Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/06/2023

Tệ nạn hành hạ người bất đồng chính kiến ở Việt Nam gia tăng

RFA tiếng Việt

Tổ chức nhân quyền Quốc tế chung tay bảo vệ nhà hoạt động Việt Nam trước sự đàn áp của chính quyền

RFA, 28/06/2023

Tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV) cùng với Viện Luật Nhân quyền Quốc tế thuộc Đại học Luật Berkeley (IHRLC) đã gởi một bản kiến nghị cho cơ chế "Các Thủ tục đặc biệt" của Liên Hiệp Quốc, yêu cầu mở một cuộc điều tra về việc bốn nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đang bị bỏ tù một cách vô lý, đồng thời yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho những người này.

tenan1

Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh và Luật gia Đặng Đình Bách - Courtesy Amnesty International

Muốn sự thật được phơi bày

Trả lời RFA qua email hôm 28/6, Giáo sư Laurel Fletcher, giám đốc IHRLC, cho rằng mức độ đàn áp của chính phủ Việt Nam khiến tình hình trở nên đặc biệt cấp bách. Ông cũng xác nhận, hệ thống dày đặc các quy định pháp lý của Việt Nam đã vi phạm luật pháp quốc tế. Ngoài ra, các quan chức Việt Nam đã sử dụng nó (luật pháp-pv) để nhắm vào những người bất đồng chính kiến. Nội dung email viết :

"Các trường hợđược nêu trong bản kiến nghị nêu bật mức độ độc ác và độc đoán của những công cụ này khi chúng được các quan chức sử dụng.

Mục tiêu của chúng tôi là thu hút sự chú ý của quốc tế và gây áp lực buộc Việt Nam phải trả tự do cho các nhà hoạt động. Liên Hợp Quốc có quyền nêu lên những trường hợp này với chính phủ Việt Nam.

Bản kiến nghị này vừa mang tính tượng trưng nhưng cũng có tính pháp lý, rằng Việt Nam đang vi phạm các quyền cơ bản của những người bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi sẽ không để Liên Hiệp Quốc hay chính phủ Việt Nam gạt bỏ sự thật này".

Giáo sư Laurel còn cho rằng khi những tiếng nói trong nước bị bóp nghẹt, những nhà hoạt động phải đối mặt với nguy cơ bị bỏ tù, nếu họ lên tiếng. Do đó, các tổ chức quốc tế bên ngoài Việt Nam, có cơ hội và đặc quyền lên tiếng thay cho họ. Điều này, theo bà Laurel, thể hiện tình đoàn kết quốc tế :

"Sẽ rất nguy hiểm nếu các nhóm hoạt động địa phương đứng lên bảo vệ những người bị bỏ tù oan. Chúng tôi nêu lên những trường hợp này nhằm thể hiện tình đoàn kết quốc tế và để các nhà hoạt động cùng gia đình họ biết rằng họ không bị lãng quên".

Dừng "việc đàn áp" các tiếng nói phản biện

Bốn nhà hoạt động được nêu tên trong bản kiến nghị này bao gồm nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, nhà báo Trương Châu Hữu Danh, người sáng lập Quỹ 50K - Nguyễn Thuý Hạnh và bà Đinh Thị Thu Thủy – người bị bắt vì những phát ngôn chỉ trích chính quyền ôn hoà trên mạng xã hội.

Bà Vi Trần, người sáng lập tổ chức LIV cho biết tổ chức này cùng với IHRLC đã vận động cho khoảng 30 tù nhân lương tâm ở Việt Nam. Trong bản kiến nghị lần này, IHRLC quyết định chọn ra bốn trường hợp trên :

"Những người sinh viên luật của trường Đại học Luật Berkeley đã chọn ra bốn người bảo vệ nhân quyền này bởi vì họ nhận thấy rằng bốn trường hợp này là những trường hợp nổi bật về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam nói chung".

Bà Vi cho biết thêm rằng Liên HiệQuốc có những thủ tục đặc biệt, những nhóm làm việc đặc biệt về vấn đề bắt giữ và giam giữ tùy tiện. Do đó, việc yêu cầu những Báo cáo viên đặc biệt này nhằm nhờ họ nhắc nhở chính quyền Việt Nam về những hành vi vi phạm nhân quyền :

"Có những nhóm làm việc về vấn đề bắt giữ người bất hợp lý với những điều luật không rõ ràng. Điều luật 117 và 331 là những điều luật mà Liên Hiệp Quốc đã có những kiến nghị gửi đến chính quyền Việt Nam rằng những điều luật đó vi phạm quyền con người rất trầm trọng.

Những nhóm làm việc bên Liên Hiệp Quốc sẽ xem xét những trường hợp mình đưa ra có đúng và đủ hay không, sau đó họ sẽ gửi thư đến chính phủ Việt Nam yêu cầu giải thích tại sao những người này bị bắt và bị giam giữ".

