Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/07/2023

"Con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu"

Hà Nguyên

"Hậu duệ" hay vấn đề "9C" – "con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu" trong công tác cán bộ được hiểu theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm mà người cộng sản từng tự hào đó là "hồng phúc của dân tộc".

9c0

Lần đầu Đảng cộng sản Việt Nam công khai xác nhận rằng tham quyền cố vị không chỉ là "đơn lẻ", mà còn mang tính hệ thống Ảnh minh họa Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng. Ảnh : Bộ Nội vụ.

Hậu duệ với nghĩa gốc tốt đẹp dành để nói về con cháu, thế hệ sau của một người nào đó. Nhưng "hậu duệ" hay vấn đề "9C" – "con cháu các cụ cả, chiếu cố các cháu" trong công tác cán bộ được hiểu theo nghĩa tiêu cực vốn là sản phẩm mà người cộng sản từng tự hào đó là "hồng phúc của dân tộc".

Việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, cho thấy có lẽ đây là lần đầu Đảng cộng sản Việt Nam công khai xác nhận rằng tham quyền cố vị không chỉ là "đơn lẻ", mà còn mang tính hệ thống "con sãi ở chùa" đang chờ "dân nỗi can qua…".

Rộng đường dư luận, và như một tham khảo cho việc "giám sát" qua góc nhìn "ông chủ" của "dân là chủ", đặc biệt là cần lưu ý điều 14 để thấy rằng chuyện "đôi co – mặc cả" được quy định cũng rất khéo cho các dàn xếp hậu trường ‘cơ cấu cán bộ’ vẫn gần như nguyên vẹn đó về "9C" của nhiệm kỳ tiếp nối.

Xin trích giới thiệu ở đây Quy định 114-QĐ/TW.

" (…) Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau :

1. Quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm : Tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái ; phong, thăng, giáng, tước quân hàm ; cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân ; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức ; khen thưởng, kỷ luật ; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo ; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ.

2. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

3. Tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, quyết định công tác cán bộ theo phân cấp và cơ quan tham mưu, chuyên môn giúp việc về công tác cán bộ.

4. Cơ quan liên quan là cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ.

5. Cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ là người đứng đầu, các thành viên của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo ở địa phương, cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền ; người đứng đầu cơ quan tham mưu ; cán bộ tham mưu ; cán bộ có liên quan trong công tác cán bộ.

6. Nhân sự là người được cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.

7. Người có quan hệ gia đình là vợ (chồng) ; bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng) ; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể ; anh, chị, em ruột ; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn

1. Dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự, bỏ phiếu bầu theo ý mình.

2. Để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động, thao túng, can thiệp vào các khâu trong công tác cán bộ.

3. Lồng ghép ý đồ cá nhân khi thực hiện các khâu trong công tác cán bộ vì động cơ, mục đích vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình thực hiện công tác cán bộ.

4. Chỉ đạo, tham mưu các khâu trong công tác cán bộ theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quy định này đối với nhân sự không đủ điều kiện, tiêu chuẩn ; không đúng nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định.

5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

6. Khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo hoặc biết nhân sự có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ nhưng thỏa hiệp, dung túng, bao che không xử lý theo thẩm quyền, xử lý không đúng quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

7. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, xét tuyển, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

8. Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là những thông tin, tài liệu, hồ sơ nhân sự đang trong quá trình thực hiện quy trình công tác cán bộ.

Điều 4. Hành vi chạy chức, chạy quyền

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm… nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

4. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

5. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

6. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Điều 5. Các hành vi tiêu cực khác

1. Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ. Nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian, đặt điều kiện đối với nhân sự và cơ quan trình nhân sự.

2. Thiếu trách nhiệm hoặc vì động cơ cá nhân làm thất lạc, mất hồ sơ cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Làm giả, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu để được xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ.

4. Báo cáo, lập hồ sơ, kê khai lý lịch đảng viên, lý lịch cán bộ, nhất là lịch sử bản thân và gia đình không đầy đủ, không trung thực.

5. Trực tiếp, thông qua người khác, lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội đưa thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến công tác cán bộ"

(…)

"Điều 14. Xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

1. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy định này thì cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đồng thời, cấp có thẩm quyền xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý sau :

a) Bị khiển trách thì sau thời hạn ít nhất 12 tháng kể từ ngày quyết định khiển trách có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

b) Bị cảnh cáo thì xem xét miễn nhiệm. Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định miễn nhiệm có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

c) Bị cách chức thì sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày quyết định cách chức có hiệu lực thi hành mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

d) Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ có kết luận vi phạm thì chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định".

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 24/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hà Nguyên
Read 355 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)