Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/08/2023

Bắc Kinh và Hà Nội cố trở lại con đường hòa dịu

Vũ Xuân Khang, Thanh Phương

Ngày 13/07/2023, bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Jakarta, bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã gặp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, lãnh đạo cao cấp của ngành ngoại giao Trung Quốc. 

vntq1

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Đại Sảnh đường Nhân dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 27/06/2023. AP - Yao Dawei

Cuộc gặp giữa ông Bùi Thanh Sơn với ông Vương Nghị và trước đó là chuyến đi Trung Quốc của thủ tướng Phạm Minh Chính (25/06 đến 28/06 ) phải chăng cho thấy là quan hệ Việt-Trung đang hòa dịu trở lại sau những căng thẳng trong tháng 5 ở Biển Đông do vụ các tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ?

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 20/07/2023, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston, Hoa Kỳ, nhận định : 

"Điều này thực sự không thể nhận xét được, do lịch trình các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên có thể đã được lên kế hoạch từ trước. Tuy vậy, việc Việt Nam, Trung Quốc vẫn có các cuộc gặp mặt cấp cao là một tín hiệu tốt cho thấy hai nước vẫn đang kiểm soát các bất đồng trên biển, tránh để ảnh hưởng đến các mặt khác của quan hệ Việt-Trung. Việt Nam mong muốn hòa bình ổn định để phát triển kinh tế, nên giữ một mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc là điều rất quan trọng".

Đúng là thị trường Trung Quốc quá quan trọng đối với Việt Nam nên Hà Nội không thể để cho căng thẳng kéo dài. Theo tường trình của Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp với ông Vương Nghị hôm 13/07, ông Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc "tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa và đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường cho các mặt hàng của Việt Nam, nhất là nông thủy sản và hoa quả ; phối hợp duy trì thông quan thông suốt trong bối cảnh nông sản Việt Nam đang vào cao điểm thu hoạch".

vntq2

Đa số các tàu chiến lớn trong các căn cứ hải quân của Việt Nam là những tàu chiến nhỏ của Nga (Artwork on Wikipedia courtesy Dokientrung, 2016)

Có qua thì phải có lại, trong cuộc gặp với bộ trưởng ngoại giao Việt Nam, lãnh đạo ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị hai bên "tăng cường kết nối chất lượng cao" giữa Sáng kiến "Vành đai, Con đường" với khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai". Ông Vương Nghị còn cam kết "sẽ tạo thuận lợi để Việt Nam tận dụng hiệu quả hơn các nguồn vốn hỗ trợ của Trung Quốc".

Theo hướng hòa dịu trong quan hệ, trong cuộc gặp giữa lãnh đạo ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc, hai bên đã "nhất trí sẽ thực hiện tốt các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao ; kiểm soát và xử lý thỏa đáng bất đồng ; nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên biển". 

Hai nước cũng cam kết sẽ cùng với các nước ASEAN "phấn đấu sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm các công ước quốc tế về biển, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở khu vực cũng như quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các bên". Hai bên cũng khẳng định "sẽ phát huy vai trò của các cơ chế song phương trong các vấn đề biên giới lãnh thổ, lãnh hải".

vntq3

Cách sắp đặt các vùng hải quân Việt Nam có hơi khác thường, từ Bắc vào Nam, do vị trí chiến lược và tầm quan trọng chính trị chứ không do vị trí địa lý. Vùng Hải Phòng đánh số 1 vì là địa bàn bảo vệ thủ đô Hà Nội. Vùng Nhơn Trạch là số 2, gồm Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) và các cửa sông ra biển (Artwork on Wikipedia courtesy Dokientrung, 2016)

Trong bài viết đăng ngày 14/07/2023, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post nhắc lại là vào đầu tháng này, các nhà ngoại giao Trung Quốc và Việt Nam cũng đã gặp nhau tại thành phố Quảng Châu trong khuôn khổ đàm phán của nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và nhóm công tác về hợp tác cùng phát triển trên biển. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các thành viên của hai nhóm này kể từ năm 2020. 

Theo thông báo của phía Việt Nam, trong các cuộc đàm phán đó, hai bên đã "nhất trí nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên biển, trong đó có việc sớm đàm phán ký kết Hiệp định mới về hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ". Theo thông cáo của phía Trung Quốc, hai bên còn "nhất trí" thúc đẩy hợp tác dầu khí ở "vùng biển không tranh chấp" ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, các nhà quan sát cho rằng có rất ít cơ hội để thỏa hiệp trong hợp tác dầu khí giữa Việt Nam và Trung Quốc do những tranh chấp chủ quyền đã kéo dài nhiều năm giữa hai nước. 

Cuộc gặp tại Jakarta diễn ra trong bối cảnh mà tranh chấp chủ quyền Biển Đông tiếp tục khuấy động quan hệ Việt-Trung. Vào đầu tháng 7, Hà Nội đã ra quyết định cấm chiếu ở Việt Nam bộ phim Barbie do hãng phim Mỹ Warner Bros sản xuất vì trong phim này có hình ảnh "đường lưỡi bò", tức là bản đồ mà Trung Quốc tự vẽ nên để áp đặt chủ quyền của họ lên phần lớn Biển Đông. 

