Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/06/2023

Giá điện cản trở phát triển năng lượng tái tạo

Thanh Phương

Vấn đề giá điện vẫn gây cản trở phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam

Vào giữa tháng 5 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã thông qua Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thường được gọi tắt là Quy hoạch Điện 8. Đây là kế hoạch đã được chờ đợi từ lâu, nhưng việc thông qua đã bị chậm trễ.

dien1

Một nhà máy điện mặt trời tại Mũi Né, Việt Nam. © AP

Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo

Điểm đáng chú ý trong Quy hoạch Điện 8 đó là Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện Mặt trời, để sản xuất điện, với mục tiêu là các nguồn điện này sẽ đạt tỷ lệ 30,9-39,2% vào năm 2030. Mục tiêu xa hơn là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết của Việt Nam với quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu là đến năm 2050, tỷ lệ năng lượng tái tạo sẽ lên đến 67,5 - 71,5%. 

Hiện giờ, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), công suất của nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đến cuối năm 2021 đã lên đến gần 20.700 MW, chiếm gần 30% tổng công suất lắp đặt nguồn điện. Đây là một tỷ trọng khá cao, nhưng lại có một nghịch lý là Việt Nam có nguy cơ thiếu điện, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng như hiện nay. 

Từ đầu 2023 đến nay, EVN liên tục báo động "tình trạng nguy cấp về cung ứng điện", cụ thể họ cảnh báo hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được nhu cầu trong các tháng 5, tháng 6. Hiện các hồ thủy điện đang trong tình trạng thiếu nước, nhiều hồ đã về đến "mực nước chết", gây khó khăn trong vận hành và cung ứng điện. 

Trước mắt, chính quyền thủ đô Hà Nội đã phải lấy một quyết định triệt để trong mùa nắng nóng bất thường hiện nay : tắt hết đèn đường ở hai phần ba thành phố kể từ 11 giờ tối, để tránh cho hệ thống cung cấp điện bị quá tải, vào lúc mà người dân sử dụng quá nhiều điện cho máy lạnh và quạt điện. Biện pháp tiết kiệm điện này có thể kéo dài đến cuối tháng 8.

Cản trở chính : Giá điện

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghịch lý thiếu điện ở Việt Nam đó là vấn đề giá điện sản xuất từ các năng lượng tái tạo (điện gió và điện Mặt trời). Mức giá mà EVN đưa ra bị xem là không đủ để bù đắp vào những chi phí của các nhà đầu tư.

Trả lời phỏng vấn RFI ngày 22/05/2023, giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, nhận định : 

"Nói chung giá như thế là còn quá thấp. Mới cách đây ít hôm, có đàm phán lại để cho tăng lên một ít, nhưng vẫn không đủ, nhất là bây giờ năng lượng tái tạo phải chuyển sang điện gió ngoài khơi, vì điện gió trên bờ cũng đã khai thác khá nhiều rồi. Nhưng đối với điện gió ngoài khơi, giá mua là 2.200 đồng/kWh thì rõ ràng là chưa được. Nói chung, giá điện là một trong những cản trở. 

Điện cho người dân thì không có vấn đề gì, vấn đề là điện cho sản xuất, bởi vì trong tổng sản lượng điện tiêu thụ thì điện cho sản xuất chiếm đến gần hai phần ba. Không giải quyết được vấn đề này thì rất là gay go. Điện tốn nhiều đó là cho sản xuất. Phải quy hoạch lại sản xuất, chế biến theo hướng lành mạnh. Phải tăng điện sản xuất như thế nào để các doanh nghiệp dùng điện nhiều thấy là sản xuất không có lãi nữa. 

Giá điện Việt Nam vẫn còn quá thấp, trong khi đầu tư tốn kém nhiều nên giá thành cao hơn. Không thể không giải quyết được. Nhưng giải quyết thì phải có lộ trình, chứ không thể một lúc mà làm được. 

Vấn đề giá là phải phân biệt giá bán điện cho ai. Giá đối với người dân, nhất là đối với người dân nghèo, đối với nông nghiệp, hay đối với các dịch vụ như khách sạn, thì không có vấn đề gì, nhưng điện cho mấy anh sản xuất, nhất là mấy anh sản xuất "quá đáng", ví dụ như sản xuất thép để xuất khẩu. Công nghiệp chế biến cũng không quản lý được theo chất lượng.

Hiện nay ở Việt Nam không rõ nhất là chuyện đó, tức là khi nói đến tăng giá điện thì chính phủ cứ nói là không được, vì như thế là ảnh hưởng đến đời sống của dân. Nhưng còn đối với những doanh nghiệp sản xuất thép để xuất khẩu thì ảnh hưởng thế nào ? Bây giờ phải giải quyết, mà cái đó mới là quan trọng, chứ còn giá điện tiêu dùng cho người dân có tăng lên ít nhiều cũng không sao. Vấn đề là giá cho công nghiệp chế biến, nhất là những công nghiệp chế biến mà gần như là xuất khẩu điện giá rẻ ra nước ngoài".

