Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/07/2023

Không thể có COC với những điều kiện Trung Quốc đặt ra

Đinh Kim Phúc, Diễm Thi

Diễm Thi : Ngày 13/7/2023, các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã họp với các đối tác tại Jakarta, Indonesia. Trong cuộc họp, ông Vương Nghị - Chánh Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc và ASEAN cố gắng đúc kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2026 để ngăn ngừa các cuộc xung đột do tranh chấp chủ quyền. Ông bình luận gì về phát biểu của ông Vương Nghị, thưa ông ?

coc1

Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/07/2023. AFP

Đinh Kim Phúc : Trong trường hợp một Bộ Quy tắc Ứng xử cấp vùng có tính thực thi, thì bộ quy tắc đó sẽ được áp dụng cho tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, nhìn từ quan điểm của Bắc Kinh, Trung Quốc không có ý định tự trói tay về vấn đề Biển Đông vì năm lý do:

Thứ nhất là do các cách diễn giải rất khác nhau về cơ sở pháp lý, trong khi vấn đề cơ sở pháp lý lại là nền tảng cho các đòi hỏi chủ quyền của các nước về Biển Đông. Giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp chủ quyền còn có những khác biệt cơ bản. Cụ thể, trong quá trình đàm phán, những nước Đông Nam Á này, gồm Việt Nam, Philippines và Malaysia, đã đề nghị đưa Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực về Biển Đông làm cơ sở pháp lý của Bộ Quy tắc Ứng xử.

Ngược lại, Trung Quốc kiên quyết giữ bản đồ đường lưỡi bò và từ chối áp dụng luật pháp quốc tế và phán quyết của Tòa. Ngoài ra, còn có một bất đồng cơ bản khác liên quan đến khái niệm không gian hàng hải. Malaysia, Việt Nam và Philippines ủng hộ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải thông qua không gian hàng hải. Trái lại, Trung Quốc lại ủng hộ kiểu hạn chế thâm nhập.

Thứ hai giải thích cho việc Trung Quốc không muốn Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc, đó là vì Bắc Kinh không công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực. Thế nhưng, sự từ chối của Bắc Kinh lại đặt ra vấn đề về một cơ chế quản trị khả thi gắn với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Do đó, đây cũng là một bế tắc.

Thứ ba, Bắc Kinh vẫn tỏ ra mơ hồ về những tham vọng địa chiến lược thực sự của họ. Không biết được là Bắc Kinh thực sự muốn gì hay thực sự tìm kiếm lợi ích địa chiến lược như thế nào ở Biển Đông và ở phạm vi lớn hơn thế. Lập trường của Trung Quốc không giúp làm sáng tỏ được những mục tiêu của nước này.

Thứ tư là Trung Quốc muốn được rảnh tay đối phó với Hoa Kỳ. Vì thế, Bắc Kinh cần tự do định đoạt các phương tiện của họ trong khu vực tranh chấp.

Thứ năm là quan trọng dù không được thể hiện, đó là Bắc Kinh tin chắc rằng vị thế trong vùng và trọng lượng quân sự của Trung Quốc sẽ tăng lên trong những năm tới. Điều này sẽ khiến các nước trong vùng ngày càng khó quản lý thế đối xứng hơn. Nói một cách tóm tắt là theo quan điểm của Trung Quốc, về lâu dài Bắc Kinh sẽ ở thế mạnh, do đó có thể thúc đẩy giải quyết tranh chấp có lợi cho họ nhưng với điều kiện trước đó không bị ràng buộc về mặt pháp lý.

Diễm Thi : Ngoài quyết tâm đúc kết COC trong 3 năm tới, có điều nào tại hội nghị mà ông thấy cần đặc biệt quan tâm nữa hay không, thưa ông ?

