Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2023

Cần cơ chế phối hợp giữa các nước lưu vực Mekong để cứu hạn cho vùng hạ lưu

Brian Eyler

Đầu mùa hè năm 2023, Việt Nam hứng chịu một đợt khô hạn trên diện rộng. Ở miền bắc, hạn hán làm cho các hồ thủy điện bị sụt giảm nước đến mức không thể phát điện trong một khoảng thời gian. Ở phía nam, Đồng bằng sông Cửu Long cũng chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nước trên sông Mekong. 

mekong1

Sơ đồ các đập thủy điện trên 3 mạng lưới Sekong, Sesan, Srepok, thuộc hệ thống sông Mekong - Stimson Center

Hôm 26/7/2023, Stimson Center, một think tank ở Washington DC, tổ chức một hội nghị trực tuyến thảo luận về các vấn đề về nguồn nước trên sông Mekong. Theo các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam trình bày tại hội nghị này, có những dấu hiệu rõ ràng về hạn hán trên khắp lưu vực sông Mekong. Do đó, sông Mekong dường như đang trên bờ vực của một mùa mưa có dòng chảy cực thấp nữa. Đặc biệt, nguy cơ hạn hán này xuất hiện cùng lúc với hiện tượng El Nino sắp xảy ra. Các chuyên gia đặt ra câu hỏi là phần còn lại của mùa mưa năm 2023 sẽ diễn ra như thế nào. Một khi nguy cơ này xảy ra, nó sẽ tác động như thế nào đến hàng triệu người mà sinh kế của họ phụ thuộc vào dòng sông này ? 

Một vấn đề quan trọng khác là hiện nay đã có hơn 100 con đập đang hoạt động trong lưu vực sông Mekong. Ông Regan Kwan, nhà nghiên cứu tại Stimson Center, nhấn mạnh tại hội nghị một câu hỏi rằng liệu mạng lưới đập thủy điện này trên sông Mekong sẽ làm trầm trọng thêm hạn hán ngay trong mùa mưa này (từ tháng 6 đến tháng 11) hay không, hay là chúng có thể được đưa vào sử dụng để cải thiện tình hình. 

Lưu vực sông 3S (Sekong, Sesan và Srepok) đóng góp khoảng 20% dòng chảy hàng năm của sông. Đây là những dòng sông xuyên biên giới, đi qua cả 3 nước Đông Dương. Chúng nằm gần Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia nên tác động rất lớn đến nông nghiệp và thủy sản ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong điều kiện bình thường, vào mùa mưa, từ tháng 6 đến tháng 11, các dòng sông Sekong, Sesan, Srepok đóng góp nước cho sông Mekong và Đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra nhịp lũ theo mùa trong khu vực này. Tuy nhiên, tất cả các nhánh sông thuộc lưu vực Sekong, Sesan và Srepok đều đã bị xây dựng đập thủy điện. Điều đáng nói là hầu như có rất ít thông tin về hoạt động của những con đập này để các nhà nghiên cứu có thể hiểu chúng đã thay đổi nhịp lũ của sông Mekong như thế nào. 

So sánh dữ liệu thủy văn các năm, ông Brian Eyler chỉ ra là năm 2023, các đập thủy điện Trung Quốc đã xả nước mùa khô ít hơn hẳn các năm trước. Trả lời câu hỏi của RFA về hậu quả của việc Trung Quốc năm nay xả nước ít hơn mọi năm, trong khi mùa khô đến sớm hơn, ông Brian Eyler giải thích rằng do mùa mưa năm 2022 trước đó không cung cấp đủ nước cho các hồ chứa của Trung Quốc, cho nên lượng nước xả vào mùa khô của Trung Quốc thấp hơn bình thường từ tháng 1 đến tháng 5. Mực nước sông thực sự thấp trong mùa khô năm 2023. Theo ông Brian, điều này đã được dự đoán trước. 

Thông thường, mực nước sông sẽ thấp trong mùa khô và ngược lại, chúng sẽ cao trong mùa mưa. Hiện nay chúng ta đang trong mùa mưa truyền thống, nhưng mực nước sông tương đối thấp do thiếu mưa. Ngoài ra, các đập trên khắp lưu vực đang lấy nước từ lưu vực để nạp lại cho các hồ chứa của chúng. Ông Brian Eyler cho biết chỉ trong tuần trước, 1 tỷ mét khối nước đã bị loại bỏ khỏi hệ thống sông Mekong. Phần lớn số nước đó không được đưa vào hệ thống sông Mekong là do một con đập ở Trung Quốc đóng cửa đập.

