Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/05/2023

Không công bố kết quả phiếu tín nhiệm là xúc phạm nhân dân

Quốc Phương

Đảng cộng sản Việt Nam không công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm là "xúc phạm Đảng viên và nhân dân"

Việc Đảng cộng sản Việt Nam và ban lãnh đạo đảng này quyết định không công bố trước toàn quốc dân kết quả lấy phiếu tín nhiệm là "không công khai, minh bạch" và là một sự "xúc phạm" đối với chính các Đảng viên của đảng này và người dân trong cả nước, theo một nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Cộng hòa liên bang Đức.

tinnhiem0

Ông Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu tín nhiệm vào hộp phiếu trong phiên họp của Quốc hội khóa 13, tháng 11/2014. Ảnh : Media Quốc hội

"Trong Hiến pháp của Nhà nước cộng sản Việt Nam từ xưa đến nay, họ luôn nói đảng của họ là đảng của nhân dân, rằng ‘Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của đất nước và của nhân dân’ cả, khi đã tuyên bố như vậy mọi công việc của Đảng cũng là công việc của dân, tức là Đảng làm gì, thì người dân phải được biết. Vậy việc lấy phiếu tín nhiệm với quan chức và quan chức cấp cao của Đảng là một việc cực kỳ quan trọng, bởi vì nó liên quan vận mệnh cả quốc gia, dân tộc, ai nắm quyền lãnh đạo đất nước, thì người đó là sinh mệnh của cả một đất nước, quốc gia, dân tộc mà nay đã có dân số tới 100 triệu dân, nằm trong tay của người đó, thế nhưng Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ giới hạn trong phạm vi có 200 người là các Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư của đảng đó biết thôi, thì đó là điều không thể chấp nhận được", ông Nguyễn Văn Đài, Luật sư nhân quyền và nhà quan sát thời sự, chính trị Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự do trên quan điểm riêng hôm 18/5/2023.

"Bởi vì như tôi nói, đây là công việc của cả một quốc gia, và nếu như đây là "sự lựa chọn" của cả một dân tộc, một quốc gia với quá bán, chẳng hạn 51% đi, trong một cuộc bầu cử được tổ chức mà cho kết quả như thế, thì ít nhất cũng vài chục triệu cử tri sẽ soi xét, xem xét đạo đức, tư cách, nhân cách, tài năng của mỗi một quan chức, chính trị gia, một con người, thì như thế sẽ tốt hơn việc chấm điểm của 200 ông, bà chứ, điều đó là rất rõ ràng.

"Người dân Việt Nam chúng ta không phải là kém thông minh, và Đảng cộng sản Việt Nam hành xử như vậy, làm việc phiếu lấy tín nhiệm kiểu như thế, mà không công bố công khai rộng rãi thì không chỉ là không công khai, minh bạch, mà còn là một sự xúc phạm đến một dân tộc, quốc dân với 100 triệu người dân ! Phải chăng Đảng cộng sản và ban lãnh đạo của họ cho rằng người dân Việt Nam không đủ trình độ chăng để đánh giá năng lực, đạo đức, phẩm chất của các quan chức cộng sản, mà chỉ các quan chức Đảng cộng sản ở tầng lớp chóp bu mới có đủ khả năng để đánh giá năng lực lẫn nhau ?

"Điều đó là không thể chấp nhận được, họ không chỉ coi thường 100 triệu người dân, mà họ còn coi thường ngay cả 5,2 triệu Đảng viên Đảng cộng sản của họ nữa. Họ không cho phép 5,2 triệu Đảng viên cộng sản đánh giá năng lực của chính những người lãnh đạo họ ? Như thế thì làm sao có thể chấp nhận được ? Điều đó, tôi xin khẳng định là không thể chấp nhận được ở trong một thế giới dân chủ như ngày hôm nay và ngay ở Việt Nam.

"Và ở bất kỳ một phương diện nào, việc giấu kín, hay không công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư trong những ngày vừa qua như tại Hội nghị trung ương 7 giữa kỳ của Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, mà không cho người dân được biết, là một điều thực sự xúc phạm như tôi đã nói ở trên".