Đinh Kim Phúc : Cũng tại hội nghị này, Chánh Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng rằng, Trung Quốc và Việt Nam nên thực hiện sự đồng thuận về việc xử lý thích đáng các vấn đề hàng hải mà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã đạt được trong thời gian vừa qua, nhất là chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngay khi bế mạc Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Chúng ta thấy rất rõ ở đây là Vương Nghị đã đánh tráo khái niệm một cách trơ trẽn nhất, bởi vấn đề khúc mắc nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay không phải là các vấn đề hàng hải. Vấn đề hàng hải đã được UNCLOS 1982 quy định rất kỹ là tự do hàng hải, không gây phương hại cho các nước khác mà luật biển của Liên Hiệp Quốc đã quy định. Vấn đề ở đây thực chất là vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Không phải là vấn đề tự do hàng hải.

Rõ ràng Trung Quốc đã lái qua một vấn đề khác, tránh né việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào năm 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988. Chúng ta biết rằng, sự thủ đắc lãnh thổ từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, có sự ra đời của Liên Hiệp Quốc, là điều không được công nhận bởi công pháp quốc tế.

Một vấn đề nữa là quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc đã bị đình trệ từ năm 2003 bởi Trung Quốc. Và họ chỉ mới nối lại thời gian gần đây, sau Covid mà thôi.

Lần này chúng ta thấy rõ ràng là Trung Quốc mong muốn hoàn tất vòng đàm phán COC. Họ cho một thời gian biểu nhất định là vào giữa năm 2026 và tháng 8 này sẽ nối lại vòng đàm phán tiếp tục khi Trung Quốc và các nước ASEAN đã hoàn tất việc đọc văn kiện lần thứ hai thông qua tài liệu hướng dẫn để tiến hành đàm phán.

Rất nhiều người đặt câu hỏi, vậy hoàn tất việc đọc văn kiện lần thứ hai là cái gì ? Ai cũng nghĩ rằng đây là những biên bản đã được các nước thống nhất đưa vào để xem xét từng câu chữ, từng vấn đề quan hệ với lợi ích của từng nước. Nhưng không, hoàn tất việc đọc văn kiện lần thứ hai có nghĩa là từng nước ASEAN và cả Trung Quốc đọc bản nháp của mình về COC. Nêu những quan điểm của mình trong khi đàm phán như thế nào.

Nó không mang cái quyết tâm chung của cả Trung Quốc và ASEAN vì mỗi một nước có một quyền lợi khác nhau, đối chọi với quyền lợi của Trung Quốc. Ở đây chúng ta thấy rõ rằng, Trung Quốc không hề muốn có một COC đúng nghĩa như Việt Nam và các nước Đông Nam Á mong muốn là thực chất, hiệu quả, phù hợp với công pháp quốc tế và Luật biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.

coc2

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tham dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/07/2023. AFP

Diễm Thi : Để Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông được hoàn tất vào năm 2026, Trung Quốc đưa ra một số điều kiện như không được để bên ngoài vào khai thác trong khu vực của ASEAN; Các nước ASEAN phải tôn trọng và công nhận những khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của họ; Các nước có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông không được tập trận với các nước bên ngoài khu vực mà không được sự đồng ý của tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc. Ông bình luận gì về những yêu cầu này ?

Đinh Kim Phúc : Ba yêu cầu của Trung Quốc hết sức vô lý và phi pháp, đi ngược lại công pháp quốc tế, đi ngược lại hiến chương Liên Hiệp Quốc về luật biển. Rõ ràng Trung không thực lòng để có một COC đúng nghĩa bảo vệ nền hòa bình và an ninh khu vực Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương; bảo vệ tình hữu nghị giữa các quốc gia láng láng giềng, giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, giữa các nước có mâu thuẫn tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Riêng về Việt Nam, ở đây tôi nhấn mạnh là Việt Nam không hề có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và khu vực quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm và ngang nhiên đạp qua tất cả công pháp quốc tế để đạt được tham vọng bá quyền của họ ở khu vực Đông Nam Á.

