Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/06/2017

Lãi suất Hoa Kỳ và kinh tế toàn cầu

Nguyễn Xuân Nghĩa

Như các thị trường tài chính chờ đợi, hôm Thứ Tư 14 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ tăng lãi suất vì kinh tế đã có chỉ dấu phục hồi sau nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009. Nhưng tình hình có khả quan như vậy không ? Và những gì có thể xảy ra cho kinh tế thế giới ?

laisuat1

Sàn chứng khoán New York, ngày 31 tháng 1 năm 2017. AFP

Chờ đợi sự bất ngờ !

Chân Như : Chân Như xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau hai ngày họp của cơ chế quyết định về chính sách tín dụng và tiền tệ, chiều Thứ Tư 14 vừa qua, Hội đồng Dự trữ Liên bang là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ vừa tăng lãi suất và thông báo việc thu hồi dần lượng tiền đã bơm ra từ sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009. Các thị trường tài chính đã dự báo quyết định này và tin là Hoa Kỳ và toàn cầu đã ra khỏi thời u ám bất thường kể từ năm 2008. Thưa ông, tình hình có thật khả quan như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ là khi mọi người đều có vẻ lạc quan thì ta nên chờ đợi sự bất ngờ ! Việc Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất thêm 25 điểm được dự đoán trước và hết gây chú ý như năm ngoái vì người ta cho rằng định chế tiền tệ này đang trở lại chính sách tín dụng bình thường sau khi hạ lãi suất tới số không và tung ra ba đợt bơm tiền bất thường, gọi là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing" kể từ năm 2008.

Tôi xin giải thích về bối cảnh chung hầu mình có thể thấy trước được những gì khả dĩ xảy ra. Sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ và Âu Châu năm 2008 rồi nạn "Tổng suy trầm" hay "Suy trầm Toàn cầu" qua hai năm 2008-2009, các ngân hàng trung ương trên thế giới ráo riết áp dụng biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất để thoát khỏi tình trạng "ách tắc tín dụng", là khi doanh nghiệp vay tiền không được và sản suất suy giảm. Nhưng dù lãi suất đã hạ tới sàn, là mấp mé số không, tình hình chẳng cải tiến mà khủng hoảng còn bùng nổ trong khối Euro của các nước Âu Châu. Vì vậy, một số ngân hàng trung ương lớn như của Hoa Kỳ, Âu Châu và Anh Quốc áp dụng thêm biện pháp bất thường của Nhật Bản, xin tạm diễn tả là mua vào trái phiếu với nhiều kỳ hạn dài ngắn và trả ra bằng tiền mặt, là bơm tiền vào kinh tế. Qua ba đợt trước sau, Ngân hàng Trung ương Mỹ bơm ra tới 4.500 tỷ Mỹ kim, là một con số khổng lồ. Chi tiết chuyên môn ở đây là việc hạ lãi suất trực tiếp chi phối lãi suất ngắn hạn làm nền tảng cho các lãi suất của ngân hàng ; còn biện pháp mua vào nhiều loại trái phiếu, trả bằng tiền bút toán cho các ngân hàng lại còn có thể giảm phân lời đi vay dài hạn và kích thích đầu tư.

Chân Như : Thưa ông, có phải nhờ vậy mà kinh tế Mỹ đã phục hồi hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sự thể không hẳn như vậy. Cùng biện pháp tiền tệ của cơ chế độc lập là Ngân hàng Trung ương thì Chính quyền áp dụng biện pháp ngân sách để kích thích kinh tế là tăng chi, khi bị bội chi thì vay thêm tiền, cho nên số nợ đó lên tới gần 20 ngàn tỷ đô la, là một con số khổng lồ khác. Cả hai loại biện pháp tiền tệ và ngân sách của Hoa Kỳ đều bất thường vì kích thước quá lớn với kết quả thật ra quá nhỏ, chưa kể tới hậu quả là gây lệch lạc trong hệ thống kinh tế và tài chính. Thứ nhất, sau khi ra khỏi suy trầm từ Tháng Bảy năm 2009, kinh tế phục hồi chậm, nạn thất nghiệp và thất nghiệp trá hình, hay khiếm dụng vì người ta chỉ tìm ra việc bán thời gian với lương thấp, vẫn còn cao. Trong khi đó tiền bơm ra lại chảy vào thị trường cổ phiếu làm giàu cho thiểu số có tiền đầu tư và các tập đoàn kinh tế lớn. Những mâu thuẫn chính trị giữa các thành phần dân chúng đang xảy ra một phần cũng xuất phát từ đó, điển hình là lời than về chênh lệch giàu nghèo. Nói vắn tắt thì các biện pháp kích thích kinh tế lại gây hậu quả bất lường về xã hội cho Hoa Kỳ. Nhưng dù sao thì so với các nền kinh tế công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật thì tình hình kinh tế Mỹ vẫn khá hơn cả, vì vậy, từ năm 2014, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ thông báo việc "vuốt nhọn chính sách tiền tệ" là sẽ nâng lãi suất khi sinh hoạt kinh tế có vẻ khả quan hơn và còn thu hồi lại lượng tiền đã bơm ra từ năm 2008.

