Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/07/2023

Thời kỳ vàng son của những doanh nhân thành đạt đang chấm hết

Hà Nguyên, Hoàng Mai - Hàn Lam

Chính khách nào đang bị ‘đe dọa’ ?

Hà Nguyên, VNTB, 06/07/2023

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, hôm 8/7/2022 đã có "quyết định truy nã toàn quốc" đối với cựu kế toán trưởng AIC Đỗ Văn Sơn. Trong tờ quyết định này, phần "hệ loại tội danh" ghi "Kinh tế", phần "loại truy nã" là "Đặc biệt".

111111111111111111111

Tội phạm kinh tế đang bị truy nã Đỗ Văn Sơn được cho là đã đã từ nước ngoài trở về Việt Nam để đầu thú

Gần một năm sau đó, ở họp báo ngày 4/7/2023 tại Hà Nội, Người phát ngôn của Bộ Công an thông báo, "qua công tác nghiệp vụ, công tác hợp tác quốc tế về phòng chống tội phạm, mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiếp nhận Đỗ Văn Sơn, đối tượng bị truy nã trong đại án AIC, về đầu thú tại Cơ quan cảnh sát điều tra".

Như vậy, với những gì đang công khai có thể biết là ông Đỗ Văn Sơn đã từ nước ngoài trở về Việt Nam để đầu thú. Đây có thể là điều bất ngờ về chuyện "tự giác", bởi phần lớn những ai bị nhà chức trách coi là "tội phạm kinh tế", họ thường tìm cách đến những quốc gia không ký hiệp ước dẫn độ, hoặc ít có quan hệ hợp tác dẫn độ tội phạm với đất nước họ đang bị truy tố.

Danh sách các nước được giới tội phạm kinh tế chọn làm "bãi đáp" tương đối đa dạng, trải rộng trên khắp thế giới ; trong đó có cả Mỹ, nơi được cho là lựa chọn số một của giới làm ăn từ Việt Nam.

Hồi tháng 11 năm ngoái, tại buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm đã tiếp tục đề nghị chính phủ Hoa Kỳ "thúc đẩy việc sớm ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự, Hiệp định Dẫn độ, Hiệp định Chuyển giao người bị kết án phạt tù nhằm tạo khuôn khổ pháp lý góp phần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thực thi pháp luật giữa hai bên".

Theo đó, "Tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác điều tra, truy bắt, bàn giao tội phạm phục vụ cho công tác truy tố, xét xử của mỗi nước trên nguyên tắc phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, không để các đối tượng phạm tội, đặc biệt là tội phạm về kinh tế, lợi dụng Hoa Kỳ làm địa bàn lẩn trốn", Bộ này dẫn lời ông Lâm cho biết thêm trên cổng thông tin của Bộ Công an.

Ông Tô Lâm đưa ra yêu cầu này giữa lúc Bộ Công an bắt bớ hàng loạt các chủ doanh nghiệp lớn trên khắp đất nước, bao gồm những người có tầm ảnh hưởng nhất Việt Nam, trong nỗ lực của Bộ Chính trị về bài trừ tham nhũng và phanh phui những "đại án" kinh tế.

Vào tháng trước đó nữa, khi tiếp ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng đưa ra đề nghị tương tự.

Tin tức vào thời điểm đó hướng đến chuyện Hoa Kỳ là nơi mà một số nhân vật bị truy nã trong vụ Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) đang "dung thân". Theo lệnh truy nã thì doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã bỏ trốn từ ngày 19/6/2021. Bà Nhàn được cho là "nhân vật quan trọng" trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng vũ khí giữa Israel và Việt Nam trong thập niên qua.

Bà Nhàn cũng được đồn đoán là "bóng hồng" của Thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính. Ông Đỗ Văn Sơn, người vừa được cho là "ra đầu thú", là thuộc hạ thân tín và nắm giữ nhiều bí mật kinh doanh của AIC trong các chuyện làm ăn chốn hậu trường của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Ngày 4/1/2023, bà Nguyễn Thị Nhàn bị kết án vắng mặt 30 năm tù, 16 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 14 năm tù về tội đưa hối lộ. Giới làm ăn cho biết doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn sử dụng thành thạo bốn ngoại ngữ trong giao tiếp, là : tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Nhật.