Các "Thủ tục đặc biệt" là các cơ chế do Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập ra. Thủ tục này có chức năng xem xét, giám sát, tư vấn và báo cáo công khai về tình hình nhân quyền ở một số nước hoặc vùng lãnh thổ cụ thể.

Bản kiến nghị này được gởi đi trong lúc một trong bốn nhà hoạt động được nêu tên trong bản kiến nghị là luật gia Đặng Đình Bách đang tuyệt thực ở trong tù từ ngày 9/6, nhằm đòi hỏi chính quyền phải trả tự do cho mình ngay lập tức và vô điều kiện.

Bà Trần Thảo, vợ của ông Bách nói với RFA về tình hình hiện này của ông :

"Anh Bách gọi về vào ngày 27/6. Anh ấy nói rằng vẫn duy trì tuyệt thực và sức khỏe thì hiện đang vẫn ổn.

Tôi có nói với anh ấy rằng chiến dch vận động cho anh ấy mọi người đã cố gắng bằng tất cả mọi nguồn lực có thể, và tầm ảnh hưởng của nó đã hơn cả mong đợi rồi".

Qua bản kiến nghị này, bà Thảo hy vọng với các báo cáo và thông tin xác thực mà các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước đã cung cấp, Liên Hiệp Quốc sẽ có những hành động cụ thể :

"Tôi mong là Liên Hiệp Quốc sẽ có những biện pháp cụ thể và thiết thực để kịp thời gây áp lực đối với nhà cầm quyền Việt Nam dừng việc đàn áp những nhà lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự, cũng như sẽ phải lắng nghe sự kêu gọi từ quốc tế để trả tự do ngay lập tức cho chồng tôi".

Nguồn : RFA, 28/06/2023

**************************

KKF lên án Công an Sóc Trăng đánh đập nhà hoạt động người Khmer

RFA, 28/06/2023

Một nhà hoạt động về quyền người bản địa Khmer Krom ở đồng bằng Sông Cửu Long tố cáo Công an tỉnh Sóc Trăng đánh đập ông trong quá trình tra khảo về các hoạt động ôn hoà của ông. Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) ra thông cáo báo chí lên án vụ bạo lực này và yêu cầu Chính phủ Việt Nam điều tra.

tenan2

Ông Tô Hoàng Chương (phải) và hai quan chức nhân quyền quốc tế - Fb TO Hoang Chuong

Trả thù cá nhân ?

Ông Tô Hoàng Chương, 36 tuổi, người tố bị công an Sóc Trăng đánh, cũng là một nhà hoạt động nhân quyền người Khmer Krom, sống ở ấp Lạc Sơn, xã Thành Hoa Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, 28/6 cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết câu chuyện của mình :

"Vào ngày 23/6 tôi từ Trà Vinh đi Sóc Trăng thăm người bạn tên là Lâm Vông, huyện Mỹ Xuyên, xã Mỹ Tâm để hỏi thăm sức khoẻ của ông ấy. Khoảng 13 giờ tôi về, từ nhà ông Lâm Vông khoảng 1 cây số thì công an tỉnh Sóc Trăng, công an giao thông, công an huyện công an tỉnh chặn đường bắt xe chúng tôi.

Xe có bảy người thì bắt cả bảy người luôn, nhưng chỉ đánh đập một mình tôi còn sáu người kia chỉ bị tra hỏi, người nửa tiếng, người một tiếng rồi được thả ra".

Ông Chương, cho biết ngay sau khi ông bị tách riêng ra nhóm bảy người, Công an Sóc Trăng đưa ông vào phòng hình sự và một nhóm khoảng ba đến bốn người mặc thường phục tấn công ông.

Ông kể những người này dùng tay đấm vào đầu vào mặt ông trong suốt thời gian làm việc từ hơn 13 giờ đến khoảng 17 giờ. Khi ông chất vấn tại sao lại đánh ông thì một trong số họ xưng là chỉ huy có lời lẽ đe doạ tính mạng của ông. Ông thuật lại lời của viên công an :

"Tao không cần biết gì hết. Tại vì tao hận mày lâu lắm rồi. Mày là mấy người phản động, tuyên truyền tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc của người dân tộc bản địa cho người Khmer Krom hiểu biết. Mày là phản động đối với người Việt Nam".

Ông cho rằng mình bị đánh đập và tra khảo vì hoạt động của mình trong nhiều năm qua :

"Tôi có đi phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa, Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền con người (Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền- PV).

Tôi không phải là thành viên gì hết, chỉ là dân bản địa và làm theo của Liên Hiệp quốc và luật của dân bản địa".

Ông Chương cho biết được trả tự do vào lúc 18 giờ 30 cùng ngày. Trước khi được thả, phía công an lập biên bản rồi bắt ông ký. Họ nói nếu ông không ký sẽ không được trở về nhà. Tuy nhiên, ông cho biết, không nhớ nội dung cụ thể của biên bản này.

