Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/07/2023

Chất lượng giáo dục Việt Nam : tại sao lại xuống cấp ?

Song May Quốc Phương

Giáo dục Việt Nam : Từ lời khen của The Economist đến thực tế nhọc nhằn

Song May, BBC, 10/07/2023

Cuối tháng 6/2023, trang The Economist danh tiếng của Anh đã đánh giá về trường học ở Việt Nam, coi đó là nền giáo dục thuộc nhóm "tốt nhất thế giới".

Đánh giá này được truyền thông Việt Nam hân hoan đưa tin và không bình luận. Còn các bậc phụ huynh thì ngỡ ngàng, không thể tin nổi, vì thực tế việc học của các con là sự tranh đấu mệt mỏi của họ và các đứa trẻ.

giaoduc1

Trẻ em Việt Nam học thêm tốn kém từ lúc chuẩn bị vào lớp 1 đến lớp 12

Không rõ nông thôn thì sao chứ ngay Sài Gòn, từ hơn 20 năm nay, tất cả trẻ đang học năm cuối mẫu giáo (5 tuổi) đều phải học thêm tiếng Việt và toán. Tùy sự chọn lựa của phụ huynh, nếu đưa trẻ đến tư gia của giáo viên, học phí từ 300.000 đồng/môn – 600.000 đồng/hai môn/tháng ; còn nếu mời giáo viên đến nhà dạy, học phí tính theo giờ, 200.000 đồng/giờ là thấp nhất.

Trong xóm tôi, một bé gái 5 tuổi học mẫu giáo về nhà là bị mẹ giục tắm rửa, ăn uống, để kịp đến nhà cô giáo học thêm. Cháu học mẫu giáo từ 7 giờ – 16 giờ chiều, sau đó từ 18 giờ - 19 giờ học thêm ở nhà cô giáo, từ thứ Hai tới thứ Sáu. Ngày nào cháu mải mê chơi với bạn là người mẹ la ó um sùm, thúc giục cháu ăn cho nhanh, nhằm đạt mục tiêu con gái biết đọc, biết viết và biết cộng trừ khi vào lớp 1.

Anh hai của bé gái năm nay học lớp 4, sau giờ học ở trường là học thêm toán, Anh văn và võ thuật, từ thứ Hai – thứ Sáu. Có hôm hơn 20 giờ mới thấy cậu bé lếch thếch về nhà trong bộ dạng mệt mỏi. Một tháng tiền học thêm của cậu bé 2.000.000 đồng, đắt nhất là môn Anh văn.

Người mẹ của hai đứa trẻ than thở : "Một tháng, tiền ăn uống, sinh hoạt và học hành của hai đứa là 20 triệu đồng". Hai đứa nhỏ đều học trường công gần nhà mà đã tốn thế rồi.

Một người hàng xóm khác có hai con học lớp 9 và lớp 12, thì than van tiền học thêm là nặng nhất. Hai đứa học trường công nửa buổi, nửa buổi còn lại học thêm văn, toán, Anh văn. Tiền học thêm của hai cháu từ 8 – 10 triệu đồng/tháng, đến tháng cuối cùng ôn thi, tiền học thêm vọt lên gấp đôi, do thầy cô tăng học phí.

Khi tôi hỏi : Tại sao phải cho các cháu học thêm ? Cháu không tự học được sao ? – thì cha cháu trả lời : "Thầy cô giảng trên lớp vắn tắt lắm, con em muốn hiểu và làm bài được thì phải học thêm".

Trẻ em chung quanh xóm tôi đứa nào cũng học tối tăm mặt mũi từ sáng sớm đến tối mịt. Còn mùa hè thì sao ? Đứa nào may mắn thì được cha mẹ cho nghỉ một tháng, sau đó thì phải đi học trước chương trình của niên học tới. Và cứ thế, cho đến khi bọn trẻ vào đại học.