‘Đánh chuột nhưng tránh làm vỡ bình quý’ có mâu thuẫn hay không ?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, một số phát biểu có tính chỉ đạo hiện nay và cho tới gần đây của nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng như vừa chống tham nhũng quyết liệt, vừa không gây thiệt hại cho an toàn sinh mạng chính trị của Đảng này, mà thường được báo chí, truyền thông, tuyên giáo chính thống của Đảng và nhà nước Việt Nam ví von với "ném chuột" nhưng tránh không để "vỡ bình quý" là mâu thuẫn, và bất khả thi, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói :

"Việc này hoàn toàn mâu thuẫn với nhau, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng thường ví những quan chức dưới quyền của ông là ‘chuột’ hay là ‘lươn’ là ‘trạch’, tôi thấy chưa có một vị lãnh đạo của một đảng phái chính trị ở xứ văn minh nào trên thế giới lại ví những người đảng viên của đảng của mình, những quan chức dưới quyền của mình, khi mà họ được cho là mắc sai lầm, hay vướng vào những vấn đề như ‘tham nhũng’, ‘tham ô’, thì chỉ có Nguyễn Phú Trọng là người duy nhất trên thế giới mà ví những đảng viên của mình như vậy. Đấy là một sự khinh thường đối với những quan chức ở dưới quyền của ông ta.

Người dân Việt Nam thường đặt câu hỏi vậy thì trong số hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn quan chức cộng sản, từ ông Tổng bí thư cho đến ông Trưởng thôn, là có ai hoàn toàn trong sạch hay không, tôi e rằng nếu hỏi như thế, người dân Việt Nam sẽ tự trả lời rằng không có ai được như thế cả. Ví dụ như bản thân ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng không có tham nhũng, không có tơ hào cái gì của dân, của nước, thế nhưng đó là tham nhũng về kinh tài, còn những dạng tham nhũng khác, như là tham nhũng quyền lực thì sao ?

Bản thân ông Trọng giữ quyền lực quá hai nhiệm kỳ, ông đã chà đạp lên Điều lệ đảng để mà giữ quyền lực như vậy, rồi theo Hiến pháp Việt Nam, ông ta với tư cách là Tổng bí thư thì không phải là người đứng đầu một Quốc gia, tức là nguyên thủ, nhưng trên thực tế chính trị, và theo luật bất thành văn, ông Trọng đương nhiên là người có quyền lực cao nhất của Đảng cộng sản, cũng như của chế độ, cũng như của Nhà nước cộng sản Việt Nam, phần lớn thời gian của ông Trọng chỉ dành cho việc săn lùng, tìm những quan chức dưới quyền tham nhũng, nhưng trong khi đó nhiều quan chức có vấn đề thì lại là những cánh tay phải, cánh tay trái luôn luôn được ở bên cạnh ông ấy…, thì rõ ràng người dân Việt Nam thấy rõ rằng đây không phải là một cuộc chiến để chống tham nhũng nữa, mà nó chỉ là một cuộc mượn danh chống tham nhũng để mà đấu đá, tranh giành quyền lực mà thôi.

Cho nên vấn nạn tham nhũng ấy sẽ vẫn còn tồn tại và có nhiều người dân nói rằng ‘cho dù cho ông Nguyễn Phú Trọng sống thêm 20 năm, 30 năm, hay là 50 năm nữa, và cho ông giữ thêm năm hay là mười nhiệm kỳ nữa, vấn nạn tham nhũng của Việt Nam như lâu nay sẽ vẫn không bao giờ chấm dứt được, bởi vì nó sinh ra từ chế độ và những quan chức tham nhũng ấy dựa vào chính chế độ để mà tham nhũng. Đồng thời, khi họ tham nhũng, họ cũng lại bảo vệ chế độ. Đó là một mối quan hệ cộng sinh với nhau. Cho nên rất mâu thuẫn khi ông nói ‘đánh chuột mà không để vỡ bình’. Muốn chống tham nhũng, thì phải phá bỏ cái gốc, gỡ bỏ cái cơ chế mà từ đó sinh ra tham nhũng, đó chính là ‘cái bình’. Và ‘cái bình’ này bảo vệ cho những ‘con chuột’ theo cách gọi ví von của ông Tổng bí thư, và những ‘con chuột’ ấy mà thò ra ngoài ‘bình’ thì ông đập được, nhưng những ‘con chuột’ mà rất khôn khéo, ẩn nấp ở trong ‘bình’, ăn xong lại chui vào ‘bình’, thì làm sao mà ông có thể đánh được, ngoài cái việc là phải ‘đập vỡ bình’ thôi ?"

