Lầu Năm Góc cho phép Ukraine mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí Mỹ để tự vệ
Thanh Hà, RFI, 21/06/2024
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ trong cuộc họp báo hôm qua 20/06/2024 cho biết Ukraine có quyền sử dụng đạn dược và vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp để "tự vệ" ngăn chận các đợt tấn công Moskva tiến hành từ lãnh thổ Nga. Quyền hạn này không chỉ bị giới hạn tại các vùng lãnh thổ Nga giáp biên giới với Kharkiv, Ukraine.
Một dàn tên lửa phòng không Patriot triển khai tại Lawton, Oklahoma, Hoa Kỳ, ngày 21/03/2023. AP - Sean Murphy
Tháng trước tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho phép Ukraine dùng vũ khí của Hoa Kỳ nhắm vào "bên trong lãnh thổ Nga" nhưng chỉ là để bảo vệ vùng Kharkiv, miền đông Ukraine.
Theo Reuters, trả lời báo chí, thiếu tướng Patrick Ryder nói rõ Kiev được bắn qua lãnh thổ Nga ở "bất cứ nơi nào" chứ không chỉ giới hạn tại khu vực sát biên giới Kharkiv. Quan chức của bộ Quốc Phòng cho biết thêm : "Khi chúng ta thấy các lực lượng của Nga bắn xuyên qua biên giới, thì Ukraine cần có khả năng đáp trả bằng đạn dược Mỹ cung cấp (…) Đó là cách để tự vệ hoàn toàn hợp lý".
Tuyên bố này như củng cố thêm cho phát biểu cách nay vài ngày của ông Jake Sullivan, cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng. Ông Sullivan đã nhấn mạnh "đây không phải là một vấn đề về địa lý mà là điều hiển nhiên" và thậm chí "Ukraine có quyền bắn hạ máy bay Nga trong không phận Nga nếu chúng đang chuẩn bị tấn công Ukraine".
Hôm qua, phát ngôn viên cố vấn An Ninh Quốc Gia Mỹ, John Kirby loan báo chính quyền Biden "dành ưu tiên" trong việc chuyển giao tên lửa phòng không cho Ukraine. Có nghĩa là những nước đặt mua tên lửa Patriot và hệ thống phòng thủ NASAM của Mỹ phải đợi thêm, vì Washington "ưu tiên" cung cấp cho Kiev để tăng cường khả năng phòng không. Tuy nhiên quyết định này "không ảnh hưởng đến Đài Loan".
Rumani cũng cam kết nhanh chóng chuyển giao tên lửa Patriot của mình cho Ukraine trong lúc mà tình hình trên chiến trường đang xấu đi. Về ngoại giao, Liên Hiệp Châu Âu hôm nay thông báo sẽ khởi động đàm phán kết nạp Ukraine vào Liên Âu, kể từ thứ Ba tuần sau, 25/06/2024.
Thanh Hà
*************************
Mỹ ưu tiên đưa phi đạn phòng không tới Ukraine
VOA, 21/06/2024
Tòa Bạch Ốc ngày 20/6 tuyên bố sẽ đưa Ukraine lên hàng đầu trong việc chuyển giao các phi đạn phòng không hùng hậu, sau khi một loạt các cuộc tấn công bằng phi đạn và máy bay không người lái của Nga đã làm hư hại các cơ sở năng lượng trên khắp đất nước Ukraine.
Phi đạn phòng không Patriot.
Cố vấn truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, John Kirby, cho biết hàng trăm phi đạn Patriot và NASAMS mới được sản xuất – được sử dụng cho phòng không đất đối không – sẽ tới Ukraine trước các quốc gia khác đã đặt mua chúng. Ông nhấn mạnh rằng kế hoạch giao hàng tới Đài Loan và Israel sẽ không bị ảnh hưởng bởi động thái này và các quốc gia khác đang chờ chuyến hàng của họ "ủng hộ rộng rãi" khi họ được thông báo về quyết định của Washington.
"Rõ ràng là cần nhiều hơn nữa và điều đó là cần thiết ngay bây giờ", ông Kirby nói với các nhà báo. "Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra quyết định khó khăn nhưng cần thiết là sắp xếp lại ưu tiên trong thời gian ngắn theo kế hoạch giao bán hàng quân sự nước ngoài cho các quốc gia, đặc biệt là phi đạn Patriot và NASAMS để chuyển đến Ukraine".
Một cuộc tấn công quy mô lớn bằng phi đạn và máy bay không người lái của Nga trong đêm đã làm hư hại các cơ sở năng lượng trên khắp Ukraine, một ngày sau khi nước này tuyên bố mất điện luân phiên vì tình trạng thiếu điện liên quan đến chiến tranh.
Công ty cung cấp năng lượng quốc gia Ukraine Ukrenergo cho biết vào sáng sớm ngày 20/6, một cuộc tấn công đêm qua nhắm vào một nhà máy nhiệt điện đã gây thiệt hại nghiêm trọng và làm bị thương ba công nhân.
Tuyên bố của Ukrenergo cho biết thêm: "Thiết bị tại các cơ sở ở khu vực Vinnytsia, Dnipropetrovsk, Donetsk, Kyiv đã bị hư hỏng".
Vào ngày 19/6, Ukrenergo thông báo việc cắt điện luân phiên hàng giờ sẽ được thực hiện trên toàn quốc. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết hồi đầu tháng này rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và phi đạn của Nga đã làm giảm khả năng sản xuất điện của Ukraine xuống một nửa so với năm ngoái.
Trong bài phát biểu hàng ngày, ông Zelenskyy cho biết các quan chức chính phủ đang tìm cách cải thiện tình hình.
Lực lượng không quân Ukraine nói họ đã bắn hạ 5 trong số 9 phi đạn và tất cả 27 máy bay không người lái do Nga phóng trên 10 khu vực của Ukraine trong cuộc tấn công ngày 20/6.
Quân đội cho biết Nga chủ yếu nhắm vào miền đông Ukraine, đặc biệt là khu vực Dnipropetrovsk.
Thống đốc Dnipropetrovsk nói có 3 người đàn ông bị thương trong vụ tấn công và 7 ngôi nhà cũng bị hư hại.
Trong khi đó tại Nga, thống đốc khu vực phía nam Krasnodar cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong đêm nhắm vào các cơ sở lưu trữ dầu.
Thống đốc Venyamin Kondratyev nói một phụ nữ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào thành phố Slavyansk-na-Kubani.
Thỏa thuận quốc phòng của Nga với Triều Tiên trong tuần này đã thúc đẩy một nhóm Thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ tiếp tục kêu gọi chỉ định Nga là quốc gia tài trợ cho khủng bố.
"Đây là một trong những quyết định quan trọng nhất mà thế hệ chính trị gia của chúng ta sẽ đưa ra, bởi vì nếu chúng ta coi chủ nghĩa khủng bố được nhà nước Nga bảo trợ, điều đó sẽ thay đổi động lực ở Ukraine chỉ sau một đêm. Đó sẽ là động lực thúc đẩy tinh thần cho người Ukraine. Việc này sẽ nâng cao tinh thần cho người Ukraine. Việc này sẽ gây khó khăn cho bất kỳ ai làm ăn với Nga và điều đó sẽ càng cô lập chế độ này hơn nữa", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham nói với các phóng viên ngày 20/6.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Richard Blumenthal cho biết ông đã nói chuyện với chính quyền Biden về nỗ lực đảm bảo chỉ định này nhưng chưa thảo luận về vấn đề này kể từ khi công bố quan hệ đối tác an ninh Triều Tiên với Nga.
Ông Blumenthal nói : "Điều đó vô cùng đáng sợ, bởi vì nó báo hiệu sự hợp tác, không chỉ chống lại Ukraine mà còn chống lại Hoa Kỳ".