Thiếu trường công, thiếu giáo viên, chất lượng giảng dạy không đồng đều

Hình ảnh các bậc phụ huynh Hà Nội chen chúc nộp hồ sơ từ nửa đêm để giành một chỗ học cho con ở lớp 6 và lớp 10 tràn ngập báo mạng trong nước hồi tháng 6 và đầu tháng 7/2023.

Niên khóa 2023-2024, học sinh vào các lớp đầu cấp ở Hà Nội tăng gần 51.000 em, trong đó lớp 6 tăng 38.800 em, còn lớp 1 tăng 11.600 em. Cũng vì thiếu trường công mà niên học tới, Hà Nội có hơn 30.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 9) không được học lớp 10 trường công.

VnExpress ngày 31/8/2022 khảo sát riêng quận đông dân nhất Hà Nội là Hoàng Mai (538.000 dân, mật độ 13.000 người/km2) thì đã thiếu 36 trường : 22 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 01 trường trung học cơ sở.

Với hơn 79.600 học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập, tất cả các lớp học ở quận Hoàng Mai đều có sĩ số vượt quy định, thậm chí có trường tiểu học phải chia phiên học, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật. Tệ hơn, có trường mầm non công lập phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm chỗ học, ai may mắn bốc được "Phiếu vào lớp" thì giống như trúng số, vì con được học gần nhà, sân chơi rộng với giá học phí thấp hơn trường tư.

Số học sinh khối trường công lập tăng 6% mỗi năm, nhưng từ 2015 đến nay, số giáo viên không tăng, nên hiện nay Hà Nội còn thiếu gần 9.000 giáo viên, Tiền Phong cho biết. Trong đó, số giáo viên còn thiếu ở bậc mầm non là 1.325 ; bậc tiểu học : 3.634 ; bậc trung học cơ sở : 2.684 ; bậc trung học phổ thông : 1.296 giáo viên.

Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn là vấn đề chung của Việt Nam. Theo Lao Động ngày 30/9/2022, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên. Dù có chỉ tiêu tuyển thêm giáo viên, các trường vẫn bất lực vì thu nhập của giáo viên quá thấp : thu nhập trung bình của giáo viên mầm non sau năm năm đạt 4,5 đến 4,7 triệu đồng/tháng (USD190 – USD198/tháng), đã gồm phụ cấp và thâm niên ; còn giáo viên mới chỉ nhận lương khoảng 3 triệu đồng/tháng (USD126) trong hai – ba năm đầu.

Trong 9 tháng của năm 2022, Việt Nam có khoảng 16.000 giáo viên bỏ việc, trung bình 100 giáo viên thì có một người bỏ việc, tỷ lệ 1%. Trong khi số lượng giáo viên ngày càng thiếu, số học sinh lại tăng. Theo VietnamNet ngày 28/8/2022, trong 6 năm qua, cả nước giảm 48.100 giáo viên trực tiếp đứng lớp ở bậc phổ thông, nhưng số học sinh lại tăng hơn 2,5 triệu :

Không chỉ thiếu trường công, thiếu giáo viên, phẩm chất đào tạo của trường tiểu học, trung học ở Việt Nam cũng không đồng đều. Chỉ nhìn cảnh phụ huynh Hà Nội thức trắng đêm chờ nộp hồ sơ lớp 6 và lớp 10 cho con ở một số trường là đủ thấy.

Còn một bà mẹ trẻ ở Sài Gòn thổ lộ trường tiểu học gần nhà giáo viên dạy dở, nên cô tìm cách cho con vào lớp 1 ở trường tiểu học điểm của quận. Nhờ gia đình quen biết với chủ tịch phường, con gái cô được nhận.

Chung quanh nhà tôi, có vài người đưa cháu ở quê lên Sài Gòn học lớp 9 để chuẩn bị vào lớp 10 công lập. Ngay cả dân tỉnh thuê phòng trọ ở Sài Gòn để mưu sinh cũng cố đưa con vào Sài Gòn học lớp 9. Lý do của họ : Học trung học ở tỉnh rất khó vào đại học tốt ở Sài Gòn.

