Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/05/2023

Kissinger 100 tuổi : nghĩ gì về nhân vật này ?

Nhiều tác giả

Henry Kissinger : 100 tuổi vẫn là nhà ngoại giao

Trọng Thành, RFI, 29/05/2023

Hiếm có chính trị gia nào lại gây phản ứng trái ngược như cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người vừa tròn 100 tuổi, ngày 27/05/2023. Trong lúc nhiều người coi Kissinger là kẻ nham hiểm, kẻ phản trắc, độc ác, thủ phạm của các chính sách khiến "hàng trăm nghìn người chết", nhiều đất nước bị tàn phá, thì ngược lại, không ít người coi ông là một con người sáng suốt, tài ba, thiện tâm vì hòa bình, nhìn thấu tương lai.

kissinger1

Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ảnh chụp 2014. AP - Jason DeCrow

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ các vận động bí mật của Kissinger để thiết lập bang giao Mỹ - Trung, đàm phán ký kết Hiệp định Paris dẫn đến đình chiến tại Việt Nam, rút quân đội Mỹ… Dù lên án hay ngưỡng mộ Kissinger, điều không thể phủ nhận là cựu ngoại trưởng Mỹ ở tuổi 100 vẫn theo dõi sát diễn biến chính trị quốc tế, và tiếp tục đưa ra nhiều tư vấn về quan hệ quốc tế, về chiến lược ngoại giao, được giới chuyên gia chú ý.

Kissinger tiếp tục viết sách. Một số tác phẩm chính trong mươi năm gần đây là "On China" (Về Trung Quốc) (2011), "World Order" (Trật tự thế giới) (2014), "The Age AI : And Our Human Future" (Kỷ nguyên trí thông minh nhân tạo : và tương lai của nhân loại chúng ta) (2021) (đồng tác giả), và "Leadership : Six studies in World Strategy" (Lãnh đạo : Sáu nghiên cứu về chiến lược toàn cầu) (2022). Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Anh The Economist mới đây, cựu ngoại giao Mỹ cho biết đang có kế hoạch soạn hai cuốn sách, một tiếp tục về vấn đề trí thông minh nhân tạo và hai là về "bản chất các liên minh (chính trị quốc tế)", chủ đề xuyên suốt các quan tâm của Kissinger.

Động lực nào đã thúc đẩy Henry Kissinger hành động không mệt mỏi như vậy ? Và điều gì đã dẫn đến quan điểm rất đặc biệt của Kissinger về chính trị quốc tế, thường xuyên gây phản ứng hết sức trái ngược trong công chúng, cũng như trong giới chuyên gia ?

Nhật báo thiên hữu Pháp Le Figaro có bài "Henry Kissinger, nhà ngoại giao vượt thời gian", của nhà báo Laure Mandeville, cung cấp một số chỉ dẫn bước đầu giúp giải đáp các câu hỏi này. 

"Tất cả những gì vững chắc đều đã sụp đổ"

"Bảo thủ" (hay chủ trương bảo tồn) và "thực dụng" (hay thực tế) là hai nét tính cách nổi bật của cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, theo nhà báo Laure Mandeville. Nhà sử học Pháp Charles Zorgbibe, trong cuốn tiểu sử Kissinger, ghi nhận khi còn nhỏ, cậu bé Heinz (tên hồi nhỏ của Henry Kissinger) vốn là một đứa trẻ rất hiếu động, sống hạnh phúc. Tuổi thơ hồn nhiên chấm dứt vào năm 1933, khi Hitler lên cầm quyền, lúc Heinz 10 tuổi. Cậu bé bị đuổi khỏi trường và 5 năm liền phải sống trong một xã hội mà các phong trào Quốc xã trút thù hận lên những người Do Thái, trước khi người cha quyết định đưa gia đình sang Mỹ. Hơn 10 người thân của Heinz mất tích trong nạn diệt chủng người Do Thái.

Kissinger kể lại : "Tất cả những gì là vững chắc đối với tôi đều đã sụp đổ… Đấy là một trải nghiệm tiêu cực". Theo tác giả cuốn tiểu sử Kissinger, chính việc phải sống trong tình trạng bất an kéo dài giải thích cho "quan điểm bảo thủ" của đương sự sau này.

Cựu đại sứ Pháp Gérard Araud, tác giả cuốn "Henry Kissinger. Le diplomate du siècle", ghi nhận ở Kissinger "sự nhảy cảm lớn đối với tính chất mong manh của thế giới, và ám ảnh thường trực tìm kiếm sự ổn định".

   kissinger2

   Tiến sĩ Henry A. Kissinger tại Đại học Harvard, Cambridge, ngày 25/09/1957. AP

"Trong sâu thẳm vẫn là người Châu Âu"

Định cư tại Mỹ, nhưng "trong sâu thẳm Kissinger vẫn là người Châu Âu". Ám ảnh về chiến tranh và sự hỗn loạn thúc đẩy Kissinger tìm hiểu sâu về lịch sử chính trị Châu Âu. Các thế hệ đi trước tại Châu Âu đã làm gì để tránh được chiến tranh, xác lập được một nền hòa bình lâu dài ?

Kissinger bảo vệ luận án tiến sĩ tại Harvard năm 1955. Luận án "A World Restored : Metternich, Castlereagh and the Problems of Peace 1812-1822", được dịch ra tiếng Pháp với tiêu đề "Le Chemin de la paix" (Con đường của hòa bình), mô tả những nỗ lực trong giới cầm quyền các nước Châu Âu tìm kiếm các thỏa thuận liên minh nhằm tạo lập ổn định, tại một Châu Âu đầu thế kỷ 19, đang trong giai đoạn biến động sôi sục, với chiến tranh, công nghiệp hóa, sự trỗi dậy của các dân tộc, nguy cơ cách mạng…

Con đường đến hòa bình : Kinh nghiệm Châu Âu đầu thế kỷ 19

Đối với Kissinger, 10 năm nỗ lực về chính trị, ngoại giao của các chính trị gia hàng đầu Châu Âu lúc đó, Talleyrand (người Pháp), Metternich (người Áo), Castlereagh (người Anh), đã tạo lập những nền móng của nhiều thỏa hiệp quốc tế, cho phép Châu Âu về cơ bản được hưởng một nền hòa bình kéo dài một thế kỷ, chấm dứt với Thế chiến thứ nhất. Hội nghị Vienna (1814 – 1815), dưới sự chủ tọa của nhà ngoại giao Metternich, đã dẫn đến sự ra đời của Liên minh Thần Thánh (liên minh của ba nền quân chủ Châu Âu Nga – Áo – Phổ, bên thắng trong cuộc chiến chống lại đế chế Pháp hậu cách mạng của Napoléon). Kissinger đánh giá rất cao tính chất thực dụng, thực tế của các chính trị gia nói trên.

