Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/07/2023

Du lịch Việt Nam : Làm gì để không ai bị ‘bỏ rơi’ ?

Quốc Phương

Truyền thông Việt Nam loan tin ở nhiều địa phương, người nghèo và cư dân địa phương ở Việt Nam vẫn còn bị ‘hạn chế’ các cơ hội trong mùa du lịch, chẳng hạn thiếu bãi tắm, khó tiếp cận các lối ra biển, khu cảnh quan thiên nhiên ngay ở ‘quê nhà’. Lý do vì bị các đơn vị kinh doanh du lịch, hay các dự án như resorts, sân golf, bãi tắm, kinh doanh du lịch cao cấp tư nhân v.v… chặn các lối ra biển bằng các rào cản thu phí. Ngoài ra nhiều cư dân địa phương, những người có thu nhập thấp chưa được thụ hưởng thích đáng từ các dự án, quy hoạch du lịch về mặt công ăn, việc làm.

dulich1

Khách du lịch đi xe xích lô ở khu phố cổ tại Hà Nội hôm 11/4/2023 - AFP

Chuyên gia về du lịch học, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Long, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN, từ Toulouse, Pháp nêu quan điểm riêng hôm 26/7/2023 với Đài Á Châu Tự Do rằng chính quyền và ngành du lịch Việt Nam cần sớm tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh lại và tái cân đối chính sách nhằm đạt được một sự phát triển hợp lý, cân bằng, tốt hơn về mặt xã hội và đồng thời phù hợp hơn về mặt bản sắc.

"Những nước đang phát triển đều gặp những vấn đề như thế này cả. Phải nói rằng phát triển du lịch hiện nay có hai hướng. Hiện nay chúng ta (Việt Nam) phát triển rất nhiều du lịch cao cấp, có rất nhiều cơ sở cao cấp để đón khách du lịch cao cấp. Đây cũng là một chiến lược cũng không thể hạn chế, nhưng bên cạnh đó, chúng ta không thể quên một đối tượng rất quan trọng" - Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Long trình bày.

"Họ chính là người dân và họ chính là chủ sở hữu của môi sinh đó, thế thì họ phải có được lợi ích ở trong đó. Cho nên tôi muốn nói là cần phải phát triển du lịch cho tầng lớp trung lưu mà đưa vào địa phương, do người dân làm trực tiếp, song song với du lịch cao cấp, như loại hình du lịch resorts. Cùng với như thế, chính quyền cần phải xác định lại những tiêu chí của địa phương cho việc quy hoạch phát triển du lịch. Tôi lấy ví dụ như là ở Nice hay Monaco chẳng hạn, đấy cũng là những đơn vị du lịch cao cấp san sát những bãi biển, bờ biển. Và thậm chí có thể nói là ở bên đại lộ La Croisette, là đại lộ nổi tiếng nhất ở bên bờ biển Cannes, gần như chúng ta thấy rằng các bãi biển tư nhân đã bị chiếm dụng rất lớn bởi các chủ khách sạn, nhưng bên cạnh đó chính quyền địa phương vẫn yêu cầu phải có những bãi biển mà cấm, không được động đến, và phải của người dân sở hữu.

Đồng thời, người ta lại khuyến khích những đơn vị tư nhân, rằng họ không được chiếm hữu những bãi biển đã có sẵn, đấy là tài sản của công cộng, mà nếu anh muốn chiếm hữu bãi biển riêng tư để xây dựng, anh tự đi khai phá và san lấp, tất nhiên phải đảm bảo yếu tố về mặt quy hoạch, về mặt môi trường. Tôi nghĩ là đồng thời ở đây, chúng ta cần phải có chính sách ở cả hai phía, một là quy hoạch và hai là phát triển loại hình du lịch gắn kết với cộng đồng địa phương. Và loại hình du lịch này là bền vững, chính là yếu tố khiến người ta quay trở lại và chính là yếu tố hài hòa các lợi ích".

dulich2

Khách du lịch ở Hội An hôm 24/6/2023. AFP

Yếu tố bản địa, bản sắc

Nhân dịp này, chuyên gia về du lịch học từ Pháp cũng đề cập một vấn đề mà công luận Việt Nam và giới quan sát đề cập lâu nay như một quan ngại. Đó là đang xuất hiện những xu thế ‘sao chép’ các công trình kiến trúc, cảnh quan bài trí, theo phong cách ‘giống’ nước ngoài, chẳng hạn như công trình và dịch vụ du lịch phổ biến ở các nước Tây phương, từ Pháp, Ý, tới Hà Lan v.v…, mà có chiều hướng dường như có thể đã ‘xem nhẹ’ phần nào yếu tố căn cước văn hóa, bản sắc dân tộc, đặc trưng quốc gia hay bản địa. Ông Nguyễn Đỗ Long nói thêm với Đài Á Châu Tự Do :

