Đất nước Campuchia với dân số khoảng 17 triệu dân đang bước vào kỳ tổng tuyển cử 5 năm một lần vào ngày 23/7 tới đây.
Đường phố Phnom Penh những ngày này không khó để bắt gặp dòng người hòa trong các cuộc mít tinh kêu gọi bầu cử. Ảnh minh họa Hun Sen vận động quần chúng
Nhưng với sự thiếu vắng của đảng đối lập mạnh mẽ là Ánh nến (Candlelight Party), Đảng cầm quyền do Hun Sen dẫn dắt - đảng Nhân dân Campuchia (CPP) chiếm ưu thế trên mọi phương diện, nhất là về kinh tài.
Điểm khác biệt và quan trọng nhất trong cuộc tổng tuyển cử lần này là việc người dân chờ đợi một "luồng gió đổi mới" thổi vào vương quốc Angkor.
Nhưng có thể hiểu là sự thay đổi nếu có sẽ chỉ là "mới trong nhà" chứ không phải đổi mới vai trò các đảng vì sự chuyển giao quyền lực nhiều khả năng sẽ xảy ra theo cách "cha truyền con nối" bên trong nội bộ đảng cầm quyền CPP.
Nổi bật nhất là Thủ tướng tại vị lâu nhất ở Đông Nam Á - Hun Sen - sẽ dần khép lại gần 40 năm cầm quyền Campuchia và dọn đường cho con trai lớn của mình là Hun Manet trở thành người kế nhiệm.
Một cử tri người Campuchia nói với BBC News tiếng Việt rằng, có nhiều cảm xúc trước cuộc tổng tuyển cử lần này với sự trông chờ có phần hân hoan đối với nhân tố mới là ông Hun Manet, lẫn những sợ hãi của bầu không khí đàn áp ngày càng mạnh tay lên giới đối lập.
Kịch bản 'hai bước' cho bầu cử
Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Đông Nam Á từ Úc nói với BBC News tiếng Việt rằng, cuộc tổng tuyển cử toàn quốc của Campuchia vào ngày 23 tháng 7 tới đây dường như là một quá trình gồm hai bước.
Bước đầu sẽ là việc "lặp lại lịch sử" năm 2018 khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành toàn bộ 125 ghế trong Quốc hội. Chiến thắng của CPP là một kết quả đã được định đoạt sẵn khi phe đối lập là Đảng Ánh nến bị loại khỏi cuộc bầu cử và đảng tiền thân của nó là Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) cũng bị giải tán vào năm 2017.
Bước thứ hai, theo giáo sư Thayer, có vẻ là một sự chuyển giao quyền lực mang tính "cha truyền con nối" với ví dụ đáng chú ý nhất là trung tướng Hun Manet, con trai của Thủ tướng Hun Sen, người được CPP chọn làm Thủ tướng tiếp.
Chúng tôi gặp ông Sok Eysan - người phát ngôn đảng CPP tại trụ sở của đảng này một cơ ngơi với diện tích hơn 50.000 mét vuông nằm ở vị trí đắc địa - ngay mặt tiền của đại lộ chính Norodom Boulevard, đối diện là Đại sứ quán Thái Lan.
Trụ sở của đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia với diện tích hơn 50.000 mét vuông nằm ngay mặt tiền đường Norodom Boulevard
Trụ sở này của đảng ông Hun Sen được cho là trị giá 30 triệu USD, được góp từ tiền của các thành viên của đảng trên toàn quốc.
Thủ tướng Hun Sen nói đảng ông xây lên là để điều hành đất nước thêm "50 năm, 100 năm nữa" - một phát ngôn vấp phải sự chỉ trích của các phe đối lập rằng ông không chịu từ bỏ quyền lực dù đã trị vì gần 40 năm.
Chào hỏi tôi bằng tiếng Việt này rất rõ, ông Sok Eysan nói mình từng học chính trị tại thủ đô Hà Nội từ những năm 90 và gọi Việt Nam là "người anh em láng giềng thân tình".
