Số tiền tham nhũng lẻ, 8 tỷ đồng, của ông Phạm Trung Kiên tương đương với thu nhập của một công nhân làm việc ròng rã trong hơn 100 năm.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai báo trước tòa. Ảnh : Phạm Kiên/TTXVN.
Theo thông tin chính thức từ Thư Viện Pháp Luật, lương tối thiểu của công nhân Việt Nam vào năm 2023 ở vùng được tính cao nhất là 4.680.000 đồng/tháng. Người công nhân Việt Nam có thu nhập cơ bản cả năm được gần 60 triệu đồng.
Ngày 18/7/2023, gia đình của bị cáo Phạm Trung Kiên, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", đã tức tốc nộp thêm 8 tỷ đồng cho cơ quan chức năng sau khi bị đề nghị án tử hình. Trước đó, gia đình ông Kiên đã nộp hai lần để "khắc phục hậu quả" : lần đầu 12 tỷ đồng, lần sau 15 tỷ đồng. Báo chí chính quyền còn cho biết ông Phạm Trung Kiên đã hứa sẵn sàng nộp thêm tiền để hy vọng giảm án.
Như vậy, số tiền tham nhũng lẻ, 8 tỷ đồng, của ông Phạm Trung Kiên tương đương với thu nhập của một công nhân làm việc ròng rã trong hơn 100 năm.
Số tiền lẻ này, như ông Kiên thừa nhận, có nguồn từ những quà tặng, biếu xén của doanh nghiệp, cơ quan trong việc điều phối đưa máy bay đi "giải cứu" con dân Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài do đại dịch Covid. Nói cách khác, số tiền lẻ bằng hơn 100 năm làm việc của một công nhân chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số tiền người dân đã phải hối lộ (gián tiếp) cho ông Kiên để được quyền bảo vệ sức khỏe, giữ gìn mạng sống hay được quyền trở về tổ quốc. Theo hồ sơ được công bố, chỉ riêng vụ "giải cứu", ông Kiên nhận tiền hối lộ 253 lần với tổng số gần 50 tỷ đồng. Ông Kiên khi hành sự chỉ là thư ký của thứ trưởng Bộ Y Tế – bộ "lương y như từ mẫu", theo cách ví von của Hồ Chí Minh.
Không cần tìm hiểu thêm, chúng ta khẳng định ngay ông Phạm Trung Kiên là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong phiên tòa, đại diện của Viện kiểm sát – một cơ quan chuyên vòi tiền những người lỡ lâm vòng lao lý – đã tỏ ra rất nghiêm khắc và "thật sự phẫn nộ" trước những lời bào chữa giảm tội cho ông Kiên. Báo chí chính quyền thuật rằng :
"Viện kiểm sát cho rằng một số quan điểm bào chữa của luật sư với ông Kiên là thể hiện sự thờ ơ trước nỗi đau, nỗi mất mát của đồng bào trong dịch bệnh… Viện kiểm sát nhận định hành vi của ông Kiên cũng như các bị cáo làm mất đi ý nghĩa của chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và ‘phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân’".
Chúng ta, những người dân thường, nông dân hay công nhân, có lẽ cũng phẫn nộ không kém ông/bà viện kiểm sát ngồi trong "phiên tòa" này.
Tuy nhiên, chúng ta có thể phẫn nộ, thậm chí căm thù ông Phạm Trung Kiên, nhưng xin hãy coi chừng !