Khó khăn về thủ tục

Giáo sư Phạm Duy Hiển lưu ý là các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện giờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục để có thể được hưởng giá điện sản xuất từ các năng lượng tái tạo theo quy định của nhà nước :

"Lâu nay vẫn có cái gọi là giá FIT, tức là giá mua điện gió, điện Mặt trời bao giờ cũng cao hơn mặt bằng giá, để khuyến khích phát triển các năng lượng này. Theo các nghị quyết như nghị quyết 31, đại khái là đến ngày 30/12/2021, nếu doanh nghiệp nào hoàn thành báo cáo thì sẽ được hưởng giá đó, còn sau đó thì không được.

Vừa rồi có bổ sung thêm quy định là anh phải báo cho biết là đã hoàn thành công trình theo đúng hồ sơ. Bây giờ đang cãi nhau về việc hồ sơ quá phức tạp, không ai làm kịp. Đây là vấn đề đang rất là vướng mắc. Bây giờ các doanh nghiệp đang kêu trời : bắt tôi nộp hồ sơ mà hồ sơ thì phức tạp quá, không thể hội đủ được !

Cho nên, nói về nguyên tắc, Quy hoạch 8 là như thế, nhưng trên thực tế, việc giải quyết có rất nhiều khó khăn". 

Nhu cầu điện cho sản xuất : Có hợp lý ?

Nhìn rộng hơn vấn đề giá điện ở Việt Nam, giáo sư Phạm Duy Hiển cho rằng phải xem xét lại sự hợp lý của mức cầu về điện năng ở Việt Nam, chứ mức cung không thể tiếp tục đáp ứng như hiện nay :

"Về vấn đề cung cầu, anh chỉ nói đến "cung" thôi, "cung" chưa đủ thì phải tăng thêm, không ai nghĩ đến "cầu", không ai tìm hiểu tại sao để cho có một nhu cầu như vậy. Có những anh sản xuất ra để xuất khẩu chủ yếu là nhờ giá điện rẻ. Anh có nhu cầu thì tôi phải thỏa mãn. Tức là người ta chỉ nói đến cái cung thôi, chứ chưa ai để ý là cái cầu vẫn còn sai sót. Cái cầu bao giờ cũng đi trước một bước, tức là anh cần bao nhiêu thì tôi phải thỏa mãn bấy nhiêu. Trong cái gọi là "tăng trưởng xanh", cái "cầu" đó có đúng không ? Cho nên bây giờ phải giải quyết vấn đề đó.

Tất cả báo chí, tất cả các nhà kinh tế thảo luận về vấn đề này chỉ nói làm sao cho có đủ điện. Quy hoạch đó là dựa trên cách làm : mỗi năm dự báo tăng trưởng bao nhiêu. Mỗi một tăng trưởng GDP như thế thì tăng trưởng điện là bao nhiêu. Và có cái gọi là hệ số đàn hồi. Thông thường, trước đây, tăng trưởng của Việt Nam là khoảng 6 hoặc 7%, nhưng tăng trưởng điện năng là khoảng 11 hay 12%, tức là gần gấp đôi. Quy hoạch 8 cũng dựa trên nguyên tắc tăng trưởng kinh tế đó, chỉ có điều là nó đi cụ thể hơn : nông nghiệp thì như thế nào, công nghiệp này, công nghiệp kia thì như thế nào, chế biến, dịch vụ thì ra sao. Nhưng vẫn dựa trên tăng trưởng, và như thế tức là tôi không cần biết là cái "cầu" ấy đúng hay sai".

Nói cách khác, chính phủ Hà Nội vẫn chưa tìm ra được một con đường thích hợp để đi đến trung hòa carbon, thông qua việc phát triển năng lượng tái tạo, mà không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Đây là vấn đề đã được tờ báo Nhật Nikkei Asia nêu lên trong một bài báo đăng trên mạng ngày 02/02/2023. Thách thức đối với chính phủ Việt Nam, theo Nikkei Asia, là tìm cách đưa đất nước tránh xa nhiên liệu hóa thạch, nhưng vẫn giữ giá điện ở mức thấp. Nhu cầu điện đã tăng khoảng 10% một năm do tăng trưởng kinh tế cao. Nhu cầu dự kiến ​​s tăng gp đôi so vi mc hin ti vào năm 2030 và gấp 5 lần vào năm 2050.

Tại hội nghị khí hậu COP26 của Liên Hiệp Quốc vào năm 2021, thủ tướng Phạm Minh Chính đã hứa Việt Nam sẽ đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch ban đầu đã bị hủy bỏ khi chính phủ quyết định tìm một nguồn năng lượng để thay thế than đá, vốn vẫn chiếm 50% sản lượng điện hiện nay.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái đã gây thêm khó khăn cho Việt Nam. Giá của khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), vốn được kỳ vọng là nguồn năng lượng chính theo kế hoạch mới, đã tăng vọt do tác động của chiến tranh Ukraine. 

Chính phủ Hà Nội vẫn giữ nguyên quyết định năm 2016 từ bỏ việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân năm. Nhưng trong khi đó, quy mô của các loại năng lượng tái tạo lại có giới hạn cho nên Việt Nam có rất ít lựa chọn cho nguồn điện chính. Khuôn khổ hành động của Việt Nam càng hạn hẹp vì chính phủ vẫn yêu cầu giá điện không được quá cao. 

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 06/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 261 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)