Ông Sok Eysan xác nhận với BBC News tiếng Việt rằng ông Hun Manet đã được đảng chọn làm ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng thuận theo ý của tập thể trong nội bộ đảng, chứ không phải ý chí của một cá nhân.
"Việc chọn lựa ông Hun Manet được tiến hành thông qua cuộc bỏ phiếu kín trong nội bộ đảng và làm đúng theo quy định của đảng", thượng nghị sỹ Sok Eysan nói với BBC tiếng Việt.
Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh ông Hun Manet hội đủ những điều kiện của đảng nhưng phải "đợi kết quả bầu cử, đảng nào thắng cử thì có thể chọn ứng cử viên của đảng mình trở thành thủ tướng".
Ông Sok Eysan - người phát ngôn đảng CPP
Ông Sok Eysa đưa ra dự đoán đầy tự tin là CPP - đảng cầm quyền gần bốn thập kỷ sẽ lại giành "chiến thắng áp đảo".
Theo hiến pháp Campuchia, người đứng đầu chính phủ phải là thành viên quốc hội. Vì vậy, việc ông Hun Manet 46 tuổi được đề cử làm ứng cử viên vào quốc hội là điều kiện cho ông có cơ hội trở thành thủ tướng.
Điều này có nghĩa là ưu tiên đối với ông Hun Sen trong giai đoạn này là chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho con trai mình và dường như ông không ngần ngại loại bỏ những tiếng nói phản biện có thể là rào cản cho Hun Manet, dù là báo chí, xã hội dân sự hay các phe đối lập.
Đài báo độc lập 'bị phủ bụi'
Chúng tôi đến trụ sở của phòng tin tức của Tiếng nói Dân chủ (VOD) - cơ quan truyền thông địa phương độc lập còn sót lại của Campuchia. Nhưng VOD bị thu hồi giấy phép vào tháng 2 năm nay vì phát một bản tin liên quan đến việc ông Hun Manet - hạt giống đỏ của đảng CPP - về việc Campuchia viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ.
VOD đưa tin Đại tướng Hun Manet đã ký một thỏa thuận viện trợ trị giá 100.000 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ - một hành động rõ ràng là vượt quá thẩm quyền của mình. Thủ tướng Hun Sen đã cáo buộc VOD làm tổn hại đến "nhân phẩm và danh tiếng" và tấn công cá nhân ông và con trai mình.
Nhà báo đi cùng giúp chúng tôi phiên dịch đã từng làm việc ở VOD khoảng 5 năm, anh cho biết trụ sở thường rất sôi nổi, máy móc để thu hình rất đầy đủ. VOD thường tổ chức các buổi thảo luận bàn tròn trực tiếp về các vấn đề xã hội của Campuchia.
Tuy nhiên, khi BBC đến thăm phòng thu hình vào ngày 20/7, mọi thứ đều im ắng, các thiết bị như máy tính, máy quay, mic và chùm đèn nằm im lìm một góc. Những bộ bàn ghế thường được chuẩn bị sẵn cho khách mời cũng được xếp chồng lại, các lãng hoa để làm đạo cụ mỗi lần phát sóng cũng phủ bụi.
Ông Ith Sotheouth mô tả với phóng viên của BBC News tiếng Việt hoạt động của VOD trước khi bị đóng cửa
Đi kèm với việc VOD đóng cửa là khoảng 40 nhà báo rơi vào tình trạng thất nghiệp. Một số người chuyển sang làm tự do, làm dự án tập huấn cho nhà báo trẻ, số khác đầu quân cho chính phủ.
Ông Ith Sotheouth, Giám đốc truyền thông của Trung tâm Truyền thông Độc lập Campuchia – cơ quan lập ra VOD, nói với BBC News tiếng Việt rằng VOD bị giải thể đã truyền đi một thông điệp cho giới báo chí Campuchia là phải cẩn trọng và thậm chí họ sẽ phải tự kiểm duyệt mình.