Bảng điểm toàn loại giỏi và xuất sắc, không rõ được thực lực

Cuối tháng 5, mùa bế giảng niên học, trên Facebook các bà mẹ lập tức tràn ngập bảng điểm của các con. Thật khó tin, khi môn văn có em đạt 9 – 9,5.

Nếu chỉ nhìn vào học bạ của học sinh Việt Nam năm cuối cấp (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) sẽ thấy điểm số trung bình nhiều môn trên 9 – 9,9. Các trường đại học (Đại học) tuyển sinh sinh viên năm nhất dựa theo học bạ đã phải sửng sốt khi nhìn điểm số các em đạt được gần như tuyệt đối, toàn học sinh xuất sắc, hiếm có học sinh khá hay trung bình.

Tuổi Trẻ ngày 31/5/2023 ví dụ trường Đại học Tài Chính – Marketing (Sài Gòn), trường Đại học Công nghiệp (Sài Gòn), trường Đại học Kinh Tế (Sài Gòn), nhiều thí sinh có điểm xét tuyển học bạ ba môn từ 27 điểm trở lên, tức bình quân mỗi môn 9 điểm, trong đó nhiều môn đạt điểm gần tuyệt đối như Toán 9,8, Vật lý 9,9, Ngoại ngữ 9,8.

Tại khu vực miền Trung, số thí sinh xét tuyển vào trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cũng có điểm học bạ trung bình các môn từ 9 – 9,6. Một học sinh trường chuyên được xét tuyển vào Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), có điểm trung bình các môn trên 9,3, ngay cả môn văn cũng đạt 9,4, toán và lịch sử đạt 9,6.

Tờ báo này dẫn lời ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Sài Gòn) cho rằng học sinh trung học có điểm số cao là do… công nghệ phát triển, học sinh tìm kiếm được nhiều kiến thức cho bài học của mình, khi làm tốt sẽ được cộng thêm điểm. Điều kỳ lạ nhất là trước đây mỗi môn chỉ có một bài kiểm tra hằng tháng, nhưng hiện nay có nhiều bài kiểm tra, điểm bài nào cao nhất mới được ghi vào sổ (!)

Dước góc nhìn phụ huynh, ông Quang Phú (ngụ Sài Gòn) thẳng thắn : "Chúng ta dần dần áp dụng cách của nước tiên tiến là xét tuyển sinh viên đại học qua học bạ thay cho thi cử, những tưởng qua học bạ thì đánh giá đúng sức học trong ba năm của học sinh. Nhưng ai cũng biết điểm ở trường có "số phận" như thế nào. Khi con tôi đạt điểm trung bình hay khá, cô giáo bảo con tôi làm lui làm tới để được điểm cao, để lớp xuất sắc theo thành tích trường giao. Đó là chưa kể trường hợp "này nọ" để có điểm đẹp".

Điều hề nhất là dù điểm học bạ đẹp như mơ, nhưng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của học sinh luôn thấp, đó là kết quả so sánh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sự chênh lệch giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ cao nhất thuộc về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên.

Kết quả này chính xác, cho thấy điểm số trong học bạ không phản ảnh sức học của học sinh Việt Nam. Giống như các tân cử nhân, kỹ sư… tốt nghiệp các trường Đại học Việt Nam vẫn khó tìm được việc làm, vì không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các công ty.

Thế nên, lời khen của The Economist chưa chính xác, vì không nắm rõ được thực tế ở Việt Nam. Năng lực học sinh Việt Nam hiện không thể đánh giá được nếu chỉ căn cứ vào bảng điểm, cũng như không thể nhìn vài học sinh đi thi quốc tế đạt thành tích cao mà kết luận Việt Nam có nền giáo dục tốt nhất thế giới.

Nếu giáo dục Việt Nam tốt nhất thế giới thì đã không có cụm chữ "tỵ nạn giáo dục", khi hằng năm, người Việt chi 3-4 tỷ USD cho con du học ở các nước tư bản, nhiều nhất là Nhật Bản, Úc và Mỹ.