laisuat2

Một bảng điện tử báo chỉ số Nikkei trước một công ty chứng khoán tại Tokyo vào ngày 14 tháng 2 năm 2017. AFP

Chân Như : Và thưa ông phải chăng tuần qua thì Hoa Kỳ vừa đi tới giai đoạn ấy với quyết định tăng lãi suất và cả chương trình lần lượt thu hồi lượng tiền đã bơm ra ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đấy là nhận định chung của các thị trường tài chính nhưng chính vì vậy mà ta mới cần thận trọng để khỏi bị bất ngờ. Thứ nhất, tình hình Hoa Kỳ có vẻ khả quan là nếu so sánh với các nước công nghiệp khác như Nhật Bản hay Âu Châu. Thứ hai, cũng từ vụ Tổng suy trầm 2008, Trung Quốc áp dụng biện pháp tăng chi và bơm tín dụng rất mạnh, mạnh nhất và nhanh nhất, nên thổi lên bong bóng đầu cơ. Ta không quên là giữa năm 2015, thị trường cổ phiếu của Trung Quốc sụt giá mạnh và gây lo ngại toàn cầu. Chính là vì yếu tố bất trắc đó tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương Mỹ mới hoãn việc nâng lãi suất khỏi số không cho tới Tháng 12 mới lần đầu tiên tăng lãi suất. Từ đó đến nay họ tăng ba đợt vào Tháng 12 năm 2016, rồi Tháng Ba và Tháng Sáu vừa qua. Điều chúng ta nên chú ý ở đây là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ mặc nhiên giữ một vai trò toàn cầu vì còn phải cân nhắc những yếu tố quốc tế hay sự bất trắc từ các nền kinh tế lớn kia. Đâm ra nhiều người cứ nói đến sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sự suy tàn của chủ nghĩa tư bản Mỹ mà ít ai chú ý đến sự kiện đó. Bây giờ, người ta lại cho rằng tình hình Âu Châu đã tạm ổn sau cuộc bầu cử tại Pháp và sự thoái lui của trào lưu ly khai tại Âu Châu, rồi kinh tế Trung Quốc đã có dấu hiệu khả quan hơn nên thế giới trở về trạng thái bình thường và việc tăng lãi suất Hoa Kỳ là một biểu hiện. Tôi nghĩ sự thật không được lạc quan như vậy và tương lai chưa là màu hồng.

Không còn công cụ kích thích kinh tế

Chân Như : Ông vừa nêu vài chi tiết mà có lẽ thính giả của chúng ta bắt đầu quan tâm. Thứ nhất là Ngân hàng Trung ương Mỹ không chỉ lấy quyết định về chính sách căn cứ trên các yếu tố nội địa như lạm phát hay thất nghiệp mà còn phải nhìn ra cục diện toàn cầu. Sau đó, ông cho là tình hình tương lai chưa hẳn là lạc quan như vậy. Xin đề nghị ông giải thích thêm chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đi từ chuyện kinh tế rồi mới nói đến các yếu tố phức tạp hơn.

Khi thấy ngân hàng trung ương tăng lãi suất, ta có thể kết luận rằng tình hình đã khả quan, thất nghiệp đã giảm, sản xuất đã tăng và các doanh nghiệp đã có thể chịu được chi phí tài chính cao hơn khi đi vay tiền. Nhưng đấy là một loạt "đã", để diễn tả chuyện đã qua, chứ sau này ra sao thì chưa ai biết. Ngân hàng trung ương tất nhiên phải biết tính và dự báo khi quyết định. Từ đó, ta có thể nghĩ tới một kết luận khác : định chế phụ trách tiền tệ vừa nâng lãi suất và hút lại tiền ở ngoài thị trường là cũng để phòng ngừa khi năng suất hay sinh hoạt kinh tế sa sút thì còn chỗ hạ lãi suất hay bơm thêm tiền để kích thích sản xuất. Chuyện này hơi khó hiểu nên tôi xin giải thích thêm : với lãi suất quá thấp hoặc tuột dưới số âm thì ngân hàng trung ương không còn khí cụ kích thích nếu kinh tế lại bị suy trầm. Mà kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm nữa !