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 06/07/2023

************************

Doanh nhân Nguyễn Cao Trí đang đối mặt án hình sự ?

Hoàng Mai, VNTB, 06/07/2023

Ngày 4/7/2023, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết đã có văn bản gửi các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn về việc ngăn chặn giao dịch đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí (sinh năm 1970), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh.

222222222222222222222

Doanh nhân Nguyễn Cao Trí đã bị ngăn chặn giao dịch nhà đất, tài sản ở Lâm Đồng.

Trước đó, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng nhận được văn bản của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) thông báo đang tiến hành điều tra vụ án theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 14/10/2022 ; Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 15/1/2023. Kết quả điều tra xác định, ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970, trú tại quận 3, TP Hồ Chí Minh), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh, có liên quan tới vụ án.

Thực hiện công tác phối hợp, Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn không thực hiện việc công chứng các hợp đồng giao dịch mua, bán, chuyển nhượng, tặng, cho… đối với tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của ông Nguyễn Cao Trí cho tới khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan vụ án trên, ngay sau khi tin tức về Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 15/1/2023, rất nhanh sau đó ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) công bố thông tin về việc thay đổi nhân sự hội đồng quản trị. Theo đó, Saigonbank công bố thông tin bất thường ông Nguyễn Cao Trí – thành viên Hội đồng quản trị Saigonbank nhiệm kỳ 2019-2024 – mất tư cách, không còn là thành viên Hội đồng quản trị ngân hàng này kể từ ngày 19/1/2023 theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, Saigonbank không nêu lý do ông Trí mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị.

Ông Nguyễn Cao Trí bắt đầu tham gia vào Hội đồng quản trị Saigonbank vào tháng 10-2021 sau khi mua gần 580.000 cổ phiếu Saigonbank, tương đương 0,19% vốn điều lệ ngân hàng này vào tháng 6-2021.

Theo tài liệu của Saigonbank, ông Nguyễn Cao Trí là thạc sĩ Quản trị kinh doanh, tiến sĩ kinh doanh và quản lý. Ông Trí từng đảm nhiệm các chức vụ : Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Địa ốc Bến Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Capella, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Salla, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lâu Đài Ven Sông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Lothamilk…

Liên quan vụ việc ở tỉnh Lâm Đồng, trước đó, Chánh Thanh tra tỉnh này là ông Nguyễn Ngọc Ánh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam ngày 10-3-2023, để điều tra làm rõ hành vi "Nhận hối lộ". Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất hình thức kỷ luật đề xuất Trung ương khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Ánh.

Sai phạm của ông Nguyễn Ngọc Ánh được cho là liên quan đến việc chỉ đạo, kết luận thanh tra về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, giao rừng tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (hay còn gọi là Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt) trên địa bàn Lâm Đồng.

Dự án này được giới thiệu có diện tích lên tới hơn 3.500ha, tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, tọa lạc tại huyện Đức Trọng, cách thành phố Đà Lạt khoảng 45km về phía Nam. Ông Nguyễn Cao Đức, em ruột của ông Nguyễn Cao Trí cũng nắm 51% cổ phần của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh.

Tại Kết luận thanh tra 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh.

Bàn luận quanh vụ việc trên, theo nhận xét của một luật sư chuyên về tham vấn pháp luật kinh tế, thì môi trường làm ăn ở Việt Nam luôn buộc phải "bôi trơn" cho hầu hết mọi thủ tục.

Tuy nhiên khi một mắt xích nào đó bị trở ngại từ ảnh hưởng của phe nhóm quyền lực, thì chuyện "bôi trơn" này không còn được coi là "vận động hành lang – lobby" nữa, mà là vấn đề của vi phạm pháp luật hình sự. Chính lằn ranh đó khiến nhiều doanh nhân vướng lao lý đến mức nhận cả án tử hình oan khuất như Tăng Minh Phụng chẳng hạn.

