Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/07/2023

Chung quanh phiên xử "chuyến bay giải cứu"

Nhiều tác giả

Cơ chế cảm ơn : chiếc đũa thần trong "Chuyến bay giải cứu"

Thiên Hành, RFA, 25/04/2023

Cụm từ này lưu hành từ lâu, chủ yếu trong nội bộ quan trường và giới doanh nghiệp, nhưng phơi bày hoàn toàn ra trước công chúng, trong một phiên tòa công khai thì có lẽ đây là lần đầu.

coche1

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng ra tòa ở Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" ngày 11/7/2023 (minh họa) - AFP

Theo lời khai của một bị cáo là doanh nhân trong phiên tòa Chuyến bay giải cứu, khi doanh nghiệp tuyệt vọng vì đã nộp đủ giấy tờ, được ¾ Bộ đồng ý nhưng hai ngày trước khi bay vẫn không được chấp thuận, tổ chức chuyến bay (đưa công dân Việt Nam về nước), thì được một cựu cán bộ Cục quản lý Xuất nhập cảnh nhắc nhở : Phải làm theo CƠ CHẾ CẢM ƠN.

Vì đó là bản chất

Tức mang tiền tới "chủ động áp sát, nài ép" mấy anh mấy chị nhận. Trước đó ở nhà đã phải thắp nhang van vái ông bà tổ tiên khiến cho mấy anh mấy chị "không cưỡng được cám dỗ", "chỉ nghĩ là tiền cảm ơn", mà nhận giùm. Chịu nhận tiền thì 90% sẽ chịu ký duyệt, cho phép. Từ đó doanh nghiệp mới được kinh doanh, người dân mới có thể hoàn tất các thủ tục hành chính cần thiết.

Nói tóm tắt, nó là quá trình cá nhân hóa quyền lực của nhà nước, biến quan hệ phục vụ hoặc dịch vụ của Nhà nước với người dân và doanh nghiệp trở thành quan hệ ban bố, xin cho giữa một số người được trao quyền với phần còn lại của xã hội, đổi lấy tiền bạc và lợi ích cho cá nhân mình.

Cơ chế là một thuật ngữ, chỉ quy luật vận hành của một hệ thống, sự tương tác giữa các yếu tố với nhau và nhờ vào việc tương tác đó mà hệ thống này hoạt động.

Rất thú vị khi khái niệm chính thống này được dùng để đặt tên một nguyên tắc ngầm, góp phần chính thức hóa nó, thậm chí đem nó lên bàn cân để so sánh với các cơ chế phổ biến khác, như cơ chế pháp trị chẳng hạn.

Thú vị còn vì tuy mỉa mai nhưng chính là cách làm công bằng. Vì ở Việt Nam, "cơ chế cảm ơn" chính là bản chất của mối quan hệ giữa các đại diện Nhà nước với người dân. Nó cũng gọi tên chính xác động lực trọng yếu chi phối cách vận hành hoạt động của chính quyền lâu nay, bất chấp những nghị quyết chống tham nhũng, bất chấp các đợt vận động học tập đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng. Thậm chí bất chấp cả cái lò cháy rừng rực suốt hai ba năm nay của cụ Trọng.

Được xướng lên giữa phiên tòa đại án, nó chẳng khác gì cú đạp thẳng vào thể diện và các cố gắng được mô tả là kỳ vĩ của "Người đốt lò vĩ đại".

Cho đến nay, cơ quan điều tra đã chứng minh tội trạng trong vụ án này và sẽ tiến đến bắt tù những quan chức cấp cao phạm tội. Đó là những nỗ lực dũng cảm, được đánh giá hết sức cao, ban đầu đã mang lại sự hả dạ hết sức cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng xét về bản chất, đó mới chỉ là hành động vớt sâu trong nồi canh. Thôi thì nồi canh này đem đổ. Nhưng nếu sâu vẫn lúc nhúc trong vườn rau thì sớm muộn gì các nồi canh khác cũng lại sâu nhung nhúc.

Do vậy cốt tủy phải là bao lưới rào kín vườn và thả thiên địch, để bất cứ con sâu nào mon men chớm nở đều bị phát hiện và diệt gọn.

"Không cho nó đẻ trứng", như slogan sắc bén tuyệt vời của dân gian.

Chao ôi, mơ ước đó chỉ là ước mơ hão.

Đừng thấy đỏ tưởng là chín nhé bà con

Vì nếu tuyệt đối cấm được hối lộ, diệt trừ cơ chế cảm ơn thì cán bộ sống bằng gì ?

Thu nhập chính thức quá thấp, nhưng quyền lực quá lớn. Hệ thống kiểm soát cồng kềnh nhưng bản chất là nhà táng giấy. Thì xã hội tất yếu sẽ hình thành lớp đệm xám - dùng quyền đẻ ra tiền - giữa hai cực để lập lại thế cân bằng tự nhiên.

Do vậy, sự tha hóa là tất yếu. Thậm chí chính Nhà nước ấn các điều kiện để dễ dàng tha hóa vào tay các cá nhân được trao quyền lực.

Một tuần nay dân Việt Nam chứng kiến sự tha hóa của cả một tập thể các cán bộ lãnh đạo cao cấp tại nhiều cơ quan Nhà nước trọng yếu. Những thái độ, những câu nói trơ trẽn tột độ của họ, đối lập gay gắt với chức vụ rất cao mà họ đang giữ khiến những người dân thường chúng ta hết trồi từ sự ngạc nhiên này lại sụt xuống sự sững sờ khác. Nhưng chỉ chúng ta sững sờ thôi. Giữa họ, các quan chức sống và làm việc theo "cơ chế cảm ơn" thì "làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền" chỉ là chuyện thường ngày. Hơn thế, nó chính là nguyên tắc sống còn và thăng chức.

Không thể có cơ chế giám sát thực sự trong chế độ chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền lãnh đạo đất nước. Chẳng có cơ thể nào dùng tay trái chặt đứt tay phải cả. Vì thế, bà con cũng đừng thấy đỏ tưởng là chín. Hết đại án chuyến bay giải cứu sẽ đến đại án xe bò giải trí, xe tăng giải hạn, xe lửa giải hạn… Và do là sự bù đắp tự nhiên cho lỗi sinh tử của cơ chế nên càng về sau nó sẽ càng công nhiên, chặt chẽ, quy mô lớn hơn, dính líu tới các tầng cấp sâu xa hơn nữa.