"Thực sự xu thế của thế giới hiện nay đi tới vấn đề mang tính bản địa, sự tìm hiểu một không gian mới với những giá trị cảnh quan đặc trưng, giá trị cảnh quan ở đây chúng ta phải nói tới giá trị cảnh quan tự nhiên và nhân văn. Tự nhiên là gì ? Ví dụ như đồi núi, sông, biển v.v… Nhưng giá trị nhân văn cũng vô cùng quan trọng. Đó là những giá trị về kiến trúc, về tập tục, về ẩm thực, về văn hóa, về trang phục v.v…, tất cả những cái đó là những yếu tố hết sức hấp dẫn và bây giờ trở thành một xu thế.

Tôi lấy ví dụ, tại sao Châu Âu trở thành một điểm đến trên thế giới về hấp dẫn ? Bởi vì người ta vào tới Châu Âu, người ta không chỉ tham quan Pháp, mà sang Ý là người ta đã thấy nét đặc trưng riêng rồi. Một nước Bỉ nhỏ bé cạnh Pháp thôi, nhưng sang tới đó, người ta lại có những nét đặc trưng riêng. Những nét đặc trưng đó là những yếu tố tạo nên dấu ấn và thu hút người ta quay trở lại".

Liên hệ với xu thế đang diễn ra ở Việt Nam, phân tích điểm mạnh yếu và đề cập giải pháp, ông Nguyễn Đỗ Long nói :

"Việt Nam của chúng ta hiện nay đang đi theo hai xu thế. Một xu thế mang tính ngắn hạn, đấy là người ta phục vụ cho đối tượng khách du lịch mà để thu lại lợi nhuận ngay, để hoàn vốn lại ngay. Thế thì người ta xây dựng những công trình xây dựng mang tính gọi là ‘bắt chước’, cái đó có thể giải quyết được vấn đề mang tính ngắn hạn. Đó là thu hút được một lượng khách du lịch trong nước mà tò mò. Nhưng khách du lịch quốc tế, tôi có thể khẳng định, không một ai đến Việt Nam để xem tháp Campanile như kiểu ở Venice, hay là người ta muốn đến xem một Venice thu nhỏ v.v…, điều ấy là không bao giờ !

Như thế, để phát triển một nền du lịch mang tính đặc thù, việc này gắn với yếu tố đào tạo về nhân lực du lịch rất quan trọng. Hiện nay nói đến nhân lực trong du lịch, người ta mới nói đến nhân tố ‘đón tiếp’ thôi, không hẳn như thế. Nhân sự trong du lịch mang yếu tố ‘đón tiếp’, ở Việt Nam chúng ta đào tạo tốt. Chỉ có hai khía cạnh là các nhà nghiên cứu các định hướng phát triển du lịch và thứ hai là những nhân sự lao động gián tiếp trong ngành du lịch là có vấn đề. Nhân sự lao động gián tiếp trong ngành du lịch chưa ý thức, họ còn ‘chặt chém’, họ còn có thái độ này kia".

Theo ông Nguyễn Đỗ Long, việc đào tạo trong ngành du lịch để có được những nhân sự cao cấp trong ngành du lịch mà có thể định hướng, đưa ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù là vô cùng quan trọng, và ông đưa ra thí dụ phân tích thêm :

"Ở Việt Nam, tính gắn kết chưa cao, chúng ta mới có thể đến một khu ‘homestay’, tắm bể bơi, nhưng chúng ta không biết được khách du lịch nước ngoài đến nơi có thể rất thích một sản phẩm… ví dụ, xuống một cánh đồng thực sự để người ta trồng lúa nước. Được nghe giải thích, và người ta xắn quần, người ta xuống trồng lúa nước, tôi lấy đấy là một ví dụ.

Người ta được giới thiệu về cái đơm, cái đó mà chúng ta đi đánh, bắt cá, nhưng người ta được làm thử một lần, tôi lấy thêm một ví dụ như thế. Rồi rất nhiều đặc sản chúng ta có thể làm du lịch. Thậm chí ngay cả sản phẩm ‘tắc đường’ thôi của Hà Nội, chúng ta cũng có thể làm thành một sản phẩm du lịch.

Chúng ta có thể cho khách ăn sáng và uống cà phê một tiếng vào buổi sáng và xem cảnh tắc đường vào giờ cao điểm ở Hà Nội như thế nào, chúng ta có thể ‘kéo’ họ theo từng giờ một, và có thể kéo dài từng đêm, và từ đấy, chúng ta có thể lưu lại cho khách những ấn tượng. Việt Nam chúng ta có 54 dân tộc, với các địa hình vô cùng phong phú, thì điều ấy đương nhiên với chúng ta phải là những ưu điểm".

Nguồn : RFA, 26/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương
Read 20930 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)