Theo Jérémie Gallon (tác giả cuốn "Henry Kissinger. L’Européen" / "Henry Kissinger. Người Châu Âu") (2021), hai thập niên học tập tại Mỹ đã cho phép Kissinger có được một hành trang tri thức hiếm có trước khi trở thành cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nixon. Quan điểm hướng đến hòa bình, hành xử thực dụng, đã khiến Kissinger chọn chính sách hòa hoãn với cả Liên Xô và Trung Quốc. Theo Jérémie Gallon, chính sách hòa hoãn với Liên Xô của Kissinger, bị chính quyền Mỹ thời Reagan lên án, vì coi là đồng lõa với chính quyền độc tài, rút cục đã mang lại kết quả : sự giải thể của Liên Xô một phần được coi là kết quả của chính sách này.

kissinger3

Henry Kissinger tại Bộ ngoại giao, Washington, ngày 16/10/1973, sau khi thông báo được trao giải Nobel Hòa bình. AP

"Những giới hạn" của phương pháp Kissinger

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng chỉ ra "những giới hạn" của phương pháp Kissinger. Cựu ngoại trưởng Mỹ đã cố gắng phát triển quan hệ với tổng thống Nga Vladimir Putin trong khoảng 15 năm nay. Cuộc xâm lăng Ukraine cho thấy nỗ lực đã không mang lại kết quả. Nhiều người cũng chỉ trích chính sách nâng đỡ với nhà cầm quyền Bắc Kinh của Kissinger, với ảo ảnh Trung Quốc thay đổi, đã tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành một đối thủ đáng sợ của phương Tây.

Dù bị chỉ trích, lên án không ít, tiếng nói của Kissinger vẫn tiếp tục được lắng nghe. Trước thềm sinh nhật Kissinger 100 tuổi, tuần báo Pháp đăng tải bài viết "Làm thế nào để tránh được cuộc Thế chiến thứ ba, theo Henry Kissinger " (dịch lại từ bài tổng hợp quan điểm của Kissinger trên báo Anh The Economist, sau 8 giờ trò chyện).

kissinger4

Henry Kissinger trong cuộc gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 1/12/2022, tại trụ sở Bộ ngoại giao Mỹ. AP - Jacquelyn Martin

Chỉ còn "từ 5 đến 10 năm" để tránh Thế chiến thứ Ba

Cựu ngoại trưởng Mỹ cảnh báo, thế giới chúng ta đang trong tình trạng tương tự như trước Đại chiến thứ nhất, khi thế đối đầu giữa các bên đã dâng ngày càng cao. Khó có đường lui. Mọi động thái mất cân bằng có thể biến thành các thảm họa. Kissinger nhấn mạnh là "số phận của nhân loại phụ thuộc vào khả năng của Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm được thỏa hiệp". Thời gian còn lại không nhiều : chỉ "từ 5 đến 10 năm". Bởi với sự phát triển như vũ bão của trí thông minh nhân tạo, sức mạnh hủy diệt của các công nghệ quân sự sẽ tăng gấp bội phần.

Kissinger đặt niềm tin vào "một nền ngoại giao thực tế, tỉnh táo, được củng cố bởi các giá trị chung được chia sẻ", "cân bằng sức mạnh", đề cao "sự tự chế", sẽ cho phép "tránh được xung đột". Trật tự thế giới cũ đang tan vỡ, cần phải "xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên các quy tắc, mà cả Châu Âu, cả Trung Quốc, cả Ấn Độ đều có thể tham gia". Đây chính là nhiệm vụ của lãnh đạo các đại cường hiện nay, theo cựu ngoại trưởng Mỹ.

Trọng Thành

Nguồn : RFA, 29/05/2023

***********************

Tròn 100 tuổi, Henry Kissinger nói gì về Đảng cộng sản Trung Quốc và đối đầu Mỹ-Trung ?

BBC, 29/05/2023

Hôm 27/05/2023, ông Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, học giả nổi tiếng và không thiếu tai tiếng, tròn 100 tuổi.

kissinger6

Thủ tướng Chu Ân Lai mở tiệc đãi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon sang thăm Trung Quốc năm 1972. Không có mặt trong ảnh nhưng cố vấn Henry Kissinger mới là người thiết kế chiến lược Bắt tay với Trung Hoa của Mỹ

Một số báo Châu Âu đã có bài về ông, BBC News tiếng Việt xin lược dịch một số đoạn trích đáng chú ý.

Trang The Economist  tại Anh hôm 17/05 đã phỏng vấn ông Henry Kissinger về cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Nhà ngoại giao nổi tiếng, người lèo lái chính sách Châu Á của Hoa Kỳ thời Chiến tranh Việt Nam, đích thân sang Trung Quốc thời Mao để kiến thiết chiến lược Bắt tay với Trung Quốc, nay cảnh báo cả hai nước về cuộc đối đầu trong Thế kỷ 21 :

"Ở Bắc Kinh hiện nay người ta đi tới kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ làm tất cả để trói chân Trung Quốc [to keep China down]. Còn ở Washington, họ thỏa mãn với ý nghĩ Trung Quốc lập mưu để lật đổ vị thế cường quốc dẫn dắt thế giới của Hoa Kỳ"...

"Cả hai bên đều tin tưởng rằng đối thủ đang tạo ra sự nguy hiểm chiến lược (strategic danger). Chúng ta đang trên con đường đi thẳng tới cuộc đối đầu hai đại cường".

Nói với The Economist, ông Kissinger, người vẫn được đón tiếp nồng nhiệt ở Bắc Kinh, cho rằng hai bên Hoa Kỳ và Trung Quốc "còn khoảng 10 năm để điều chỉnh quan hệ" nếu muốn tránh cuộc đối đầu - Thế Chiến III.

Trang The Sunday Times  ở Anh có bài của Giáo sư Niall Ferguson viết rằng "được ngưỡng mộ, và cũng bị không ít người lên án, với những nhà chỉ trích muốn đem ông ra tòa xử tội phạm chiến tranh, Henry Kissinger ít khi sai về địa chính trị quốc tế".

kissinger7

Hình chụp các ngoại trưởng đã nghỉ của Mỹ năm 2014 : trừ trái sang Henry Kissinger, James Baker, Madeleine Albright, Colin Powell và Hillary Clinton

Vẫn về Trung Quốc, Kissinger bác bỏ quan điểm được "nuôi dưỡng lâu nay" ở Phương Tây rằng nhờ kinh tế thị trường, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia "giống Phương Tây".

Theo ông Ferguson, Henry Kissinger nói rằng với Hoa Kỳ, "việc chờ Trung Quốc Phương Tây hóa không còn là một chiến lược khả thi nữa". Tuy thế, ông cũng không tin rằng "thống trị thế giới là mục tiêu của Trung Quốc".

Theo Kissinger, Hoa Kỳ và Trung Quốc "vẫn có những điểm chung tối thiểu là trách nhiệm để thế giới không rơi vào thảm họa".

Còn trang Der Spiegel  ở Đức hai năm trước có bài phỏng vấn dài với Henry Kissinger, người sinh ra và lớn lên ở Đức trước khi chạy sang Hoa Kỳ tỵ nạn năm 1938.