Thiên Hành

Nguồn : RFA, 25/07/2023

Tham khảo :

https://vnexpress.net/cuu-cuc-truong-lanh-su-coi-cong-dan-bi-mac-ket-o-nuoc-ngoai-nhu-nguoi-than-gia-dinh-4630910.html

https://vnexpress.net/doanh-nghiep-hoi-lo-bi-ep-dua-tien-4631793.html

https://vnexpress.net/cuu-pho-giam-doc-cong-an-ha-noi-khai-moi-gioi-hoi-lo-2-6-trieu-usd-vi-thuong-nguoi-4628642.html

https://vnexpress.net/luat-su-viec-cuu-dai-su-nhan-hoi-lo-co-loi-rat-lon-tu-doanh-nghiep-4631074.html

https://baomoi.com/vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-nhung-loi-an-nan-muon-mang/c/46395133.epi

**********************

Đảng và Chính phủ Việt Nam phải xin lỗi người dân về vụ "Chuyến bay giải cứu"

Quốc Phương, RFA, 24/07/2023

Để xảy ra đại án nghiêm trọng ‘Chuyến bay giải cứu’ mà tòa sơ thẩm ở Việt Nam đang nghị án trong tuần này, hay vụ Que thử Việt Á, mà không có quan chức lãnh đạo cấp cao nhất nào đứng ra xin lỗi người dân, liệu Chính phủ Việt Nam có quá coi thường nhân dân hay không ? Đó là câu hỏi được công luận Việt Nam nêu ra. Theo giới quan sát thời sự, chính trị Việt Nam trong nước, câu hỏi đó hoàn toàn ‘chính đáng’ và lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam cần sớm có lời giải đáp.

coche2

Ảnh ông Hồ Chí Minh và cờ đảng trên một panô ở Hà Nội. AFP

"Xét xử là về mặt ‘lý’ hay pháp lý, ai sai thì phải đưa ra tòa, còn chính phủ cũng là những con người, để cho trọn vẹn lý tình, phải có động tác xin lỗi. Đúng với ứng xử bình thường của con người, anh sai thì anh phải đền bù đã đành, nhưng anh phải có lời xin lỗi, như trong ứng xử của cuộc sống, tôi nghĩ như thế", ông Phạm Viết Đào, cựu quan chức cấp từng làm việc trong cơ quan thanh tra thuộc Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao của Việt Nam thời kỳ trước đây nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 24/7/2023 từ Hà Nội, trên quan điểm riêng.

"Tùy theo cán bộ sai phạm trong vụ án ở cơ quan nào, nếu ở cơ quan đảng, thì đảng phải đứng ra xin lỗi, còn gây cho ai, thì phải xin lỗi đối tượng đó. Ở Việt Nam hiện nay, đảng và chính quyền là một, ông vừa là quan chức của chính quyền, của đảng, thì đều phải xin lỗi nhân dân ; và người nào ở chỗ nào, gây ra lỗi ở chỗ nào, thì phải xin lỗi ở chỗ đó, như thế mới là hợp lý và thấu tình".

Bình luận về việc chậm đưa ra lời ‘xin lỗi’ của ban lãnh đạo đảng, nhà nước Việt Nam, liên hệ thêm vấn đề và ‘đền bù’ trong vụ án ‘Chuyến bay giải cứu’, ông Phạm Viết Đào nói :

"Cái này là do ở Việt Nam, mọi ứng xử ở trong nước đối với vấn đề quản lí, quản trị là chưa trọn vẹn. Tôi theo dõi vụ án giải cứu này, Viện Kiểm sát cũng không nói gì đến việc đền bù cho người bị hại, và ngay những người bị hại cũng không có đại diện trong phiên tòa. Như thế không đúng, bởi vì tất cả số tiền hối lộ đó là lấy tiền của dân, lấy tiền của các nạn nhân, chứ không phải là lấy tiền của nhà nước.

Bây giờ trung ương phải có đại diện và trong đường lối của Viện Kiểm sát giữ quyền công tố phải nghĩ đến chuyện tiền ấy phải xử lý như thế nào để người ta thấy rằng được đền bù, trả lại, vì chi phí cao hơn bình thường, và phải trả lại cho người dân thì mới là công minh".

coche3

Tòa xử 54 người vụ án "Chuyến bay giải cứu" ngày 11/7/2023. AFP

‘Bộ nào cấp phép, Bộ đó phải đứng ra đền bù’

Trả lời câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự ‘đền bù’ nào như được đề nghị hay kỳ vọng được đưa ra cho các nạn nhân mà số lượng theo truyền thông Việt Nam lên tới trên 200.000 người, qua trên 1.000 chuyến bay, ông Phạm Viết Đào nói :

"Nếu không ‘ông tòa’ sẽ trở thành một ông ‘trấn (lột)’ khác à ? Ông ấy lại còn cao cấp hơn các ông quan chức bị bắt sao ? Điều ấy trong văn bản công tố của Viện Kiểm sát không thấy nói gì cả, để xem tòa xử lý thế nào, nếu tòa sơ thẩm không nói chuyện này, thì để cho tòa phúc thẩm xử chăng ? Để xem tòa ứng xử ra sao, nhưng tôi thấy hình như là họ ‘quên’, họ ‘bỏ qua’ như những phiên tòa khác…

Theo tôi, tòa này phải có người bị hại, tức là những người mua vé mà phải chịu giá cao, như vậy số tiền thu về, phải đền bù lại cho người dân, cái ấy phải là trách nhiệm của nhà nước đã lập ra phiên tòa, còn nếu không ông này lại ‘chén lại’ của ông kia, thì còn ra gì ? Mà có phải là tiền của nhà nước đâu mà nhập vào (ngân sách) của nhà nước ? Còn tất nhiên, về việc chi phí, thì nhà nước đã có chi phí của nhà nước rồi. Dù là một đồng hay một nghìn đồng, thì phải đền người ta, trả lại tiền cho người ta, còn nếu lợi dụng để chia nhau tiền đó là không được".

Về cách thức đền bù cụ thể, theo ông Phạm Viết Đào nói :

"Đã thu về 130 mấy tỉ đồng Việt Nam, lại đã có Bộ Tài chính, các cơ quan lại có bộ phận tài chính và các hội đồng, … Tòa cần giao cho các ban, bộ, như là Bộ Giao thông thu tiền thì phải đứng ra, rồi Bộ Y tế cũng phải đứng ra mà làm theo trách nhiệm của họ. Làm sai thì phải sửa, chứ ai làm hộ ? Và đúng ra là trong xử án, thì phải có nội dung nói rằng việc này phải đền bù và giao cho bộ phận nào phải đứng ra xử lý theo quy trình của dân sự để đền bù, chẳng hạn Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông, Bộ Y tế và Bộ Công an, bốn bộ này phải đứng ra xử lý việc dân sự này. Bốn bộ này chịu trách nhiệm cấp phép (các chuyến bay), thì bây giờ các bộ đó phải làm.

