Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/06/2023

Hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh" vẫn bao trùm mọi địa phương

Quốc Phương

Bộ Nội vụ Việt Nam cho rằng tình trạng gọi là "trên nóng, dưới lạnh" trên cả nước trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng lâu nay do Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, khởi xướng, đã được từng bước khắc phục sau một năm hoạt động của các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh.

chongthamnhung1

Bình luận về đánh giá này, từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, trong cùng ngày, nhà báo Võ Văn Tạo nêu quan điểm riêng với RFA tiếng Việt :

"Từ khi tái lập và củng cố các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tiêu cực ở các tỉnh, tôi chưa thấy có chuyển biến tích cực gì.

Tham nhũng, tiêu cực ở địa phương thường dính dáng đến quan chức cao nhất của địa phương như Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban cán sự UBND tỉnh, Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, cho nên, địa phương rất khó tự xử lý.

Hầu hết các vụ tham nhũng, tiêu cực ở địa phương bị xử lý gần đây đều do các cơ quan Trung ương như Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương… phát hiện, điều tra, xử lý.

Có chăng là khi đưa ra truy tố, người ta dùng hệ thống hành pháp và tư pháp địa phương như công an, rồi Viện Kiểm sát, tòa án để triển khai.

Theo quan sát của tôi thì hiện tượng "trên nóng, dưới lạnh" vẫn bao trùm mọi địa phương.

Chưa bao giờ chống tham nhũng bài bản như vậy ?

Cũng trong dịp này hôm 19/6, báo VietnamNet, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam, dẫn lời người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại một hội nghị tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn từ năm 2012 đến 2022, nhận định : "Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây" (2).

Bình luận với Đài Á Châu Tự Do về nhận định này, ông Võ Văn Tạo nói :

"Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, như tên gọi của nó bao hàm việc ‘phòng’, tức đề phòng, ngăn ngừa, giữ cho nó không xảy ra ; và ‘chống’, tức là xử lý hậu quả, một khi nó vẫn xảy ra, đối với tham nhũng và tiêu cực.

Nếu xét từng khía cạnh đó thì công chúng thấy gần đây nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến quan chức cấp cao liên tiếp bị phát hiện, xử lý. Nổi bật trong đó là các vụ "Chuyến bay giải cứu", vụ Việt Á, vụ AIC, vụ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, vụ tập thể Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa có các sai phạm... và nhiều vụ đình đám khác.

Nhìn bề nổi, ta thấy công tác chống tham nhũng, tiêu cực có vẻ như sôi động, quyết liệt. Nhưng dường như vẫn có những vụ gây dư luận nhức nhối nhưng lại không hề bị đụng tới, tôi đơn cử như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (bị cáo buộc liên quan vụ việc ‘thuốc ung thư giả’), vụ em trai bà bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà cũng bị bị cáo buộc có sai phạm, rồi vụ án được cho là ‘oan sai’ trong vụ án tử tù Hồ Duy Hải, hay vụ việc tiêu cực thua lỗ khủng khiếp xảy ra ở Bộ Công thương v.v... Bà cựu Bộ trưởng Tiến được cho là hạ cánh an toàn, bà Trà còn được thăng lên chức Bộ trưởng Nội Vụ, kiêm Phó Ban Tổ chức TW đảng. Các ông Nguyễn Hòa Bình và ông Trần Tuấn Anh còn lên tới tận Bộ Chính trị v.v… Điều đó theo tôi cho thấy ở bề mặt chống tham nhũng, tiêu cực tuy rầm rộ, nhưng không đều khắp, dường như vẫn có vùng cấm, bất khả xâm phạm, gây hoài nghi trong công chúng".

chongthamnhung2

Ba quan chức Việt Nam bị bắt trong vụ Việt Á

‘Bịt lỗ hổng, nhưng kém hiệu quả, tác dụng ngược’

Đối với lĩnh vực đề phòng, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, ông Võ Văn Tạo nói thêm :

"Một số quy định, văn bản vừa mới ban hành nhằm cố gắng bịt các lỗ hổng trong quản lý tài nguyên quốc gia, tài sản, tiền vốn nhà nước, theo tôi một mặt tỏ ra kém hiệu quả, một mặt lại gây tác dụng ngược.