Nguồn : VOA, 21/06/2024
*************************
Lầu Năm Góc : Ukraine được dùng vũ khí do Mỹ cấp để đánh Nga, không phải chỉở gần Kharkiv
Reuters, VOA, 21/06/2024
Lầu Năm Góc nói hôm 20/6 rằng Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công lực lượng Nga bắn phá quân đội Ukraine, họ được làm như vậy từ bất kỳ nơi nào, vượt qua biên giới đánh vào Nga chứ không chỉ là lãnh thổ Nga gần khu vực Kharkiv của Ukraine, theo Reuters.
Thiếu tướng Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc.
Hồi tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lặng lẽ cho phép Kyiv phóng vũ khí do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga.
Tuy nhiên, các quan chức nói ở thời điểm đó rằng quyết định của ông Biden chỉ áp dụng cho các mục tiêu bên trong nước Nga và gần biên giới với khu vực Kharkiv thuộc miền đông Ukraine.
Thiếu tướng Patrick Ryder, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nói với các phóng viên rằng mặc dù không có thay đổi nào về chính sách nhưng việc Ukraine sử dụng vũ khí chống lại quân đội Nga không chỉ giới hạn ở gần Kharkiv bên phía Nga.
"Khả năng có thể bắn trả khi bị tấn công thực sự là điều mà chính sách này tập trung vào... khi chúng ta thấy các lực lượng Nga bắn xuyên biên giới, Ukraine cần có khả năng bắn trả các lực lượng mặt đất ở đó bằng cách sử dụng đạn dược do Mỹ cung cấp", ông Ryder nói.
Ông nói thêm : "Đó là cách tự vệ và vì vậy hoàn toàn hợp lý khi họ có thể làm điều đó".
Phát biểu trên của ông Ryder lặp lại thông điệp của cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden vào đầu tuần này.
"Đây không phải là về địa lý mà là về lẽ thường tình", cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói với đài PBS. "Nếu Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công từ lãnh thổ của họ vào Ukraine, việc cho phép Ukraine đánh trả các lực lượng đang tấn công họ từ bên kia biên giới là điều hợp lý".
Ông Sullivan nói thêm rằng Ukraine cũng có thể sử dụng hệ thống phòng không để bắn vào các máy bay Nga bay trong không phận Nga, nếu chúng chuẩn bị bắn vào không phận Ukraine.
Chiến tuyến ở Ukraine hầu như không dịch chuyển kể từ cuối năm 2022, bất chấp hàng chục nghìn người của cả hai bên thiệt mạng trong cuộc chiến tranh trong chiến hào không có điểm dừng, là cuộc giao tranh đẫm máu nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến II.
Sau những thành công ban đầu của Ukraine giúp Kyiv đẩy lùi cuộc tấn công vào thủ đô và chiếm lại lãnh thổ trong năm đầu tiên của cuộc chiến, một cuộc phản công lớn của Ukraine sử dụng xe tăng phương Tây viện trợ đã thất bại vào năm ngoái. Lực lượng Nga vẫn chiếm giữ 1/5 lãnh thổ Ukraine và đang tiếp tục tiến lên, mặc dù chậm. Không có cuộc đàm phán hòa bình nào được tổ chức trong hơn hai năm.
Nguồn : VOA, 21/06/2024
Kể từ khi Việt Nam và Israel ký kết Biên bản Ghi nhớ Quốc phòng vào năm 2015, quốc gia Trung Đông trở thành nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ 2 cho quốc gia Đông Nam Á, sau Nga. Theobáo cáo của IISS, Israel là nhà cung cấp quốc phòng quan trọng thứ 2 của Việt Nam.
Hệ thống phòng không SPYDER của Israel mà Việt Nam đã mua vào năm 2015.
Israel cũng là một trong số ít các quốc gia tích cực chuyển giao công nghệ quân sự sản xuất vũ khí hiện đại cho Việt Nam trong khi Hà Nội tiến hành hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh có những lo ngại về sự gia tăng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bất ngờ nổ ra cuối tuần trước, Việt Nam nói rằng họ "quan ngại sâu sắc" trước tình trạng bạo lực leo thang ở khu vực Gaza. Nhóm chủ chiến Hồi giáo người Palestine đã phát động cuộc tấn công, được xem là lớn nhất trong vòng 50 năm qua, nhắm vào Israel hôm 7/10 khiến quốc gia của người Do Thái phải tuyên bố chiến tranh và tiến hành các cuộc không kích trả đũa kể từ đó.
"Đối với Việt Nam, đây là một diễn biến không mong muốn", Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ nói với VOA. "Israel rõ ràng là một đối tác kinh tế rất quan trọng và ngày càng là một đối tác quan trọng về thiết bị quân sự (đối với Việt Nam)".
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiênký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Istrael hồi tháng 7 năm nay, trong đó hai bên kỳ vọng thương mại hai chiều sẽ tăng trưởng vượt bậc để đạt mức 3 tỷ USD và hơn nữa trong thời gian tới. Hiệp định sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm tới. Bên cạnh đó từ năm 2018, Việt Nam và Israel đã bắt đầu tiến hành các cuộc Đối thoại Chính sách Quốc phòng, trong đó hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.
Israel được xem là một nhà cung cấp thiết bị quân sự quan trọng khi Việt Nam tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga, quốc gia hiện đang cung cấp phần lớn vũ khí cho Hà Nội. Theo các nhà phân tích, Israel có thể cung cấp các vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước mua vũ khí nhiều nhất của Israel trong giai đoạn từ 2018 đến 2022. Theodữ liệu của Viện nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI), Việt Nam đứng thứ 5 – sau Ấn Độ, Azerbaijan, Philippines và Mỹ – về lượng vũ khí nhập từ Israel với tổng trị giá 180 triệu USD trong giai đoạn kể trên.
Hệ thống tên lửa phòng không Spyder là một trong những vũ khí Việt Nam nhập từ Israel sau khi ký MOU về quốc phòng năm 2015. Theo Haaretz, nhật báo uy tín nhất ở Israel, Việt Nammua hệ thống Spyder với giá 600 triệu USD trong hợp đồng quân sự lớn nhất từng có giữa hai nước. Tờ báo này dẫn một số nguồn tin trong ngành nói rằng Israel đã ký kết được các hợp đồng trị giá 1,5 tỷ USD với Việt Nam, bao gồm vũ khí và cả thiết bị do thám điện thoại cho Bộ Công an Việt Nam.
Thông tin về ngành quốc phòng và an ninh Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹcho thấy lực lượng hải quân Việt Nam sử dụng vũ khí Israel nhiều nhất trong quân đội Việt Nam. Từ năm 2014-2018, Việt Nam được cho là đã mua một số lượng lớn tên lửa dẫn đường, radar máy bay và tên lửa không đối không từ Israel. Đơn hàng đáng chú ý nhất gần đây của chính phủ Việt Nam từ Israel là máy bay không người lái Heron 1 trong hợp đồng trị giá 160 triệu USD được ký vào năm 2018.
Việt Nam tăng cường mua sắm vũ khí trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và gây hấn trên Biển Đông. Và để tránh phụ thuộc vào vũ khí Nga, Việt Nam đã bắt đầu đa dạng nguồn cung thiết bị quân sự của mình, bởi theo các nhà phân tích, các nguồn cung đa dạng sẽ giúp Việt Nam tối đa hóa khả năng phòng thủ của mình.
Cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine được cho là đã đẩy nhanh quyết tâm thoát khỏi sự lệ thuộc vào vũ khí Nga của Việt Nam, theo các nhà quan sát.
"Vào lúc đỉnh cao, khoảng 80% vũ khí mà Việt Nam có là từ Liên bang Xô Viết hoặc Nga và sự phụ thuộc đó khiến (Việt Nam) rất dễ bị tổn thương", Giáo sư Abuza, hiện đang viết một cuốn sách về quân đội Việt Nam dự kiến ra mắt vào năm tới, nói. "Israel đóng vai trò rất quan trọng trong việc đa dạng hóa quốc phòng của Việt Nam và không có nước nào được lợi hơn từ việc đa dạng hóa quốc phòng của Việt Nam như Israel".