Còn nếu không làm việc đó thì tức là làm sai, tiền mà thu về để làm gì ? Định xây tượng đài, hay định chia nhau ? Bây giờ thu về 130 tỉ đồng VN, tuyên bố rồi, thì tiền đó bỏ vào đâu ? Không thể nộp ngân sách được… Bây giờ đối với dân, chủ yếu là phải trả tiền người ta, phải minh bạch chuyện ấy", ông Phạm Viết Đào nói.

coche4

Công dân Việt Nam được đưa về nước trên một chuyến bay giải cứu từ Vũ Hán, Trung Quốc về sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh hôm 10/2/2020. AFP

‘Phản bội niềm tin, phải xin lỗi nhân dân và nạn nhân bị lừa’

Cũng hôm 24/7/2023, từ Hà Nội, bình luận về câu hỏi đặt ra cần có một lời xin lỗi của lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam với người dân và các nạn nhân của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’, một cựu cố vấn Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, ông Trần Tiến Đức nói với RFA Tiếng Việt :

"Tôi nghĩ rằng đấy là một câu hỏi rất chính đáng của người dân, vì vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ này kéo dài và không chỉ đụng chạm đến một, hai người mà nó ảnh hưởng đến khoảng 200.000 người dân, trong giai đoạn đại dịch Covid mà người ta ở nước ngoài thấy khó khăn và người ta muốn về nước để điều trị.

Và chúng ta đều biết, việc này liên quan đến Văn phòng Chính phủ, đến năm Bộ, nếu tôi nhớ không nhầm, năm Bộ được thành lập một Tổ thường trực để xử lý tất cả vấn đề này. Như vậy, đến nay 54 người trong đó có các quan chức được đưa ra hầu tòa, và trong đó cũng có các bản án được đề nghị tử hình và các bản án nặng khác. Dư luận hoan nghênh việc đưa ra xét xử, nhưng người ta cũng thắc mắc rằng những người bị nạn là người dân, liệu sau vụ xử này, có được bồi hoàn gì không ? Những khoản tiền mà người ta hoàn toàn tin tưởng vào nhà nước mà bỏ ra, mà bị mất tiền, thì bây giờ người ta được bồi hoàn như thế nào ?"

Về việc liệu lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam có đưa ra lời xin lỗi các nạn nhân và nhân dân hay không khi để xảy ra vụ việc trên, ông Trần Tiến Đức nói tiếp :

"Tôi nghĩ rằng sau phiên tòa, chính phủ và các bộ liên quan sẽ phải trả lời trước công luận và trả lời trước nhân dân về chuyện này. Những người cầm quyền phải làm, ngày xưa tôi nghĩ là hình như cụ Hồ đã có những lần đứng lên xin lỗi nhân dân về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.

Tôi nghĩ rằng đấy là một chuyện bình thường thôi, việc mà các quan chức trong chính phủ để xảy ra những chuyện, những hành vi vi phạm luật pháp mà sâu rộng như thế, mà ảnh hưởng đến uy tìn của chính phủ, thì xin lỗi là một điều tất yếu".

Theo ông Trần Tiến Đức, vấn đề quản lý khủng hoảng đã không được giảng dạy trong các trường dạy về quản lí công, hay các trường chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, và chính vì vậy rất nhiều cuộc ‘khủng hoảng’ đã được xử lý rất chậm, và ông nói thêm :

"Tôi nghĩ rằng đã là một nhà nước pháp quyền, người có quyền hành thì đồng thời phải có trách nhiệm rất lớn, trách nhiệm giải trình trước cử tri, trước người dân, do đó tôi nghĩ rằng đó là một yêu cầu thích đáng của người dân".

Trước câu hỏi liệu Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam hay Quốc hội Việt Nam và hay cơ quan bộ, ban ngành có chức năng trong hệ thống chính quyền của Đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước Việt Nam, có trách nhiệm gì không trong vụ việc này, hay là không có trách nhiệm gì, ông Trần Tiến Đức nói :

"Tôi không nghĩ rằng những người có trách nhiệm là vô can, họ phải chịu trách nhiệm, bởi vì tất cả cán bộ đều phải tuyển chọn, được sàng lọc qua một quá trình cũng rất nhiều cấp, nhiều giai đoạn khác nhau và người ta vẫn gọi là được thử thách ở nhiều cương vị khác nhau. Cho nên đến khi có vi phạm về luật pháp, chắc chắn những người đã từng bổ nhiệm họ, đã từng phê duyệt họ, tôi nghĩ là phải chịu trách nhiệm và nhìn chung bộ máy giám sát theo tôi hoạt động chưa hiệu quả, và tôi nghĩ rằng ở trong vấn đề này, vai trò của xã hội dân sự chưa được phát huy.

Tôi nghĩ rằng song song với việc phải tăng cường, củng cố cơ chế và bộ máy giám sát ở trong đảng, trong cơ quan dân cử, trong các cơ quan chính quyền, cũng phải tận dụng hơn nữa những tổ chức đại diện cho tiếng nói của người dân".

Đánh giá thêm về hậu quả của vụ ‘Chuyến bay giải cứu’ và việc chính quyền để xảy ra vụ bê bối này, người cũng là cựu Vụ trưởng tại một Ủy ban trực thuộc Chính phủ Việt Nam giai đoạn trước đây nói với RFA :

"Nếu mà nói gọn lại một câu, đấy là sự phản bội lại niềm tin ! Bởi vì người dân đã tin tưởng, người ta đặt hết cả niềm tin, thậm chí đặt hết tiền của của người ta vào những cơ quan có trách nhiệm của nhà nước. Bây giờ những niềm tin của họ bị phản bội, họ bị lừa, thì tôi đấy là sự phản bội niềm tin.

Tôi nghĩ xin lỗi là điều chắc chắn phải làm. Xin lỗi thì chắc chắn không khó, nhưng còn đền bù như thế nào, đấy là chuyện các cơ quan có trách nhiệm của nhà nước phải ngồi với nhau để bàn bạc và xử lý một cách thỏa đáng".