Kissinger nêu quan điểm về Trung Quốc rằng "đây không còn là một quốc gia cộng sản theo định nghĩa cũ : nhà nước quyết định rất cả. Nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia cộng sản theo nghĩa Đảng cộng sản Trung Quốc độc quyền lãnh đạo".

Với Kissinger, cùng thuyết Ba Đại diện, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã biến Đảng cộng sản thành tổ chức quyền lực hơn là phong trào ý thức hệ cộng sản.

Khi được hỏi liệu Đảng cộng sản Trung Quốc có thay đổi hay không, Kissinger đáp :

"Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ đi theo hướng của PRI - Đảng Cách mạng Định chế ở Mexico. Đảng này lãnh đạo Mexico 70 năm nhờ biết tạo ra các điều chỉnh thực tiễn. Có thể sẽ có thành phần ý thức hệ cánh tả chủ chốt trong Đảng cộng sản Trung Quốc nhưng nó sẽ không còn đóng vai trò toàn diện như thời Mao".

Ông cũng nói Đảng cộng sản Trung Quốc biết rằng xã hội thay đổi nhiều và họ luôn nói là đang điều chỉnh, chấp nhận các thay đổi lớn lao đó. Ở Trung Quốc luôn có các thế lực khác nhau trỗi dậy và câu hỏi là Đảng cộng sản Trung Quốc có kịp cho phép các đảng đối thủ xuất hiện hay là không.

Kissinger giỏi về điều gì ?

Sinh năm 1923 ở Bavaria trong gia đình Đức gốc Do Thái, ông cùng cả nhà bỏ sang Hoa Kỳ năm 1938 và nhập ngũ năm 1944.

Khi quân Mỹ và Đồng minh tiến vào đất Đức, Kissinger là hạ sĩ quan bộ binh được giao nhiệm vụ thẩm vấn tù binh và hàng binh Đức nhằm truy bắt các cựu sĩ quan SS và Gestapo. Về Mỹ, ông giải ngũ, học đại học và làm bằng tiến sĩ về lịch sử chính trị Châu Âu thế kỷ 19.

Thuyết cân bằng quyền lực từ "Dàn nhạc Châu Âu" sau Hội nghị Vienna (1814-15) được Kissinger phát triển thành nhãn quan địa chính trị cho Hoa Kỳ vào thế kỷ 20. Chiến lược liên kết ngoại giao với Trung Quốc để chống Liên Xô và giải quyết Chiến tranh Việt Nam cuối thập niên 1960 được ông khởi xướng.

Năm 1973, ông cùng nhà đàm phán Bắc Việt Nam, Lê Đức Thọ được trao Giải Nobel Hòa bình.

kissinger8

Tác giả Stephen B. Young (trái) và bìa sách 'Kissinger's Betrayal : How America Lost the Vietnam War' vừa được ấn bản. Theo ông Young, sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ'

Nhưng cách làm chính trị quá thực dụng của Kissinger bị phê phán. Quyết định rũ bỏ Nam Việt Nam bị chỉ trích là "phản bội đồng minh", và mưu kế của Kissinger cho Hoa Kỳ ném bom rải thảm vào Campuchia bị cho là "tội ác chiến tranh".

Dù đã nghỉ hưu sau khi nắm các chức quan trọng : Bộ trưởng Ngoại giao và Cố vấn An ninh của các đời tổng thống Hoa Kỳ, Kissinger vẫn là nhân vật có ảnh hưởng.

Thời George H Bush, các đệ tử của Kissinger thuộc phái diều hâu cổ vũ cho "cuộc oanh kích giải phẫu" (surgical strikes) vào Iraq năm 1991 để loại Saddam Hussein. Cụm từ tai tiếng đó là do Kissinger tạo ra, với ý rằng cường quốc như Hoa Kỳ có quyền, và có năng lực chiến trường bắn phá từ xa để thay đổi các chế độ thù địch.

Nhưng tới năm 2014, các tài liệu giải mật của Mỹ mới lộ ra ý tưởng oanh kích chiến thuật từ xa hóa ra đã được ông Kissinger nung nấu từ lâu : năm 1976, ông đề xuất bắn phá Cuba để chặn việc Havana đưa quân sang Châu Phi nhưng không được Tổng thống Gerard Ford chấp nhận.

Năm 2001, Tổng thống George W Bush định mời ông làm chủ tịch ủy ban điều tra vụ 9/11 nhưng phải thôi vì làn sóng phản đối. Nhà văn Anh Christopher Hitchen năm đó tung ra bài xã luận công kích Kissinger, gọi ông ta là "kẻ tội phạm chiến tranh cần được đưa ra tòa xử".

Theo Niall Ferguson, sử gia Mỹ gốc Scotland, Kissinger tin vào 'chính trị thực tiễn' (realpolitik), không bị ám ảnh bởi các đức tính tốt đẹp (virtues) mà ông cho là ngây thơ.

Với phe tả Âu-Mỹ, Kissinger là hiện thân của thuyết chính trị diều hâu. Còn với những người tân bảo thủ, ông là bố già của tư duy quyền lực Mỹ và dám nhìn vào "các loại phương tiện" để đạt mục tiêu.

Ngay từ năm 1957, Kissinger đã tung ra học thuyết "chiến tranh hạt nhân hạn chế" như một trong nhiều giải pháp để giải quyết bế tắc Đông-Tây ở Châu Âu.

Ông có tiếng là dám thay đổi quan điểm của chính mình và đây là điều các giới chức cao nhất ở nhiều nước tìm đến ông để nhận lời tư vấn.

Ví dụ, năm 2014 ông cảnh báo về chuyện nói tới tư cách thành viên Nato của Ukraine mà không lường hết các hiểm nguy.

Nhưng năm nay, ông lại cho rằng Ukraine "đã chiến đấu đủ để xứng đáng vào Nato" nhưng Phương Tây vẫn cần thu xếp cách chung sống hòa bình thế nào đó với Nga trong tương lai.

Niall Ferguson kết luận rằng với Kissinger, cuộc đời 100 năm qua của ông phản ánh một sự thật : không phải là bạn muốn thế giới ra sao, mà đây là thế giới chúng ta phải sống trong nó, không có sự lựa chọn nào khác.

Nguồn : BBC, 29/05/2023

****************************

Ở tuổi 100, Henry Kissinger vẫn luôn gây tranh cãi

Minh Anh, RFI, 27/05/2023

Thứ Bảy 27/05/2023, cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thổi cây nến thứ 100. Ông được xem là một trong những nhân vật chính trị tiêu biểu nhất của Mỹ, từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973. Henry Kissinger, là một nhà ngoại giao nổi tiếng nhất và được lắng nghe nhất. Nhưng ông cũng là nhân vật gây tranh cãi và bị ghét nhất.

kissinger5

Henry A. Kissinger và trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Lê Đức Thọ tại Gif Sur Yvette, ngoại ô Paris, ngày 13/06/1973. AP - Michel Lipchitz

Sinh ngày 27/05/1923 tại Furth, vùng Bayern, Henry Kissinger, người Đức gốc Do Thái, tên thật là Heinz Alfred Kissinger. Năm ông 15 tuổi, khi Hitler lên cầm quyền, ông cùng gia đình đã di tản sang Mỹ. Năm năm sau, ông được nhập quốc tịch Mỹ. Có cha là giáo viên, Henry Kissinger từng tham gia đơn vị phản gián quân sự và nhập ngũ quân đội Mỹ trước khi theo đuổi con đường học hành sáng lạn tại trường Harvard, nơi ông từng giảng dạy.