Trong một giáo trình hiện hành tại Pháp, dành cho giới sinh viên, nghiên cứu về luật học, chính trị học, tác giả Philippe Foillard đã viết xúc tích về các chế độ cộng sản, người viết xin tóm lược như sau :
– Về lý thuyết, đây là các chế độ dựa trên hệ tư tưởng Mác-xít Lê-nin-nít nhằm thiết lập một chế độ mới tiến bộ thông qua con đường bạo lực bằng việc huy động giai cấp công nhân vô sản tấn công, lật đổ nhà nước tư bản, xóa bỏ giai cấp tư sản để thiết lập nhà nước mới có tính chuyển tiếp dựa trên quyền lực độc tôn do giai cấp công nhân vô sản nắm giữ (tức chuyên chính vô sản, thuật ngữ thường thấy ở Việt Nam). Bằng nhà nước chuyển tiếp này, các chế độ cộng sản sẽ thực hiện các cải biến xã hội, kinh tế, chính trị để tiến tới một hình thái xã hội mới phi giai cấp, phi xung đột, phi nhà nước, tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, hạnh phúc, sung sướng vô tận như nhau. Đó là hừng đông chủ nghĩa cộng sản (le communisme).
– Tuy nhiên, tác giả Philippe Foillard bình rằng, trên thực tế các chế độ cộng sản chưa bao giờ thực hiện như lý thuyết. Trái lại, bộ máy nhà nước của chúng – công cụ quyền lực của đảng cộng sản – ngày càng phình to và uy lực hơn bao giờ hết. Kẻ nắm quyền đích thực và độc tôn ở đây là đảng cộng sản – đảng duy nhất được phép tồn tại – chứ không phải giai cấp công nhân vô sản. Trong đảng, ban chấp hành trung ương và tổng bí thư là chóp bu cao nhất đưa ra các quyết định, đường hướng để bộ máy nhà nước thực thi. Ngoài ra, mỗi cấp độ, cơ cấu của hệ thống nhà nước luôn bị đặt dưới sự điều khiển, chỉ thị của một tổ chức đảng tương ứng. Sự vận hành chế độ cộng sản đã đưa tới hệ quả cho xã hội của nó : Trước bộ máy nhà nước (tức trước đảng), con người bị lột trần, bị tước mọi khí giới, tài sản nếu đảng thấy cần ; các cá nhân không thấy một khả năng, quyền lực độc lập nào có thể bám víu để bảo vệ các quyền của mình bởi đảng đã thâu tóm tất cả mọi quyền lực, tổ chức vào tay nó. Về "quyền", "luật" hay "hệ thống tư pháp", các chế độ cộng sản phỉ báng các khái niệm này vì coi đó là những công cụ của chế độ tư bản thối nát. Ngày nay, các chế độ cộng sản chỉ còn tồn tại ở vài nơi trên thế giới, đó là Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên và Việt Nam.
Bây giờ, xin hãy quay trở lại với bị cáo Phạm Trung Kiên và phiên tòa rất ầm ĩ xử 54 quan chức của nhiều bộ nghành đã lợi dụng cơn đại dịch thế kỷ để nặn bóp nhân dân ngay trong cơn thống khổ. Có thể nói 100% các bị cáo đều là người của Đảng cộng sản Việt Nam, nhiều kẻ còn là đảng viên ưu tú đã kinh qua Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nếu được hỏi ý kiến về hiệu quả của vụ án trong chống tham nhũng, nhiều khả năng ông Philippe Foillard sẽ mỉa mai rằng :
Toàn bộ tư tưởng, toàn bộ cơ chế đẻ ra tham nhũng vẫn y nguyên, và lại còn được tay tổng bí thư ca tụng, kêu gọi kiên quyết bảo vệ, đi theo đến cùng, thì bắt tù, kể cả tử hình, vài kẻ tham nhũng sẽ giải quyết được gì ?
Nhưng tại sao những năm gần đây, Nguyễn Phú Trọng, đầu sỏ của chế độ độc tài-tham nhũng, kẻ luôn tránh né việc công khai tài sản cá nhân như lời răn dạy của y cho cấp dưới, đã cho thực hiện nhiều vụ bắt bớ đồng đảng ở cấp khá to, đồng thời cho tuyên truyền rất rùm beng về chống tham nhũng ?
Đây chính là câu hỏi dành cho chúng ta – người dân Việt Nam – phải tự trả lời nếu chúng ta thực sự muốn có một đất nước, một xã hội tốt đẹp, trong sạch gần giống nước Pháp, và các nước văn minh khác.