Cuối cùng trước việc trên công luận Việt Nam có ý kiến đặt ra rằng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ông Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng cần phải đứng ra xin lỗi, ông Trần Tiến Đức nói :

"Tôi đồng ý với ý kiến đó và nếu làm được việc đó thì sẽ được lòng dân", cựu cố vấn Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam, nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Hà Nội.

Theo truyền thông Việt Nam, sáng 22/7, trong ngày làm việc thứ 10 phiên tòa xét xử sơ thẩm đại án "chuyến bay giải cứu", trước khi vào nghị án, Hội đồng Xét xử đã cho phép 54 bị cáo nói lời sau cùng.

Và theo thông báo của chủ toạ phiên tòa sơ thẩm, mức án dành cho 54 bị cáo, trong đó có 21 bị cáo bị truy tố về tội ‘nhận hối lộ’, bốn bị cáo bị truy tố về tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’, 23 người bị truy tố về tội ‘đưa hối lộ’, bốn bị cáo bị truy tố về tội ‘môi giới hối lộ’ và hai bị cáo còn lại bị truy tố ít nhất một tội liên quan ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’, sẽ được tuyên vào 14g chiều ngày 28/7/2023.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 24/07/2023

**************************

Kịch bản nào khi không đủ chứng cứ kết tội cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng ?

Diễm Thi, RFA, 24/07/2023

Chiều 21/7/2023, trong lời nói sau cùng trước khi tòa chuyển sang phần nghị án, bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng Phòng Chính trị Hậu cần, Cục An ninh Điều tra - Bộ Công an ; nguyên điều tra viên vụ án chính của chuyên án chuyến bay giải cứu giai đoạn đầu - vẫn khẳng định mình vô tội và "tin tưởng Hội đồng Xét xử sẽ có phân tích thấu đáo, khách quan để đưa ra phán quyết chính xác nhất, đúng quy định pháp luật nhất cho bị cáo".

phienxu1

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa xử vụ chuyến bay giải cứu - Ảnh : Nam Anh

Ông Hoàng Văn Hưng khẳng định bản thân chỉ nhận chiếc cặp đựng bốn chai rượu chứ hoàn toàn không có tiền trong đó và đề nghị Viện Kiểm sát đưa chứng cứ trong cặp có 450.000 đô la như kết luận của tòa. Ông Hưng cũng đề nghị khởi tố cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội (bị cáo Nguyễn Anh Tuấn) tội vu khống. Ông Hưng cho rằng Viện Kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố đối với ông khi không có chứng cứ và bản thân ông không có bất cứ lời khai nào.

Trong khi đó, Viện Kiểm sát cho rằng đã đủ căn cứ xác định bị cáo Hưng phạm tội nhưng không thành khẩn khai báo, không chịu trả lại số tiền hưởng lợi bất chính và đề nghị mức án 19-20 năm tù.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam nhận định rằng, ở Việt Nam hiện có rất nhiều người bị kết tội, phải chịu tù đày dù chứng cứ phạm tội không có hoặc rất yếu, không đủ sức thuyết phục.

Luật sư Đặng Đình Mạnh, người từng tham gia bào chữa hàng chục vụ án bảo vệ pháp lý cho những người bất đồng chính kiến ở trong nước, đánh giá trường hợp bị cáo Hoàng Văn Hưng là một thách thức thú vị đối với hoạt động pháp đình Việt Nam giai đoạn hiện nay. Ông phân tích :

"Từ trước cho đến nay, trong hầu hết các vụ án an ninh quốc gia mà chúng tôi tham gia bào chữa, không biết bao nhiêu lần chứng kiến tình trạng cơ quan an ninh điều tra kết luận thân chủ chúng tôi phạm tội dù không có chứng cứ, hoặc chứng cứ rất mơ hồ.

Lần này, trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự "Chuyến bay giải cứu", có nằm mơ chúng tôi cũng không ngờ rằng một điều tra viên kỳ cựu của cơ quan an ninh điều tra lại là nạn nhân của chính tình trạng buộc tội không có chứng cứ, hoặc chứng cứ mơ hồ. 

Với niềm tin nội tâm, tôi khó nghĩ rằng ông Hoàng Văn Hưng vô tội. Thế nhưng, pháp đình không thể xét xử buộc tội một người với niềm tin nội tâm mà phải bằng chứng cứ rõ ràng, xác đáng, được thu thập hợp pháp. Nếu phải suy đoán, thì chỉ có một sự suy đoán được luật pháp chấp nhận là suy đoán vô tội.

Trong một nền tư pháp độc lập, với chứng cứ như hiện nay, thì tôi nghĩ chỉ cần một cậu luật sư mới ra trường cũng đủ đưa ông Hưng thoát khỏi vòng lao lý. Nhưng với nền tư pháp chịu sự lãnh đạo toàn diện của một đảng, xét xử theo nhu cầu chính trị, thì một trăm ông luật sư cũng phải chịu thúc thủ trước ý chí thống nhất tội danh từ Ban An ninh Nội chính do đảng chỉ tay. Do đó, ông Hoàng Văn Hưng đương nhiên bị tuyên có tội và chịu hình phạt thích đáng, còn chứng cứ ư ? Quên đi, vì tuyên một bản án hình sự không cần chứng cứ vẫn là chuyện hàng ngày mà giới luật sư chúng tôi đã từng chứng kiến trong nền tư pháp ấy".

phienxu2

Bị cáo Hoàng Văn Hưng. Photo : cand.com.vn

Luật sư Ngô Anh Tuấn ở Hà Nội cho rằng, trên thế giới người ta quan niệm thà để lọt tội phạm còn hơn bắt nhầm, bắt oan ; phải có chứng cứ rõ ràng mới kết tội thì Việt Nam làm ngược lại, tức là bắt lầm hơn bỏ sót ; trọng cung hơn trọng chứng. Ông nói tiếp :

"Thực tế, đối với vụ án này và sức ép của dư luận, cho dù ông Hưng hoặc nhiều người khác nói là ông ấy nhận rượu chứ không phải tiền, thì cuối cùng tòa cũng sẽ khẳng định trong vali chứa tiền mà thôi.

Cho nên, việc tuyên ông Hưng vô tội là chuyện hi hữu lắm và không khả thi trong thời điểm hiện tại. Họ không đủ bản lĩnh để làm đâu.

