Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

15/08/2023

Án tử hình và án oan ở Việt Nam

Diễm Thi, RFA

Án tử hình ở Việt Nam qua cái nhìn của các chuyên gia luật pháp

Diễm Thi, RFA, 15/08/2023

Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố hôm 16 tháng 5 năm 2023, Việt Nam đứng thứ tám trên bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Theo tổ chức này, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn là những quốc gia luôn che giấu số liệu thật về số người bị kết án tử hình. Do đó, tổ chức này cho biết không có đầy đủ số liệu mà chỉ có một phần số liệu như trên.

anoan01

Xe chở bị cáo ra tòa ở Hà Nội. Ảnh minh họa. AFP

Việt Nam sử dụng án tử hình ra sao ?

Một số chuyên gia trong lĩnh vực tư pháp mà RFA có dịp trò chuyện cho rằng, Việt Nam nên bỏ án tử hình bởi nền tư pháp không độc lập và đầy những bản án oan, sai. Nếu tử hình oan một con người thì sẽ không còn cơ hội để sửa sai.

Bộ Luật Hình sự Việt Nam hiện vẫn duy trì hình phạt tử hình với diễn giải đây là hình phạt rất cần thiết, góp phần thực hiện nhiệm vụ của Luật Hình sự là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Một số luật sư cho rằng không nên duy trì hình phạt tử hình vì án tù chung thân cũng có tác dụng ngăn ngừa tội phạm không kém.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, từng có bảy năm làm Phó khoa trưởng Lincoln Law School of San Jose ở California, nói với RFA hôm 15/8/2023 :

"Hiện còn nhiều quốc gia vẫn giữ án tử hình. Cái quan trọng là việc áp dụng và thực thi bản án như thế nào mà thôi. Đó là điểm khác biệt. Có những nước họ coi trọng sinh mạng con người như ở Mỹ, thì khi muốn tuyên một bản án tử hình nó phải qua nhiều gia đoạn lắm. Và ngay cả khi một người đã bị tuyên bản án tử hình rồi thì thủ tục để họ khiếu nại níu kéo sự sống có thể kéo dài rất nhiều năm. Và ngay cả cách xử tử họ cũng được xử cách nào cho nhanh nhất, không bị đau đớn…

Riêng tôi, tôi thấy rằng, khung hình phạt phải rõ ràng với những thủ tục bảo vệ quyền của những người bị án tử hình phải được thực hiện nghiêm túc trước khi lấy mạng của một người vì tội của họ.

Ở Mỹ thì mọi thủ tục rất rõ ràng trên các văn bản và phía bên công tố muốn thi hành bản án hay muốn hủy bản án thì đều dựa theo luật pháp. Còn Việt Nam thì ngành tư pháp không phải là một ngành độc lập với ngành lập pháp và ngành hành pháp, cho nên việc tuyên án tử hình hay bỏ án tử hình ở Việt Nam cũng tùy tiện".

Có thể thấy những điều Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên nhận định qua phiên xử "chuyến bay giải cứu" ở Việt Nam vừa qua trong một bài viết của Luật sư Đặng Đình Mạnh trên facebook cá nhân của ông rằng : 

"Tôi thấy những bản án tử hình được mua chuộc bằng tiền một cách công khai, chính thức trong pháp đình, trước mặt nhân dân. Tôi thấy những nụ cười khinh khỉnh của đám quan chức tội phạm ra tòa, vì có lẽ, hình phạt của họ đã được "giải cứu" thành công. Tôi thấy quy định hình phạt tử hình cho kẻ nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trong bộ luật hình sự chỉ là con số lòe bịp cho một nỗ lực làm trong sạch giả hiệu".

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm với RFA:

"Theo tôi, qua thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình thì số vụ án giết người, ma túy vẫn gia tăng đều hàng năm. Cho thấy lý giải của chính quyền VN để duy trì án tử hình với mục đích răn đe là hoàn toàn vô dụng.

Cá nhân tôi không ủng hộ hình phạt tử hình. Vì lẽ, điều đó không chỉ đi ngược với sự tiến bộ của luật pháp các nước văn minh trên thế giới đang theo đuổi mà còn thể hiện quan điểm thiếu nhân đạo của pháp luật nước nhà".