Trên trang mạng Eurasia Review ngày 13/07, nhà nghiên cứu James Borton, đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, nhắc lại năm nay là kỷ niệm 15 năm quan hệ "đối tác chiến lược toàn diện" giữa Việt Nam với Trung Quốc và cũng là kỷ niệm 10 quan hệ "đối tác toàn diện" giữa Việt Nam với Hoa Kỳ. James Borton nhấn mạnh cả Bắc Kinh lẫn Washington đều đang ve vãn Việt Nam, nhưng trong cuộc đua này phía Mỹ có vẻ yếu thế hơn. Ông trích nhận định của giáo sư Victor Abuza, Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington : "Bắc Kinh nay tin tưởng hơn rằng Việt Nam hành xử một cách độc lập và vẫn từ chối có bất kỳ hành động nào có thể bị Bắc Kinh xem là chống lại các lợi ích của Trung Quốc".

Chính sách của Việt Nam "đi dây" giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã một lần nữa được thể hiện rõ qua việc thủ tướng Phạm Minh Chính đã chọn đúng ngày hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ bắt đầu chuyến viếng thăm Việt Nam 25/06 để mở chuyến công du Trung Quốc. Phải chăng Hà Nội muốn trấn an Bắc Kinh là Việt Nam không có ý đồ gì chống Trung Quốc ? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang giải thích : 

"Đúng là như vậy. Chính sách đối ngoại của Việt Nam từ sau Chiến tranh lạnh là giữ thế trung lập và cân bằng trên trường quốc tế. Nguồn gốc của chính sách này đến từ chính sách chảy máu trắng Việt Nam của Trung Quốc trong giai đoạn 1979-1991. Việt Nam hiểu rằng Trung Quốc sẽ có các biện pháp trừng phạt Việt Nam nếu Trung Quốc thấy là Hà Nội đang liên kết với một nước khác để chống Trung Quốc. Việt Nam không muốn có bất kỳ sự hiểu lầm nào nên chuyến thăm nhằm khẳng định cam kết với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, không dựa vào nước khác để chống Trung Quốc".

Theo ông Vũ Xuân Khang, các chuyến thăm của một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ trấn an Hà Nội về cam kết của Hoa Kỳ đối với sự ổn định khu vực và chứng tỏ rằng Việt Nam không đơn độc. Tuy nhiên, câu hỏi lớn vẫn còn : Các căn cứ hải quân của Việt Nam có thể được sử dụng về mặt chiến lược trong việc quản lý các mối quan hệ với Trung Quốc không ? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang nhấn mạnh : 

"Cần phải phân tích kỹ tầm quan trọng của các quân cảng của Việt Nam. Về mặt quân sự, các quân cảng của Việt Nam có vị trí địa lý quan trọng khi hướng thẳng ra Biển Đông. Trong quá khứ, các cường quốc như Mỹ hay Liên Xô đã sử dụng các quân cảng này như một địa điểm dừng chân cho các hạm đội tiếp nhiên liệu hay thu thập thông tin tình báo. Tuy nhiên tầm quan trọng về quân sự không thể thay thế được tầm quan trọng về chính trị, thứ bị chi phối bởi tổng thể quan hệ Việt-Trung.

Việt Nam vẫn là một nước nhỏ so với Trung Quốc, do đó, các quân cảng của Việt Nam, mặc dù có vị trí địa lý tốt, không thể nào giúp Việt Nam san bằng vị thế nước nhỏ của mình, nhất là khi Trung Quốc có đường biên giới trên bộ dài 1300 km và có thể đặt áp lực quân sự trên bộ trực tiếp lên Việt Nam, nơi mà các quân cảng không có nhiều giá trị. Cần nhắc lại là khi Việt Nam cho Liên Xô thuê Cam Ranh, Trung Quốc đã đặt áp lực quân sự rất lớn dưới chính sách chảy máu trắng Việt Nam bắt Hà Nội phải quy phục Bắc Kinh trong giai đoạn 1979-1991. Và với vị thế là nước lớn, Trung Quốc đã thành công đặt áp lực lên Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và từ bỏ chính sách đối ngoại chống Trung Quốc, bất chấp sự hiện diện của Liên Xô ở Cam Ranh.

Điều này cho thấy là Trung Quốc không ngần ngại khi Việt Nam đón tàu của Mỹ hay các nước đồng mình vì Trung Quốc có đủ khả năng để trừng phạt Việt Nam nếu Hà Nội có bất kỳ ý đồ nào sử dụng quân cảng của mình để chống Trung Quốc. Nói cách khác thì chính vì các quân cảng của Việt Nam không thể làm thay đổi tổng thể quan hệ Việt-Trung nên Trung Quốc cũng không có phản đối gì nhiều vì họ hiểu tương quan quân sự Việt-Trung không bao giờ có thể bị san bằng bởi một vài quân cảng cả. Tất nhiên Trung Quốc cũng không muốn đẩy Việt Nam vào thế phải chống Trung Quốc, nhưng điều này không có nghĩa Trung Quốc phải sợ các quân cảng của Việt Nam. Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính sách "tằm ăn dâu" nhằm mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 28/08/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Xuân Khang, Thanh Phương
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)