Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/06/2023

Việt Nam tìm nguồn cung vũ khí từ Pháp và Czech

Quốc Phương

Bộ trưởng Ngoại giao công du Châu Âu và khả năng tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ Pháp và Czech

Chuyến công du tới Châu Âu từ ngày 05 đến 10/6/2023 của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được kỳ vọng sẽ mở ra khả năng hợp tác quốc phòng, đặc biệt là mua vũ khí từ các nước như Pháp, Czech bất chấp quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

vukhi1

Một máy bay không người lái quân sự của Việt Nam trong triển lãm quốc phòng tại Hà Nội tháng 12/2022 - AFP

Theo báo Thế giới và Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023, sau đó sẽ thăm chính thức hai nước Cộng hòa Pháp và Czech.

Hôm 05/6, từ tạp chí Asie Pacifique News có trụ sở tại Paris, chuyên về thời sự, chính trị, an ninh khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, ông Võ Trung Dung, chủ biên tạp chí chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do cho rằng, Hà Nội có ưu tiên đa dạng hóa nguồn cung vũ khí - đặc biệt là các hệ thống tương thích với Liên Xô trước đây và Nga sau này, vì kho vũ khí quân sự của nước này nhập khẩu từ Nga đến 80%.

"Từ cách đây chừng 7-8 năm, Việt Nam đã bắt đầu mua những hỏa tiễn đất đối biển hay là đối không của Ấn Độ, nhưng cũng là gốc công nghệ của Nga, và những hệ thống phòng không của Israel. Vũ khí của các binh đoàn phản ứng nhanh của Việt Nam là mua của Israel, chưa kể radar cũng là của Israel", ông nói.

Cũng theo ông Võ Trung Dung, "gần đây Việt Nam rất quan tâm vũ khí của Cộng hòa Czech, lý do là ngành công nghệ vũ khí của nước này, quốc gia trước đây từng thuộc Tiệp Khắc (cũ), cũng có gốc từ Nga, do đó sẽ rất dễ để đồng hóa vào hệ thống của Việt Nam ngày hôm nay".

Theo Reuters, Hà Nội đặt mua 12 máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ L-39NG của hãng Aero Vodochody của Czech vào năm 2021 và dự kiến sẽ được giao trong năm 2023.

Trong chuyến thăm ba ngày của Thủ tướng Czech Petr Fiala đến Hà Nội vào tháng 4 vừa qua, một nguồn tin của chính phủ Czech tham gia các cuộc họp tại thủ đô cho biết, Hà Nội đang đàm phán với Praha về việc cung cấp trang thiết bị quân sự, trong đó có máy bay, radar, nâng cấp xe thiết giáp và vũ khí.

Ngoài ra, Czech có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và sản xuất ngay tại Việt Nam nếu các hợp đồng quan trọng được ký kết.

‘Nên có tầm nhìn xa hơn để hiện đại hóa quân đội’

Bình luận gián tiếp cũng từ Paris, ông Thành Đỗ, cựu kỹ sư một tập đoàn hàng đầu của Pháp về công nghệ quốc phòng, cho RFA tiếng Việt hay :

"Cộng hòa Czech có thể hợp tác về quân sự, quốc phòng với Việt Nam rất tốt, họ không chỉ bán vũ khí, khí tài, hay công nghệ quân sự, quốc phòng với các kỹ thuật mới cho Việt Nam mà quan trọng nhất vẫn là giúp Việt nam bảo trì, hiện đại hóa kho vũ khí có gốc gác từ thời Liên Bang Xô Viết mà Cộng hòa Czech là nguồn cung cấp chính các vũ khí cho bộ binh vào thời đó.

Việc bảo Trì, hiện đại hóa cho kho vũ khí dù gì cũng rẻ tiền hơn so với trang bị các thiết bị mới, hiện đại. Theo thiển ý của riêng tôi, vấn đề chính vẫn không phải là giá cả mà phải có tầm nhìn xa hơn. Tôi xin chia sẻ luôn một khía cạnh về tầm nhìn xa này, đó là ai cũng biết là mới đây, (2019) quân đội Pháp đã thay thế toàn bộ súng tác chiến Famas, do hãng GIAT industries của Pháp sản xuất, bằng súng HK416, do Đức sản xuất, cho quân đội Pháp.