Sau khi bị đóng cửa, VOD mở một trang lưu trữ dữ liệu tên Kamnotra.
Tuần rồi, Kamnotra cùng các trang web và trang truyền thông xã hội có liên kết với Cambodia Daily, đài RFA bị chặn tại Campuchia. Lệnh tương tự do Bộ Thông tin ban hành cũng từng được đưa ra trước thềm cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2018.
Cambodia Daily và RFA lần lượt đóng cửa vào năm 2017 và 2018. Tờ Phnom Penh Post thay đổi quyền sở hữu - từ tờ báo từ độc lập sang ủng hộ chính phủ. Những chuyển động này đã khiến cho Campuchia mất đi một số tiếng nói độc lập quan trọng.
Ông Ith Sotheouth, Giám đốc truyền thông của Trung tâm Truyền thông Độc lập Campuchia – cơ quan lập ra VOD, nói với BBC News tiếng Việt rằng, trong một xã hội dân chủ, người dân cần được thông tin đầy đủ từ nhiều nguồn khả tín khác nhau, gồm cả những tiếng nói đối lập, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử.
"Nếu không có tự do báo chí thì sao gọi là một đất nước dân chủ, vì cốt lõi dân chủ là vì lợi ích của người dân. Với sự co hẹp lại của xã hội dân sự, của báo chí và giới hoạt động sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới một cuộc bầu cử công bằng, tự do", Ith Sotheouth kết luận.
Ông Ith Sotheouth, Giám đốc truyền thông của Trung tâm Truyền thông Độc lập Campuchia – cơ quan lập ra VOD
Giám đốc của Hiệp hội liên minh nhà báo Campuchia, Nop Vy cho rằng, việc chính phủ cấm tiếp cận các nguồn thông tin đa dạng có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và quyền tiếp cận thông tin của cử tri.
Tuy nhiên ngay cả trước cuộc tổng tuyển cử 2023, một số nhà báo Campuchia cũng thường xuyên nhận những lời đe dọa từ chính phủ hoặc không được tự do tác nghiệp, hoặc bị yêu cầu xóa hình ảnh, video.
Ông Sotheouth nêu ví dụ, cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường lần thứ 5 vào tháng 6 năm ngoái, dù có thẻ tác nghiệp của Cơ quan bầu cử quốc gia nhưng nhiều nhà báo có khi bị cấm tiếp cận các điểm bỏ phiếu.
"Việc một số hãng tin độc lập không thể tiếp tục hoạt động ở Campuchia, tôi tin ở mức độ nào đó, điều này tạo ra một cảm giác rùng mình đối với các nhà báo tại đây", ông Sotheouth nhận định.
Ông Ith Sotheouth nói với BBC, ông hy vọng sau bầu cử, trang dữ liệu Kamnotra sẽ không bị chặn để người dân có thể tiếp cận đa dạng thông tin.
'Xúi giục tẩy chay bầu cử' sẽ lãnh án tù
Quốc hội Campuchia hồi 23/6 đã bỏ phiếu đồng thuận sửa đổi luật bầu cử để trừng phạt bất kỳ ai tẩy chay cuộc bầu cử - điều mà giới chỉ trích cho đây là nỗ lực của Thủ tướng Hun Sen nhằm dập tắt mọi tiếng nói đối lập.
Luật mới quy định rằng, những ai kêu gọi tẩy chay bầu cử, làm hỏng lá phiếu sẽ đối mặt án tù và bị phạt tiền. Đồng thời, những ai không bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23/7 này sẽ bị cấm tham gia tranh cử bất kỳ cuộc bầu cử nào trong tương lai.
Khác với Việt Nam, năm 2016, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiều người đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này và thể hiện quan điểm trên mạng xã hội rằng "tôi không đi bỏ phiếu".
Tuy nhiên, thật không khôn ngoan nếu ai đó làm điều tương tự ở Campuchia vào thời điểm này.