Theo dữ liệu mà Giáo sư Abuza đưa ra, Israel xuất khẩu vũ khí trị giá 1,5 tỷ USD cho Việt Nam trong thời gian từ 2012 đến 2021. Tại thời điểm này, theo vị giáo sư về chiến lược an ninh quốc gia, các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Việt Nam và Israel trị giá khoảng 2 tỷ USD đang hoặc bắt đầu được đàm phán.
"Rõ ràng, Việt Nam sẽ lo ngại liệu Israel có bị sa lầy vào một cuộc chiến hay không và liệu họ có thể phát triển và chuyển giao số vũ khí mà họ đã ký hợp đồng hay không", Giáo sư Abuza, tác giả cuốn sách "Đổi mới Chính trị ở Việt Nam Đương đại" ra mắt năm 2001, nói. "Mọi việc phụ thuộc vào liệu cuộc chiến kéo dài bao lâu giữa Israel và Hamas. Nếu đây là cuộc chiến kéo dài với nhiều chủ thể hơn thì sẽ khiến giới lãnh đạo Hà Nội phải đau đầu".
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Phương, từng là nhà nghiên cứu quốc phòng của Đại học Quốc gia Việt Nam và hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ không có tác động nhiều tới nguồn cung vũ khí của Israel cho Việt Nam.
"Quan hệ giữa Việt Nam và Israel không hẳn là về mua bán vũ khí mà nó là chuyển giao công nghệ", ông Phương, từng giảng dạy tại Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Kinh tế và Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nói. "Cuộc chiến (Israel-Hamas) nếu nó dừng lại ở mức độ này sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hợp tác quốc phòng (giữa hai nước), ngay cả trong tương lai vì mảng hợp tác liên quan tới việc trao đổi chất xám và công nghệ nhiều hơn là mua bán vũ khí".
Một trong những hợp tác trọng tâm của bộ quốc phòng hai nước là dây chuyền sản xuất súng trường của Israel tại nhà máy Z-111 ở Việt Nam. Loại súng sẽ được sản xuất, Galil ACE 31/32 được cho là sẽ hoàn toàn đáp ứng khả năng đồng bộ hóa vũ khí cho Việt Nam, một quốc gia sử dụng các súng trường tiêu chuẩn Liên Xô trước đây và có ý định thay thế dần loại súng AK-47 đang dần lạc hậu bằng vũ khí mới, tiên tiến, hiện đại hơn. Theo đó, Israel sẽ dần chuyển giao công nghệ này cho Việt Nam trong tương lai. Truyền thông trong nước gọi đây là cơ hội "đi tắt đón đầu" cho Việt Nam để làm chủ công nghệ thiết bị quốc phòng.
Giáo sư Abuza cũng cho rằng việc sản xuất vũ khí hạng nhẹ được Israel cấp giấy phép cho quân đội Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến ở Gaza.
"Dây chuyền đó đang ở Việt Nam và phần lớn những gì Việt Nam đã ký hợp đồng hoặc đang đàm phán với Israel hiện nay đều là những hệ thống rất cao cấp nên không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến", Giáo sư Abuza nói, nhưng cho rằng việc Israel giúp Việt Nam nâng cấp 850 xe tăng thời Xô Viết có thể bị chậm lại khi Israel phải tập trung tối ưu cho đối nội.
Nhà nghiên cứu Bích Trần của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cũng nhận định rằng cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ "không ảnh hưởng đến nguồn cung quân sự của Israel cho Việt Nam". Theo bà Bích, người có các nghiên cứu về an ninh quốc phòng Việt Nam, "khả năng quân sự của Israel vượt xa Hamas và khó có khả năng Hamas sẽ nhận được sự hỗ trợ quân sự rõ ràng từ các nước khác".
Israel là đồng minh đặc biệt của Mỹ ở Trung Đông và được hỗ trợ quân sự hàng năm từ Washington trong khi Hamas là một lực lượng dựa chủ yếu vào nguồn tài trợ từ nước ngoài. Theo đánh giá củaNewsweek, Israel kiểm soát bầu trời và chiếm ưu thế lớn trên biển.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Quốc phòng Việt Nam về tác động khả dĩ của cuộc chiến ở Trung Đông tới nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí và hiện đại hóa quân đội Việt Nam.
Dù Israel là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ 2 sau Nga, hiện đang xa lầy trong cuộc chiến với Ukraine, Việt Nam vẫn có nhiều lựa chọn khác, như Ấn Độ, Nhật Bản, hay Hàn Quốc, cho chiến lược đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để không phụ thuộc vào một nước nào, theo các chuyên gia.
"Việt Nam cũng đang mua nhiều từ Ấn Độ và Ấn Độ đã cung cấp tín dụng quốc phòng (cho Việt Nam) để giúp hỗ trợ giá", Giáo sư Abuza nói. "Do đó, Ấn Độ cũng đang đóng một vai trò lớn hơn".
Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm qua trong bối cảnh cả hai nước đều quan ngại trước sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khi vực. Ấn Độ đang cung cấp gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam để triển khai các dự án quốc phòng.
Bên cạnh đó chiến lược hiện đại hóa hệ thống quốc phòng của mình ra khỏi các thiết bị từ thời Xô Viết bằng cách tiếp nhận chuyển giao công nghệ để tự sản xuất vũ khí khí tài được xem là một bước đi đúng đắn của Việt Nam.
"Irael, giống như Ấn Độ, có kinh nghiệm trong việc chế tạo mà trong đó tích hợp cả công nghệ của Nga và công nghệ của Châu Âu vào chung một hệ thống vũ khí", ông Phương nói. "Kinh nghiệm đó giúp ích cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình hiện đại hóa lực lượng (quốc phòng) hiện tại khi mà Việt Nam muốn duy trì cái lõi là vũ khi của Nga Xô nhưng bên cạnh đó từ từ tích hợp các vũ khí với công nghệ của phương Tây".
Những công nghệ này, theo ông Phương, có thể giúp Việt Nam vừa duy trì được khả năng sản xuất các vũ khí cũ vừa giúp Việt Nam tạo ra những loại súng mới.
"Đó là cái quan trọng nhất trong hợp tác quốc phòng của Việt Nam và Israel", ông Phương nói. "Cho nên cuộc chiến Israel-Hamas sẽ không thay đổi nhiều (hợp tác này) bởi vì các công nghệ đó là chất xám, là con người nhiều hơn".
Nguồn : VOA, 14/10/2023
Bộ trưởng Ngoại giao công du Châu Âu và khả năng tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ Pháp và Czech
Chuyến công du tới Châu Âu từ ngày 05 đến 10/6/2023 của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn được kỳ vọng sẽ mở ra khả năng hợp tác quốc phòng, đặc biệt là mua vũ khí từ các nước như Pháp, Czech bất chấp quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
AFP
Theo báo Thế giới và Việt Nam, ông Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023, sau đó sẽ thăm chính thức hai nước Cộng hòa Pháp và Czech.
Hôm 05/6, từ tạp chí Asie Pacifique News có trụ sở tại Paris, chuyên về thời sự, chính trị, an ninh khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, ông Võ Trung Dung, chủ biên tạp chí chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do cho rằng, Hà Nội có ưu tiên đa dạng hóa nguồn cung vũ khí - đặc biệt là các hệ thống tương thích với Liên Xô trước đây và Nga sau này, vì kho vũ khí quân sự của nước này nhập khẩu từ Nga đến 80%.