Theo AFP, nhắc đến Kissinger là người ta nhớ đến hai sự kiện quan trọng, có thể nói là đã làm nên tên tuổi ông trong nền ngoại giao quốc tế : Thứ nhất, ông khởi động tiến trình hạ nhiệt căng thẳng với Liên Xô và nối lại bang giao với Trung Quốc thời Mao Trạch Đông sau những đợt đi bí mật để tổ chức chuyến công du Bắc Kinh lịch sử cho tổng thống Mỹ Nixon năm 1972.

Thứ hai, ông âm thầm tiến hành đàm phán với Lê Đức Thọ nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam, trong lúc Mỹ tiếp tục dội bom Hà Nội lần cuối cùng vào cuối năm 1972. Việc ký kết một lệnh ngưng bắn đã mang lại cho ông cùng với nhà đàm phán Việt Nam giải Nobel Hòa Bình năm 1973. Đây cũng là một trong số các giải gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Nobel Hòa Bình.

"Thiên thần" hay "quái vật" của ngoại giao Mỹ ?

Với một số người, Henry Kissinger là một người có tầm nhìn vượt thời gian, một nhà hiền triết minh mẫn dày dạn kinh nghiệm. Là một tác nhân không thể thiếu của nền ngoại giao thế giới trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, giải Nobel Hòa Bình này đã khai đường cho việc xích lại gần với Nga và Trung Quốc trong những năm 1970, một tầm nhìn thực tế khôn ngoan về thế giới, một dạng chính trị thực dụng theo kiểu Mỹ.

Một dấu hiệu cho thấy tầm nhìn đó của ông vẫn không thay đổi, thứ Ba, 23/5 trước các vị khách mời, ông đánh giá rằng Hoa Kỳ có bổn phận bảo vệ lấy các "lợi ích sống còn" của mình. Ông nói : "Chúng ta phải luôn tỏ ra mạnh hơn để chống chọi với mọi áp lực". Hay khi nói đến chiến tranh Ukraine, ông kêu gọi một lệnh hưu chiến. "Chúng ta đã đi đến một điểm ở đó chúng ta đã hoàn thành mục tiêu chiến lược. Ý đồ quân sự của Nga nhằm nuốt chửng Ukraine đã thất bại".

Nhưng với nhiều người khác, ông lại là một tên "tội phạm chiến tranh". Họ tiếp tục tố cáo đó là một thế lực xấu xa hành động nhân danh kẻ có quyền lực. Tờ báo cánh tả Mỹ, The Nation đăng một biếm họa mô tả bác sĩ Kissinger sẵn sàng nuốt chiếc bánh rỉ máu từ mọi cuộc xung đột gắn liền với những trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ : Từ việc hậu thuẫn cuộc đảo chính quân sự năm 1973 ở Chile ; Cuộc xâm lược Đông Timor và đương nhiên là cuộc chiến tranh Việt Nam.

Reed Kalman Brody, một luật gia chuyên về nhân quyền, được AFP trích dẫn, nhắc lại : "Theo tôi, chẳng còn chút nghi ngờ, chính sách của ông đã làm cho hàng trăm ngàn người chết và phá hủy nền dân chủ tại nhiều nước". Ông chưa bao giờ phải lo lắng với tư pháp. Một đơn kiện đã bị bác năm 2004.

Trong một cuộc điều tra đăng ngày 24/5, trang mạng điều tra báo chí, The Intercept, dựa vào các tài liệu lưu trữ của Lầu Năm Góc và các nhân chứng còn sống sót, đã khẳng định rằng chiến dịch dội bom của Mỹ tại Cam Bốt, giai đoạn 1969 – 1973, mà Henry Kissnger là người lập kế hoạch, đã bị đánh giá thấp, số thường dân thiệt mạng cao hơn rất nhiều so với số liệu chính thức đưa ra.

Sử gia Muntassir Mamoon, trường đại học Dacca nhấn mạnh rằng ông Kissinger đã "tích cực hậu thuẫn nạn diệt chủng ở Bangladesh" năm 1971. Do vậy, nhà sử học này còn cho rằng "chẳng thấy có lý do gì để ca ngợi Kissinger". Nhận định này của ông đã được nhiều người đồng chia sẻ, trong đó có người Việt.

Nhà sử học Carolyn Eisenberg, trường đại học Hofstra tại Mỹ cũng có cùng nhận xét khi đánh giá : "Điều mỉa mai là người ta chỉ nhớ đến việc ông ấy mang lại hòa bình mà quên hết những gì ông ấy đã làm để kéo dài chiến tranh không chỉ tại Việt Nam mà cả ở Cam Bốt và Lào".

Nay đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy", Henry Kissinger ngày càng ít xuất hiện trước công chúng, mà chủ yếu qua các hội thảo trực tuyến. Nhưng sự trường thọ của người đã để lại một dấu ấn sâu sắc trong nền chính sách đối ngoại Mỹ trong nửa cuối thế kỷ XX quả đã là một điều ngoại lệ !

Minh Anh

**************************

'Sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ'

Stephen B. Young, Huyền Trân, BBC, 30/03/2023

Dường như Henry Kissinger đã làm theo câu nói nổi tiếng của sử gia Thucydides, "The strong do what they can, the weak suffer what they must", tác giả Stephen B. Young bình luận với BBC News tiếng Việt.

kissinger9

Bìa sách 'Kissinger's Betrayal : How America Lost the Vietnam War' của Stephen B. Young

'Kissinger's Betrayal : How America Lost the Vietnam War' là quyển sách mới nhất của tác giả Stephen B. Young cho thấy cách nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Henry Kissinger đã phản bội Việt Nam Cộng Hòa thế nào qua những thỏa thuận bí mật với Liên Xô, Bắc Việt và Trung Quốc.

Ông Henry Kissinger, 99 tuổi là Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1973 đến 1977, và trợ lý cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon, sau đó là Tổng thống Gerald Ford trong các vấn đề an ninh quốc gia từ năm 1969 đến tháng 11/1975.

Quyển sách đề cập đến động cơ sâu xa Henry Kissinger, từ sự không tin tưởng vào một chiến thắng cho Mỹ ở Việt Nam ngay từ ban đầu, không xem Việt Nam Cộng Hòa có chủ nghĩa dân tộc.