Ông Sok Eysan giải thích với BBC News tiếng Việt rằng đi bầu hay không là quyền của người dân, điều này là không bắt buộc, theo Luật Hiến pháp Campuchia. Tuy nhiên, nếu ai đó kích động, xúi giục hoặc cấm người khác không được bỏ phiếu thì đây là tội hình sự :
"Nếu bạn lên mạng và nói rằng tôi không đi bầu. Điều này không sao cả, nhưng nếu kêu gọi mọi người đừng bỏ phiếu thì là phạm tội. Nhưng tôi không nghĩ có người sẽ viết như thế trên mạng xã hội đâu", ông Sok Eysan nói, nêu ví dụ Úc, Bỉ và một số nước Châu u là những quốc gia xem bầu cử là bắt buộc để cho thấy Campuchia có sự khác biệt.
Khác hẳn với trụ sở huy hoàng của đảng CPP, đảng Ánh nến nằm ở một nơi xa hơn trung tâm Phnom Penh và chỉ là một ngôi nhà bình thường. Ông Kimsour Phirith, người phát ngôn của đảng Ánh nến nói với BBC News tiếng Việt ngày 20/7 rằng đảng của ông đã bị loại khỏi cuộc tổng tuyển cử năm nay vì Ủy ban Bầu cử cho là đảng ông không nộp một số tài liệu đăng ký thích hợp. Nhưng bản gốc của tài liệu này đã bị cảnh sát tịch thu trong cuộc bố ráp năm 2017 vào trụ sở của CNRP.
Ông Kimsour Phirith, người phát ngôn của đảng Ánh nến
Trong cuộc bầu cử năm 2013, đảng Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) giành được gần 3 triệu phiếu bầu và 55 ghế trên 123 ghế trong quốc hội - một con số tăng vọt so với năm 2008, khiến đảng cầm quyền CPP phải cẩn trọng.
Tới tháng 11/2017, đảng CNRP bị giải tán và CPP giành chiến thắng với 125 ghế ở quốc hội vào năm 2018.
Nhiều nhà quan sát bầu cử, các tổ chức quốc tế lên án cuộc bầu cử đang diễn ra ở Campuchia năm 2023 này là phi dân chủ. Nhưng ông Sok Eysan - người phát ngôn đảng CPP nói với BBC News tiếng Việt rằng, cũng như Mỹ hay các nước phương Tây từng chỉ trích cuộc bầu cử năm 2018. Nhưng thực chất đó là một cuộc bầu cử an toàn, thể hiện ý chí của người dân.
Ông cho rằng Mỹ và các nước phương Tây dù lên án Campuchia nhưng họ không rút đại sứ quán của mình khỏi quốc gia này. Ngược lại, Thủ tướng Hun Sen lại được đón tiếp và công nhận địa vị của mình trong suốt 5 năm qua.
Trụ sở của đảng Ánh nến chỉ là một ngôi nhà, khiêm tốn hơn rất nhiều so với trụ sở 30 triệu USD của đảng Nhân dân Campuchia của ông Hun Sen
Tại cuộc bầu cử vào các hội đồng xã, phường năm 2022, đảng Ánh nến giành được 1,6 triệu phiếu bầu. Ông Kimsour Phirith nhấn mạnh, việc bị loại khỏi cuộc bầu cử khiến cho những người ủng hộ cho đảng này sẽ không được thực hiện quyền của mình và cảm thấy hối tiếc :
"Cuộc bầu cử này là vô nghĩa và không thực sự phản ánh mong muốn của người dân".
Chúng tôi rời trụ sở của đảng Ánh nến, nơi bao phủ một sự im ắng lạ thường. Những cuốn cẩm nan, nón mũ có in logo của đảng cũng được cất vào một góc.
Ông Kimsour Phirith tiễn chúng tôi và nói, nếu không bị loại khỏi cuộc bầu cử thì hẳn rằng ông cùng tất cả các thành viên sẽ rất tất bật đi vận động ở khắp mọi nơi và được hòa vào không khí sôi nổi, rạo rực đáng ra phải có của một đất nước dân chủ, đa đảng.
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 21/07/2023