Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/07/2023

Suy thoái, căn bệnh trầm kha của Đảng cộng sản

Phạm Trần

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam khoe nhờ "nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã góp phần khắc phục các khuyết điểm tồn lại kéo dài, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng".

suythoai1

Đảng đã cảnh giác hãy lấy bài học tan rã của Liên bang Xô viết năm 1992 làm gương

Đảng nói vậy mà không phải vậy cho nên dân gian mới nói : "Đừng nghe những gì Đảng nói mà hãy nhìn kỹ những gì Đảng làm" (nói theo câu tuyên bố bất hủ của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu : "Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỷ những gì cộng sản lảm".

Nhưng tại sao tình trạng "suy thoái tư tưởng chính trị", được nhìn nhận từ Hội nghị Trung ương 6 (lần 2, năm 1999), khóa đảng VIII thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, đến nay, 24 năm sau vẫn tồn tại, có mặt còn gay gắt, lan rộng trọng nội bộ ?

Bởi vì ngay từ năm 2012, Đảng đã nhìn nhận : "Việc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện còn những hạn chế nhất định", chẳng hạn như : "Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên về tự phê bình và phê bình chưa sâu sắc hoặc thiếu tự giác nhận khuyết điểm, trách nhiệm trong công việc ; ở một số nơi nền nếp, chế độ tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm : "Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức ; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi ; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao". Việc thực hiện các nội dung, quy trình tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng chưa thật sự nghiêm túc, ảnh hưởng đến chất lượng tự phê bình và phê bình. Một số cấp ủy chưa coi trọng và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình và phê bình ; chưa nhìn nhận đúng khuyết điểm và trách nhiệm của mình trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể. Có tình trạng, tổ chức đảng, người có nhiều ưu điểm chưa được động viên khen thưởng thỏa đáng ; trái lại, người có khuyết điểm nhưng vẫn được đánh giá là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được khen thưởng, đưa vào quy hoạch…".

Như vậy thì có lung tung, hằm bà lằng không ? Căn cứ theo Đảng viết thì "cá nhân chủ nghĩa", tự ý làm theo ý muốn của mình và bất tuân lệnh Đảng đã tràn lan, không ai bảo được ai nữa.

Theo lời báo Đảng, đảng viên đã : "Dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây là biểu hiện rõ nét nhất, tập trung nhất của suy thoái tư tưởng chính trị. Từ dao động dẫn đến hoài nghi, không tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, không kiên định lập trường, quan điểm, làm xuất hiện chủ nghĩa cơ hội".

Ngoài ra họ còn : "Không tích cực học tập, nghiên cứu lý luận. Không ít cán bộ, đảng viên tự thỏa mãn, bằng lòng với trình độ đã có, những nhận thức đơn giản, chung chung về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Học chủ yếu để lấy bằng để đủ điều kiện đề bạt, cất nhắc, nâng ngạch…" (báo Xây dựng Đảng ngày 12/8/2012).

Nghiêm trọng hơn, báo Xây dựng Đảng cho biết những kẻ suy thoái còn dám : "Phủ nhận thành quả do cách mạng đem lại. Dạng này xảy ra ở khá nhiều người, họ thường ca cẩm về sự thiếu thốn, lạc hậu của đất nước, chê bai đất nước và con người Việt Nam. Cao hơn là công khai bày tỏ sự nuối tiếc vì đã theo cách mạng, lãng phí thời gian tuổi trẻ của mình. Tư tưởng này thường hay dẫn đến việc xét lại quá khứ, nặng về phê phán, chỉ trích các khuyết điểm mà không tính đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Từ đó dẫn tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận sự đúng đắn của đường lối".

Từ hành động quay lưng lại với Đảng, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin và coi thường lời dạy của ông Hồ Chí Minh, vô số đảng viên đã tìm đường "tham nhũng" để kiếm sống, vì tham nhũng đã trở thành "lẽ sống" để tồn tại trong Đảng từ ngày "đổi mới" năm 1986.

Bài học Liên Xô tan rã

Vì những thay đổi tiêu cực của cán bộ, đảng viên nghiêm trọng hơn theo thời gian, giống như ở Nga trước đây nên Đảng đã cảnh giác hãy lấy bài học tan rã của Liên bang Xô viết năm 1992 làm gương.

Đảng nói rằng : "Sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết gây nên những tổn thất nặng nề và trở thành bài học đắt giá trong công tác xây dựng đảng của phong trào cộng sản thế giới và Việt Nam. Một trong những nguyên nhân sâu xa, chính là sự buông lỏng, đi đến từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng cộng sản Liên Xô… Đây là nguyên nhân làm cho Đảng cộng sản Liên Xô từ một đảng chính trị hùng mạnh, dần trở thành một khối bàng quan, lỏng lẻo và tê liệt sức chiến đấu. Điều đó cho thấy, mọi sự chủ quan, dễ dãi trong thực hiện nguyên tắc sinh hoạt đảng đều sẽ dẫn tới sự tan rã, cho dù đảng đó có vị thế, vai trò và tầm cỡ tới đâu" (báo Đảng cộng sản Việt Nam, ngày 15/06/2023).