Chính vì vậy, theo tôi nhận định, COC sẽ không bao giờ thành công. Sẽ không có một COC nào trong tương lai, cho dù năm 2026, 2028 hay 2030…

Trung Quốc muốn cột các nước ASEAN vào trong cái âm mưu bá quyền của mình. Nhưng qua diễn biến COC được nối lại đàm phán rồi bị ngưng trệ do Covid rồi bây giờ tiếp tục diễn ra, chúng ta thấy rằng, Việt Nam và các nước ASEAN đã tỏ hết sức kiên nhẫn và coi sự kiên nhẫn đó là biện pháp hòa bình không muốn va chạm với Trung Quốc; không muốn Trung Quốc đẩy mạnh sức ép trên biển Đông để mưu cầu hòa bình cho Đông Nam Á. Và có một điểm mà tôi muốn nhấn mạnh là lập trường của Việt Nam trong vấn đề COC là hết sức cứng rắn, hết sức quan trọng. Việt Nam đề cao chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Tức là chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và vấn đề tự do hàng hải, vấn đề biển Đông hiện nay như thế nào so với thực tế ngoài thực địa mà Trung Quốc khống chế trong thời gian vừa qua.

Diễm Thi : Theo ông, liệu Bắc Kinh có thực sự muốn có một khu vực Đông Nam Á ổn định và hòa bình như lời họ nói hay không, vì sao ?

Đinh Kim Phúc : Chúng ta thấy rõ một điều quan trọng mà cả Trung Quốc và ASEAN cũng không trả lời được, cũng không đồng thuận được. Đó là ngoài những nội dung áp đặt của Trung Quốc mà các nước ASEAN không chấp nhận thì có một vấn đề pháp lý là liệu COC có phải là một bộ luật mới hay không. Thì vấn đề này cả ASEAN và Trung Quốc không trả lời được. Tôi thấy đây là cái mắc mứu quan trọng nhất cho thấy COC sẽ thất bại cho dù mốc thời gian nào do ASEAN hay do Trung Quốc đặt ra.

Theo tôi, Bắc Kinh không bao giờ muốn có một khu vực ổn định, hòa bình. Bắc Kinh cũng không muốn Đông Nam Á phát triển để cùng với Trung Quốc phát triển tạo ra nền hòa bình thế giới, mà Trung Quốc muốn nuốt trọn khu vực này làm bàn đạp đi về Ấn Độ Dương và những vùng xa xôi ở châu Phi mà thôi.

Việt Nam đưa cái nội dung về chủ quyền của Việt Nam trong khu vực Hoàng Sa và Trường Sa vào nội dung đàm phán, và yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Đó là nguyên tắc cứng rắn bất di bất dịch không thay đổi của Việt Nam. Tôi đánh giá rất cao bản lĩnh của lãnh đạo Việt Nam trong những lần đàm phán vừa qua cũng như trong tương lai.

coc3

Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc ở Jakarta, Indonesia, ngày 13/07/2023. AFP

Diễm Thi : Trước tham vọng của Trung Quốc như vậy; trước sự bế tắc về nội dung của COC mà Trung Quốc muốn áp đặt, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình, thưa ông ?

Đinh Kim Phúc : Rõ ràng các nước Đông Nam Á, các nước trong khối ASEAN không ai muốn đối đầu với Trung Quốc. Cũng không ai muốn có chiến tranh với Trung Quốc và coi Trung Quốc là một đối tác. Nhưng bên cạnh đó cũng là một đối trọng để đấu tranh với vấn đề chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông. Nhưng Trung Quốc luôn luôn gây sức ép đối với Việt Nam, đối với các ASEAN thì tôi nghĩ rằng, trước mắt Việt Nam và các nước ASEAN và những nước có can dự vào vùng chồng lấn lớn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Việt Nam nên nhanh chóng đàm phán với từng nước. Hoạch định tọa độ cụ thể của vùng chồng lấn như thế nào để ký nghị định thư, dẫn đến không còn xâm phạm lẫn nhau, như hồi tháng 12 năm ngoái, Việt Nam và Indonesia đã ký kết xong.

Bây giờ còn vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia mặc dù từ đầu thập niên 1990, hai nước đã chấp nhận vùng chồng lấn đó và cùng khai thác hòa bình. Liên danh giữa PetroVietnam và Petronas Malaysia là cái mẫu mực trong vấn đề giải quyết tranh chấp trong khu vực.