Nguyên nhân gốc rễ là từ ảnh hưởng tư tưởng của Jean Sainteny, Đặc ủy Cộng hòa Pháp tại Bắc Bộ từ năm 1946 đến 1962, theo Giáo sư Stephen B. Young.

Trả lời phỏng vấn BBC News tiếng Việt từ Minnesota (Hoa Kỳ) ngày 27/03, cựu phó khoa luật Đại học Harvard cho rằng nền hòa bình mang lại sau Hiệp định Paris ký ngày 27/01/1973 là "không có danh dự" như Tổng thống Nixon từng mong muốn.

kissinger10

Ông Henry Kissinger, 99 tuổi là Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1973 đến 1977, và trợ lý cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong các vấn đề an ninh quốc gia từ năm 1969 đến tháng 11/1975

BBC : Ông có thể nói về quá trình viết sách 'Kissinger's Betrayal : How America Lost the Vietnam War' ? Có thể nói đây là quyển sách đầu tiên về sự phản bội của Henry Kissinger đối với Việt Nam Cộng Hòa ?

Stephen B. Young : Đúng như vậy. Mọi chuyện xảy đến với tôi theo một cách tình cờ.

Tôi đã tìm kiếm tài liệu viết quyển sách này trong hơn 40 năm qua. Nhiều câu chuyện, mà tôi có thể nói theo tiếng Việt, phải gọi là "phước của Trời".

Tôi có quen biết cựu Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Ellsworth Bunker trong quãng thời gian tôi làm việc tại đó. Bunker về hưu năm 1980, và ông ấy mời tôi cùng gia đình đến thăm quê ông ấy ở Vermont.

Khi đó, Bunker đã kể rất nhiều câu chuyện thú vị về Việt Nam như về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu Khi đó tôi đặt câu hỏi cho ông ấy "Ngài Đại sứ, tôi muốn viết sách, người dân Mỹ cần phải biết những câu chuyện này. Đây là những câu chuyện hay, rất thú vị mà lại không ai biết về chúng". Và rồi ông ấy đồng ý.

kissinger11

Lá thư Henry Kissinger gửi cho Ellsworth Bunker vào ngày 25/05/1971 (phải), có đoạn "On your point VI we will say that peoples of Indochina should discuss this question among themselves but we not set date". Và một biên bản từ Nhà Trắng vào ngày 25/05/1971, Sainteny và vợ ăn trưa với Henry Kissinger, và Sainteny truyền đi thông điệp từ Hà Nội (trái)

Khi cùng làm việc với nhau, tôi đã có điều kiện tiếp cận với những tài liệu mật của Bunker ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Khi nhìn vào một tủ hồ sơ, tôi phát hiện những lá thư mật giữa Ellsworth Bunker và Henry Kissinger.

Và tôi thấy thông điệp rất sốc của Kissinger vào ngày 25/05/1971, mang nội dung nói một cách gián tiếp [indirectly] với Bunker rằng Mỹ sẽ để Hà Nội duy trì hiện diện quân sự ở miền Nam Việt Nam sau hiệp định hòa bình Paris. Nói một cách khác, Kissinger sẽ bỏ rơi những người Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc. Nhưng tôi chỉ có một tài liệu đó.

Vào năm 1971, Đại sứ Bunker không hiểu những gì Kissinger nói, ông ấy vẫn còn nghĩ rằng Kissinger vẫn còn ủng hộ người theo chủ nghĩa dân tộc ở Sài Gòn và do đó, Bunker đã không làm gì.

Và khi tôi đưa bức thư đó cho Bunker xem thì ông ấy rất thất vọng vì nghĩ rằng lẽ ra mình đã phải nhận ra ngay vấn đề vào thời điểm đó.

Chính câu chuyện này đã cho tôi một chỉ dấu cho thấy Kissinger đã có một kế hoạch cá nhân cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Và tôi đã dành rất nhiều năm để xem thêm tài liệu khác để viết nên quyển sách này.

kissinger12

Ông Ellsworth Bunker là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Cộng Hòa nhiệm kỳ 1967-1973

Tôi cũng tiếp cận Tổng thống Nixon. Kết bạn với Nixon vốn là chuyện không dễ dàng vì tôi phải mất đến 4 đến 5 năm. Lần đầu tôi gặp Nixon là vào khoảng năm 1981. Vào khoảng năm 1989, khi nghĩ ông ấy đã tin tưởng mình, tôi hỏi ông ấy ở New Jersey, "Có phải ông đã ủy quyền cho Henry Kissinger bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa hay không ?", và khi đó ông ấy bị sốc, mặt trắng bệch, ông ấy nói không nên lời. Ông ấy nói mình không biết Kissinger thật sự làm gì vào năm 1971.

Một yếu tố khác là từ quyển sách "Các Cuộc Thương Lượng Lê Đức Thọ - Kissinger Tại Paris" của tác giả Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, những nhà ngoại giao cùng với ông Lê Đức Thọ trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris. Trong quyển sách đó, hai tác giả viết rằng vào cuối tháng Giêng năm 1971, Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội có cuộc họp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Khi đó Đại sứ Liên Xô cho biết Kissinger vừa mới nói với Đại sứ Liên Xô tại Washington, Anatoly Dobrynin là nước Mỹ sẽ rời khỏi Việt Nam và không bao giờ trở lại, Mỹ sẽ không yêu cầu Hà Nội rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Câu chuyện này trùng khớp với tài liệu mà tôi có được từ tập hồ sơ mật của Bunker.

Rồi sau đó tôi nhớ lại trong quyển tự truyện của Kissinger, ông ấy nêu vào ngày 09/01/1971 đã có cuộc gặp với Đại sứ Liên Xô, Dobrynin ở Washington, và chấm hết.

Đó là tất cả những gì Kissinger viết. Như vậy chúng ta có thể thấy, chi tiết gặp Đại sứ Liên Xô tại Washington từ hai tác giả Việt Nam và tự truyện của Kissinger có sự liên quan với nhau.

kissinger13

Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger trong cuộc gặp với Đại sứ Liên Xô Anatoly Dobrynin tại Nhà Trắng vào ngày 26/12/1973

Cách đây hai năm, tôi hỏi một người bạn của tôi ở Moscow, một giáo sư người Nga chuyên về lịch sử Liên Xô gửi cho tôi chi tiết về thông điệp mà Đại sứ Dobrynin gửi cho Moscow về cuộc gặp giữa ông ấy với Kissinger hay không nhưng ông ấy không giúp được.

Nhưng một người bạn khác của tôi từ Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu về lịch sử Liên Xô và Nga thì cho biết biên bản cuộc họp ngày 09/01/1971 đó đã được dịch sang Tiếng Anh và giúp tôi có được bản sao biên bản đó, dài khoảng sáu trang, năm trang về chạy đua vũ trang, vũ khí hạt nhân trang thứ sáu là về Việt Nam.

Và trong biên bản này thì Kissinger đã đề xuất Hà Nội có thể để binh sĩ ở lại miền Nam Việt Nam, lính Mỹ có thể về nhà, chuyện gì xảy ra thì cứ để xảy ra.