Hôm sau, ông có đi khám sức khỏe vì thấy đau đầu và đau âm ỉ trong người.

Nhiều nhà hoạt động Khmer khác cũng bị đánh đập

Đây là lần đầu tiên ông Chương bị đánh bởi công an Việt Nam. Trước đó, từ năm 2016, ông chỉ bị công an Trà Vinh mời lên đồn công an một số lần để tra hỏi về các hoạt động ôn hoà đòi quyền lợi cho người Khmer.

Trước đó một tuần (vào ngày 19/6), Công an Sóc Trăng đã bắt giữ và đánh đập ông Lâm Vông ở khóm 9 phường 3 thành phố Sóc Trăng chỉ vì ông này phát sách Tuyên ngôn của Liên Hiệp quốc về quyền của các dân tộc bản địa, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và mặc áo có chữ Khmer Krom và bản đồ 21 tỉnh của Việt Nam có người Khmer sinh sống.

Ông Lâm Vông cho RFA biết ông bị công an mặc thường phục bắt khi ông đi công chuyện ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên. Họ đưa ông vào phòng an ninh của Công an tỉnh Sóc Trăng, khoá hai tay ông sau lưng rồi khoảng ba đến bốn người đeo khẩu trang đánh vào đầu, trán và ngực ông. Họ giữ ông đến tận chiều tối hôm sau (20/6) mới cho ông về nhà.

Trong thời gian giam giữ ông, công an Sóc Trăng cũng đến nhà ông lục soát, lấy đi một số sách nhân quyền và áo phông, ông Lâm Vông cho biết.

Sau khi bị đánh, ông Vông có đi bác sĩ để kiểm tra, hiện sự việc đã qua một tuần nhưng ông cho biết, máu còn tụ ở mắt do ông bị công an đánh trực diện vào mắt.

Riêng trường hợp của ông Chương, ông cho biết trong nửa năm qua, ông bị tra khảo và giam giữ ở đồn công an địa phương hai lần vì phát sách nhân quyền cho người Khmer. Lần một (18/2) ông được cho về trong ngày, còn lần hai vào ngày 18/4, ông bị giam hai ngày hai đêm.

Phóng viên gọi điện cho Công an Sóc Trăng để kiểm chứng thông tin mà ông Tô Hoàng Chương và Lâm Vông cung cấp. Người trực điện thoại yêu cầu phóng viên đến trụ sở cơ quan này để được cung cấp thông tin.

KKF lên án vụ đánh đập của Công an Việt Nam

Ở Việt Nam, người Khmer là dân tộc bản địa có lịch sử định canh định cư rất lâu dài, phân bố chủ yếu ở đồng bằng Sông Cửu Long. Họ được gọi Khmer Krom để phân biệt với người Khmer Campuchia.

Ông Tô Hoàng Chương cho biết người Khmer Krom sống hoà thuận với các sắc dân khác trong vùng nhưng họ bị phân biệt đối xử bởi chính quyền địa phương. Chính quyền không tổ chức lớp học tiếng Khmer cho con em của người Khmer Krom và trẻ em chỉ có thể đến học tiếng của dân tộc mình trong chùa của người Khmer.

Còn ông Lâm Vông cho biết, vợ ông là người Khmer đến từ Campuchia, đã sống ở Việt Nam trong 23 năm qua nhưng không được chính quyền địa phương cấp bất cứ giấy tờ gì.

Vào ngày 25/6, Liên minh Người Khmers Kampuchea Krom (KKF) có trụ sở ở Hoa Kỳ ra thông cáo báo chí lên án Công an tỉnh Sóc Trăng về "hành vi đối xử tàn bạo và vô nhân đạo" đối với ông Tô Hoàng Chương.

Thông cáo nói : "Vụ việc này minh họa rõ ràng việc nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng tra tấn và đe dọa trắng trợn đối với các cá nhân vận động cho quyền của người Khmer-Krom bản địa ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những hành động như vậy rõ ràng vi phạm các nghĩa vụ của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống Tra tấn, một hiệp ước mà quốc gia này đã phê chuẩn".

KKF khẩn thiết kêu gọi Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế can thiệp và gây áp lực buộc Chính phủ Việt Nam phải điều tra vụ tra tấn và ngược đãi ông Chương, và đưa những kẻ vi phạm ra chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhà chức trách Việt Nam phải cung cấp chăm sóc y tế cho ông Chương, bồi thường cho những tổn thương về thể chất và tâm lý gây ra cho ông bởi vụ tra tấn, thông cáo KKF viết.

KKF đồng thời trong thông cáo, thúc giục cộng đồng quốc tế kịch liệt tố cáo việc sử dụng tra tấn và nhiệt thành ủng hộ công lý, trách nhiệm giải trình và bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam.

Phóng viên có gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để đề nghị bình luận về thông cáo báo chí của KKF, nhưng chưa nhận được phản hồi.

Nguồn : RFA, 28/06/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 3927 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)