"Từ cách đây chừng 7-8 năm, Việt Nam đã bắt đầu mua những hỏa tiễn đất đối biển hay là đối không của Ấn Độ, nhưng cũng là gốc công nghệ của Nga, và những hệ thống phòng không của Israel. Vũ khí của các binh đoàn phản ứng nhanh của Việt Nam là mua của Israel, chưa kể radar cũng là của Israel", ông nói.
Cũng theo ông Võ Trung Dung, "gần đây Việt Nam rất quan tâm vũ khí của Cộng hòa Czech, lý do là ngành công nghệ vũ khí của nước này, quốc gia trước đây từng thuộc Tiệp Khắc (cũ), cũng có gốc từ Nga, do đó sẽ rất dễ để đồng hóa vào hệ thống của Việt Nam ngày hôm nay".
Theo Reuters, Hà Nội đặt mua 12 máy bay huấn luyện chiến đấu hạng nhẹ L-39NG của hãng Aero Vodochody của Czech vào năm 2021 và dự kiến sẽ được giao trong năm 2023.
Trong chuyến thăm ba ngày của Thủ tướng Czech Petr Fiala đến Hà Nội vào tháng 4 vừa qua, một nguồn tin của chính phủ Czech tham gia các cuộc họp tại thủ đô cho biết, Hà Nội đang đàm phán với Praha về việc cung cấp trang thiết bị quân sự, trong đó có máy bay, radar, nâng cấp xe thiết giáp và vũ khí.
Ngoài ra, Czech có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và sản xuất ngay tại Việt Nam nếu các hợp đồng quan trọng được ký kết.
‘Nên có tầm nhìn xa hơn để hiện đại hóa quân đội’
Bình luận gián tiếp cũng từ Paris, ông Thành Đỗ, cựu kỹ sư một tập đoàn hàng đầu của Pháp về công nghệ quốc phòng, cho RFA tiếng Việt hay :
"Cộng hòa Czech có thể hợp tác về quân sự, quốc phòng với Việt Nam rất tốt, họ không chỉ bán vũ khí, khí tài, hay công nghệ quân sự, quốc phòng với các kỹ thuật mới cho Việt Nam mà quan trọng nhất vẫn là giúp Việt nam bảo trì, hiện đại hóa kho vũ khí có gốc gác từ thời Liên Bang Xô Viết mà Cộng hòa Czech là nguồn cung cấp chính các vũ khí cho bộ binh vào thời đó.
Việc bảo Trì, hiện đại hóa cho kho vũ khí dù gì cũng rẻ tiền hơn so với trang bị các thiết bị mới, hiện đại. Theo thiển ý của riêng tôi, vấn đề chính vẫn không phải là giá cả mà phải có tầm nhìn xa hơn. Tôi xin chia sẻ luôn một khía cạnh về tầm nhìn xa này, đó là ai cũng biết là mới đây, (2019) quân đội Pháp đã thay thế toàn bộ súng tác chiến Famas, do hãng GIAT industries của Pháp sản xuất, bằng súng HK416, do Đức sản xuất, cho quân đội Pháp.
Nếu nói về kỹ thuật, Famas tối tân hơn. Có ba lý do chính : HK416, giá chỉ 1.000 € (đồng Euro) rẻ tiền hơn Famas 3.000€, Famas tuy cũng sử dụng loại đạn 5,56 x 45 mm như HK416 nhưng vỏ bằng thép, HK416 sử dụng đạn bằng thau (laiton), nên Famas không tương thích (compatible) với các nước OTAN (NATO). Nếu chuyển qua sử dụng HK416, họ sẽ có rất nhiều nguồn cung cấp đạn đáng tin cậy trên toàn Châu Âu. Trường hợp Việt Nam, nay không còn quá nghèo để phải dựa hẳn vào nguồn đạn đến từ Liên Xô nên đến lúc nào đó, nên có tầm nhìn xa hơn việc chỉ trông cậy kho vũ khí cũ. Tóm lại, hợp tác với Cộng hòa Czech là tốt, nhưng cũng nên nhìn xa hơn trong tầm 5 năm để hiện đại hóa quân đội".
Khả năng hợp tác với Pháp thế nào ?
Liên quan một số khía cạnh được cho là tiềm năng trong hợp tác an ninh, quốc phòng và cung cấp vũ khí từ Pháp cho Việt Nam, ông Võ Trung Dung nói thêm :
"Ngoài vấn đề hỗ trợ về ngoại giao và địa chính trị thế giới, Pháp có thể nói là một cường quốc hàng thứ hai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sau Mỹ, sau Mỹ theo tôi chỉ có Pháp mới có đủ khả năng để hiện diện về quân sự ở khu vực này.
Thực sự ra Pháp cũng muốn bán, hay là cung cấp vũ khí hay tất cả những gì liên quan công nghệ quốc phòng cho Việt Nam từ rất lâu, nhưng như đã biết, cũng có vướng mắc một số vấn đề, trong đó một số hệ thống đặc biệt là về phần linh kiện radar, điều này là từ rất lâu nay chứ không phải mới bây giờ, nhưng đưa nguyên một hệ thống như vậy về Việt Nam, tôi nghĩ rằng trong thời gian ngắn và trung hạn sẽ chưa khả thi cho việc hội nhập ngay vào những hệ thống mà Việt Nam đang có.
Điều này có nghĩa là những hệ thống liên đới của Việt Nam giữa không quân, hải quân, bộ binh… của Việt Nam là vẫn theo hệ thống của Nga, nhưng đổi qua một hệ thống khác thực sự không phải là chuyện không thể làm được, mà chỉ cần thời gian để tiến hành về mặt công nghệ, bên cạnh ý chí chính trị, nếu mà thực sự muốn làm.
Còn nếu như có những gì mà Pháp có thể cung cấp cho Việt Nam, thì trong đó có một công nghệ liên quan hỏa tiễn đối không với tàu chiến, hay đặc biệt những gì liên quan bảo vệ bờ biển, mà Pháp rất giỏi, và tất cả những gì khác liên quan hệ thống radar".
Quân đội và ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine được xây dựng trên nền tảng của Liên Xô, vũ khí của nước này áp dụng quy chuẩn tương đồng với Nga trước khi chiến tranh giữa hai nước xảy ra vào tháng 2/2022, điều này gần như tương đồng với Việt Nam.
Tuy nhiên gần đây, Kiev nhận được rất nhiều vũ khí, khí tài hiện đại từ phương Tây và họ đã cho thấy khả năng chuyển đổi, thích nghi và sử dụng hiệu quả như thế nào trên chiến trường. Đây cũng có thể là bài học cho Việt Nam nếu muốn đa dạng hóa nguồn cung vũ khí quốc phòng, đặc biệt là từ Mỹ và Châu Âu", ông Võ Trung Dung nói.
Ông Thành Đỗ từng có 15 năm kinh nghiệm ở vị trí kỹ sư điện tử công ty SAGEM - một trong bốn công ty lớn nhất chuyên cung cấp vũ khí trong mảng điện tử và thông tin cho Bộ Quốc phòng Pháp, nói thêm với RFA tiếng Việt :
"Với Việt Nam, việc hợp tác với Pháp hình như lúc nào cũng có những trở ngại không định hình trước được vào giờ chót. Nhưng nếu chúng ta nhìn sang sự lựa chọn của Indonesia về tàu ngầm lớp Scorpene, việc chuyển giao công nghệ cho India khi mua Rafale F4 thì có thể rút nhiều kinh nghiệm.
Ngoài ra còn có hàng chục kinh nghiệm khác về chuyển giao công nghệ. Đó là vì Pháp muốn có một thế đứng ở Châu Á-Thái Bình Dương nên họ sẽ dễ dàng trong việc chuyển giao công nghệ nếu chúng ta, Việt Nam, biết lợi dụng ưu, nhược điểm này trong việc hợp tác với công nghệ quốc phòng Pháp thì rất tốt. Riêng về nhược điểm, theo tôi là hàng Pháp thường đắt tiền hơn 20% giá chung của thị trường cho cùng một sản phẩm".