RFA đặt vấn đề về việc các nước trên sông Mekong có cần hay không một cơ chế phối hợp để giữ và xả nước vào mùa khô giữa Trung Quốc (sở hữu các đập ở thượng nguồn) và các nước ở hạ lưu sông Mekong. Tiến sĩ Brian Eyler khẳng định thực sự cần phải có một cơ chế để các nước ở vùng hạ lưu có thể nhận được nước từ thượng nguồn, cho dù khu vực thượng nguồn đó nằm ở Trung Quốc hay Lào. Cả hai quốc gia Lào và Trung Quốc đều có những con đập chứa đủ nước ở thượng nguồn để cứu trợ hạ nguồn trong những lúc cần thiết. Thật không may, thời điểm cần thiết thường được xác định là mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 5 hàng năm. Nhưng mùa khô thì cả vùng khô tự nhiên. Việc xả nước từ các con đập trong mùa khô không giúp giảm bớt hạn hán do nước chảy ra biển. 

Ngoài ra, Tiến sĩ Brian Eyler nhấn mạnh cứu trợ lẫn nhau là cần thiết trong mùa mưa khi mà dòng chảy của dòng sông cực thấp, để có thể thúc đẩy "lũ lụt hữu ích" trên khắp Campuchia và Đồng bằng Sông Cửu Long. "Lũ lụt hữu ích" là kiểu lũ tạo điều kiện cho ngành đánh bắt cá nội địa lớn nhất thế giới và sản xuất lúa gạo cũng như các ngành nông nghiệp khác trong vùng này. 

Nói cách khác, một mùa mưa lành mạnh sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước và an ninh kinh tế cho lưu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và cả khu vực Mekong nói chung. Tiến sĩ Brian Eyler nhấn mạnh Trung Quốc và tất cả các quốc gia Mekong cần xác định khi nào hạn hán xảy ra trong mùa mưa và họ phải đạt được thỏa thuận để các đập không lấy nước ra khỏi hệ thống để nạp lại cho hồ chứa. Thay vào đó, những con đập đó nên để nước chảy qua cửa của chúng để chảy xuống hạ lưu nhằm giảm hạn hán trong mùa mưa.

Về những việc các nước hạ lưu sông Mekong cần làm gì để chuẩn bị cho tình trạng thiếu nước vào mùa khô những năm tiếp theo, Tiến sĩ Brian Eyler cho biết các cộng đồng ở lưu vực sông Mekong đã từng hoàn toàn thích nghi với tình trạng thiếu nước vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5. Nó được gọi là mùa khô vì lý do đó. Tuy nhiên, các tập quán canh tác nông nghiệp bằng các công cụ công nghiệp hóa, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đã khiến nông dân phụ thuộc vào nguồn nước sẵn có trong mùa khô. Bây giờ, điều này không còn thực tế nữa. Nó cũng sẽ càng trở nên không còn thực tế hơn trong tương lai. 

Tuy nhiên, đối với tình trạng thiếu nước trong mùa mưa, có nhiều cách sử dụng đập nước một cách thông minh và có trách nhiệm để cứu trợ nước thông qua việc xả nước. Việc cứu trợ này có thể được cung cấp với các đập hiện có, nhưng những đập đó phải được vận hành theo cách thức phối hợp xuyên biên giới, có tính đa quốc gia, để việc cứu trợ có hiệu quả. Đáng tiếc là chưa có tiền lệ ở khu vực Mekong cho loại hoạt động phối hợp chung này. 

Nếu những con đập mới được xây dựng để trữ nước và xả nước để cứu trợ, thì những con đập này cần được xây dựng theo cách giảm thiểu tác hại đối với nghề cá và cộng đồng. Tuy nhiên, Tiến sĩ Brian Eyler cho biết trong hoàn cảnh hiện nay điều này rất khó thực hiện do các nước trong khu vực chưa hợp tác với nhau một cách hiệu quả về vấn đề này. 

Nguồn : RFA, 27/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Brian Eyler
Read 228 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)