Riêng ở Sài Gòn, xu hướng cho con du học ở Anh, Úc và Mỹ ngay từ khi vào lớp 10 đang ngày càng gia tăng.

Nền giáo dục "tốt nhất thế giới" mà sao cứ phải chạy ra thế giới để học lên nữa ?

Song May

Nguồn : BBC, 10/07/2023

**************************

Học sinh Hà Nội ‘thiếu chỗ học’ ở trường công : "Nếu thiếu thật, thì đúng là bất cập" :

Quốc Phương, RFA, 07/07/2023

Ba mươi ba nghìn học sinh ở Hà Nội trượt công lập và bài toán ‘ai cũng được học hành’ sẽ thế nào là vấn đề mà một bài báo trên trang VietnamNet , hôm 07/7/2023, đưa ra, nêu thực trạng về giáo dục tại thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

giaoduc2

Bức ảnh chụp năm 2020 ghi cảnh học sinh cấp 3 chơi trong sân trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành, Hà Nội (HMH) AFP/Tran Thi Minh Ha & Alice Philipson

Giáo dục Việt Nam : "nóng hơn bao giờ hết"

Trước đó, hôm 05/7, cũng trên báo mạng thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông này của Việt Nam, một bài báo khác với tựa đề "Phụ huynh Hà Nội trắng đêm giành suất lớp 10 cho con : Sở Giáo dục và đào tạo nói gì ?" , cho hay tìm suất vào lớp 10 cho con đang là câu chuyện ‘nóng hơn bao giờ hết’ cho các phụ huynh và gia đình học sinh tại Hà Nội những ngày gần đây. Trình trạng này, theo VietnamNet, đã được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội – ông Trần Thế Cương ‘thừa nhận’ và cho biết thêm năm nay càng diễn ra ‘căng thẳng’ hơn.

Vẫn theo quan chức lãnh đạo ngành giáo dục của Hà Nội, "mạng lưới trường học tại Hà Nội phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh" và rằng bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công, trường tư thục, phụ huynh và học sinh còn có thể tham khảo trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp v.v…

Hôm thứ Sáu, 07/7, báo Thanh Niên Online trong bài viết "Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội : Không thiếu trường lớp, sao vẫn xếp hàng trắng đêm ?"  cũng dẫn lời ông Trần Thế Cương khẳng định quả quyết rằng "Hà Nội không thiếu chỗ học. Hiện nay trên địa bàn TP có 2.845 trường học, trong đó 79% là trường công. Các trường học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập cho 2,3 triệu HS thủ đô".

Ông Cương được tờ Thanh Niên dẫn lời xác nhận Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội và các sở, ngành khác tham mưu cho UBND Thành phố "cập nhật, tích hợp chung vào quy hoạch thủ đô tầm nhìn 2030 – 2050" ; phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên – Môi trường, Ủy ban Nhân dân các quận huyện, thị xã của thành phố "để dành quỹ đất triển khai xây trường học", đồng thời "xem xét, thu hồi" các dự án chậm triển khai để xây dựng các trường học trong nội đô còn thiếu trường học.

Từ quan sát của mình, báo Dân Trí Online cùng ngày thứ Sáu đặt câu hỏi : "Có thật Hà Nội không thiếu chỗ học cho mọi sĩ tử thi lớp 10 ?" , và cho biết năm 2023, Hà Nội có 129.210 học sinh lớp 9 trong khi tổng chỉ tiêu tuyển sinh của hệ công lập, công lập tự chủ, tư thục và giáo dục thường xuyên là 112.654. Theo đó, trong bài viết trên báo Dân Trí, một câu hỏi được đặt ra là ‘vậy 16.646 học sinh còn lại sẽ học ở đâu ?’.