Trong khi đó, một vài tử tù được trả tự do do án oan như ông Hàn Đức Long, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén, hay vài tử tù được các chuyên gia luật nhận định là oan nhưng vẫn chưa được làm sáng tỏ là Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh và Hồ Duy Hải đã phần nào nói lên thực tế ngành tư pháp Việt Nam.

"Án tử hình là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất"

Trong kỳ Kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) năm 2019, Bỉ và Thụy Điển đề nghị Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo lưu quan điểm giữ lại hình thức trừng phạt cao nhất này.

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, tính đến cuối năm 2021, hơn 2/3 quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình trong luật hoặc thực tiễn. 108 quốc gia, chiếm đa số các quốc gia trên thế giới, đã bãi bỏ án tử hình trong luật đối với mọi tội phạm và 144 quốc gia đã bãi bỏ án tử hình trong luật hoặc thực tiễn. Chỉ còn 55 quốc gia vẫn giữ hình phạt tử hình, trong đó có Việt Nam.

Luật sư Vũ Đức Khanh nêu quan điểm của ông với RFA sáng 15/8/2023 :

"Tôi thật sự lấy làm tiếc, rất tiếc khi Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì án tử hình mặc dù đã có nhiều tiếng nói từ người dân và bạn bè quốc tế thiết tha kêu gọi nên hủy hình thức man rợ, vô nhân này.

Trong số những lý do được viện dẫn để cấm hình phạt tử hình là do lo ngại về việc kết án sai, lo ngại về việc nhà nước lấy đi mạng sống của người dân và sự không chắc chắn về vai trò ngăn chặn tội phạm của án tử hình.

Cũng cần nói thêm rằng quyền sống là một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người. Vì vậy, án tử hình là sự vi phạm nhân quyền trắng trợn nhất. Việc duy trì án tử hình với lý do viện dẫn là để răn đe những tội phạm như giết người, mua bán ma túy, v.v... chỉ là nguỵ biện cho năng lực của một chính quyền để giải quyết những vấn nạn của xã hội. Tham nhũng ở Việt Nam cũng có thể bị án tử hình nhưng nó vẫn không diệt được nạn tham nhũng.

Không có một cơ sở thuyết phục nào để kết luận rằng tử hình những người này sẽ làm giảm nguy cơ tội phạm. Giải quyết bằng việc tước đoạt sinh mạng của người khác sẽ không giải quyết được gì".

Cách đây tám năm (2015) Trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương) được truyền thông dẫn lời từng cho rằng ông đã nghiên cứu về hình sự, về hình phạt tử hình hàng chục năm nay và chưa có nhà khoa học nào khẳng định rằng áp dụng hình phạt tử hình sẽ giảm tội phạm.

Thế giới hiện có hai quan điểm trái ngược nhau về án tử hình. Một bên cho rằng phải hủy bỏ hình phạt tử hình bởi sự sống của con người là cái quý giá nhất mà tạo hóa đã ban cho, không nên sử dụng pháp luật để tước đi cái đó. Thêm vào đó, nếu quan tòa mắc sai lầm trong việc quyết định hình phạt tử hình thì không thể sửa chữa sai lầm này một khi hình phạt được thi hành. Một bên cho rằng, cần duy trì hình phạt tử hình để đảm bảo an ninh cho xã hội đối với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Với một thể chế không có tam quyền phân lập, liệu những bản án tử hình cho những người dân thấp cổ bé miệng ở Việt Nam có công bằng hay không, là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 15/08/2023

***********************

Án oan chủ yếu do yếu tố con người

RFA, 14/08/2023

Mẫu số chung của đa số các vụ án oan sai tại Việt Nam là bị can chịu tra tấn trong quá trình điều tra. Kinh nghiệm của một số luật sư trong các vụ án mà theo họ là oan sai và giải pháp đề xuất của họ nhằm giảm thiểu án oan là gì ?

anoan1

Mẹ của các tử tù Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con - Fb Nguyễn Trường Chinh

Chịu oan sai 38 năm chưa được bồi thường

Trong một loạt các vụ án bị cho oan sai xảy ra chừng 20 năm trở lại đây mà được báo chí, mạng xã hội đưa tin, có những vụ án oan đã được làm sáng tỏ, bị can được trả tự do và nhận tiền bồi thường như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… Trong khi đó còn những vụ mà các chuyên gia luật xác định là oan vẫn chưa được làm sáng tỏ như vụ Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải.