Một câu chuyện thứ ba là khi tôi xem tài liệu tại thư Viện Gerald R. Ford ở Michigan, người thủ thư mang cho tôi hai hộp hồ sơ và nói 'Steve à, tôi nghĩ ông nên xem chúng".

Và tập hồ sơ có tên là 'Mr. S file' và tôi thấy thật thú vị. Khi đó tôi thấy một cái tên Pháp, Jean Sainteny, một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam vì là người chọn Hồ Chí Minh vào tháng 03/1946. Và tôi ngỡ ngàng khi đây là hồ sơ về những cuộc trao đổi giữa Henry Kissinger là Jean Sainteny.

Và tôi thấy một biên bản từ Nhà Trắng vào ngày 25/05/1971, Sainteny và vợ ăn trưa với Henry Kissinger, và Sainteny truyền đi thông điệp từ Hà Nội.

Sainteny nói với Kissinger rằng nếu Mỹ đem quân về nước, để Bắc Việt duy trì binh lính tại miền Nam Việt Nam, Hà Nội sẽ ký hiệp ước hòa bình, trao trả tù binh chiến tranh và để Việt Nam Cộng Hòa sống thêm hai, ba năm nữa.

Cùng ngày này, 25/05/1971, Kissinger gửi thư đến Bunker, có thể là sau cuộc gặp với Jean Sainteny với nội dung không nói thẳng là Mỹ sẽ không yêu cầu Hà Nội rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.

kissinger14

Tổng thống Mỹ Richard Nixon trong cuộc gặp với Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tại Nhà Trắng vào ngày 16/09/1972

BBC : Như vậy, Tổng thống Richard Nixon khi đó thật sự đã không biết gì về kế hoạch bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa của Henry Kissinger ?

Stephen B. Young : Chúng ta cần phải chính xác ở điểm này. Điều mà Tổng thống Nixon không biết là Kissinger đã đưa ra đề xuất này cho cộng sản Bắc Việt vào năm 1971.

Trong khoảng năm 1971 và 1972 đã diễn ra những cuộc thương thảo bí mật giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Vào tháng 10/1972, Kissinger đã có một bản thảo về thỏa thuận, không bao gồm điều khoản Hà Nội phải rút quân khỏi Việt Nam Cộng Hòa. Rồi sau đó Kissinger đến Sài Gòn và đưa thỏa thuận này cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Thiệu khi đó bị sốc, rất giận dữ, đặt câu hỏi làm sao Mỹ có thể để Bắc Việt để khoảng 250 ngàn binh sĩ ở miền Nam Việt Nam.

Cũng vào năm 1972, sau cuộc phản công 'Mùa hè đỏ lửa' và cuối cùng cộng sản thất bại, Hà Nội dù đã huy động 13-14 sư đoàn ở miền Nam Việt Nam để chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc sau ba cuộc chiến tại Quảng Trị, Kon Tum (Pleiku), An Lộc.

Khi đó Nguyễn Văn Thiệu cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh và giờ thì Kissinger nói để quân Bắc Việt ở miền Nam Việt Nam sau tất cả sự hy sinh của miền Nam Việt Nam.

Ông Thiệu đã bác bỏ thỏa thuận và vào thời điểm đó, Nixon biết Kissinger đã làm gì nhưng lại nghĩ chuyện đó xảy ra vào tháng 10/1972. Sau khi Nixon quyết định ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Lê Đức Thọ đưa ra thỏa hiệp.

Vào tháng 01/1973, Hiệp định Paris được ký kết, theo đó Hà Nội không phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhìn lại sự việc, Lê Đức Thọ từng nói đó là điều khoản vô cùng quan trọng cho Hà Nội bởi vì Bắc Việt không quan tâm đến hòa bình vì chỉ muốn chiếm Việt Nam Cộng Hòa.

Vì khi Mỹ rút quân về nước, Bắc Việt rõ ràng có thể đưa thêm quân, nhận thêm xe tăng từ Liên Xô và sau hai năm vào năm 1975, đúng như những gì Hà Nội đã nói với Henry Kissinger, Lê Duẩn đưa ra lệnh tiến hành cuộc tổng tiến công.

kissinger15

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp chính trị gia người Pháp Jean Sainteny, Cao ủy Cộng Hòa Pháp tại Bắc Bộ vào năm 1946

BBC : Trong sách, ông viết rằng nguyên nhân sâu xa cho việc Henry Kissinger âm thầm lên kế hoạch bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa vì ngay từ đầu không tin Mỹ có thể chiến thắng trong cuộc chiến và cả từ định kiến bị ảnh hưởng từ chính trị gia người Pháp Jean Sainteny ?

Stephen B. Young : Trước hết chúng ta hãy nói về mối quan hệ giữa Jean Sainteny và Henry Kissinger. Người vợ thứ hai của Jean Sainteny, bà Claude Dulong-Sainteny, từng tham gia seminar của Kissinger tại Đại học Harvard khi Kissinger đang theo học tiến sĩ vào 1953.

Và thông qua bà ấy, Kissinger đã quen biết Jean Sainteny.

Vào năm 1966, khi Kissinger tìm cách đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Tổng thống Lyndon Johnson với Hà Nội, ông ta đã gặp Sainteny ở Paris. Sự thật này đã được lưu trong các hồ sơ.

Và cũng theo hồi ký của Henry Kissinger, ông ta đã lắng nghe Jean Sainteny về Việt Nam và ông ấy viết Sainteny chỉ nói với mình hai điều.

Thứ nhất, những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam Cộng Hòa là vô giá trị, không thể tạo dựng quốc gia, tham nhũng, không phải là người tốt...

Thứ hai, người Mỹ không bao giờ có thể chiến thắng trong cuộc chiến này khi hậu thuẫn cho những người ở Việt Nam Cộng Hòa, vô tổ chức, vô kỷ luật, tham nhũng, lười chiến đấu Và tôi suy đoán là còn có một ý thứ ba, đó là chỉ có Hồ Chí Minh là người cộng sản, người Việt Nam tốt.

Chúng ta hãy cùng xem lại lý do tại sao Sainteny tin vào điều này.

Sainteny đã viết quyển sách "Histoire D'une Paix Manquée Indochine 1945-1947", ông ấy đã viết về người Pháp đã phạm một sai lầm thế nào khi không hậu thuẫn cho Hồ Chí Minh, xem đây ông Hồ là một người Việt Nam tốt đẹp nhất.

Một quyển sách khác được viết vào đầu những năm 1952 mang tên "Viet-Nam Sociologie D'une Guerre" của tác giả Paul Mus, có luận điểm người Việt Nam thật sự là người Trung Quốc, với cụm từ "con rồng nhỏ hơn" (smaller dragon), và nền văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, và Việt Nam không có chủ nghĩa dân tộc. Sách của Paul Mus nói giới tinh hoa cách mạng của Việt Nam chuyển từ Khổng Tử sang chủ nghĩa Marx.