 ‘Nếu ở giáo dục phổ cập xảy ra vấn đề thì cần xem lại’

Hôm 07/7, từ Toulouse, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Long, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra bình luận với Đài Á Châu Tự do về vấn đề trên, ông nói :

"Ở đây, nếu việc đăng ký vào một số trường tốt mà có một số lượng hạn chế, thì tôi không nói làm gì, nhưng nếu giáo dục phổ cập mà để vấn đề như thế xảy ra, tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại. Còn nếu không, như có việc xếp hàng dài để xin học vào các trường học, trong trường hợp đó là các trường tốt, trường điểm, tôi không ngạc nhiên, bởi vì những chuyện này ở Châu Âu, hay ở nhiều nơi khác, ở đâu cũng có.

Chúng ta hay nói rằng ở Châu Âu, người ta phát triển, học hành hết sức tự do và thoải mái, xin thưa rằng đó là với giáo dục phổ cập. Thế còn với giáo dục tinh hoa, họ cũng như ở Việt Nam thôi, họ rất khắt khe, và họ tuyển đầu vào cũng khó, và các cháu vào học rồi, học cũng khó.

Thậm chí ngay những trường tốt như ở Pháp ngày xưa, mà người ta chưa thay đổi, tức là người ta chỉ nhập theo điểm cao, thì các cháu học sinh phải thi tuyển với điểm rất cao. Thế nhưng, bây giờ các trường tốt đó đã có sự thay đổi, họ chấp nhận là các cháu học sinh ở trong khu vực, có thể được nhận vào.

Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Long đưa ra dẫn chứng tại các nước ở Châu Âu, như Cộng hòa Czech hay Pháp, mà ông biết thông qua bạn bè, rằng ở những quốc gia tiên tiến đó, người ta cũng sẵn sàng thuê một cái nhà cạnh trường, chỉ để lấy địa chỉ để đăng ký vào trường cho con họ. Ông nói tiếp về câu chuyện ở Việt Nam :

"Ở đây, ý tôi muốn nói thêm là nếu thực sự thiếu thì cần phải sửa đổi, cải tiến. Nhưng tôi cũng nhận thấy là tại sao các năm trước không đến nỗi nào mà năm nay lại thiếu đến 33.000 chỗ ? Đây là một con số không nhỏ, cần phải chờ đợi thêm phản biện từ phía cơ quan chức năng, nhưng nếu "thiếu thật" thì rõ ràng là bất cập.

Mặt khác, tôi cũng thấy rằng đúng là giải quyết vấn để này không thể mau sớm mà được ngay. Vấn đề đã có từ những nhiệm kỳ trước, còn công việc là bây giờ phải gấp rút xử lý, mà chắc là phải làm từng bước. Tôi xin nói thêm là ngay ở Pháp, cũng bị tình trạng thiếu trường.

Bây giờ Pháp vẫn đang mở thêm các trường cấp hai và cấp ba mới ở nhiều nơi và việc này thì cũng lô-gic thôi. Dân số đông lên, trong đó có mức sinh tăng nhiều hơn, thì phải tăng thêm trường.

Còn nói chung, trong việc quy hoạch giáo dục, trường sở, bao giờ cũng phải gắn với dự báo nên có tính thời hạn. Ở đây, tôi nghĩ thuần tuý là do năng lực dự báo có thể cần nâng cao hơn, mà chưa hẳn là vấn đề thể chế, bởi vì không ai muốn thấy các vấn đề xã hội trở nên bức xúc cả".

Nguyên nhân do đâu ?

Từ Sài Gòn, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực chất lượng và nghiên cứu quản lý giáo dục nêu quan điểm riêng của mình, bà nói :

"Trước hết, nếu tính về chỗ học cho người cần đi học, ở Việt Nam, ngoài hệ chính quy, tức là phải đúng tuổi và thi vào như kỳ thi vừa rồi, còn có hệ bổ túc văn hóa, hệ này, về mặt bằng cấp và đối xử, hoàn toàn được xem ngang bằng, không có phân biệt gì hết. Nhưng ở Việt Nam, nhiều người không xem xét hệ này, tất nhiên nhiều người không muốn cho con cái của mình đi học hệ bổ túc, là hệ hơi ‘trật’ ra ngoài một chút, trong đó có việc học ở ngoài giờ bình thường ban ngày nữa. Thành ra nếu mà nói là ‘có đủ chỗ học’, tôi nghĩ là đủ chỗ học, chứ không đến nỗi không có đủ chỗ học.