Một khả năng tốt nhất có thể xảy ra là họ trả hồ sơ hoặc tách hồ sơ vụ án này ra thành một vụ án độc lập để điều tra. Đó có thể là cách tốt nhất để cứu vãn danh dự, uy tín cho các bên mà thôi.

Thực tế, không phải chỉ ông Hưng mà rất nhiều bị can, bị cáo khác mà tôi chứng kiến rất nhiều, họ cũng có tình tiết tương tự, tức không có chứng cứ vật chất nhưng tòa vẫn căn cứ vào lời khai của những người có liên quan hay những chứng cứ gián tiếp khác để khẳng định người đó có tội. Lưu ý là tôi không nói đến những bị cáo liên quan chính trị vì những người này hầu như không được xem xét.

Còn nếu tuyên ông Hưng vô tội thì có thể một số người không hài lòng, nhưng đó là sự tiến bộ vượt bậc trong hoạt động tố tụng của Việt Nam !"

Nói về hệ thống tư pháp Việt Nam, tại buổi làm việc với lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao hôm 27 tháng 3 năm 2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu tòa án xét xử không được để xảy ra oan sai.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021, do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức cuối năm 2020, Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc phát biểu rằng, phải tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu quả. Phấn đấu xây dựng tòa án trở thành ‘thành trì bảo vệ công lý’.

Trao đổi với RFA, một số luật sư cho hay họ không còn tin vào nền tư pháp Việt Nam với nhiều bản án oan sai ; với những phiên tòa bất công mà ý kiến tranh luận của luật sư tại tòa không được xem xét. Một trong những luật sư đó là Luật sư Lê Văn Hòa. Ông tuyên bố trên trang Facebook cá nhân của ông rằng, ông bỏ nghề luật sư từ ngày 27 tháng 5 năm 2021 vì đã mất hết niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thành viên Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nêu suy nghĩ của ông với RFA, ngay sau tuyên bố bỏ nghề của đồng nghiệp Lê Văn Hòa :

"Lý do ông Hòa từ bỏ nghề nghiệp luật sư xuất phát từ sự bức xúc cao độ đối với các bất công mà thân chủ của ông phải gánh chịu qua các vụ án hình sự oan trái do ông đảm nhận làm người bào chữa, từ các bất cập và vi phạm nghiêm trọng của cơ quan xét xử mà ông nhận thấy mình gần như bất lực, khi đã tận lực, dốc hết sức cho công việc.

Thật ra, trước Luật sư Hòa đã có khá nhiều các luật sư lặng lẽ bỏ nghề, chuyển qua nghề khác trong hệ thống ngành luật như làm Công chứng viên, Thừa phát lại hoặc bỏ hẳn ngành luật để về vườn, làm công việc kinh doanh hoặc lao động chân tay. Câu chuyện của họ giống như việc nhiều đảng viên cộng sản thoái đảng một cách âm thầm vậy !"

Có lẽ không có ngành tư pháp nước nào đặc biệt như ở Việt Nam khi tất cả thẩm phán hiện diện đều là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoặc xuất thân từ công an. Đơn cử trường hợp ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hiện nay từng là Thiếu tướng Công an ; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa ; Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao hiện nay, ông Lê Minh Trí (nhậm chức từ 8/4/2016) cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 24/07/2023

************************

Đại án ‘Chuyến bay giải cứu’ mới chỉ xử lý phần nổi của tảng băng chìm ?

BBC, 23/07/2023

Tuần qua, vụ xét xử đại án 'Chuyến bay giải cứu' thu hút dư luận với những lời khai của các bị cáo, từ tố nhau trước tòa, làm thơ cho đến định nghĩa thế nào là người tử tế.

phienxu3

Sáu trong số 54 bị cáo trong đại án 'Chuyến bay giải cứu'

Trước vành móng ngựa, một số bị cáo nói về đạo đức làm người. Các bị cáo lập luận bản thân không biết là tiền hối lộ, chỉ nghĩ là "quà tết", "quà cảm ơn"... và những giọt nước mắt đã rơi.

'Chỉ là phần nổi của tảng băng chìm'

David Hutt, nhà báo làm việc tại Châu Á, chuyên viết trong mục 'Đông Nam Á' của The Diplomat, bình luận rằng vụ việc cho thấy chiến dịch 'đốt lò' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dường như chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn nạn tham nhũng.

"Nó cho thấy sau bốn năm thực hiện chiến dịch 'đốt lò" chống tham nhũng, các quan chức cao cấp vẫn nghĩ rằng họ có thể an ổn khi tham nhũng một cách trắng trợn như thế", ông nói với BBC News tiếng Việt.

"Điều này cho thấy bất kỳ chiến dịch chống tham nhũng nào do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo cũng sẽ thất bại nếu không giải quyết một vấn đề thật sự - đó là tình trạng ở một quốc gia độc đảng, các quan chức chỉ bị quan chức cấp cao hơn sờ gáy", David Hutt nhận xét. "Chỉ có thay đổi về hệ thống chính trị mới giải quyết hiệu quả được nạn tham nhũng".

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất, hơn 42 tỷ đồng sau 253 lần nhận tiền, và là người duy nhất bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị án tử hình. Những người khác bị đề nghị mức án tới 20 năm tù giam.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu David Hutt thì "Đây chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm - và là phần nổi rõ rệt nhất", và cho rằng án tử là mức quá nặng. "Tôi nghĩ trong trường hợp của ông ấy thì mức án tù dài hạn là thỏa đáng".

Từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân cũng cho rằng phiên tòa đang diễn ra "mới chỉ giải quyết phần nổi của tảng băng chìm".

"Phần nổi của tảng băng này là quan hệ giữa doanh nghiệp đưa hối lộ và quan chức nhận hối lộ có quyền cấp phép cho các 'chuyến bay giải cứu'", nhà văn Trần Quốc Quân nói với BBC News tiếng Việt. "Phần chìm của tảng băng này là quan hệ giữa các quan chức có quyền duyệt danh sách công dân Việt Nam sinh sống, lao động và học tập tại nước ngoài được 'giải cứu' về nước trong đại dịch Covid-19".

"Không một ai trong các cấp chính quyền, trong cơ quan chống tham nhũng, trong số các công tố viên đang xét xử vụ án 'Chuyến bay giải cứu' đặt ra câu hỏi cho các bị cáo (nhất là với cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Hương Lan), rằng tại sao Lãnh sự các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước là cơ quan quản lý trực tiếp nhân sự các công dân ở nước sở tại lại phải gửi danh sách người muốn bay 'giải cứu' về để Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao duyệt cho bay ?"

