Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/08/2023

Nếu cựu chủ tịch công ty AIC bị "bắt cóc"

Trung Khoa, Thu Hằng

Nguy cơ khủng hoảng Việt- Đức lần 2 nếu cựu chủ tịch công ty AIC bị "bắt cóc"

Berlin cảnh giác cao độ về khả năng mật vụ Việt Nam bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC, ngay trên lãnh thổ Đức. Nữ doanh nhân 56 tuổi bị truy nã trong ba vụ án hình sự liên quan đến đấu thầu, hối lộ. Theo nhiều cơ quan truyền thông Slovakia và Đức, bà Nhàn đã ở Đức "được vài tháng".

taz1

Trang TAZ của Đức Nhàn, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC, đang sống tại Đức. © Capture d'écran

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc lũng đoạn đấu thầu trong các gói thầu tại Bệnh viện Đồng Nai, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh. Vào cuối năm 2022, bà Nhàn bị kết án vắng mặt tổng cộng 30 năm tù trong vụ đầu tiên. Hai vụ tiếp theo vẫn đang trong quá trình xét xử.

Vào tháng 05/2022, khi xác định bà Nhàn đã bỏ trốn, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phát lệnh truy nã bà Nhàn và 7 người khác gồm cấp dưới tại công ty AIC và lãnh đạo một số doanh nghiệp thân quen. Theo trang TAZ của Đức, bà Nhàn dường như đã đến Nhật Bản, sau đó qua Luân Đôn (Anh) và đã đến Đức từ vài tháng nay.

Trang Thoibao.de hôm 11/08 cho biết Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn, nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác đơn này. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam là "sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức". Cảnh sát Đức cũng đã liên lạc trực tiếp với bà Nhàn và cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của bà.

Liệu một vụ bắt cóc thứ hai có khả năng xảy ra hay không ? Trong trường hợp xảy ra, việc này sẽ tác động đến quan hệ ngoại giao Việt Nam và Đức như thế nào ?

RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà báo Trung Khoa của trang Thoibao.de tại Berlin.


RFI : Một số cơ quan truyền thông Slovakia và Đức đưa tin là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC đang ở Đức. Xin anh cho biết những thông tin mới nhất về vụ việc ! 

Trung Khoa : Những thông tin mà tôi tổng hợp và nhận được thì rất nhiều. Đầu tiên, chúng ta cũng biết thông tin bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bỏ trốn đã được công bố, sau đó Việt Nam đã phát lệnh truy nã. Thông tin gần đây nhất mà chúng tôi nhận được là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức.

Sau đó, các tờ báo của Đức, của quốc tế lần lượt đưa tin sau khi họ hỏi chính quyền Đức. Họ được biết những thông tin rất nhạy cảm. Những thông tin này được đưa ra và đăng trên các tạp chí, cũng như là trên Đài truyền hình Slovakia RTVS tối 05/08, cũng như là trên báo TAZ của Đức vào ngày 06/08, trong đó có rất nhiều thông tin đặc biệt về việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ở Đức.

RFI : Có tin nói rằng đề nghị dẫn độ bà Nhàn từ phía Việt Nam nhưng bị từ chối. Liệu có lý do nào giải thích quyết định của Đức ?

Trung Khoa : Tôi nghĩ chính quyền Đức từ chối bởi vì lần trước khi vụ án ông Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào năm 2017, khi đó phía việt Nam cũng đã đề nghị dẫn độ nhưng bà thủ tướng Angela Merkel lúc đó trả lời rằng việc này là do bên cơ quan Tư pháp làm. Dường như Việt Nam không đợi được các cơ quan Tư pháp của Đức làm việc tiếp mà họ đã bắt cóc.

Vụ việc của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn khá giống với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh trước đây. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Nhà là người có nhiều mối quan hệ và nhiều thông tin quan trọng hơn ông Trịnh Xuân Thanh rất nhiều. Và bà cũng không đi một mình mà đi cùng với rất nhiều cộng sự của bà. Trước khi việc truy tố diễn ra ở Việt Nam, bà Nhàn đã chuẩn bị rất kỹ.

Ở Đức là tam quyền phân lập. Đức chưa có hiệp định về dẫn độ, giữa hai nước cũng chưa có hiệp định tương trợ tư pháp. Còn phía Việt Nam cũng đang rất cố gắng để tìm cách đưa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về. Nhưng phía Đức, đó là Nhà nước pháp quyền nên bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn chắc chắn sẽ có những luật sư để bảo vệ bà chống dẫn độ về Việt Nam.

RFI : Anh nghĩ Đức sẽ phản ứng như thế nào nếu xảy ra trường hợp bắt cóc thứ 2 ? Việt Nam có khả năng làm không sau khi đã xảy ra sự cố, căng thẳng ngoại giao và bị chỉ trích sau vụ bắt cóc lần trước ?

Trung Khoa : Rõ ràng là những thông tin mà báo chí Đức đã đăng tải sau khi họ có những nguồn tin từ nội bộ chính phủ Đức đưa ra là phía Đức đã cảnh báo phía Việt Nam là không được làm vụ bắt cóc lần nữa. Nếu Việt Nam vẫn cố tình làm thì đương nhiên nước Đức, một Nhà nước pháp quyền, nói rõ là sẽ không chấp nhận và dung thứ cho bất cứ hành động nào như vậy trên đất nước Đức nữa.