Hai đại diện của quân đội Việt Nam nói chuyện bên cạnh một mô hình hệ thống radar trong triển lãm quốc phòng tại Hà Nội tháng 12/2022. Ảnh : AFP
Vai trò ‘cầu nối’ của Shangri-la 2023 và ‘vị thế ‘nâng cao của Việt Nam tại G7
Nhân Đối thoại Shangri-la tại Singapore năm 2023 vừa bế mạc, ông Võ Trung Dung, chủ biên tạp chí chuyên về thời sự, chính trị, an ninh khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, người cũng có mặt ở Châu Á trong thời gian diễn ra sự kiện, bình luận thêm với RFA tiếng Việt :
"Về câu hỏi liệu có kết quả gì rõ ràng từ Đối thoại này hay không, theo tôi có thể không có một kết quả gì rõ ràng theo nghĩa nào đó, bởi vì vai trò của Đối thoại Shangri-la là tạo ra những cầu nối và những cơ hội để có những cuộc nói chuyện bên lề qua một kênh khác, thay vì một chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng này, Bộ trưởng kia chẳng hạn.
Có rất nhiều cuộc đối thoại bên lề ở Shangri-la, kể cả diễn biến mà có cơ quan truyền thông nhắc đến như là cuộc gặp gỡ ‘bí mật’ nào đó của hàng chục ‘lãnh đạo’ cơ quan tình báo lớn trên thế giới chẳng hạn, nhũng cái này sẽ không cho thấy một kết quả ‘chính thức’ hẳn gì từ đó, nhưng nhìn chung lại Shangri-la như một trận mưa nhỏ hạt, cần thời gian lâu để ngấm, nhưng nó giúp đặt ra thêm qua đối thoại những nền tảng cho các quan hệ giữa các bên tham gia đối thoại, gặp gỡ.
Ngược lại, tôi muốn nhắc đến một sự kiện quốc tế quan trọng ở khu vực mà diễn ra ngay gần đây ở Châu Á, trong đó có sự tham gia của cả Pháp lẫn Việt Nam, đó là hội nghị G7 mở rộng, mà ở đó chủ nhà Nhật Bản, Pháp và các thành viên G7 đều đã đồng thuận để mời Việt Nam tham dự, việc này đem lại một kết quả rõ ràng, như đối với Việt Nam chẳng hạn, nó làm cho vai trò, vị thế của Việt Nam trong ván cờ địa chính trị ở thế giới hiện nay được nâng lên một cách rất cao, đó là cái lợi và là kết quả rõ rệt, riêng với quốc gia Đông Nam Á này, mà Việt Nam đã có được, khi cần đến sự hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế, trong đó có Pháp, để đối mặt với Trung Quốc", ông Võ Trung Dung nói với Đài Á Châu Tự do trên quan điểm riêng.
Liên quan chuyến công du tới Châu Âu của quan chức đứng đầu ngành ngoại giao của Chính phủ Việt Nam, Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, Báo Thế giới và Việt Nam hôm 01/5/2023 cho hay : "Nhận lời mời của Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, Bộ trưởng Ngoại giao, Thịnh vượng và Phát triển Anh (nước đồng Chủ tịch OECD 2023) James Cleverly, Bộ trưởng Châu Âu và Ngoại giao Pháp Catherine Colonna và Bộ trưởng Ngoại giao Czech Jan Lipavský, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Hội đồng OECD 2023 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Czech từ ngày 5-10/6".
Còn hôm chủ nhật, 05/6, vẫn tờ báo trên, vốn là cơ quan trực thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, dẫn lời của Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, ông Đinh Toàn Thắng, cho hay thêm về chuyến thăm chính thức Pháp của Ngoại trưởng Việt Nam, mà theo đó bên cạnh nhiều nội dung quan trọng khác :
"Hai bên cũng sẽ bàn việc tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư đáp ứng được các thế mạnh và yêu cầu của cả hai bên trong giai đoạn hiện nay, nhất là thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại đại dịch và tăng cường tính tự cường, bổ sung cho nhau giũa hai nền kinh tế, cùng nhau đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu. Hai bên cũng sẽ thúc đẩy hỗ trợ nhau trong các quan hệ Việt Nam – EU và Pháp – ASEAN, phát huy tốt hơn nữa Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Ngoài ra, hai nước sẽ trao đổi để thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác đa tầng nấc, từ trung ương đến bộ, ngành, địa phương hai nước, tiếp sau Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp rất thành công do Hà Nội đăng cai tháng Tư vừa qua cũng như các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa hai nước trong năm kỷ niệm 2023 này. Hai bên cũng trao đổi về nhiều vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh và phức tạp, để cùng đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định ở hai khu vực và trên thế giới".
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 05/06/2023
Đặc sứ Hoa Kỳ tại Nam Phi hôm thứ Năm (11/5) nói ông tin rằng một tàu Nga đã nhận vũ khí ở Nam Phi, điều này có thể vi phạm tuyên bố của Pretoria là trung lập trong cuộc xung đột Ukraine.
Tàu Nga Lady R tại căn cứ hải quân lớn nhất của Nam Phi vào tháng trước. Ảnh : Reuters
Đồng rand và trái phiếu chính phủ năm 2030 của Nam Phi bị giảm giá sau tuyên bố của Hoa Kỳ khi các nhà giao dịch tiền tệ nói họ lo lắng rằng Nam Phi có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa không xác nhận hay phủ nhận việc vận chuyển vũ khí này, nhưng cho biết chính phủ của ông đang xem xét vấn đề khi một lãnh đạo phe đối lập hỏi ông về vấn đề này tại quốc hội.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Phi, Reuben Brigety, nói với các nhà báo địa phương trong một cuộc họp báo trước đó vào thứ Năm rằng Washington tin rằng một tàu của Nga đã tải vũ khí và đạn dược từ Nam Phi vào tháng 12.
"Trong số những điều chúng tôi ghi nhận được là việc cập cảng của tàu chở hàng Lady R của Nga tại Thị trấn Simon từ ngày 6/12 đến ngày 8/12/2022, mà chúng tôi tin chắc rằng nó đã tải vũ khí, đạn dược... khi quay trở lại Nga", Đặc sứ Brigety nói.
Đặc sứ Mỹ nói thêm trong một bản ghi âm cuộc họp mà Reuters nghe được, rằng các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ "quan ngại sâu sắc". Điều này "không cho chúng tôi thấy đây là hành động của một quốc gia không liên kết".
Washington đã nhiều lần cảnh báo các nước không được hỗ trợ vật chất cho Nga, cảnh báo rằng nước nào làm như vậy có thể bị từ chối tiếp cận các thị trường quan trọng nhất thế giới.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nam Phi và Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng từ chối bình luận.
Đặc sứ Brigety đã đưa ra nhận xét trên với các nhà báo sau khi ông trở lại Pretoria sau khi tháp tùng một phái đoàn cấp cao của Nam Phi tới Hoa Kỳ để giải quyết những lo ngại về mối quan hệ của Nam Phi với Nga.
"Vấn đề đang được xem xét và trong thời gian tới chúng ta sẽ có thể nói về nó", Tổng thống Nam Phi Ramaphosa nói với các nhà lập pháp tại quốc hội.
Nguồn : VOA, 12/05/2023
Thế lưỡng nan của Việt Nam khi muốn đa dạng kho vũ khí ngoài 'nước bạn' Nga
BBC, 08/12/2022
Việt Nam đang có xu hướng giảm mua đáng kể vũ khí từ Nga và tìm nguồn cung thay thế, đặc biệt ở các nước có thể có loại vũ khí và phụ tùng tương thích với Moscow.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã khai mạc vào hôm nay 08/12
Dựa theo số liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI), từ năm 1995 đến 2021, Việt Nam nhập khẩu tổng cộng 9,07 tỷ USD vũ khí, trong đó Nga chiếm 7,4 tỷ USD (81,6%).