Vì vậy, báo của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam mới báo động : "Có thể thấy, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đều có một nguyên nhân chung nhất, cơ bản nhất và là gốc rễ xuất phát từ chính "kẻ thù nội tại". Đó là sự vi phạm trắng trợn các nguyên tắc sinh hoạt đảng và sự từ bỏ nguyên tắc tự phê bình và phê bình - nói cách khác là từ bỏ vũ khí chiến đấu. Điều đó làm cho Đảng cộng sản Liên Xô không còn là một tổ chức thống nhất về ý chí và hành động ; không còn là một tổ chức chiến đấu cho lợi ích của giai cấp mình và cũng không thể tự bảo vệ mình. Đây là bài học kinh nghiệm đắt giá cho các đảng cộng sản nói chung và Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng trong vấn đề phải kiên định nguyên tắc tự phê bình và phê bình".

Nhưng "phê bình" có khác với "thanh trừng" không ?

Cũng tùy trường hợp. Tuy nhiên, trong vụ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị bãi nhiệm ngày 17/01/2013 và vụ hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị cho "thôi nhiệm vụ" ngày 5/1/2013 "theo nguyện vọng cá nhân" cũng đã nẩy sinh nhiều nghi vấn.

Về trường hợp ông Phúc, tin chính thức loan báo đảng : "Đã bãi nhiệm tất cả các chức vụ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vì "có trách nhiệm chính trị" trong vụ tham nhũng thuốc chích ngửa Covid-19 Việt Á và chuyến bay giải cứu công nhân Việt Nam ở nước ngoài tại Cục Lãnh sự Bô Ngoại giao".

Tuy nhiên ông Phúc "không hề bị cáo buộc có tham nhũng cá nhân".

Đối với hai Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, Đảng nói hai ông đã "xin thôi giữ các chức vụ", nhưng không giải thích vì sao mà hai ông đã "xin thôi", giữa lúc họ còn trẻ. Ông Minh, 64 tuổi, con trai cố Bộ trưởng ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Cơ Thạch (tên thật là Phạm Văn Cương). Ông Đam, 60 tuổi là người hiền lành, không giữ chức vụ rõ rệt trong Chính phủ.

Vì vậy, biến cố thay đổi nhân sự cao cấp này đã gây xầm xì trong đảng và trong dân, thậm chí còn có nghi vấn "có yếu tố Trung Quốc" dính vào đối với cá nhân ông Phạm Bình Minh, người nổi tiếng không thích Trung Quốc như bố ông khi còn sinh tiền.

Phủ nhận thanh trừng

Tuy nhiên, ban Tuyên giáo đảng đã nhanh chóng lên tiếng phủ nhận tin đồn "thanh trừng" khi viết : "Những ngày vừa qua, mạng xã hội có khá nhiều những bài viết suy diễn và xuyên tạc bản chất vấn về Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thôi chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII theo kết quả biểu quyết tại phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 30/12/2022 và việc Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 (Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam) vào chiều 5/1/2023 theo "nguyện vọng cá nhân" của các đồng chí đó là "sự thanh trừng nội bộ", là sự "tranh giành phe cánh" trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam". 

Báo Tuyên giáo lưu ý : "Những nhận định không khách quan này không chỉ xuyên tạc công tác cán bộ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng gắn liền với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ở Việt Nam mà còn gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội. Vì thế, bác bỏ những luận điệu phản động này là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.

Có một sự thật cần phải khẳng định là, trong Đảng cộng sản Việt Nam không có chuyện thanh trừng nội bộ, không có đấu đá nội bộ hay trành giành phe cánh để vào "Bộ Chính trị", hay "ngôi tứ trụ" khi Đảng cho "thôi chức" hay Quốc hội "miễn nhiệm" một cán bộ, đảng viên nào đó tùy theo nguyện vọng cá nhân hay khả năng đảm nhiệm công việc được giao phó (trừ việc bị kỷ luật, vi phạm pháp luật buộc phải tuân thủ)" (Tuyên giáo, ngày 18/01/2023).

Tuyên giáo nói thế thì ta biết vậy. Nhưng sự "thiếu minh bạch" trong vụ hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam hồi đầu năm 2023 vẫn còn đó.

Sự tồn tại trong dư luận về nhân cách của họ chắc cũng làm cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhức nhối, nếu không hơn thì cũng "ngang hàng" và dai dẳng như với tình trạng kéo dài "suy thoái tư tưởng và đạo đức lối sống" của đảng viên hiện nay.

Phạm Trần

(12/07/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)