Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/07/2023

Chuyến bay giải cứu : chỉ là tuyên truyền cổ động chính trị

Mai Lan

Chính phủ chẳng làm gì trong các "chuyến bay giải cứu", và cũng không để cho doanh nghiệp và dân chúng tự cứu nhau…

chuyenbay00

Báo chí Việt Nam tiếp tục dùng cụm từ "chuyến bay giải cứu" trong các bản tin thời sự tường thuật về vụ án tham nhũng xảy ra ở mùa dịch Covid-19. Lăng kính mặc định của "chuyến bay giải cứu" sẽ dễ đưa đến ngộ nhận…

Ngộ nhận đó là việc Đảng và Nhà nước đã tổ chức những chuyến bay nhân đạo đưa người Việt từ những quốc gia có dịch Covid-19 hoành hành, về lại Việt Nam, lúc đó dẫu sao thì thứ hạng về lây nhiễm cũng "nhẹ nhàng" hơn.

"Giải cứu" là một động từ Hán Việt gồm 2 thành tố : Giải () có nghĩa "gỡ ra, tách ra, cởi ra" ; cứu () là "cứu vớt". "Cứu thoát khỏi tai nạn" là cách diễn đạt thường dùng của động từ "giải cứu".

Theo dõi qua màn hình về "Kết quả giám sát chuyên đề "việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 ; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" (*), sẽ thấy rằng ngân sách Nhà nước không hỗ trợ các chuyến bay giải cứu trong đợt dịch Covid-19.

Như vậy nói một cách tử tế và sòng phẳng, ở đây thay vì chính phủ phải thực hiện, hoặc lên kế hoạch và trực tiếp thuê các hãng bay, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ… để làm công việc "bay giải cứu", và trực tiếp giám sát, thì đằng này chính phủ lại không làm gì cả, còn quan chức thì lợi dụng kiếm chác đủ kiểu.

Rồi đến tận khi dịch giã đi qua, người đứng đầu Bộ Chính trị tiếp tục cho rằng "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt" để hiện thực hóa nghị quyết của Đảng ở mùa dịch giã Covid-19 (**)

Nếu tiếng Việt không méo mó thì cần hiểu phiên tòa "chuyến bay giải cứu" chỉ giải quyết quan hệ trái pháp luật giữa quan chức và doanh nghiệp, không giải quyết quan hệ giữa doanh nghiệp tổ chức dịch vụ "chuyến bay giải cứu" và khách hàng ; tức việc "bảo hộ công dân" vẫn dừng ở chuyện tuyên truyền cổ động chính trị.

Chính phủ đã không bỏ tiền ra cho các "chuyến bay giải cứu", và chính phủ cũng không chừa ra luôn khung cửa hẹp nào đó khả dĩ cho doanh nghiệp và dân chúng tự cứu nhau ; tức là tại sao không quy định luôn các chuyến bay này chỉ cần đăng ký đủ số lượng hành khách và hợp đồng thuê máy bay là tự động được cấp phép. Bởi lúc đó sân bay và đường bay hoàn toàn trống, có sợ đụng hàng với ai đâu mà phải xét với duyệt ?

Còn cách ly thì khi ấy ở Sài Gòn và Bình Dương thôi cũng đã có quá nhiều dịch vụ khách sạn, khu du lịch nhận "cách ly thu phí".

So sánh là khiên cưỡng. Nhớ lại bộ phim "Giải cứu Binh nhì Ryan" (Saving Private Ryan) của điện ảnh Mỹ, kể chuyện viên đại úy John H.Miller, nhận nhiệm vụ quan trọng của tướng Marshall cùng đồng đội bằng mọi giá phải tìm và giải cứu bằng được anh binh nhì Ryan tại mặt trận chống quân Đức ở chiến trường Normandy (Pháp) trong Thế chiến II.

Miller đã quyết tâm thực hiện bằng được mệnh lệnh của vị tướng chỉ huy (Marshall không muốn Ryan tiếp tục tham chiến và hy sinh, do anh là người duy nhất trong gia đình có 4 người con còn sống sót, 3 người anh của Ryan đã tử trận trong trận chiến trước đó. Mẹ và gia đình Ryan mong mỏi anh được trở về). Đó không chỉ là một nhiệm vụ mà người lính phải thực thi mà còn là một hành động xuất phát từ nghĩa cử thiêng liêng…

Nếu vẫn dùng từ "chuyến bay giải cứu", rất có thể sẽ gây nhầm lẫn với những gì mà chính phủ các nước khác đã và đang làm với công dân của họ trong các thảm họa dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai…

Mai Lan

Nguồn : VNTB, 23/07/2023

Chú thích :

(*)https://etv.quochoi.vn/2022/Media/PHANCONG/HOATDONGQH/QUOCHOITV/THANG5/phimtulieu.mp4

(**)https://nhandan.vn/tren-duoi-dong-long-doc-ngang-thong-suot-hien-thuc-hoa-nghi-quyet-cua-dang-post734104.html

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Mai Lan
Read 372 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)