Còn có các vụ án mà nạn nhân đã được xác định là oan, được trả tự do, nhưng suốt mấy chục năm vẫn không nhận được bồi thường thiệt hai và danh dự, như vụ của ông Trịnh Dân Cường ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trịnh Dân Cường, 67 tuổi, ngụ tại Quận 6 (Thành phố Hồ Chí Minh), đã ròng rã đòi bồi thường oan sai suốt 38 năm qua, nhưng kết quả nhận lại là một con số không tròn trĩnh, không một lời xin lỗi, cũng không có một đồng bồi thường. 

Theo Dân Trí, ông Cường bị Công an Quận 6 bắt giam vào 2/1985, cùng với hai người khác vì bị tình nghi là trộm vàng. Trong suốt quá trình điều tra, cả ba người đều kêu oan.

Đến tháng 4/1985, một trong ba người thắt cổ tự tử trong trại tạm gia vì bị bức cung.

Đến tháng 8/1986, Viện kiểm sát nhân dân Quận 6 kết luận không có chứng cứ buộc tội nên ra đề nghị trả tự do cho cả hai người. Tuy nhiên, ông Cường vẫn tiếp tục bị bắt lên Trại giam Tống Lê Chân (Bình Dương) cải tạo tập trung. Đến tháng 12/1986 mới được cho về.

Sau khi được trả tự do, ông Cường gửi nhiều đơn thư khiếu nại đến cơ quan chức năng yêu cầu được xin lỗi, bồi thường thiệt hại nhưng chỉ nhận được các phiếu xác nhận đã nhận đơn và chuyển đơn.

Ông Cường cũng đã làm đơn khởi kiện Viện Kiểm sát nhân dân quận 6 ra Tòa án Nhân dân Quận 6. Ngày 2/8 vừa qua, Tòa án nhân dân Quận 6 đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường oan sai giữa ông Trịnh Dân Cường và bị đơn là Viện Kiểm sát nhân dân Quận 6. Lý do mà tòa đưa ra là những tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện của ông Cường chưa đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Ông Cường cho biết ông mất tất cả sau lần bị bắt oan gần 40 năm trước. Vợ con bỏ đi, sức khoẻ ông cũng suy yếu trầm trong sau những ngày tháng bị bức cung, nhục hình trong trại giam. "Hàng ngày tôi lân la ở các ngã tư, công viên để xin ăn. Sau này, tôi xin quy y tại một ngôi chùa để được ăn cơm từ thiện" - Ông Cường nói với báo Dân Trí. 

Luật sư Ngô Anh Tuấn, trưởng văn phòng Luật Law Firm tại Hà Nội, đánh giá rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến cho việc bồi thường án oan nằm ở cơ chế và các quy định ngặt nghèo trong việc xác định mức bồi thường : 

"Tôi biết rằng không phải là người ta không muốn bồi thường, bởi vì tiền là của Nhà nước mà. Tuy nhiên, các cơ chế và các quy định rất là ngặt nghèo và rất khó cho người thực hiện, cho nên họ sợ. Thà rằng họ làm chậm, bị chửi thêm một tí chứ nếu họ làm sai thì chính bản thân họ lại bị xử lý trách nhiệm về việc làm thất thoát nhà nước". 

Nguyên nhân dẫn tới án oan

Luật sư Ngô Anh Tuấn chỉ ra hai nguyên nhân chính mà ông cho là có thể dẫn đến án oan. Thứ nhất là chính những lời nhận tội của bị cáo. Luật sư này hiểu rằng có thể trong quá trình điều tra, bị cáo đã không chịu đựng nổi bức cung nhục hình nên mới nhận tội. Tuy nhiên, chính điều đó cũng gây bất lợi rất lớn cho bị cáo và là một yếu tố quan trong dẫn đến án oan.