Chân Như : Ông vừa nói đến một chuyện rợn người là sau nạn Tổng suy trầm năm 2009, Hoa Kỳ lại có thể bị suy trầm nữa ? Ông căn cứ trên điều gì mà dự báo điều bi quan này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, sinh hoạt kinh tế thăng giáng hay lên xuống theo chu kỳ. Về ngôn từ, khi đà tăng trưởng sản xuất mà giảm trong hai quý tức là sáu tháng liền thì người ta gọi đó là suy trầm, và chỉ biết được sau sáu tháng. Nghĩa là có khi kinh tế đang suy trầ mà mình chưa hay ! Xin nói thêm là nếu kinh tế không tăng trưởng nữa thì đấy là suy thoái và nếu lan rộng kéo dài ra nhiều lãnh vực thì ta gọi là khủng hoảng. Thứ hai, người ta nghiệm ra là từ 70 năm nay, cứ sáu bảy năm là kinh tế Hoa Kỳ lại bị suy trầm một lần như tiến trình thanh toán nạn sản xuất dư dôi và kém hiệu năng, sau đó lại là một chu kỳ tăng trưởng khác. Vậy mà kể từ 2009, Mỹ đã qua tám năm không suy trầm và nếu có thể tránh được cho tới cuối năm nay, năm tới sẽ có thể bị với xác suất cao hơn. Có khi Ngân hàng Trung Ương Hoa Kỳ tăng lãi suất là để ứng phó với kịch bản đó, là còn đất để lùi, còn mức để hạ, nhằm kích thích kinh tế.

Chân Như : Nếu điều ấy xảy ra, tức là qua năm tới, kinh tế Mỹ lại bị suy trầm thì thưa ông, chuyện gì có thể xảy ra ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, các chính trị gia lại đả kích nhau là thủ phạm và lại nói phét về liều thuốc chữa trị của họ. Với tình trạng phân cực quá nặng hiện nay, chính trường Mỹ sẽ là đấu trường khét lẹt ! Thứ hai, từ 70 năm nay, Hoa Kỳ đã gặp sáu lần suy trầm mà chưa chết, lại vẫn lừng lững đi lên. Nếu có bị lần thứ bảy vào thời gian tới thì vẫn là siêu cường kinh tế. Nhưng các nước khác mới bị chấn động nếu sống nhờ xuất khẩu vào thị trường Mỹ, vốn là thị trường tiêu thụ lớn nhất. Thí dụ như Đức cần bán 110 tỷ đô la hàng hóa vào Mỹ thì sẽ bị nạn nếu dân Mỹ tiêu thụ ít hơn. Ngoài thị trường Hoa Kỳ, Đức bán hàng nhiều nhất cho hai nước đang có vấn đề là Pháp và Anh. Kinh tế Đức mà suy trầm thì các nước Đông Âu sẽ lãnh họa.

Nghĩa là suy trầm tại Mỹ sẽ làm kinh tế Đức suy sụp, nhưng thật ra chưa nguy kịch bằng Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc vẫn còn lệ thuộc vào xuất khẩu mà hơn một phần năm của lượng xuất khẩu là bán vào Hoa Kỳ, cho nên giới tiêu thụ tại Mỹ cũng ảnh hưởng đến tình hình Trung Quốc hơn là những gì báo chí tường thuật về sức mạnh của xứ này. Đã vậy thì tuần qua, lãnh đạo Bắc Kinh lại vừa nhấn tới trong quốc sách lấy tín dụng làm đòn bẩy kinh tế khi mở rộng qua mục tiêu xã hội, là đòi các ngân hàng quốc doanh lớn nhất phải tài trợ nông dân và các tiểu doanh thương. Tín dụng cho loại khách nợ cò con này vốn đã tăng quá nhanh mà nay tiêu chuẩn cho vay lại còn được nới lỏng thì nguy cơ vỡ nợ và phá sản càng dễ bùng nổ nếu kinh tế sa sút vì hiệu ứng từ Hoa Kỳ ! Trong khi đó, mối nguy bể bóng đầu cơ trên thị trường bất động sản thì vẫn tăng chứ chưa giảm. Những chuyện ấy tất nhiên sẽ có hậu quả chính trị cho giới lãnh đạo ở trên.

Chân Như : Mới chỉ điểm qua một vòng như vậy thì người ta có thể thấy rằng việc Hoa Kỳ hạ lãi suất chưa hẳn là tin vui, đấy có phải là kết luận của ông không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đấy là tin vui cho Hoa Kỳ trong ngắn hạn, nhưng nếu nhìn rộng ra ngoài thì các nước chưa nên vội mừng là đã ra khỏi sự hoạn nạn khởi đi từ năm 2008. Đây là chúng ta chưa nói đến rất nhiều bất ổn khác về cả an ninh lẫn chính trị từ Âu sang Á.

Chân Như : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Chân Như thực hiện

Nguồn : RFA, 21/06/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chân Như, Nguyễn Xuân Nghĩa
Read 1118 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)