Tuy nhiên xu hướng này đang giảm một cách đáng kể khi Việt Nam đang thực thi chiến lược đa dạng hóa.
'Xu hướng giảm'
Thời điểm Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vũ khí từ Nga là 1 tỷ USD (2014), nhưng sau đó giảm đáng kể, chỉ còn 9 triệu USD (2020) một phần ảnh hưởng từ Covid và 72 triệu USD (2021), theo SIPRI.
Theo sau cuộc chiến tranh tại Ukraine, Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa kho vũ khí của mình ngoài Nga, thông qua mua vũ khí từ Mỹ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc.
Reuters ngày 06/12, dẫn nhận định từ các chuyên gia cho thấy Ấn Độ, Israel và các quốc gia Đông Âu đang được xem là các nhà cung cấp thay thế Nga đối với Việt Nam trong những năm gần đây.
Trả lời BBC News tiếng Việt, ông Hunter Marston, Nghiên cứu sinh tiến sĩ từ Đại học Quốc gia Australia cho rằng Việt Nam đã bắt đầu chiến lược đa dạng hóa kho vũ khí của mình cách đây vài năm và tính tương thích trong vũ khí sẽ là một vấn đề lớn.
"Số tiền Việt Nam nhập khẩu vũ khí từ Nga đã sụt giảm từ hơn 1 tỷ USD vào năm 2014 xuống chỉ còn 72 triệu USD vào năm 2021. Không rõ là sự chuyển biến này bền vững như thế nào hay Việt Nam muốn thay thế nguồn vũ khí từ Nga đến mức độ nào. Nhưng tính tương thích của vũ khí là một vấn đề lớn".
"Ví dụ, các hệ thống của Mỹ không được thiết kế để vận hành chung với các hệ thống của Nga hoặc Trung Quốc. Vì thế, các thiết bị của Hàn Quốc và Ấn Độ rất quan trọng cho sự chuyển đổi này nhưng sẽ phải thực hiện theo một cách khác, không rõ là Hà Nội có sẵn sàng để Mỹ bước vào với một tư cách quan trọng hay là không".
Thời điểm Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất vũ khí từ Nga là 1 tỷ USD (2014), nhưng sau đó giảm đáng kể, chỉ còn 9 triệu USD (2020) một phần ảnh hưởng từ Covid và 72 triệu USD (2021), theo SIPRI
Tiến sĩ Ian Storey, từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore, hôm 08/12 nói với BBC News tiếng Việt.
"Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine sẽ mang đến động lực để Việt Nam đa dạng hóa việc nhập khẩu vũ khí ngoài nước Nga. Việt Nam sẽ ngày càng hướng về các công ty sản xuất vũ khí của châu Âu và Hàn Quốc".
"Tuy nhiên, với số lượng lớn vũ khí quân sự được sản xuất tại Nga, Việt Nam sẽ phụ thuộc vào Nga về đạn dược, nâng cấp vũ khí và các phần phụ tùng trong nhiều năm tiếp theo".
'Thế lưỡng nan'
Reuters dẫn lời của Nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương từ Đại học New South Wales (Úc) cho thấy đã có các cuộc thảo luận nội bộ tại Việt Nam về việc liệu quốc gia này có nên bán vũ khí cho Nga hay là không, mặc dù không thấy sẽ có một quyết định như vậy. Đại sứ quán Nga tại Việt Nam, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters.
Nghiên cứu sinh Hunter Marston nhận định khả năng tương thích của vũ khí Việt Nam với Nga : "Khoảng 80% kho vũ khí của Việt Nam là nhập khẩu từ Nga vì vậy các thiết bị do Việt Nam sản xuất có thể sẽ phần lớn tương thích với [phía Nga]".
Theo Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI) vào ngày 05/12 thì trong 100 công ty hàng đầu về buôn bán vũ khí trên thế giới thì có sáu công ty của Nga, với tổng doanh thu là 17,8 tỷ USD, tăng chỉ 0,4% so với năm 2020.
"Hiện có dấu hiệu trì trệ lan rộng trên khắp ngành công nghiệp vũ khí của Nga", bao cáo của SIPRI đề cập.
Theo SIPRI thì các công ty Nga đang gia tăng tốc độ sản xuất vì cuộc chiến tranh Ukraine, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn chip bán dẫn, đồng thời chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Phương Tây như không thể nhận được phần thanh toán.
Hồi đầu tháng này, vũ khí Việt Nam được báo chí trong nước đề cập "Các loại vũ khí bộ binh của Việt Nam hoàn toàn có thể chen vai thích cánh với các "ông lớn" trên thị trường thế giới".
Tiến sĩ Ian Storey nói về thế lưỡng nan của Việt Nam đối với Nga, quốc gia mà Việt Nam luôn tuyên bố có "tình hữu nghị thủy chung, sâu sắc".
"Việt Nam đang đối mặt với thế lưỡng nan. Nga là người bạn lâu năm. Nhưng bởi vì Việt Nam lo lắng về việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông nên Việt Nam đang theo đuổi các mối quan hệ gần hơn với Mỹ".
"Nếu Việt Nam bán thiết bị quân sự cho Nga thì gặp rủi ro trở thành mục tiêu đối với các lệnh trừng phạt. Hà Nội có thể giữ lập trường trung lập và không thể bán vũ khí cho Nga hoặc Ukraine".
Khách hàng nào cho vũ khí 'Made in Vietnam' ?
Hôm nay, Việt Nam đã khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022, "quảng bá, tuyên truyền năng lực, tiềm lực công nghệ, vũ khí trang bị do công nghiệp quốc phòng Việt Nam sản xuất đến bạn bè quốc tế, nhân dân trong nước", theo truyền thông Việt Nam .
Triển lãm có sự tham gia của các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin hay Nexter của Pháp, Nga có Rosoboronexport.
Hồi đầu tháng này, vũ khí Việt Nam được báo chí trong nước đề cập rằng "Các loại vũ khí bộ binh của Việt Nam hoàn toàn có thể chen vai thích cánh với các "ông lớn" trên thị trường thế giới. Ngoài ra, vì một số vũ khí trang bị do Việt Nam sản xuất nhưng chưa được nội địa hóa 100% hoặc còn phụ thuộc vào bên thứ 3 (tức bên chuyển giao công nghệ) nên muốn xuất khẩu ta sẽ phải được sự đồng ý của những đối tác này".
Tiến sĩ Ian Storey cho rằng "Ngành kinh doanh vũ khí toàn cầu cực kỳ mang tính cạnh tranh và sẽ khó khăn cho một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tạo được sự tác động đáng chú ý".
Nghiên cứu sinh Hunter Marston nhận định khách hàng mua vũ khí của Việt Nam do sản xuất có thể là Lào và Campuchia.
"Xét về sự tập trung súng trường, súng máy và súng lục, thì Việt Nam có thể bán một số loại vũ khí này cho Lào và Campuchia, nhưng tôi không thấy có nhu cầu này nhiều xa hơn thế. Các loại drone của Việt Nam sẽ có thể được tìm kiếm trước sự nở rộ drone trong các hoạt động tác chiến những năm gần đây, như cuộc chiến Ukraine đã cho thấy".
"Xét về sự phụ thuộc vũ khí vào Nga, tôi nghĩ Việt Nam đang tiếp tục kiên trì trong việc đa dạng hóa nguồn vũ khí nhập khẩu của mình. Dĩ nhiên nếu có sự thay đổi chính trị liên quan đến kết quả cuộc chiến tranh Ukraine và khi các lệnh trừng phạt của Phương Tây kết thúc. Có thể Việt Nam trở lại với nguồn cung vũ khí từ Nga, nhưng kịch bản này khó mà xảy ra".