Đảng có đang lấn quyền, lấn sân của chính quyền, nhà nước ?

Qua quan sát lâu nay, vị luật sư nhân quyền và nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Cộng hòa liên bang Đức vẫn trên quan điểm riêng, cho rằng dưới thời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là trong giai đoạn đã củng cố được quyền lực gần đây của ông cho tới nay, đã có những biểu hiện gây ra tình trạng đáng lo ngại, đó là Đảng cộng sản Việt Nam ngày một ‘lấn quyền’, ‘lấn sân’ sang chính quyền, nhà nước và có biểu hiện mà có thể được hiểu như là thao túng quyền lực, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói :

"Trước đây, như dưới thời của ông Nguyễn Văn An làm Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, hay làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã có ý kiến nói Đảng cộng sản Việt Nam không nên ‘thò tay’ sang công việc của nhà nước, chính quyền, chính phủ, thậm chí làm thay, bởi vì dưới thời của nhiều vị như là thời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, hay là Thủ tướng Phan Văn Khải, đặc biệt dưới hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, công việc của bên Chính phủ, tôi lấy thí dụ, khá độc lập, họ không chịu sự chỉ đạo trực tiếp kiểu như bây giờ của bên Trung ương Đảng, hay như là dưới thời của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh trước kia và thời nhiệm kỳ đầu làm Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, thì Đảng không thể nào chỉ đạo được công việc của bên Chính phủ, hai công việc khá độc lập với nhau.

"Từ khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hưu, hay gọi là ‘về vườn làm người tử tế’, đến thời kỳ mà ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng, công việc bên Chính phủ còn khá độc lập một chút, song khi đó quyền lực của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã càng ngày càng cao, đặc biệt cho đến nhiệm kỳ thứ ba ngồi ghế Tổng bí thư của ông Trọng, quyền lực của ông ta đã bao trùm lên cả Nhà nước, cả Chính phủ và tất cả mọi công việc. Và gần như lúc này, Đảng điều khiển toàn bộ công việc, dù là Thủ tướng hay là Chủ tịch nước, đều phải nghe theo sự chỉ đạo từ bên Đảng, và bất kỳ một nhân vật nào mà phản kháng, ví dụ như ông Nguyễn Xuân Phúc được cho là như vậy, mà không nghe theo sự chỉ đạo thì bị cho ‘về vườn’ và ‘ngã ngựa’ ngay. Cho nên, càng ngày khi mà mức độ ‘độc tài’ của ông Nguyễn Phú Trọng càng cao, thì Đảng cộng sản Việt Nam càng thò bàn tay sang bên Chính phủ, chính quyền, và đến thời điểm này, tôi có thể khẳng định rằng gần như công việc của bên Chính phủ hay công việc của bên Nhà nước đều do bên Đảng họ chỉ đạo và nắm hết, không có một đường lối hay chính sách nào mà có thể thoát ra ngoài sự chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng cả".

Gần đây, một học giả từng là một nhà báo quốc tế ở Anh quốc, người từng có thời gian làm công việc báo chí ở Việt Nam thời gian trước, Tiến sỹ Bill Hayton, nay là học giả thuộc Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách quốc tế Chatham House ở London đã có ý kiến bình luận về chính trị Việt Nam, trong đó có so sánh phong cách lãnh đạo Đảng và Nhà nước của ông Nguyễn Phú Trọng với phong cách của Lê-nin, lãnh tụ của cách mạng Nga và nhà nước độc tài Xô Viết (Liên Xô) trước kia, cũng như đã bình luận về chiến dịch ‘đốt lò’ hay là chiến dịch chống tham nhũng mà ông Trọng và những người được cho là thuộc phái của ông đã và đang tiến hành lâu nay như là một chiến dịch, một công việc có tính chất và yếu tố ’chính trị nội bộ, phe phái’, bình luận trên quan điểm cá nhân về quan điểm riêng nói trên của ông Bill Hayton, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói :

"Từng là một nhà báo làm việc lâu năm cho BBC, có thời gian làm báo ở Việt Nam, Tiến sỹ Bill Hayton là một người rất am hiểu tình hình chính trị nội bộ ở Việt Nam và nhận xét của ông theo tôi là hoàn toàn chính xác, bởi vì chỉ cần dựa vào riêng một câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng thôi, nó đã toát lên bản chất Lê-nin-nít hay là Stalin-nít của ông Trọng rồi. Tức là cách đây một vài tháng thôi, ông Trọng phát biểu rằng : bây giờ các quan chức mà tay đã ‘nhúng chàm’, thì hãy xin từ chức đi, rồi bồi thường, thì sẽ được tha thứ. Nói như thế thì tức là quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng gần như quyền lực của một ông vua rồi, ông ta có quyền tha hay là có quyền xử một quan chức tham nhũng tùy theo thái độ của người đó, ông ta như thế làm thay công việc của cơ quan Công an, cơ quan Viện Kiểm sát, cũng như Tòa án trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

"Nói cách khác, ông Nguyễn Phú Trọng không cần đến điều tra, truy tố, xét xử gì hết, chỉ cần rằng ‘anh đã chót nhúng chàm rồi, chỉ cần anh xin lỗi tôi đi, rồi anh xin lỗi Đảng đi, rồi anh bồi thường lại một chút những tài sản anh đã tham nhũng của dân, của nước, thì tôi có quyền tha cho anh, không cần phải qua bất kỳ một thủ tục tố tụng nào cả’, thì rõ ràng rằng với riêng một câu nói như vậy, và với một hành động như vậy, mà trên thực tế ông ta đã tha rất nhiều quan chức, như là ông Hoàng Trung Hải, cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, người được cho là cũng mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm, mà nếu xử nghiêm, có thể phải đối diện với mức án từ vài năm tù cho đến vài chục năm tù giam chứ không phải là ít, hay là ông Nguyễn Văn Bình, khi làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được cho là phạm nhiều lỗi lầm, nhưng một phần được cho là thuộc phe cánh của ông Trọng, một phần là hai người đó có thể ‘khéo ăn nói’ với ông Nguyễn Phú Trọng, cho nên ông Trọng được cho là đã tha cho họ v.v… Điều này cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ gần như là một ông vua trên tất cả những ‘ông vua tham nhũng’ ở Việt Nam, ông định đoạt số phận của các quan chức, thay vì việc này phải do các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp độc lập xử lý, thì ông Trọng tự xử lý luôn", Luật sư Đài nhận định.

Báo chí, truyền thông chính thống của Việt Nam hôm 18/5/2023 đưa tin tiếp theo sau bế mạc Hội nghị Trung ương 7, hội nghị giữa kỳ của Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, cho hay nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu chỉ đạo việc Đảng này khẩn trương ngay sau Hội nghị thúc đẩy công tác quy hoạch nhân sự đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư v.v… chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 14, cũng như thúc đẩy ngay và sớm công việc của các tiểu ban văn kiện và nhân sự cho kỳ Đại hội sắp tới, nêu bình luận về diễn biến này cùng ngày, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói với RFA Tiếng Việt :

"Trong các chế độ độc tài, đặc biệt trong chế độ của cộng sản Việt Nam, việc đấu tranh để giữ quyền lực, cũng như tranh giành quyền lực bắt đầu ngay từ khi một Đại hội đảng kết thúc, như là ngay sau khi Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam kết thúc, họ đã bắt đầu tiến trình tranh giành, đấu đá về quyền lực rồi, còn mọi việc như diễn ra trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ vừa mới đây của Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13, thì đó chỉ là một sự thể hiện thôi… Như chúng ta thấy, một nhiệm kỳ là 5 năm, nhưng về mặt công khai, họ đã mất hai năm rưỡi cho tiến trình mà họ gọi là ‘chuẩn bị nhân sự’ hay ‘quy hoạch nhân sự’ và nhân sự tập trung cho những quan chức hàng đầu như Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, rồi một loạt quan chức, kể cả Bộ trưởng mà muốn vào những vị trí, chức vụ cao hơn, như vậy họ không còn thời gian đâu để mà lo cho người dân và đất nước.

