Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2023

Đảng bằng vai với Tổ quốc ?

Phạm Trần

"Trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và các thế lực thù địch tranh thủ mọi sơ hở của ta để chống phá thì việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước càng cần phải được coi trọng. Đó cũng là nhân tố bên trong quyết định sự thành bại của cách mạng, sự mất còn của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta" (Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 6/10/2014).

Đó là lập luận trong công tác "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới" của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) ngày 25/10/2013.

suythoai1

Cảnh báo về "suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống" - Ảnh minh họa : Khởi tố thêm các bị can trong vụ Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Tuy nhiên, khi đồng hóa nhiệm vụ "bảo vệ Tổ quốc" cũng là "bảo vệ Đảng" là sai lầm và ngụy biện.

Sai lầm vì Đảng chỉ là một tổ chức chính trị của 5.248.607
đảng viên trên tổng số
99.704.744 dân. Ngụy biện vì đã xếp Đảng ngang hàng với Tổ quốc.

Đảng còn mạo nhận khi viết trong Cương lĩnh bổ xung năm 2011 rằng : " Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử" (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011).

Câu hỏi đặt ra là : nhân dân nào đã bỏ phiếu trao quyền lãnh đạo cho Đảng, hay Đảng đã tự biên, tự diễn để chiếm quyền làm chủ đất nước của dân.

Điều này đã được lịch sử chứng minh khi ông Hồ Chí Minh, một cán bộ của Cộng sản Quốc tế đã du nhập Chủ nghĩa Cộng sản từ Nga vào Việt Nam năm 1925. Từ đó, các Cương lĩnh đảng đã quy định : "Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động" (Cương lĩnh 2011).

Đảng cũng đã "tự tung tự tác" khi tuyên bố : "Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội".

Điều này cũng được ghi trong Hiến pháp năm 2013 và các bản hiến pháp trước đây để "luật hóa" hành động độc tài cai trị không do dân bầu hay trưng cầu dân ý.

Cương lĩnh 2011 còn ngạo mạn rằng : "Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam ; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc".

Bảo vệ ai ?

Với lập luận nhập nhằng để tham lam vơ vào, bài viết của Tạp chí Quóc phòng toàn dân đã công khai : "Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội nói chung, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc  nói riêng thì Đảng phải mạnh". Nhưng Đảng cộng sản Việt Nam đã bộc lộ tha hóa và yếu kém trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là quốc nạn tham nhũng, tiêu cực và tình trạng suy th oái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo.

Từ những căn bệnh trầm kha này, Đảng nhìn nhận đã có một bộ phận "không nhỏ" cán bộ, đảng viên "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" quay lưng lại với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cai trị độc tôn của đảng.

Bằng chứng này được phản ảnh trên Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 6/10/2014 : "Những năm qua, bên cạnh những mặt mạnh, công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, ngày 16/1/2012) đã chỉ ra là : "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…". Các hiện tượng tham nhũng, lợi ích nhóm, mất đoàn kết nội bộ… tuy đã được khắc phục một bước, nhưng vẫn còn diễn ra, làm cho lòng tin của một bộ phận nhân dân vào Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Do đó, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), khi xác định mục tiêu bảo vệ Tổ quốc, ngoài mục tiêu chung, còn nhấn mạnh các mục tiêu cụ thể trong những năm trước mắt ; trong đó, mục tiêu đầu tiên là "Tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước ; ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Bước qua khóa đảng XII, Hội nghị Trung ương 4 được tổ chức để thảo luận "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ".

Nghị quyết bế mạc viết : "Công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu.

Nội dung sinh hoạt đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém.

Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu ; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái".

Nghị quyết còn cho biết : "Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm ; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao".

Đến khóa đảng XIII, một Trung ương 4 thứ 3 được tổ chức để bàn : "về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Nhưng thất bại vẫn chồng lên thất bại. Kỳ này đảng nói rẳng : "Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 vẫn còn hạn chế, khuyết điểm : Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa hiệu quả ; chưa phát huy đầy đủ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...".

Như vậy, qua ba kỳ Trung ương 4 của 3 khóa đảng XI,XII và XIII, Đảng cộng sản Việt Nam nói chung và cá nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoàn hoàn thất bại trong công tác "xây dựng, chỉnh đốn đảng". Cũng đáng chú ý là những thất bại to lớn này đều diễn ra trong thời gian cầm quyền của ông Trọng, người giữ chức Tổng bí thư từ khóa XI năm 2011.

Vậy nguyên nhân từ đâu ?

Tạp chí Quốc phòng toàn dân ngày 6/10/2014 trả lời : "Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế, khuyết điểm là do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình ; chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên ; không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, chưa gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân". 

Cố chịu đấm ăn xôi

Như vậy đã rõ ràng nhân dân không dính dáng gì đến những suy thoái của đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, nhưng vẫn phải nai lưng ra lao động nuôi đảng và chịu sự cai trị kìm kẹp của những kẻ thoái hóa. Vậy mà trong "chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", đảng vẫn kêu gào "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội" để kéo dài cai trị độc tài và phản dân chủ.

Với chiêu bài "mị dân", đảng hô hoán : "Chỉ có kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội nước ta mới có độc lập dân tộc thực sự và sự thực trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, chủ nghĩa xã hội đã thể hiện được tính ưu việt của nó, mặc dù mô hình này chưa có tiền lệ trong thực tiễn và cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Những năm qua, vấn đề dân tộc luôn được Đảng ta đặc biệt coi trọng và trên thực tế đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, nhất là đối với kiều bào ta ở nước ngoài".

Tuyên bố "đồng thuận trong nhân dân" cũng là do đảng đặt điều không có chứng minh. Còn chuyện "kiều bào ta ở nước ngoài" là lối nói vơ vào cho sang miệng. Nếu có cũng chỉ một thiểu số nhỏ nhoi trong tổng số trên 5 triệu người Việt đang sống ở 30 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Đảng còn vờ vĩnh tránh nói đến thất bại của chủ nghĩa cộng sản đang áp đặt ở Việt Nam qua cách nói : "Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau và ở đó chủ nghĩa xã hội chưa thể hoàn chỉnh ngay được, ngay cả các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta khái quát trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cũng chưa phải đã thể hiện được đầy đủ".

Đó là lý luận mập mờ và viển vông không có cơ bản, nhất là khi Cương lĩnh nhất quyết "nhét chữ vào miệng dân" khi viết : "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".

Không ngừng ở đó mà Đảng còn phét lác chói tai rằng : "Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội".

Vì vậy Đảng đã tung ra chiêu bài "quá độ lên chủ nghĩa xã hội" để kéo dài cầm quyền, nhưng vẫn không thoát khỏi 4 nguy cơ thách thức lớn mà Đảng đã nêu ra từ Hội nghị Đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ khóa VII (20 - 25/1/1994). Đó là : "Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế ; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa ; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội ; âm mưu và hành động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch". 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, khi còn là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã nói : "Các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bệnh cạnh đó có một số mặt diễn biến có tính chất phức tạp hơn" (Pháp luật online, ngày 01/02/2021). Như vậy, thất bại lãnh đạo của Đảng cũng là thất bại của "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", vì cán bộ đảng viên đã xa lánh đảng và không muốn bảo vệ đảng nữa.

Phạm Trần

(05/07/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 543 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)