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 có sự tham gia của các tập đoàn sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Lockheed Martin hay Nexter của Pháp, Nga có Rosoboronexport.
Phân tích của Reuters ngày 06/12 dẫn lời nhà nghiên cứu cấp cao từ SIPRI, Siemon Wezeman cho biết năng lực sản xuất vũ khí quân sự của Việt Nam rất hạn chế, và chỉ một số ích các drone trinh thám được giao hàng trong một thập kỷ vừa qua, mặc dù phía Việt Nam đã tăng cường năng lực lắp ráp radar, tên lửa và tàu do phía đối tác nước ngoài thiết kế.
Các công ty mua loại vũ khí nhỏ từ Việt Nam có thể là Lào và những nước châu Phi, vì Việt Nam có thể đưa ra giá cả mang tính cạnh tranh, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ ISEAS-Yusof Ishak Institute nói với Reuters.
Còn Nghiên cứu sinh Thế Phương nhận định các quốc gia Mỹ Latin và những nước Đông Nam Á có thể là khách hàng tiềm năng.
Nguồn : BBC, 08/12/2022
***********************
Việt Nam chuyển hướng mua bán vũ khí trong lúc nới lỏng quan hệ với Nga
Reuters, VOA, 08/12/2022
Việt Nam đang tập trung vào một sự thay đổi lớn trong quốc phòng khi tìm cách giảm phụ thuộc vào vũ khí của Nga và đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí sản xuất trong nước, với bên mua có thể đến từ Châu Phi, Châu Á và có thể thậm chí là cả Moscow, theo lời các quan chức và nhà phân tích nói với Reuters.
Mẫu tàu ngầm Kilo trưng bày tại Triển lãm vũ khí Moscow vào năm 2015. Việt Nam là khách hàng mua tàu ngầm KILO của Nga.
Quốc gia Đông Nam Á là một trong 20 quốc gia mua vũ khí lớn nhất thế giới giữa bối cảnh căng thẳng leo thang với Trung Quốc, với ngân sách nhập khẩu vũ khí hàng năm ước tính khoảng 1 tỷ USD và sẽ còn tăng, theo GlobalData, nhà cung cấp dữ liệu toàn cầu về mua sắm quân sự.
Hầu hết ngân sách này trước đây đều được trả cho Nga, quốc gia trong nhiều thập niên là nhà cung cấp vũ khí và hệ thống phòng thủ chính của Việt Nam. Điều đó khiến Việt Nam trở thành một trong những khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cơ quan theo dõi chi tiêu quân sự toàn cầu.
Nhưng điều này đang thay đổi khi Việt Nam đang cố trở nên tự chủ hơn, có được những thiết bị tiên tiến mà Nga không thể cung cấp và đối mặt với áp lực của phương Tây trong việc giảm mua vũ khí từ Moscow giữa bối cảnh nước này xâm lược Ukraine, các nhà phân tích cho biết.
Thay vào đó, Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp từ Châu Âu, Đông Á, Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ, theo lời các nhà ngoại giao, quan chức và nhà phân tích. Việt Nam cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp quân sự trong nước với sự hỗ trợ từ Israel và các đối tác khác, đồng thời hy vọng sẽ có thể xuất khẩu vũ khí, vẫn theo lời các nhà phân tích và các quan chức.
Ông Nguyễn Thế Phương, trước đây là nhà nghiên cứu quốc phòng tại Đại học Quốc gia Việt Nam và hiện tại ở Đại học New South Wales, Australia, cho biết thậm chí đã có những cuộc thảo luận nội bộ vào tháng 10 về việc liệu Việt Nam có nên bán vũ khí cho Nga hay không, mặc dù chưa có quyết định nào về việc này sẽ sớm xảy ra.
Đại sứ quán Nga tại Hà Nội và các bộ quốc phòng và ngoại giao của Việt Nam không bình luận gì với Reuters.
Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, bắt đầu từ thứ Năm, Việt Nam sẽ tổ chức hội chợ thương mại vũ khí quốc tế quy mô lớn đầu tiên, với hơn 170 công ty từ 30 quốc gia đã đăng ký.
Danh sách bao gồm các công ty phương Tây như nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin của Hoa Kỳ, Nexter của Pháp, các nhóm quốc phòng từ Israel, Ấn Độ, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Sự kiện kéo dài ba ngày tại Hà Nội sẽ giúp Việt Nam "đa dạng hóa các kênh mua sắm và nguồn công nghệ để sản xuất thiết bị quân sự cho quân đội đất nước và xuất khẩu", Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết trong một tuyên bố vào tháng 11.
Chào hàng
Ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đang sản xuất các phương tiện vũ trang và vũ khí hạng nhẹ, chẳng hạn như tên lửa chống tăng, súng phóng lựu và súng máy, ông Nguyễn Thế Phương nói.
Ông cho biết thêm rằng Việt Nam đã bắt đầu phát triển các hệ thống công nghệ cao hơn, bao gồm máy bay không người lái, radar và tên lửa chống hạm, thường là hợp tác với các công ty nước ngoài.
Bộ Quốc phòng Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters mà đề nghị chuyển các câu hỏi về công nghiệp quốc phòng của Việt Nam cho Bộ Ngoại giao.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng trên tờ báo chính thức của mình cho biết công ty quân sự Z111 thuộc sở hữu nhà nước sẽ trưng bày súng ngắn, súng máy, súng trường tấn công và súng bắn tỉa tại hội chợ vũ khí, với mục đích xuất khẩu chúng.
Hàng chục công ty quốc phòng Việt Nam, bao gồm cả Viettel do quân đội kiểm soát, cũng sẽ trưng bày sản phẩm của họ. Chính phủ và các công ty quân sự không công bố dữ liệu về doanh số bán hàng.
Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, cho biết khả năng sản xuất vũ khí của Việt Nam được biết đến là rất hạn chế, chỉ có máy bay không người lái trinh sát loại nhỏ được ra mắt trong thập niên qua, mặc dù nước này đã tăng cường khả năng lắp ráp radar, tên lửa và tàu do đối tác nước ngoài thiết kế.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên gia về mua sắm quân sự và là khách mời cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết những bên mua vũ khí nhỏ có thể là Lào, quốc gia láng giềng của Việt Nam, và các nước Châu Phi, nơi Việt Nam có thể đưa ra mức giá cạnh tranh.
Các nước Mỹ Latinh và các quốc gia Đông Nam Á khác là những khách hàng tiềm năng, theo ông Nguyễn Thế Phương.
Gần mười công ty quốc phòng Nga đã đăng ký tham gia hội chợ ở Hà Nội, bao gồm cả Rosoboronexport, cơ quan nhà nước xuất nhập khẩu vũ khí.
Đa dạng
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đang đàm phán các thỏa thuận khả thi để nhập khẩu vệ tinh và các sản phẩm lưỡng dụng khác từ các đối tác khác ngoài Nga.
Điều đó sẽ đẩy nhanh xu hướng giảm nhập khẩu vũ khí của Nga, với giá trị giảm xuống chỉ còn 72 triệu đôla vào năm ngoái (30% tổng lượng nhập khẩu) từ mức cao nhất năm 2014 là 1 tỷ đô la, chiếm gần 90% tổng số năm đó, theo SIPRI.
Nhập khẩu từ Nga đã giảm hàng năm kể từ đó, ngoại trừ năm ngoái, khi phục hồi nhẹ sau năm 2020. Năm đó, đại dịch Covid-19 làm giảm nhập khẩu quân trang của Việt Nam xuống chỉ còn 32 triệu đôla, trong đó 9 triệu đôla là vũ khí của Nga.
Dữ liệu của SIPRI cho thấy, trong những năm gần đây, Việt Nam đã mua thiết bị quân sự từ các nhà cung cấp mới, bao gồm Hoa Kỳ, Israel, Hà Lan và Hàn Quốc.