Không phân biệt được cảm ơn và hối lộ ?

Những lời trình bày trước tòa của một số bị cáo gây kinh ngạc, thậm chí gây phẫn nộ trong xã hội. BBC xin trích dẫn dưới dây một số câu nói được chú ý nhiều :

"Kể cả phạm tội rồi thì mình vẫn phải trung thực, phải là người tử tế, đàng hoàng, không nói xấu người khác…" (bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội)

"Khi tiếp xúc với doanh nghiệp, tôi suy nghĩ đơn giản, không phân biệt được hành vi dân sự với hình sự". (bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao giải thích việc mình không phân biệt được hành vi hối lộ và phạm tội)

phienxu4

"Tôi xác định dù đây là tiền mình vô tình nhận hối lộ nhưng cũng là tôi 'số đen', không may thì trả lại cho Nhà nước cũng được, không sao cả. Khi bị bắt tạm giam thì việc đầu tiên tôi làm là gọi về cho vợ, bảo : Em chuẩn bị cho anh ba tỷ, anh sẽ đi nghỉ dưỡng một thời gian" (bị cáo Trần Văn Dự, cựu Cục phó Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

"Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận" (bị cáo Trần Văn Tân cựu phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam).

Từ Ba Lan, nhà văn Trần Quốc Quân nói : "Tiến sĩ khoa học Chử Xuân Dũng cựu phó chủ tịch Hà Nội nhận thức hết sức lệch lạc về việc nhận hối lộ, coi hành vi này đơn giản như nhận một món quà tặng bình thường : "Dù hôm nay tôi là tội đồ, nhưng vẫn luôn là người tử tế". Vâng ! Là người tử tế biết nhận hối lộ".

Luật sư Ngô Anh Tuấn nói với BBC : "Nếu ông Tô Anh Dũng nói không phân biệt được giữa hành vi cảm ơn và phạm tội thì tôi cho rằng đây là phát biểu ngây ngô".

Nhà văn Trần Quốc Quân : "Ông Tô Anh Dũng làm đến thứ trưởng Bộ Ngoại giao mà cho rằng việc nhận 21,5 tỷ đồng là do "không nhận thức được việc nhận tiền là vi phạm pháp luật", và coi hành vi đó "như sự cảm ơn của doanh nghiệp". Quan điểm của một cán bộ cao cấp về hối lộ "ngây thơ" như thế thật lạ".

phienxu5

Nhà văn Trần Quốc Quân : "Ông Trần Văn Tân cựu phó chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Nam hết sức đơn giản khi cho rằng, 5 tỷ đồng nhận hối lộ do "Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nên mới nhận". Rất lạ ! Trình độ này còn kém hơn cả học sinh trung học phổ thông, vậy mà ông vẫn được bổ nhiệm làm quan, cai quản một tỉnh có gần hai triệu dân".

Lời trình bày của bị cáo Trần Văn Dự nhận được 'bão bình luận' trên mạng xã hội, với nhiều người cho rằng lời khai 'quá trơ tráo', mà theo cách hiểu của bị cáo này thì có thể thấy rằng ông ta mang tâm lý "đen thôi, đỏ quên đi" về hành vi phạm tội của mình.

Lời biện hộ của một số luật sư cũng rơi vào tâm điểm chú ý.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến nói việc đưa và nhận tiền giữa hai bị cáo liên quan với ông Chử Xuân Dũng hoàn toàn chỉ mang tính "được chăng hay chớ", "đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu".

Luật sư của cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Vũ Hồng Nam cho rằng thân chủ nhận hối lộ "có lỗi rất lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép" của doanh nghiệp. Cụ thể Luật sư Trần Nam Long nói. "Như vậy, việc nhận tiền của bị cáo Nam có lỗi lớn từ sự chủ động áp sát, nài ép từ phía doanh nghiệp. Về phía mình, bị cáo Nam cũng có lỗi là không cưỡng lại sự cám dỗ", luật sư Long bào chữa và cho rằng nhận thức đơn giản của thân chủ là doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong, có lãi thì cảm ơn.

Nhà văn Trần Quốc Quân nói về củi và chiếc lò 'đỏ lửa' của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng : "Thời xưa, khi tôi còn làm công chức, đi thăm nhau hoặc thăm lãnh đạo ốm đau, thường chỉ tặng cân đường, hộp sữa, quả cam. Thời nay, doanh nghiệp muốn được việc phải "cảm ơn" quan chức tiền tỷ, chục tỷ, trăm tỷ".

"Đúng là sống trong môi trường độc hại, lâu dần thành quen, người ta không cảm nhận được cơ thể mình đã bị nhiễm độc. Đó là điều hết sức nguy hại cho đất nước".

"Trong cái thể chế vận hành theo cơ chế xin-cho thì cả doanh nghiệp lẫn người dân là nạn nhân của tình trạng tham nhũng. Lò cụ Tổng không bao giờ đốt hết được củi được sinh ra từ chính khu rừng nuôi dưỡng nó".

Nguồn : BBC, 23/07/2023

**************************

"Cơ chế cảm ơn", chính phạm vụ án "chuyến bay giải cứu"

Gió Bấc, RFA, 22/07/2023

Trong phiên tòa xử vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều tình tiết vui như vỡ tấu hài, các bị cáo cựu quan chức dạy dỗ đạo đức cho nhau, lẩy kiều, làm thơ, thậm chí còn chê cơ quan tố tụng phạm luật, lọt tội, cáo buộc oan sai.

 phienxu6

Những bị cáo quan chức này cũng chưa phải là chính phạm của đại án tham nhũng, hối lộ trong "chuyến bay giải cứu", họ chỉ là hệ quả phái sinh tất yếu của cơ chế xin – cho, "cơ chế cám ơn" mà đảng cộng sản đã tạo ra và nuôi dưỡng.

Điều thú vị nhất là, hầu hết các bị cáo nhận hối lộ từ năm bảy tỷ đồng đến 42 tỷ đồng đều cho rằng đó chỉ là quà "cảm ơn". Những bị cáo bị buộc tội đưa hối lộ đã đưa ra bằng chứng họ bị sách nhiễu, rúng ép, nếu không "cảm ơn" thì không được việc. Một cán bộ công an còn gợi ý thẳng thừng, phải thực hiện "cơ chế cảm ơn".