Đầu tiên nếu Việt Nam bắt cóc thì có thể phía Đức sẽ trục xuất ông đại sứ hiện nay của Việt Nam tại Đức chẳng hạn. Còn chuyện chấm dứt quan hệ với Việt Nam, tôi nghĩ chắc là không, bởi vì Đức cũng có những mối quan hệ và những mối quan tâm về mặt chiến lược tại Việt Nam. Nhưng những chương trình, những dự án hỗ trợ Việt Nam hoặc những công việc khác của chính phủ Đức với Việt Nam và giữa hai nước sẽ bị đóng băng trong thời gian rất dài.

Tôi nghĩ rằng phía Việt Nam, không phải là một Nhà nước pháp quyền, cho nên họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, miễn là đạt được mục đích của mình. Qua những sự việc đã diễn ra từ trước đến nay, chúng ta có nhiều bằng chứng rõ ràng. Cho nên phía Đức, mặc dù đã cảnh báo như vậy, nhưng họ cũng đã gặp gỡ trực tiếp bà Nhàn, theo như báo chí Đức đăng tải, để cảnh báo bà cẩn thận với những cơ quan của Việt Nam. Họ có thể tiếp cận và tìm cách đưa bà về Việt Nam hoặc là có những hành động bất hợp pháp tại Đức.

RFI : Liệu anh có những thông tin là phía Việt Nam đang tiến hành những thủ tục và hợp tác với Đức như thế nào để phía Đức đồng ý đưa bà Nhàn về Việt Nam ?

Trung Khoa : Đương nhiên, như đã nói, phía Việt Nam luôn tìm mọi cách để đưa bà Nhàn về, không chỉ ở Đức mà ở bất cứ nước nào, nếu họ phát hiện bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ở quốc gia đó.

Việc đưa bà Nhàn về, nếu dùng các thủ tục pháp lý, cũng phải trải qua những quy trình rất rõ ràng, minh bạch. Và bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng có những luật sư của bà để bảo vệ cho thân chủ. Tôi nghĩ rằng việc đưa bà Nhàn về theo hình thức đó là rất khó, bởi vì nước Đức là một Nhà nước pháp quyền, họ sẽ thực hiện theo đúng Hiến Pháp, cũng như pháp luật của họ.

RFI : Nhưng trong trường hợp như vậy, có thể có những ý kiến cho rằng Đức dung túng, bao che cho một tội phạm đang bị truy nã ở Việt Nam !

Trung Khoa : Phải nói là khi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn sang Đức, cũng giống như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khi sang đến Đức, lúc đó họ chưa hề bị lệnh truy nã nào và cũng chưa bị truy tố. Vậy thì không thể nói rằng bà là một tội phạm.

Còn ở phía Đức, họ coi những tòa án ở Việt Nam là không độc lập, tức là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, cho nên những quyết định của những tòa án đó thường mang tính chất là đã được định sẵn, mà người ta hay gọi là "án bỏ túi". Cho nên, điều đó rất khó xảy ra đối với phía Đức, khi họ có thể là bằng sức ép nào đó của Việt Nam, để có thể dẫn độ bà Nhàn về Việt Nam theo như mong muốn của nhà cầm quyền ở Hà Nội. Đó là thông tin mà tôi nghĩ rằng sẽ diễn ra như vậy.

Và vụ việc này chưa chấm dứt ở đây. Chắc chắn sẽ còn những thông tin mới trong thời gian sắp tới đối với vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn ra nước ngoài và được báo chí Đức và quốc tế đăng tải là được phát hiện đang ở Đức.

RFI : RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Trung Khoa tại Berlin !


Khủng hoảng ngoại giao Đức-Việt sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ngay giữa thủ đô Berlin ngày 23/07/2017. Vụ bắt cóc được tính toán kỹ, ly kỳ, lợi dụng quan hệ ngoại giao với Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh ra khỏi khối Schengen và về Việt Nam. Tư pháp Đức vẫn tiếp tục điều tra vụ việc.

Trang tin Đức DW nhắc lại hôm 02/06/2022 : "Chính phủ Đức coi vụ bắt cóc là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Đức cũng từng trục xuất hai nhà ngoại giao Việt Nam vì vụ bắt cóc và bày tỏ phản đối với đại sứ Việt Nam". Sau sự kiện gây chấn động này, chính phủ Đức đã quyết định tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam kể từ ngày 22/09/2017, sau đó là tạm đình chỉ hiệp định giữa hai nước về việc miễn thị thực (visa) đối với hộ chiếu ngoại giao Việt Nam.

Ngày 01/11/2018, thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã sang Berlin để đàm phán với phía Đức nhằm hàn gắn lại mối quan hệ ngoại giao đã bị khủng hoảng sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó, khi được trang TAZ đặt câu hỏi, Bộ Ngoại giao Đức chỉ xác nhận là "có cuộc đàm phán tại Bộ Ngoại giao ngày hôm nay (thứ Năm ngày 01/11/2018)" trong "quá trình trao đổi chặt chẽ" với Việt Nam về "các vấn đề quốc tế và song phương". 

Mối quan hệ Việt-Đức được cho là bước sang một chương mới với chuyến công du Hà Nội của thủ tướng Olaf Scholz trong hai ngày 13-14/11/2022. Nhưng chưa đầy một năm sau, sóng gió lại có thể nổi lên với vụ bà Nguyễn Thị Thanh NhàThu Hằng

Thu Hằng thực hiện

Nguồn : RFI, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trung Khoa, Thu Hằng
Read 258 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)