Nhưng tại sao tình trạng ở Hà Nội lại căng thẳng như thế, tôi nghĩ do phụ huynh ở Hà Nội có một tâm lý khá cạnh tranh, tức là muốn con cái vào những trường tốt nhất, mà tốt nhất đối với Hà Nội, trước hết đó phải là trường công. Trường công thì thường có bề dày về giáo dục được công nhận và cũng có một số trường công được đầu tư tốt hơn. Trường công theo nghĩa nữa là trường danh tiếng, thì còn có đầu tư về cơ sở vật chất. Trường điểm, trường đạt chuẩn quốc gia được đầu tư cao hơn trường bình thường, cho nên tôi nghĩ cạnh tranh là ở chỗ đó và thiếu là thiếu ở loại trường đó, còn tính chung tất cả loại hình trường, tôi nghĩ là không thiếu. Và căng thẳng là căng thẳng do cạnh tranh khi mọi người muốn con cái vào những chỗ mà mọi người tin là tốt nhất".

Về điều gì có thể nên được cân nhắc để giúp giải quyết, giải tỏa vấn đề và các áp lực, bà Vũ Thị Phương Anh nói tiếp với RFA Tiếng Việt :

"Tôi nghĩ rằng đã là trường công, không nên tạo sự phân biệt giữa những trường công với nhau. Trường công thì nên đa số thuộc loại đủ chất lượng, nhưng cao hơn trung bình một chút, có một số trường ưu tú, năng khiếu cho những học sinh có năng khiếu thực sự, còn ngoài ra, nếu cần, thì đầu tư một số trường năng khiếu rất đặc biệt, nhưng ít thôi. Điều này sẽ giúp giải tỏa vấn đề trên, đồng thời cũng giải tỏa được vấn đề áp lực kinh phí đầu tư, đầu tư cho các trường điểm thường tốn kém hơn nhiều cho các trường trung bình khá. Mặt khác, việc này cũng giúp cho cha mẹ học sinh bớt đi chuyện cạnh tranh, giành những trường tốt nhất cho con mình, việc mà do chính thế đã tạo ra áp lực cho các em học sinh. Chẳng hạn như có người nói : "Con phải vào được trường Lê Hồng Phong !" ở Sài Gòn, hay là "Con phải vào được trường ‘năng khiếu’ kia" cũng ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay nơi khác v.v… Và nếu con họ không vào được các trường đó thì cứ như thể là mọi sự đã bị hỏng hết, tạo thành một áp lực rất khủng khiếp với các học sinh, học trò.

Tôi đọc báo thấy có trường hợp có em học sinh thi không được, đã bỏ nhà ra đi. Việc đó, theo tôi rất đáng trách đối với một số người lớn và không nên như thế. Ngoài ra, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một điều nữa rằng những nơi có nhiều người dân nhập cư, thì có thể hiện tượng thiếu chỗ học là đúng vì thường vấn đề người nhập cư có tính biến động, trong khi kế hoạch đào tạo của địa phương có thể không đủ cập nhật. Nếu khối tư nhân (giáo dục tư thục, trường tư…) nhanh nhạy thì có thể đáp ứng được chỗ thiếu này. Nhưng ở Hà Nội thì khối tư nhân có vẻ lại không nhanh nhạy bằng ở Sài Gòn, nên có tình trạng thiếu chỗ học như năm nay", Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nêu quan điểm riêng với RFA tiếng Việt hôm 07/7/2023 từ Sài Gòn.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 07/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Song May, Quốc Phương
Read 295 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)