"Và việc họ dành phần lớn thời gian như thế để mà sắp xếp, dàn xếp, ‘mua phiếu’, để họ có thể giữ được quyền lực của họ, với ham muốn cao hơn, lại đẩy thời gian vào đó cao hơn nữa, đây là điều không nên đáng xảy ra. Chúng ta đã chứng kiến những cuộc bầu cử tự do và công bằng ở các nước dân chủ và văn minh, việc chuẩn bị nhân sự chỉ diễn ra trong vòng một thời gian ngắn thôi, mà không hề ảnh hưởng đến những công việc mà Hiến pháp cũng như pháp luật giao cho các quan chức có trọng trách, cho nên phần lớn thời gian họ sẽ dành để chăm lo cho người dân, cử tri của họ và đất nước, để làm sao họ hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của họ. Làm như thế, đương nhiên họ sẽ được uy tín ở ngay nội bộ đảng của họ, cũng như uy tín đối với các cử tri, còn ở đây việc lấy phiếu tín nhiệm, hay chuẩn bị nhân sự đã chỉ diễn ra trong nội bộ rất hạn hẹp.

"Và chúng ta đã thấy kết quả trong rất nhiều thập kỷ gần đây qua nhiều nhiệm kỳ, phần lớn những cán bộ được đánh giá ưu tú của Đảng lại là những quan chức tham nhũng, nhiều người từng được cho là những ngôi sao sáng… nhưng chỉ ngồi vào ghế như là Ủy viên Bộ Chính trị, hay Ủy viên Trung ương Đảng v.v… một thời gian ngắn thì cũng ngã ngựa, đó là hậu quả của việc vấn đề nhân sự ấy chỉ do một đảng lo, mà không có sự giám sát từ đầu và liên tục của người dân. Đáng nhẽ vấn đề nhân sự của các đảng phái phải do người dân giám sát và những vấn đề quan trọng về nhân sự quốc gia, phải được nhân dân lo, bằng cách nào ? Bằng cách là người dân sẽ chấm điểm quan chức đó và việc chấm điểm được thể hiện thông qua lá phiếu của họ trong các cuộc bầu cử dân chủ, tự do, công bằng, có sự cạnh tranh của các đảng phái, cũng như của các ứng cử viên độc lập, thì như thế mới chính xác", nhà quan sát chính trị này nói với Đài RFA trên quan điểm cá nhân, hôm 18/5/2023.

Hôm 17/5, tin từ truyền thông chính thống Việt Nam về Hội nghị TW7 của Ban chấp hành trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 cho hay "Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh được thành lập ở toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bước đầu có kết quả tốt, từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trước đây.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước tiến tới : "không dám", "không thể", "không muốn", "không cần" tham nhũng.

Trung ương đánh giá, chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt, và có hiệu quả rõ rệt như thời gian gần đây ; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta...
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã tạo sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn hơn giữa ‘xây’ và ‘chống’. Đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý ; các địa phương bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra ; có lên, có xuống" được cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá rất cao...", báo Tiền Phong, cơ quan thuộc Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hôm thứ Tư cho hay.

Còn hôm thứ Năm, 18/5/2023, một nhà quan sát chính trị ở Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính từ trong nước cho Đài Á Châu Tự Do biết rằng kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ Hội nghị Trung ương 7 của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa 13 đã có, tuy nhiên sẽ không được loan báo ra ngoài công khai :

"Kết quả lấy phiếu cho thấy tất cả đều đạt tín nhiệm từ hơn 60% trở lên", ý kiến quan sát này cho RFA biết với điều kiện được ẩn danh.

Luật sư Nguyễn Văn Đài hiện đang sinh sống tại thành phố Hanau, Cộng hòa liên bang Đức, ông lấy bằng luật học tại Đại học Luật Hà Nội, từng hành nghề luật sư tại Công ty luật Hà Nội. Năm 2000, ông theo Đạo Tin Lành và trở thành Luật sư Nhân quyền, ông từng được nhận các giải thưởng quốc tế và hải ngoại như Giải thưởng Hellman/Hammett 2007 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Giải Nhân quyền Việt Nam 2007 của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam và Giải Nhân quyền 2017 của Hiệp hội Thẩm phán Cộng hòa liên bang Đức. Hiện tại, ông tiếp tục vận động các tổ chức NGO quốc tế, chính phủ các nước quan tâm tới vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ; và ông cũng là một nhà quan sát thời sự, chính trị theo sát các diễn biến ở Việt Nam, trong đó có các lĩnh vực như hoạt động chính quyền, đảng cầm quyền, chuyển động của xã hội dân sự, các quá trình dân chủ hóa, nhà nước pháp quyền hay dân chủ pháp trị, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí và nhiều lĩnh vực, khía cạnh chính trị, xã hội, luật pháp… khác liên quan Việt Nam.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 19/05/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 352 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)