Quả thật, "cảm ơn" đã thành cơ chế đặc thù của nhà nước cộng sản Việt Nam nên quà "cảm ơn" tỉ tỉ đồng được trao công khai tại trụ sở làm việc của Bộ ngành, thậm chí chuyển qua tài khoản ngân hàng. "Cảm ơn" diễn ra từ Văn phòng Chính phủ, Công an, Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải đến lãnh đạo các địa phương Hà Nội, Quảng Nam. Nơi nào có liên quan, có thẩm quyền với công việc đều có "cảm ơn".

Khi nhân tiền, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đều cho rằng, không chia tiền của ngân sách nhà nước là vô tội. Trần Văn Tân, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, vô tư nhận 5 tỷ đồng tiền "cảm ơn" của Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn, lãnh đạo Công ty Bầu Trời Xanh. "Hằng có đưa quà cảm ơn cho bị cáo như kết luận điều tra và cáo trạng cáo buộc. Hằng đã đưa 9 lần, tổng cộng 5 tỷ đồng".

"Bị cáo nhận thức đây là tiền doanh nghiệp không phải tiền ngân sách nên mới nhận. Sau lần nhận đầu tiên, bị cáo nghĩ sẽ trả lại cho chị Hằng. Nhưng thời gian trôi qua, công việc chống dịch nhiều, và muốn trả phải có thời hạn nhất định nên không trả lại. Bị cáo sai sót" (1).

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng thừa nhận, đã nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, cho rằng mình làm đúng nhiệm vụ được giao, tuy nhiên do nhận thức sai, nghĩ doanh nghiệp đến "cảm ơn" sau khi xong việc nên nhận tiền (2).

Độc đáo nhất là Phạm Trung Kiên, thư ký Bộ Trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đã nhận hối lộ hơn 180 lần với tổng số tiền là 42,6 tỉ đồng. Nhiều lần nhận tiền ở trụ sở Bộ Y tế, hoặc yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Bích Ng, (mẹ vợ Kiên).

Bị cáo Kiên khai phần lớn các lần nhận tiền đều là, sau khi doanh nghiệp được bị cáo hỗ trợ, nên sau đó họ chủ động gọi để xin số tài khoản "cảm ơn" (3).

Chỉ qua thực hiện công vụ xét duyệt thủ tục và cấp phép các chuyến bay giải cứu, các cựu quan chức đã được "cảm ơn" 161 tỷ đồng. Các bị cáo đều là đảng viên cao cấp, theo quy chế của đảng thì năm nào đảng viên cộng sản Việt Nam cũng phải đăng ký "học và làm theo lời dạy Hồ Chí Minh", học tập rèn luyện đạo đức cách mạng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa. Việc dạy dỗ này như thế nào mà có thể yên lòng nhận "cảm ơn" mặn mòi như vậy ?

Nguồn gốc sâu xa của chế độ cộng sản là áp đặt người dân trong cơ chế xin cho và sự kiêu ngạo ban ơn của đảng và nhà nước. Những công vụ, trách nhiệm của viên chức bộ máy nhà nước đều được sùng kính long trọng bằng sự ban ơn. Ngay trách nhiệm bảo hộ, đưa công dân ở nước ngoài hồi hương trong mùa dịch là trách nhiệm của mọi quốc gia, cũng được xem là sự ban ơn.

Không phải ngay trong lúc dịch bệnh, mà đến nay, khi sự việc vỡ lở thành đại án, tội ác vơ vét tiền dân trong dịch bệnh chất chồng như núi, thì báo CAND, cơ quan ngôn luận của Bộ Công An vẫn cao giọng ban ơn và răn đe những ý kiến phản biện :

"Trở lại vụ án, sau khi tổ chức giải cứu 30 công dân Việt Nam ở Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam vào tháng 2/2020, với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", đến tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan Nhà nước phối hợp tổ chức thực hiện và cách ly. Sau khi tổ chức các chuyến bay thí điểm thành công, Chính phủ tiếp tục cho phép tổ chức các chuyến bay "combo" song song với các "chuyến bay giải cứu" đến hết tháng 1/2022.

 Thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước, các cơ quan chức năng đã cấp phép và đã tổ chức được trên một nghìn chuyến bay đưa hơn 200 nghìn người dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Việc tổ chức các chuyến bay cứu hộ này là thực hiện chủ trương nhân đạo, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo hộ công dân, mục đích cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cũng như tài sản cho người dân (4).

Trong dịch bệnh trách nhiệm nhà nước phải hồi hương mọi công dân có yêu cầu chứ sao lại là cho phép lại còn phân loại công dân thuộc diện ưu tiên. Chính việc đảng, chính phủ tự biến trách nhiệm phải làm, thành quyền cho phép, lại đặt ra tầng nấc công dân thuộc diện ưu tiên đã kích hoạt cho cơ chế xin cho và "cơ chế cám ơn" vận hành tác quái. Năm Bộ Ngành được giao nhiệm vụ lẽ ra hỗ trợ cho việc cứu hộ công dân, lại thành kẻ có toàn quyền xét duyệt cho hay không cho.

Các bị cáo quan chức này đã tận dụng quyền lực ấy để buộc các doanh nghiệp móc hầu bao thực hiện "cơ chế cám ơn".

Theo kết luận điều tra, Phạm Trung Kiên là đầu mối tiếp nhận chuyển giao hồ sơ cấp phép trình thứ trưởng Bộ Y Tế, nhánh quyền lực quan trọng trong việc cấp phép, đã tiếp xúc, yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay và các cá nhân có liên quan với chi phí từ 50 – 200 triệu/1 chuyến bay hoặc 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/1 khách đối với chuyến bay combo và từ 7 đến 15 triệu đồng/1 khách đối với khách lẻ tùy theo từng thời điểm, để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay hoặc chấp thuận cho khách lẻ được về nước.

Kiên còn cùng với Vũ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an), yêu cầu, gợi ý các doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay cũng như kịp trả lời các văn bản (5).

Trước tòa, nhiều bị cáo là giám đốc doanh nghiệp, đã khẳng định bị Kiên quát tháo, ra giá, thậm chí còn đe dọa "đã có chữ ký rồi nếu không có tiền sẽ không có con dấu". Hầu hết giấy phép các chuyến bay đều chỉ cấp một hoặc hai ngày trước khi bay.

Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 32 lần, tổng 25 tỷ đồng, cùng các bị cáo thuộc Cục Lãnh sự, tạo thành nhóm lợi ích, gây khó khăn, nhũng nhiễu, không minh bạch, buộc doanh nghiệp chi tiền để được giải quyết thủ tục. Với doanh nghiệp chưa thỏa thuận đưa hối lộ, họ sẽ gây khó dễ dưới nhiều hình thức. Lan tự ý ra văn bản yêu cầu dừng triển khai chuyến bay khi doanh nghiệp đã bán hết vé và thuê máy bay ; sát ngày bay mới thông báo, thay đổi kế hoạch bay, số hành khách, để doanh nghiệp "phải gặp chi tiền" (6).

Với các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, phải đầu tư vốn liếng, đặt chuyến bay, nơi cách ly, quan hệ với khách hàng, nếu bị chậm trễ sẽ mất lời, còn có nguy cơ phá sản. Họ buộc phải thực hiện "cơ chế cảm ơn" mà không có con đường nào khác.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa, 35 tuổi, Giám đốc Công ty Masterlife, là một trong 23 lãnh đạo doanh nghiệp bị truy tố về tội đưa hối lộ. Để Masterlife được bay 18 chuyến, bà Xa chi hơn 8 tỷ đồng cho 8 quan chức bộ ngành.

Chiều 20/7, trong gần 10 phút tự bào chữa, bị cáo Xa 6 lần dùng từ "ấm ức" để nói về quá trình xin cấp phép. Theo đó, bị cáo Xa cho biết, đã mất 1,5 tỷ đồng tiền đặt cọc khách sạn làm địa điểm cách ly nhưng cuối cùng chuyến bay bị từ chối, phải bán nhà trả nợ. 

Vào cuối tháng 6/2021 hai ngày trước khi bay, hồ sơ của bà vẫn chưa được chấp thuận. "Rất sốt ruột, bị cáo gọi điện hỏi bộ phận bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, được trả lời ‘có chút vướng mắc bên Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an’ và dặn sang đó xem thế nào", bà Xa trình bày.

Bà được chuyên viên Cục Xuất nhập cảnh Vũ Sỹ Cường cho biết, hồ sơ của Masterlife bị từ chối vì : "Sếp không biết doanh nghiệp em là ai". Cường khuyên : "Để giải quyết nhanh, em nên làm theo ‘cơ chế cảm ơn’ đi, nếu không kịp sẽ khó lắm". Bị cáo như chim gặp cành cong, không còn nhà để bán nữa, phải tìm cách xoay tiền thực hiện "cơ chế cảm ơn".

Giải thích việc Masterlife bị xác định là doanh nghiệp chi tiền nhiều thứ 6 trong vụ án, giám đốc Xa cho rằng, do "thông lệ buộc phải theo", "lần đầu đã bị ép đưa rồi, lần sau cứ thế phải đưa" (7).

Điều tệ hại hơn nữa là ngay trước tòa, khi tự bào chữa hay nói lời sau cùng, Tô Anh Dũng, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan và tất cả các bị cáo là quan chức không có chút thành tâm hối hận trước hành vi tàn ác của họ với đồng bào của mình. Những người khốn khó trong dịch bệnh phải vay mượn, vét mót để chi trả khoản phí cắt cổ cho chuyến bay giải cứu. Họ trân tráo, dối trá chối tội, liệt kê công vụ như một loại thành tích xin ân giảm tội với đủ thứ điều kiện khó khăn, nghe rất nực cười. Nguyễn Thị Hương Lan than nghèo, trong khi giá trị tổng tài sản kê biên lên đến 51 tỷ đồng.

"Ngạo nghễ" hơn nữa, Trần Văn Dự, cựu Phó cục trưởng Xuất nhập cảnh, bị cáo buộc nhận hối lộ 6,7 tỷ đồng, tự bào chữa cho rằng, không yêu cầu doanh nghiệp đưa tiền, việc nhận hối lộ là "thụ động" nên coi như "tôi số đen". Dụ kể rằng, khi bị bắt, đã gọi về dặn vợ chuẩn bị 3 tỷ đồng và coi như "anh nghỉ dưỡng một thời gian rồi về" (8).

Người ta thường lưu truyền câu nói được cho là của Marx : "Chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi đau khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình…". Nếu vậy, súc vật còn kém tàn nhẫn hơn các quan chức nhà sản một bậc rất xa. Súc vật chỉ quay lưng mà không biết tận dụng cơ hội đau khổ của đồng bào để hút máu, bóp cổ, vắt tiền của đồng bào.

Nhưng suy cho cùng, cả những bị cáo quan chức này cũng chưa phải là chính phạm của đại án tham nhũng, hối lộ trong "chuyến bay giải cứu". Nói cách khác, họ chỉ là hệ quả phái sinh tất yếu của cơ chế xin – cho, "cơ chế cám ơn" mà đảng cộng sản đã tạo ra và nuôi dưỡng.

Còn độc tài đảng trị, còn trò hề "công cuộc đốt lò", thì tham nhũng, hối lộ còn sinh sôi, không thua ruồi nhặng.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 22/07/2023

Chú thích :

1. https://tuoitre.vn/vu-chuyen-bay-giai-cuu-cuu-pho-chu-tich-quang-nam-nghi-khong-phai-tien-ngan-sach-nen-nhan-2023071218061029.htm

2. https://thanhnien.vn/cuu-thu-truong-to-anh-dung-nhan-hoi-lo-215-ti-nhung-khong-biet-la-pham-phap-18523071214393697.htm

3. https://vov.vn/phap-luat/bi-cao-pham-trung-kien-bat-khoc-xin-huong-an-tu-de-co-co-hoi-tro-ve-post1033390.vov

4. https://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/thu-doan-loi-dung-phien-toa-xet-xu-vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-de-chong-pha-dang-nha-nuoc-i701075/

5. https://congly.vn/cuu-thu-ky-cua-thu-truong-bo-y-te-nhan-tien-hoi-lo-qua-tai-khoan-me-vo-372940.html

6. https://vnexpress.net/cuu-cuc-truong-lanh-su-coi-cong-dan-bi-mac-ket-o-nuoc-ngoai-nhu-nguoi-than-gia-dinh-4630910.html

7. https://vnexpress.net/bi-cao-khai-am-uc-khi-bi-ep-dua-tien-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-4631793.html

8. https://danviet.vn/cuu-pho-cuc-truong-khi-bi-bat-dan-vo-chuan-bi-3-ty-dong-va-coi-nhu-anh-nghi-duong-mot-thoi-gian-20230717161124854.htm

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thiên Hành, Quốc Phương, Diễm Thi, BBC tiếng Việt, Gió Bấc
Read 412 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)