Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành giáo dục sáng 15 tháng 8 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ Giáo dục và đào tạo) Nguyễn Kim Sơn phát biểu "lỗi của chúng ta là chưa làm cho xã hội hiểu được chúng ta".
Báo Chính Phủ
Cải cách hay phá nát giáo dục ?
Câu nói của ông Sơn một lần nữa khuấy động mạng xã hội, bởi giáo dục là lãnh vực đụng đến 100% dân chúng, như nhận định của Phó Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Dũng với RFA :
"Ngành giáo dục là bốn bề thọ địch. Một mặt là quần chúng mà ông Kim Sơn gọi là xã hội đấy. Một mặt là chính đội ngũ lãnh đạo phát biểu bất nhất cho thấy họ không nắm được vấn đề. Mà rất tiếc, họ lại là người đóng vai trò quyết định trong việc điều hành giáo dục, mà không may, những quyết định định đó lại không nằm trong tay ông bộ trưởng giáo dục.
Trong xã hội này hiện nay có rất nhiều người bất bình đối với chế độ, đối với xã hội. Họ xả tress bằng cách gì ? Giáo dục nó đụng đến 100% dân cư và 100% dân cư tức giận xã hội xả tress bằng cách chửi ngành giáo dục. Đây là điều dễ nhất mà không sợ bị bắt như đụng đến chính trị.
Đó là tình hình giáo dục như hiện nay mà anh Kim Sơn làm bộ trưởng hay ông nào làm bộ trưởng thì cũng khó như nhau vì nó vượt ra khỏi thẩm quyền của một bộ trưởng".
Cuộc hội ngộ giữa bộ trưởng giáo dục với hơn một triệu thành viên toàn ngành vừa trực tiếp vừa trực tuyến, với điểm cầu đặt tại Bộ Giáo dục và đào tạo và Sở Giáo dục 63 tỉnh, thành phố, được nói là để bộ trưởng nghe hết tâm tư, nguyện vọng của những người trong ngành nhằm thay đổi, cải cách toàn bộ ngành giáo dục bị những chuyên gia về giáo dục cho là đã xuống cấp trầm trọng. Nhiều người cho rằng, ông bộ trưởng đã đặt ngược vấn đề khi nói rằng xã hội không hiểu ngành giáo dục. Lẽ ra ông phải tự hỏi, ngành giáo dục cần phải hiểu xã hội muốn gì, cần gì để đáp ứng nhu cầu xã hội thì mới đúng.
Nhà giáo Đinh Kim Phúc, một người được thừa hưởng nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa trong suốt những năm phổ thông, nêu ý kiến của ông với RFA :
"Ông ta đã quên rằng, trước năm 1975 dù cả hai miền Nam Bắc đang trong tình trạng chiến tranh ác liệt nhưng miền Nam có một nền giáo dục hết sức rực rỡ. Đến nay, khi nhắc đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa, tôi tiếc nhất là nền giáo dục của miền Nam. Rồi ngay cả miền Bắc Việt Nam dân chỉ Cộng hòa cũng có một nền giáo dục đào tạo được nhiều thế hệ phục vụ cho lý tưởng ở miền Bắc.
Nhìn lại tình trạng giáo dục hiện nay, chỉ có những quan chức trong ngành giáo dục mới không hiểu được quá trình dạy học là gì, cái mục tiêu giáo dục là gì chứ đừng có đổ thừa cho người dân là không hiểu được ngành giáo dục.
Càng cải cách là càng phá nát giáo dục Việt Nam. Đã qua bao nhiêu đời bộ trưởng thầy không ra thầy, thợ không ra thợ, trò chẳng ra trò, trường lớp không ra trường lớp. Chạy theo những thành tích thi đua ảo mà mỗi một bộ trưởng lại có một câu khẩu hiệu chiến lược. Xong một đời bộ trưởng thì vẫn không ra gì và nền giáo dục của Việt Nam ngày càng xuống cấp".
Thất bại của nền giáo dục Việt Nam
Thay đổi để vực dậy ngành giáo dục là tâm tư, nguyện vọng của toàn xã hội chứ không chỉ những ai làm trong ngành giáo dục. Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như những nhà quan sát tình hình xã hội Việt Nam mà RFA có dịp trò chuyện cho rằng, ngành giáo dục không cần phải cải cách tới cải cách lui như mấy mươi năm qua, mà chỉ cần kế thừa triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây là Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng nói lên bản chất của giáo dục.