Với cuộc chiến ở Ukraine, mà Nga gọi là "chiến dịch đặc biệt", Việt Nam dường như đang tăng tốc đa dạng hóa.
Các nhà phân tích nói Ấn Độ, Israel và các nước Đông Âu có vị thế tốt hơn trong tư cách là nhà cung cấp thay thế vì họ có thể cung cấp vũ khí tương thích với các hệ thống của Nga hiện vẫn chiếm 80% kho vũ khí của Việt Nam.
Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về ngoại giao Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra, nói đối với các hệ thống tiên tiến hơn, các nhà sản xuất ở Tây hoặc Đông Á cũng có thể là những nhà cung cấp tiềm năng cho Việt Nam.
Chuyên gia nhận định khác nhau về vấn đề nhân quyền trong việc phương Tây bán vũ khí cho Việt Nam
RFA, 08/12/2022
Các phương tiện chiến đấu, giải pháp công nghệ, vũ khí trưng bày tại không gian ngoài trời - Ảnh : VGP/Nhật Nam
Vấn đề nhân quyền ở quốc gia độc đảng ít có ảnh hưởng đến kế hoạch mua vũ khí của Việt Nam từ Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây, theo học giả Hoàng Việt từ Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc lại cho rằng Mỹ và Liên Âu có thể dừng việc bán vũ khí khi cân nhắc vấn đề quyền con người.
Ý muốn tăng cường mua sắm vũ khí từ phương Tây nằm trong kế hoạch đa dạng hoá và hiện đại hoá quân đội của Việt Nam trong bối cảnh chủ quyền đất nước ở Biển Đông bị đe doạ.
Trong lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2022 ở Hà Nội sáng 08/12, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính nói sự kiện này giúp Hà Nội "mở ra các cơ hội hợp tác, cùng tìm hiểu nghiên cứu xu hướng phát triển của trang bị kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng an ninh trên thế giới ; đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài và sản xuất, trang bị khí tài, hậu cần đáp ứng cho lực lượng vũ trang để phục vụ nhu cầu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống".
Nói về sự liên hệ giữa việc mua sắm vũ khí và nhân quyền của Việt Nam, thạc sĩ Hoàng Việt nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Cá nhân tôi cho rằng vấn đề nhân quyền không cản trở nhiều đến việc mua bán vũ khí của Việt Nam. Mỹ và phương Tây đặt lợi ích địa chính trị quan trọng hơn vấn đề nhân quyền. Do vậy, trong bối cảnh đó, việc Việt Nam tìm kiếm mua vũ khí từ phương Tây sẽ không bị cản trở vì vấn đề nhân quyền".
Ông cho rằng mặc dù đảng Dân chủ của Tổng thống Joe Biden luôn thúc đẩy các hoạt động dân chủ, nhưng Nhà Trắng đã coi Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất, nguy hiểm nhất có thể thách thức vị trí siêu cường số một thế giới của Hoa Kỳ cũng như tìm cách thay đổi trật tự thế giới mà Bắc Kinh có đủ ý chí và quyền lực để làm việc đó thì phương Tây không đặt nặng vấn đề nhân quyền.
Việt Nam bị Hoa Kỳ và nhiều quốc gia dân chủ chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tồi tệ vì giam giữ nhiều tù nhân lương tâm chỉ vì họ thực hiện các quyền tự do cơ bản như ngôn luận, hội họp, biểu tình…
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, cách đây hơn 10 năm người ta nhận ra rằng quân đội Việt Nam quá phụ thuộc vào vũ khí của Nga và Nhà nước Việt Nam có kế hoạch đa dạng hoá nguồn vũ khí từ lâu.
Cho tới nay, ngoài Nga, Việt Nam đã mua vũ khí từ một số quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, Israel, và Hoa Kỳ.
"Kể từ đó đến nay Việt Nam đã làm (tăng cường mua sắm vũ khí phương Tây - PV), đặc biệt sau cuộc chiến ở Ukraine người ta thấy rằng vũ khí của Nga có nhiều lạc hậu", học giả đến từ Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông, kế hoạch đẩy mạnh mua sắm vũ khí của Việt Nam từ các quốc gia phương Tây sẽ không dễ dàng vì hai vấn đề chính : Giá cả đắt đỏ và khác biệt về hệ thống vũ khí.
Ông nói rằng vũ khí của phương Tây đắt hơn nhiều so với vũ khí của Nga, khách hàng cung cấp vũ khí lớn nhất và quen thuộc với Việt Nam từ nhiều thập niên qua.
Quân đội Việt Nam từ lâu đã sử dụng hệ thống vũ khí có từ thời Liên Xô và sau đó là Nga, do vậy, việc thay thế các loại vũ khí hiện có bằng vũ khí của phương Tây sẽ không hề dễ dàng cho Việt Nam. Việc này đòi hỏi có thời gian dài để quân đội đào tạo và thích ứng, và cần phải có sự tương thích của các loại vũ khí trong một hệ thống.
Ông ví dụ trong cuộc chiến ở Ukraine, các binh sĩ Ukraine có thể sử dụng dễ dàng vũ khí do Nga và các nước từng theo xã hội chủ nghĩa sản xuất. Tuy nhiên, họ gặp khó khăn khi sử dụng vũ khí của phương Tây, và cần thời gian dài để thích nghi.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra cho rằng Việt Nam đã cho thấy họ có khả năng mua sắm vũ khí và công nghệ quân sự từ các nguồn không phải của Nga, chẳng hạn như Israel, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Ông cũng nói Hà Nội nhận thức được rằng Hoa Kỳ và các quốc gia trong Liên minh Châu Âu có thể viện dẫn các cân nhắc về nhân quyền để cắt giảm hoặc ngăn chặn việc bán vũ khí nhằm đối phó với các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng vào bất kỳ thời điểm nào.
Tuy nhiên, từ thống kê mua vũ khí của Việt Nam trong thời gian gần đây thì Giáo sư Carl Thayer có nhận xét :
"Việt Nam không có khả năng mua các mặt hàng ‘có giá trị lớn’ từ Hoa Kỳ hay Châu Âu và có khả năng chờ xem cuộc xung đột ở Ukraine sẽ được giải quyết như thế nào.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ có thị trường cho các công nghệ thích hợp như radar bờ biển, phòng không, máy bay không người lái (UAV), tên lửa chống UAV, không gian mạng, ."..
Ông cho biết trong giai đoạn từ 2014- thời điểm Nga sáp nhập Crimea, cho đến 2021, việc mua sắm vũ khí của Việt Nam giảm chóng mặt, đặc biệt là từ Nga.
Nhập khẩu vũ khí từ Nga của Việt Nam đã giảm từ 1,056 tỷ đô la Mỹ năm 2014 xuống chỉ còn 72 triệu năm 2021, ông nói.
Giáo sư Carl Thayer nói trước đại dịch Covid-19, Việt Nam phân bổ khoảng 2% GDP cho ngân sách quốc phòng hàng năm.
Từ năm 1995 đến năm 2021, Việt Nam đã mua vũ khí và công nghệ quân sự từ 27 quốc gia. Sáu quốc gia hàng đầu, tính bằng đô la Mỹ là : Nga (7,4 tỷ USD), Israel (550 triệu USD), Ukraine (273 triệu USD), Belarus (263 triệu USD), Hàn Quốc (120 triệu USD) và Hoa Kỳ (108 triệu USD).
Trong triển lãm vũ khí quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, giáo sư Carl Thayer cho rằng Hà Nội có ba mục tiêu chính, đó là giới thiệu ngành công nghiệp quốc phòng của mình, xác định khách hàng cho các sản phẩm nội địa của mình, và tham gia vào các thỏa thuận chuyển giao công nghệ đồng sản xuất để thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình.
Nguồn : RFA, 08/12/2022