Sắp tới đây, Việt Nam cũng phải cũng phải tiến tới với Malaysia hoàn thành nghị định thư để phân định rõ ràng các vùng chồng lấn. Rồi Việt Nam và Philippines nữa. Tuy hai nước không có vùng chồng lấn trong vùng đặc quyền kinh tế nhưng mắc mứu là tuyên bố chủ quyền của Phillipines trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Vậy thì Việt Nam sẽ đàm phán với Phillipines như thế nào ?

Không thay đổi hiện trạng hay là tiếp tục đấu tranh chủ quyền để tìm ra một phương án tốt nhất tạo sự đoàn kết giữa Việt Nam và Philippines chống lại âm mưu bá quyền của Trung Quốc. Rồi vấn đề vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Thái Lan ; rồi Việt Nam và Campuchia…

Những vấn đề đó tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam phải đẩy nhanh để tạo ra một hồ sơ pháp lý gửi cho Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc để tạo ra một văn bản chứng cứ về công pháp quốc tế mà Trung Quốc không thể phủ nhận được.

Việt Nam cần đàm phán tay đôi với các nước ASEAN trong vấn đề lãnh thổ và lãnh hải và vùng chồng lấn vì Luật biển 1982 đã quy định rất rõ. Và nhất là phán quyết của tòa trọng tài là Trung Quốc không hề có cái gọi là đường lưỡi bò biển Đông.

Diễm Thi : Theo ông, các nước ASEAN có đủ sức mạnh và sự đoàn kết để đối đầu với Trung Quốc hay không ?

Đinh Kim Phúc : Vấn đề này thì tôi đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, ASEAN không phải là Liên minh Châu âu hay Liên minh Bắc đại Tây dương. Lý do là bản thân từng nước Đông Nam Á có quá nhiều mâu thuẫn về biên giới về lãnh thổ, về chủng tộc, về tôn giáo, về nguồn nước, về ý thức hệ…

Chính vì vậy, muốn ASEAN đoàn kết thì tôi nghĩ rằng trong tự thân từng nước ASEAN phải dẹp bớt cái quyền lợi ích kỷ quốc gia của mình để tạo thành một khối thống nhất, thì mới có khả năng chống lại âm mưu bá quyền cảu Trung Quốc.

Tôi không nói chống bằng vũ lực vì cả 10 nước ASEAN và cả Đông Timor trong tương lai về mặt quân sự cũng không thể đối đầu với Trung Quốc. Mà ở đây chúng ta chống lại bằng công pháp quốc tế, bằng luật pháp quốc tế, bằng chính nghĩa của các nước ASEAN kêu gọi cộng đồng quốc tế, kêu gọi Liên Hợp Quốc ủng hộ lập trường của ASEAN.

Đây là một việc làm hết sức lâu dài chứ không thể một sớm một chiều, vì ai cũng biết rằng ASEAN thành lập ngày 8 tháng 8 năm 1967, cho đến nay cũng chưa phải là một tổ chức gắn kết giống như cái tham vọng ban đầu của các quốc gia thành lập ASEAN. Để giải quyết những bất đồng của từng quốc gia trong nội bộ khối ASEAN, để đi đến một khối thống nhất là bản lĩnh của lãnh đạo của từng nước trong khối trước đe dọa áp đặt của Trung Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trung Quốc không bao giờ từ bỏ cái tham vọng bá quyền của họ trên biển Đông. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chủ nghĩa sô vanh Đại Hán của họ. Ở đây không phải là vấn đề dầu khí vì trữ lượng dầu khí ở khu vực Đông Nam Á không lớn. Nó không phải là kinh tế mà vấn đề là Trung Quốc muốn khống chế các nước nước Đông Nam Á trong khối ASEAN và muốn tất cả những nước này thần phục Trung Quốc, không quan hệ với Mỹ và các nước phương tây để Trung Quốc một mình tự tung tự tác cùng với Mỹ chia đôi thế giới để gây sức ảnh hưởng của mình. Đó là mong muốn của Tập Cận Bình, mong muốn của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Diễm Thi : Xin cảm ơn Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đã dành thời gian cho RFA.

Diễm Thi thực hiện

Nguồn : RFA, 19/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Đinh Kim Phúc, Diễm Thi
Read 6953 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)