Giáo dục Việt Nam hiện nay bị coi là có qua nhiều điều khó hiểu, có quá nhiều khiếm khuyết khiến hầu hết những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả đều đã hoặc mong muốn cho con ra nước ngoài học. Trong số đó ắt hẳn có cả con cháu của những lãnh đạo ngành giáo dục. Không ngạc nhiên khi trong năm 2022, theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế Mỹ (IIE), Việt Nam được xếp thứ năm khi có đến gần 30 ngàn du học sinh tại Mỹ. Với thực tế đó, nhiều người gọi đó là "tị nạn giáo dục".
Theo Phó Giáo sư Hoàng Dũng "tị nạn giáo dục" cho thấy sự thất bại của nền giáo dục Việt Nam :
"Quần chúng đã bao nhiêu năm sống trong nền giáo dục như vậy và bên cạnh những cái được dễ thấy thì nhìn chung, so với yêu cầu của đất nước trong thời kỳ hiện đại thì giáo dục không đáp ứng được nữa. Nói cách khác là nó thất bại.
Trong các loại tị nạn của người Việt thì đầu tiên là tị nạn chính trị khi dân miền Nam bị mấy người ‘chiến thắng’ kỳ thị quá nên phe ‘thua cuộc’ bỏ chạy ra nước ngoài. Rồi đói quá chạy ra nước ngoài. Đó là tị nạn kinh tế. Rồi đau ốm phải ra nước ngoài chữa vì họ chữa giỏi hơn. Đó là tị nạn về y tế. Còn một loại tị nạn nữa là tị nạn giáo dục. Điều đó cho thấy sự thất bại của nền giáo dục trong nước.
Việc thay đổi là tất nhiên nhưng giáo dục là thế yếu. Người làm giáo dục không giữ được vị trí gì trong xã hội hiện nay cả. Trong cái Thường vụ Đảng ủy của địa phương không bao giờ có giám đốc sở giáo dục cả".
Nhìn nhận về vấn đề này, nhà giáo Đinh Kim Phúc nói :
"Là lãnh đạo ngành giáo dục, một ngành quyết định sự phát triển của đất nước, quyết định tương lai của dân tộc mà đem học sinh, đem thế hệ trẻ làm thí nghiệm cho các chính sách, cho các chiến lược ảo tưởng của quan chức ngồi trong phòng lạnh mà vẽ chuyện ra.
Nhìn những khẩu hiệu, những phát biểu của quan chức giáo dục hiện nay mà tôi ngán ngẩm và không hy vọng gì cho nền giáo dục Việt Nam trong tương lai. Nhất là với cơ chế vận hành như thế này với những con người không hiểu về giáo dục mà làm trong bộ máy giáo dục thì thôi rồi".
Một ví dụ trong việc đem học trò ra làm thí nghiệm mà ông Đinh Kim Phúc nói đến, là thí điểm sách giáo khoa diễn ra từ nhiều năm qua chưa có điểm dừng.
Tháng 4 năm 2021, ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn chức vụ bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Nguyễn Kim Sơn nói với báo chí trong nước rằng ông xem đây là cơ hội để có thêm điều kiện làm một số việc ở lĩnh vực mà ông tâm huyết và đã có thời gian gắn bó lâu dài. Ông cho đây là thời điểm có nhiều thách thức và khó khăn cho nền giáo dục và ông không có lựa chọn nào khác là chủ động đối mặt để vượt qua các khó khăn đó.
Một số nhà giáo mà RFA trao đổi lúc bấy giờ không tỏ lạc quan với những quyết tâm của vị bộ trưởng mới, bởi một con én không làm nên mùa xuân. Muốn thay đổi hoàn toàn nền giáo dục thì phải thay đổi thể chế chứ một ông bộ trưởng không làm gì được. Phó Giáo sư Hoàng Dũng kết luận :
"Một mặt họ tuyên bố rằng phải dạy sao cho học trò mài sắc được tư duy phản biện, nhưng một mặt thì lại đưa Chủ nghĩa xã hội vào như là một cái bắt buộc phải giảng dạy, bắt buộc phải thấm nhuần. Những cái đó mâu thuẫn nhau mà muốn gỡ thì bộ trưởng không gỡ được".
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 18/08/2023