Cần nói thêm chút về người vợ đầu của Jean Sainteny. Bà ấy là con gái của cựu Toàn quyền Đông Dương vào những năm 1920, cựu Thủ tướng Pháp Albert Sarraut. Chính sách của Albert Sarraut là áp dụng chương trình giáo dục của Pháp cho con cái những gia đình quan lại chuyên học tiếng Hoa. Ý tưởng của Pháp khi đó là chỉ những người được học trường Pháp mới trở thành nhà lãnh đạo tốt được.

Hầu hết giới cai trị thực dân Pháp đều không hiểu về văn hóa Việt Nam, hay nói tiếng Việt. Không hiểu về người Việt, Jean Sainteny cho rằng Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ những người hưởng nền giáo dục của Pháp đều học được lý thuyết Marx - Lenin từ Paris.

Jean Sainteny được đưa trở lại Việt Nam vào năm 1945 để với sứ mệnh phục hồi lại sức ảnh hưởng của thực dân Pháp ở Việt Nam, Lào, Campuchia sau Thế chiến lần 2. Khi đó Jean Sainteny không có quân đội Pháp, mà phải hợp tác với lực lượng quân đội Việt Nam.

Trong quyển sách "Histoire D'une Paix Manquée Indochine 1945-1947", Jean Sainteny viết người duy nhất cùng hợp tác với ông ấy là Hồ Chí Minh. Vua Bảo Đại khi đó cũng không muốn gặp Jean Sainteny.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Hồ Chí Minh lại muốn hợp tác với Pháp ?

Một lý do là Pháp xem Hồ Chí Minh có hưởng nền giáo dục Phương Tây. Còn Hồ Chí Minh thì cần ai đó chọn ông ấy trở thành lãnh đạo và công nhận chính phủ của ông ấy.

Jean Sainteny sau đó kể câu chuyện này với Henry Kissinger. Và Kissinger thì không có người bạn Việt Nam nào, không nói tiếng Việt, Kissinger chọn tin vào chính trị gia người Pháp hơn.

Đó là lý do tôi đưa ra lập luận Kissinger đã chọn bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa bởi vì ông ta không biết về con người, văn hóa, những điều tốt đẹp về đất nước này.

kissinger16

Nhà đàm phán Bắc Việt tại Hòa đàm Paris, ông Lê Đức Thọ và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger vào tháng 01/1973

BBC : Tổng thống Nixon từng muốn Hiệp định hòa bình Paris là "Hòa bình trong danh dự" (peace with honor). Sau tất cả những kế hoạch của Henry Kissinger, ông bình luận như thế nào về hiệp định này ?

Stephen B. Young : Cụm từ 'Peace with honor' là của Tổng thống Nixon. Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1968 có thể thấy rõ hai phe, một phe ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa, một phe là muốn bỏ rơi.

Nixon và phe Cộng hòa thì muốn giúp Việt Nam Cộng Hòa. Phe Dân chủ thì muốn bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.

Nixon thật sự không biết làm sao, vì vậy ông ấy nghĩ ra slogan "peace with honor", có nghĩa chiến tranh sẽ kết thúc trong danh dự, nhưng điều đó có nghĩa Mỹ sẽ không bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.

Sau đó vào năm 1969, với sự ảnh hưởng của Đại sứ Bunker, Tổng thống Nixon tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh, có nghĩa quân đội Mỹ rút đi còn quân lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ ngày càng mạnh lên.

Sự phản bội của Kissinger nằm ở chỗ đã mang đến "một nền hòa bình không có danh dự".

Kissinger mang lại hòa bình theo Hiệp định Paris, Việt Nam Cộng Hòa được độc lập, tự do, nhưng tất cả chỉ là trên giấy tờ.

Hà Nội được duy trì binh lính ở miền Nam Việt Nam. Và hai năm sau đó, Hà Nội đã vi phạm hiệp định hòa bình này và Kissinger thừa biết là Bắc Việt sẽ thực hiện điều đó.

Đó là lý do tại sao lại là "nền hòa bình không có danh dự", bởi vì hiệp ước hòa bình lại không mang lại hòa bình thật sự, chỉ là một 'sự giả tưởng về hòa bình' [fiction of peace].

BBC : Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của sự phản bội của Henry Kissinger trong sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa ? Như vậy có thể nói, Việt Nam Cộng Hòa đã không tự bại trận như nhiều phân tích và bình luận trước đây ?

Stephen B. Young : Các nhân tố quan trọng khác không thể không nhắc đến đó chính là phong trào phản chiến tranh Việt Nam tại Mỹ. Thế nhưng sự phản bội của Henry Kissinger là nguyên nhân chính khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

Bởi vì nếu chúng ta nhìn kỹ vào tình hình quân sự hai phe Nam, Bắc vào thời điểm Hiệp định Paris được ký kết, khi đó văn phòng tình báo tại Đại sứ quán Mỹ ước tính số lính Việt Cộng ở miền Nam Việt Nam là khoảng 25 ngàn người.

Khi đó quân lính Việt Nam Cộng Hòa là hơn một triệu. Ở mọi ngôi làng ở Nam Việt Nam không còn bóng dáng Mặt trận Giải phóng Dân tộc gì hết.

Thế rồi Mỹ cắt viện trợ thế là Nguyễn Văn Thiệu và binh sĩ cạn súng, đạn, máy bay, xe tăng Cùng lúc đó, Liên Xô và Trung Quốc lại bơm vũ khí cho Bắc Việt.

Về Tổng thống Thiệu, một thông tin rất quan trọng là vào tháng 11/1972, Tổng thống Nixon gửi cho ông ấy lá thư riêng, nêu rằng ông Thiệu nên ký Hiệp định Paris, trong trường hợp Hà Nội vi phạm hiệp định thì Nixon sẽ điều máy bay B/52 vào ném bom miền Bắc.

Thế nhưng sau khi ông Nixon từ chức sau vụ bê bối Watergate, người kế nhiệm ông ấy là Gerald Ford (1974 - 1977) lại không thấy mặn mà thực thi nghĩa vụ đó, còn phe Dân chủ trong Quốc hội Mỹ thì lại cắt viện trợ, và thông qua đạo luật có nội dung vị tổng thống không thể tự mình quyết định cử máy bay B/52 đến Việt Nam.

Như vậy chúng ta có thể thấy tình thế đã xoay chuyển. Lê Duẩn đã đưa ra quyết định vào tháng 01/1975 khi thấy thời cơ đã đến.

Việt Nam Cộng Hòa lại không có đủ quân lính chốt chặn tại các vị trí dọc đường ranh giới. Hà Nội có thể tận dụng những điểm yếu đó như Buôn Mê Thuột huy động hai đến ba sư đoàn chống lại một số lượng binh lính ít ỏi của Nam Việt Nam và chiến thắng.

Nếu Mỹ cử B/52 đến thì có lẽ Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn sống được. Và chiến tranh Việt Nam cũng là cuộc chiến đầu tiên mà người Mỹ thất bại, để lại những cảm xúc nặng nề, chúng tôi bị mất đi sự kiêu hãnh vì thất bại.