Nếu nói về kỹ thuật, Famas tối tân hơn. Có ba lý do chính : HK416, giá chỉ 1.000 € (đồng Euro) rẻ tiền hơn Famas 3.000€, Famas tuy cũng sử dụng loại đạn 5,56 x 45 mm như HK416 nhưng vỏ bằng thép, HK416 sử dụng đạn bằng thau (laiton), nên Famas không tương thích (compatible) với các nước OTAN (NATO). Nếu chuyển qua sử dụng HK416, họ sẽ có rất nhiều nguồn cung cấp đạn đáng tin cậy trên toàn Châu Âu. Trường hợp Việt Nam, nay không còn quá nghèo để phải dựa hẳn vào nguồn đạn đến từ Liên Xô nên đến lúc nào đó, nên có tầm nhìn xa hơn việc chỉ trông cậy kho vũ khí cũ. Tóm lại, hợp tác với Cộng hòa Czech là tốt, nhưng cũng nên nhìn xa hơn trong tầm 5 năm để hiện đại hóa quân đội".

Khả năng hợp tác với Pháp thế nào ?

Liên quan một số khía cạnh được cho là tiềm năng trong hợp tác an ninh, quốc phòng và cung cấp vũ khí từ Pháp cho Việt Nam, ông Võ Trung Dung nói thêm :

"Ngoài vấn đề hỗ trợ về ngoại giao và địa chính trị thế giới, Pháp có thể nói là một cường quốc hàng thứ hai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau Mỹ, sau Mỹ theo tôi chỉ có Pháp mới có đủ khả năng để hiện diện về quân sự ở khu vực này.

Thực sự ra Pháp cũng muốn bán, hay là cung cấp vũ khí hay tất cả những gì liên quan công nghệ quốc phòng cho Việt Nam từ rất lâu, nhưng như đã biết, cũng có vướng mắc một số vấn đề, trong đó một số hệ thống đặc biệt là về phần linh kiện radar, điều này là từ rất lâu nay chứ không phải mới bây giờ, nhưng đưa nguyên một hệ thống như vậy về Việt Nam, tôi nghĩ rằng trong thời gian ngắn và trung hạn sẽ chưa khả thi cho việc hội nhập ngay vào những hệ thống mà Việt Nam đang có.

Điều này có nghĩa là những hệ thống liên đới của Việt Nam giữa không quân, hải quân, bộ binh… của Việt Nam là vẫn theo hệ thống của Nga, nhưng đổi qua một hệ thống khác thực sự không phải là chuyện không thể làm được, mà chỉ cần thời gian để tiến hành về mặt công nghệ, bên cạnh ý chí chính trị, nếu mà thực sự muốn làm.

Còn nếu như có những gì mà Pháp có thể cung cấp cho Việt Nam, thì trong đó có một công nghệ liên quan hỏa tiễn đối không với tàu chiến, hay đặc biệt những gì liên quan bảo vệ bờ biển, mà Pháp rất giỏi, và tất cả những gì khác liên quan hệ thống radar".

Quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine được xây dựng trên nền tảng của Liên Xô, vũ khí của nước này áp dụng quy chuẩn tương đồng với Nga trước khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra vào tháng 2/2022, điều này gần như tương đồng với Việt Nam.

Tuy nhiên gần đây, Kiev nhận được rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại từ phương Tây và họ đã cho thấy khả năng chuyển đổi, thích nghi và sử dụng hiệu quả như thế nào trên chiến trường. Đây cũng có thể là bài học cho Việt Nam nếu muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí quốc phòng, đặc biệt là từ Mỹ và Châu Âu", ông Võ Trung Dung nói.

Ông Thành Đỗ từng có 15 năm kinh nghiệm ở vị trí kỹ sư điện tử công ty SAGEM - một trong bốn công ty lớn nhất chuyên cung cấp vũ khí trong mảng điện tử và thông tin cho Bộ Quốc phòng Pháp, nói thêm với RFA tiếng Việt :

"Với Việt Nam, việc hợp tác với Pháp hình như lúc nào cũng có những trở ngại không định hình trước được vào giờ chót. Nhưng nếu chúng ta nhìn sang sự lựa chọn của Indonesia về tàu ngầm lớp Scorpene, việc chuyển giao công nghệ cho India khi mua Rafale F4 thì có thể rút nhiều kinh nghiệm.

