ báo thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 16/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 6097 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)