Theo quan điểm của tôi, những hành động của Henry Kissinger là nguyên nhân chính [principal cause] cho sự bại trận của Việt Nam Cộng Hòa bởi vì đã tạo sự chuyển biến về thế trận, quyền lực, khiến Việt Nam Cộng Hòa bị bất lợi.

Nếu Kissinger vùng lên với nắm đấm, thì khi ấy Việt Nam Cộng Hòa còn hơn một triệu binh lính cùng nhuệ khí, nền kinh tế phát triển trong khi mặt trận giải phóng thì đã rút thì tình hình đã khác.

Một yếu tố khác theo tôi suy đoán, là khi ấy đã có một thỏa thuận hòa bình nên tâm lý của nhiều người Mỹ là chiến tranh đã kết thúc, nước Mỹ không cần làm điều gì nữa.

Nước Mỹ đã không hiểu hết về Việt Nam, về Lê Duẩn hay Lê Đức Thọ Bắc Việt đã không hứa để giữ lời hứa [They don't promise to keep promises].

kissinger17

Tổng thống Richard Nixon và Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc gặp tại đảo Midway ở Thái Bình Dương vào năm 1969

BBC : Ông có nghĩ rằng Kissinger là một người yêu nước, chỉ muốn làm điều tốt nhất cho lợi ích quốc gia của nước Mỹ ?

Stephen B. Young : Ai đó có thể nghĩ như vậy nhưng tôi thì không.

Đọc rất nhiều về Henry Kissinger và đây là cảm xúc cá nhân của tôi, tôi không có tài liệu minh chứng điều này. Khi tôi kể cho mọi người và khi họ đọc sách của tôi thì đều đặt câu hỏi "Tại sao ông ta lại làm chuyện đó ?", phản bội tổng thống, phản bội đồng minh. Trong lịch sử nước Mỹ, chưa ai từng làm chuyện này.

Tôi nghĩ Kissinger nghĩ mình có phẩm chất vượt trội hơn người khác, Tiếng Anh gọi là 'grandiosity', ông ấy nghĩ mình giỏi hơn, thông minh hơn hết thảy những người khác và đã tự quyết định, tự kết luận là Mỹ không thể chiến thắng và nước Mỹ hãy thoát ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tôi nghĩ ông ta là người theo chủ nghĩa hiện thực [realist], phe yếu thì không nên tấn công phe mạnh hơn.

Và như chúng ta cũng thấy trong cuộc chiến Ukraine, Kissinger cũng gợi ý người dân Ukraine nên rút lui vì Nga mạnh hơn. Và xét về phương diện này thì ông ta có suy nghĩ rất giống Lê Duẩn.

Nhà sử gia Thucydides có câu nói nổi tiếng "The strong do what they can, the weak suffer what they must" và dường như Henry Kissinger đã theo câu nói này.

Kissinger đã hành động một mình mà không nói với ai. Ông ta che giấu tài liệu, không trung thực và công khai. Nếu các bạn đọc cuộc trao đổi của ông ta với Nixon trong thời gian 1971 đến 1972 đều được ghi âm lại, đều thấy Kissinger đã không nói đầy đủ với Nixon là mình đang làm gì.

Tôi đã phát hiện các tài liệu mà chưa có nhà sử học nào tìm ra như tôi đã trình bày về quá trình viết sách. Kissinger đều rất khéo chọn từ ngữ, để che giấu dụng ý thật sự của ông ấy.

Điều tôi học được từ Kissinger là khi đọc gì của ông ta thì nên đặt câu hỏi về những gì ông ta không đề cập tới. Bởi vì đối với tôi, đó lại là những ý quan trọng nhất.

Đối với tôi, Kissinger đã lạm dụng quyền lực cùng sự thất bại trong thể chế, khi một người đàn ông tự ra quyết định một mình mà không báo cáo với tổng thống, bộ trưởng quốc phòng, ngoại trưởng, hội đồng an ninh quốc gia, quốc hội vào năm 1971.

Nếu có danh dự, lẽ ra ông ta nói thẳng với tổng thống "tôi nghĩ chúng ta không thể chiến thắng cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng ta phải rút quân, 58 ngàn binh sĩ đã bỏ mạng, tôi ủng hộ phong trào phản chiến", giả sử Nixon không đồng ý thế là Kissinger nộp đơn từ chức.

Thế nhưng Kissinger vẫn trung thành với Nixon về một nền hòa bình với danh dự, để rồi tạo ra một nền hòa bình "không danh dự".

kissinger18

Quân đội Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1972

BBC : Trong sách ông viết là Thượng Nghị sĩ J. William Fulbright, người ủng hộ phong trào phản chiến, từng nói với Tổng thống Lyndon Johnson là cuộc chiến Việt Nam không có giá trị bởi vì người Việt Nam "không phải dạng của chúng ta" [are not our kind]. Sau tất cả, theo ông thì nước Mỹ vẫn là một đối tác đáng tin cậy ?

Stephen B. Young : Nước Mỹ đã bỏ rơi người dân Afghanistan, dựa vào chính sách hay cách thức thương lượng của Kissinger trong chiến tranh Việt Nam.

Hãy tưởng tượng quý vị thương lượng với kẻ thù của bạn mình, sau đó lại bỏ rơi người bạn ấy. Nước Mỹ đã thất bại trong hai cuộc chiến, và bỏ rơi người dân hai lần.

Tôi thành thật có suy nghĩ, và thật khó để phải nói ra điều này.

Đối với những quốc gia Châu Á ngày nay lo ngại về sự thống lĩnh của Trung Quốc, hãy đừng quá phụ thuộc vào nước Mỹ [Don't count on America].

Quốc gia của quý vị phải tự bảo vệ chính mình, quý vị chỉ có thể phụ thuộc Mỹ tới mức độ nào đó mà thôi.

Bởi vì quý vị luôn phải tự đặt câu hỏi là liệu có một Kissinger nào khác nữa hay là không.

kissinger19

Tác giả Stephen B. Young hiện là Giám đốc Điều hành Caux Round Table for Moral Capitalism. Ông từng làm phó khoa Luật Đại học Harvard, Giáo sư Luật tại Hamline University Law School.

Huyền Trân

Nguồn : BBC, 30/03/2023

Giáo sư Stephen B. Young từng làm việc cho Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ năm 1968-1972, sau đó là Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Những năm sau 1975, ông cùng vợ tham gia trợ giúp các thuyền nhân Việt Nam tị nạn tại Mỹ.

Các tác phẩm của Giáo sư Stephen B. Young gồm Kissinger's Betrayal : How America lost the Vietnam War, The Theory and Practice of Associative Power - CORDS, The Tradition of Human Rights in China and Vietnam, Moral Capitalism, The Way to Moral Capitalism...

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Minh Anh, BBC, Stephen B. Young, Huyền Trân
Read 770 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)