Hiện tượng cán bộ co vòi, thủ thế, không dám nghĩ, dám làm khá phổ biến ở mọi địa phương, bộ ngành. Nhiều nơi, hoạt động kinh tế như bị tê liệt. Nhìn chung, tôi cho rằng tham nhũng, tiêu cực biến hóa tinh vi hơn, khó phát hiện hơn".

Cũng hôm thứ Hai, 19/6, một báo chính thống khác của Việt Nam, tờ Tiền Phong đưa tin xung quanh sự kiện một Dự thảo nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, do Bộ Nội vụ thuộc Chính phủ Việt Nam soạn thảo xong. (3)

"Dự thảo Nghị định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung đã được Bộ Nội vụ hoàn thành, nhưng nhiều nội dung còn đang vướng về vấn đề pháp lý. Cơ quan soạn thảo cùng một số đại biểu cho rằng, vấn đề này nên trình ra Quốc hội ban hành Nghị quyết, tạo thuận lợi trong việc triển khai thực hiện", báo Tiền Phong tường trình.

Bình luận về động thái này, ông Võ Văn Tạo nói với Đài Á Châu Tự Do :

"Ý tưởng ban hành Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích mà Bộ Nội vụ đề xuất nó không giống ai, và theo tôi còn có tính chất vá víu, chằng đụp.

Hầu hết các quốc gia văn minh đều điều chỉnh hành vi tác nghiệp của công chức nhà nước bằng những điều luật cụ thể, trong đó quy định cụ thể những gì phải làm, những gì được làm với quyền, nghĩa vụ cụ thể.

Ở nhà nước Việt Nam do đảng cộng sản độc quyền cai trị lâu nay, người ta quen ra nghị quyết chung chung, có tính chất hô hào. Theo tôi, đó là một tư duy đảng trị, bao trùm cả hệ thống nhà nước, chính phủ. Trên thực tiễn, tôi cho rằng tư duy ấy tỏ ra phi thực tế và không hề hiệu quả", nhà báo, blogger từng có nhiều năm làm việc tại Bộ Công thương trước đây, và có tham gia hoạt động trong hệ thống tư pháp ở một địa phương của Việt Nam, nêu quan điểm riêng với RFA tiếng Việt từ Nha Trang.

Về dự thảo nghị định khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm như được đề cập ở trên, theo truyền thông Việt Nam, cũng có ý kiến cho rằng trước tiên nên để Chính phủ Việt Nam ban hành nghị định, sau đó "tổng kết, đánh giá", xem có cần nâng thành nghị quyết hoặc luật do Quốc hội Việt Nam ban hành hay không.

Còn liên quan Hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì ở Hà Nội hôm 19/6, vẫn truyền thông Việt Nam cùng ngày cho hay chỉ sau hai tháng từ khi có Nghị quyết của Trung ương năm, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã nhanh chóng được thành lập, trong đó có ba địa phương thành lập sớm nhất là Hà Nội, Đà Nẵng và Thanh Hóa.

"Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh còn là dấu mốc quan trọng nói lên hệ thống tổ chức, bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam được hoàn thiện thêm một bước mới", báo mạng VietnamNet dẫn thông tin và phát biểu từ cuộc hội nghị sơ kết này, đánh giá.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 19/06/2023

Tham khảo :

- https://thanhnien.vn/tong-bi-thu-chu-tri-hoi-nghi-danh-gia-ban-chi-dao-chong-tham-nhung-cap-tinh-185230619100626149.htm

https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-danh-gia-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-2156052.html

- https://tienphong.vn/khuyen-khich-bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam-co-nen-ban-hanh-nghi-quyet-post1543997.tpo

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Võ Văn Tạo, Quốc Phương
Read 330 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)