Hoàng Mai

Nguồn : VNTB, 06/07/2023

************************

Doanh nghiệp khốn khó – nhờ ơn Đảng và nhà nước

Hàn Lam, VNTB, 05/07/2023

Sáng 4/7, tại hội thảo khoa học "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) trình bày tham luận "Góp ý xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) : Cần đánh giá kỹ lưỡng tác động trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật để chính sách đi vào cuộc sống".

11111111111111111111111

"Mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo"

Tham luận của luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh có đoạn :

"Khi điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách cần quan tâm, hướng tới 3 mục tiêu : mục tiêu thứ nhất là "Điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khỏe con người" ; mục tiêu thứ hai là "Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước ổn định, bền vững" ; và mục tiêu thứ ba là "Đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và doanh nghiệp, bảo vệ ngành đồ uống trong nước".

Thực tế hiện nay và dự báo trong thời gian tới, ngành rượu bia đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn khiến sản lượng sản xuất, tiêu thụ bia sụt giảm, tốc độ tăng trưởng âm, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành. Trong bối cảnh đó, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Chính phủ để có thể duy trì sản xuất, phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm rượu bia thương hiệu Việt mà họ đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới".

Liên quan tình hình kinh tế trong vấn đề đảm bảo nguồn thu ngân sách qua các chế độ thuế khóa, cũng trong ngày 4/7, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những thông tin về tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và dự báo kịch bản tăng trưởng quý III và của cả năm.

Cụ thể, có 2 kịch bản được vị Bộ trưởng đưa ra. Trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6% ; tăng trưởng quý III đạt 6,8%, quý IV đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01 của Chính phủ), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.

Kịch bản 2, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5% ; tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Với hai nhận định từ phía quan chức chính phủ và phía đại diện hội đoàn, theo một ghi nhận của ông Nguyễn Mại – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài – thì có thể thấy rằng điểm chung là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đang vô cùng khó khăn.

"Doanh nghiệp khốn khổ không thể tưởng tượng được. Không có tiền trả cho ngân hàng, cho lao động nên doanh nghiệp phải sa thải lao động. Không có tiền mua nguyên vật liệu, nên có khách hàng, doanh nghiệp cũng không sản xuất được. Câu chuyện hiện nay là của các bộ ngành cùng Chính phủ, Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố nên tập trung vào để giải cứu doanh nghiệp.

Trong tình hình hàng chục vạn doanh nghiệp đang chết yểu, ai lại nghĩ đến chuyện đưa ra giải pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lúc này. Do vậy, thời điểm này không nên đưa ra bất kỳ chủ trương chính sách về tăng bất kỳ loại thuế nào" – ông Nguyễn Mại khuyến nghị.

Ông Nguyễn Đình Cung, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng ba năm qua, doanh nghiệp đang bị ba "cú đạp, cú đấm" liên hồi. Cú đạp thứ nhất là dịch Covid-19 bùng phát. Cú đạp tiếp theo là ảnh hưởng của bên ngoài khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm và lạm phát gia tăng.

Cú đạp thứ ba là thủ tục hành chính trước đây cải cách bao nhiêu thì giờ chồng lên bấy nhiêu. Nên môi trường kinh doanh không có cơ hội cải thiện.

Với các cú đấm, cú đạp liên tục như thế, doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động.

…Xem ra tất cả các vấn đề mà "ai cũng thấy, cũng biết" như trước, cần được người đứng đầu Bộ Chính trị đưa ra được quyết sách xử trí theo đúng như những gì mà Hiến pháp đã dành cho Đảng cộng sản Việt Nam "quyền độc quyền" trong "lãnh đạo toàn diện" về kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Bởi, "đã có Đảng và nhà nước lo" không thể chỉ dừng lại là một khẩu hiệu tuyên truyền cổ động chính trị.

Hàn Lam

Nguồn : VNTB, 05/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên, Hoàng Mai, Hàn Lam
Read 132 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)