"Thứ hai là đến từ chính các cơ quan tiến hành tố tụng. Có nghĩa là áp lực về thành tích, về tiến độ điều tra khiến cho họ cố gắng suy diễn theo hướng mà họ cho là đúng, khiến cho bị can bị cáo không có cơ hội để chứng minh và không tìm thấy được sự thật khách quan".

Theo luật sư Lê Văn Hòa, từng làm tổ trưởng tổ điều tra án oan của Ban Nội chính Trung Ương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ án đã được báo chí đưa tin, gây rúng động dư luận trong những năm qua, là do yếu tố con người.

Luật sư Hòa điểm lại một loạt các vụ án oan nổi cộm như Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, rồi đến vụ án Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, Hồ Duy Hải… Tất cả đều diễn ra trong vòng từ 15 đến 20 năm nay.

"Nguyên nhân dẫn đến án oan nhiều nhất tôi cho rằng đều nằm ở con người mà ra hết. Phải xác định thời điểm đó, những ai đã đứng đầu các cơ quan tố tụng thì sẽ ra ngay thôi.

Tất cả là do con người không quan tâm, không sâu sát chỉ đạo cho nên đã để xảy ra tình trạng một số cán bộ điều tra, sốt sắng để phá án lập thành tích ; hoặc cũng có vụ là do trình độ năng lực cán bộ điều tra yếu kém, cũng không loại trừ những vụ án do từ sự chỉ đạo của một ai đó, mà ở Việt Nam gọi là án bỏ túi".

Làm sao giảm thiểu án oan ?

Tất cả các vụ án oan điển hình mà RFA đã nêu ở phần trên đều có một điểm chung là các bị cáo đều nhận tội vì không chịu nổi bức cung, nhục hình.

Để hạn chế xảy ra thêm nhiều vụ án oan khác, luật sư Lê Văn Hòa nêu một số giải pháp sau :

"Tôi cho rằng cái việc đầu tiên là các cơ quan tiến hành tố tụng, mà cụ thể là cơ quan công an, thứ hai là viện kiểm sát và thứ ba là tòa án phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, cũng như các văn bản khác". 

Ngoài ra, luật sư phải được tham gia ngay từ đầu trong qua trình tố tụng để hạn chế những việc làm không đúng của cán bộ điều tra. Trong quá trình lấy cung bị can, đặc biệt là các vụ án nghiêm trọng, khung hình phạt cao, thì buộc phải ghi âm, ghi hình lại.

Luật sư Ngô Anh Tuấn, cũng đồng quan điểm với ý kiến của luật sư Hòa, đồng thời bổ sung một phương pháp nhằm tránh oan sai :

"Các cơ quan tố tụng phải ý thức và đảm bảo được nguyên tắc suy đoán vô tội ngay từ đầu, chứ không phải vì các áp lực phía trên đưa xuống mà phủ nhận cái nguyên tắc đó".

Quy định về việc phải có luật sư tham gia trong quá trình điều tra hoặc phải ghi âm, ghi hình quá trình lấy cung bị can đã được quy định rõ trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, thực tế diễn ra thế nào thì lại rất khó để kiểm tra bởi không có một thông tin hay báo cáo nào về vấn đề này được công bố. Luật sư Hòa cho biết :

"Nhưng mà căn cứ vào các thông tin trên các báo chí, mạng xã hội thì tôi cho rằng tuy cũng có những cải thiện đáng kể trong việc điều tra ở cơ quan điều tra địa phương, thế nhưng mà tôi nghĩ rằng điều này cũng chưa được quán triệt một cách cụ thể đâu.

Tôi đã được tham gia một số vụ án, chứng kiến những lời khai của cơ quan điều tra, ví dụ như một vụ án rất lớn là vụ Đồng Tâm vào năm 2020, thì các buổi lấy lời khai người ta đâu có ghi âm ghi hình".

Nguồn : RFA, 14/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Diễm Thi, RFA
Read 720 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)