Ngoài ra còn có hàng chục kinh nghiệm khác về chuyển giao công nghệ. Đó là vì Pháp muốn có một thế đứng ở Châu Á-Thái Bình Dương nên họ sẽ dễ dàng trong việc chuyển giao công nghệ nếu chúng ta, Việt Nam, biết lợi dụng ưu, nhược điểm này trong việc hợp tác với công nghệ quốc phòng Pháp thì rất tốt. Riêng về nhược điểm, theo tôi là hàng Pháp thường đắt tiền hơn 20% giá chung của thị trường cho cùng một sản phẩm".

vukhi2

Hai đại diện của quân đội Việt Nam nói chuyện bên cạnh một mô hình hệ thống radar trong triển lãm quốc phòng tại Hà Nội tháng 12/2022. Ảnh : AFP

Vai trò ‘cầu nối’ của Shangri-la 2023 và ‘vị thế ‘nâng cao của Việt Nam tại G7

Nhân Đối thoại Shangri-la tại Singapore năm 2023 vừa bế mạc, ông Võ Trung Dung, chủ biên tạp chí chuyên về thời sự, chính trị, an ninh khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, người cũng có mặt ở Châu Á trong thời gian diễn ra sự kiện, bình luận thêm với RFA tiếng Việt :

"Về câu hỏi liệu có kết quả gì rõ ràng từ Đối thoại này hay không, theo tôi có thể không có một kết quả gì rõ ràng theo nghĩa nào đó, bởi vì vai trò của Đối thoại Shangri-la là tạo ra những cầu nối và những cơ hội để có những cuộc nói chuyện bên lề qua một kênh khác, thay vì một chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng này, Bộ trưởng kia chẳng hạn.

Có rất nhiều cuộc đối thoại bên lề ở Shangri-la, kể cả diễn biến mà có cơ quan truyền thông nhắc đến như là cuộc gặp gỡ ‘bí mật’ nào đó của hàng chục ‘lãnh đạo’ cơ quan tình báo lớn trên thế giới chẳng hạn, nhũng cái này sẽ không cho thấy một kết quả ‘chính thức’ hẳn gì từ đó, nhưng nhìn chung lại Shangri-la như một trận mưa nhỏ hạt, cần thời gian lâu để ngấm, nhưng nó giúp đặt ra thêm qua đối thoại những nền tảng cho các quan hệ giữa các bên tham gia đối thoại, gặp gỡ.

Ngược lại, tôi muốn nhắc đến một sự kiện quốc tế quan trọng ở khu vực mà diễn ra ngay gần đây ở Châu Á, trong đó có sự tham gia của cả Pháp lẫn Việt Nam, đó là hội nghị G7 mở rộng, mà ở đó chủ nhà Nhật Bản, Pháp và các thành viên G7 đều đã đồng thuận để mời Việt Nam tham dự, việc này đem lại một kết quả rõ ràng, như đối với Việt Nam chẳng hạn, nó làm cho vai trò, vị thế của Việt Nam trong ván cờ địa chính trị ở thế giới hiện nay được nâng lên một cách rất cao, đó là cái lợi và là kết quả rõ rệt, riêng với quốc gia Đông Nam Á này, mà Việt Nam đã có được, khi cần đến sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, trong đó có Pháp, để đối mặt với Trung Quốc", ông Võ Trung Dung nói với Đài Á Châu Tự do trên quan điểm riêng.

Liên quan chuyến công du tới Châu Âu của quan chức đứng đầu ngành ngoại giao của Chính phủ Việt Nam, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, Báo Thế giới và Việt Nam hôm 01/5/2023 cho hay : "Nhận lời mời của Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, Bộ trưởng Ngoại giao, Thịnh vượng và Phát triển Anh (nước đồng Chủ tịch OECD 2023) James Cleverly, Bộ trưởng Châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna và Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Lipavský, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Czech từ ngày 5-10/6".

Còn hôm chủ nhật, 05/6, vẫn tờ báo trên, vốn là cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, dẫn lời của Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, ông Đinh Toàn Thắng, cho hay thêm về chuyến thăm chính thức Pháp của Ngoại trưởng Việt Nam, mà theo đó bên cạnh nhiều nội dung quan trọng khác :

"Hai bên cũng sẽ bàn việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đáp ứng được các thế mạnh và yêu cầu của cả hai bên trong giai đoạn hiện nay, nhất là thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại đại dịch và tăng cường tính tự cường, bổ sung cho nhau giũa hai nền kinh tế, cùng nhau đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hỗ trợ nhau trong các quan hệ Việt Nam – EU và Pháp – ASEAN, phát huy tốt hơn nữa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Ngoài ra, hai nước sẽ trao đổi để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đa tầng nấc, từ trung ương đến bộ, ngành, địa phương hai nước, tiếp sau Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp rất thành công do Hà Nội đăng cai tháng Tư vừa qua cũng như các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa hai nước trong năm kỷ niệm 2023 này. Hai bên cũng trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp, để cùng đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định ở hai khu vực và trên thế giới".

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 05/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 301 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)