Điều gì khiến Việt Nam phá tiền lệ đưa Mỹ lên làm đối tác ngang hàng với Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden đã khiến nhiều người bất ngờ khi tiết lộ tại một buổi gây quỹ tài trợ cho chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng lần 2 của ông đầu tháng trước rằng ông sẽ đi thăm Hà Nội vì Việt Nam muốn đặt Mỹ ngang hàng với Trung Quốc trong quan hệ đối tác.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón tiếp Tổng thống Joe Biden trong một buổi lễ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hôm 10/9.
Theo thông lệ, Việt Nam nâng tầm quan hệ với các nước từng bậc một trên hệ thống quan hệ ngoại giao 3 nấc của Hà Nội, với Mỹ lúc đó ở mức thấp nhất – đối tác toàn diện – trong khi Trung Quốc ở tầm cao nhất – đối tác chiến lược toàn diện.
Chính quyền Biden đã thúc ép Việt Nam nâng cấp quan hệ nhưng Hà Nội do dự vì lo ngại phản ứng của Trung Quốc, quốc gia cộng sản cùng ý thức hệ và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Ý tưởng của Mỹ ?
Tuy nhiên một chuyến thăm Washington của Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lê Hoài Trung hồi tháng 6 năm nay đã cho thấy phía Việt Nam bật đèn xanh cho khả năng đó. Theo một quan chức của chính quyền Biden nói vớiCNN, ông Trung và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan đã bàn thảo về khả năng nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm này.
Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó cho biết ông Trung được ông Sullivan và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đón tiếp ở Washington và trích dẫn ông Blinken nói rằng cuộc gặp với ông Trung là "hữu ích".
Nhưng sau cuộc thảo luận đó, ông Sullivan tự hỏi liệu Mỹ có thể tham vọng hơn trong việc nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam qua cả bậc "đối tác chiến lược" hay không. Theo CNN, ông Sullivan sau đó gửi đề xuất tới ông Trung, muốn đưa mối quan hệ lên mức cao nhất có thể để Mỹ ngang hàng với các "đối tác chiến lược" khác của Việt Nam, gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Ông Sullivan sau đó nhắc lại lời đề xuất lúc gặp ông Trung vào giữa tháng 7 khi cùng Tổng thống Biden dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Helsinki, Phần Lan. Theo CNN, quan chức này cho biết cuộc đối thoại thúc đẩy khả năng nâng 2 cấp đi theo hướng tích cực nhưng phải đến chuyến thăm Nhà Trắng vào giữa tháng 8 của Đại sứ Việt Nam tại Washington, một thỏa thuận mới được đưa ra. Trong văn phòng ở cánh Tây của Nhà Trắng, hai bên đã hoàn tất kế hoạch đưa quan hệ Mỹ-Việt lên một tầm cao mới, trong đó người đứng đầu Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng sẽ đón Tổng thống Biden và bắt tay ông tại Hà Nội.
Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở Washington DC không hồi âm yêu cần bình luận của VOA.
Vào ngày 10/9, Tổng thống Biden đã bỏ qua cuộc họp thượng đỉnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á để đến Việt Nam. Ông Trung là người ra đón tổng thống Mỹ tại sân bay Nội Bài. Ông Biden gặp mặt toàn bộ các lãnh đạo ‘tứ trụ’ ở Hà Nội và cùng ông Trọng tuyên bố nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên tầm cao nhất. Người đứng đầu Nhà Trắng gọi đây là cột mốc lịch sử trong quan hệ hai nước, từ cựu thù trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
‘Trung Quốc là tác giả cuối cùng’
"Việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’ sẽ mang lại cho Hà Nội một đối trọng tốt hơn trước Trung Quốc, một vị thế cân bằng hơn giữa các cường quốc, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nga", Giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương ở Hawaii nhận định với VOA.
Theo ông Vuving, quan hệ chiến lược toàn diện với Mỹ đặt Việt Nam vào thế "cân bằng" chưa từng có giữa các cường quốc và Trung Quốc là "tác giả cuối cùng", tức nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp cho việc Việt Nam quyết định đưa Mỹ vào nhóm đối tác chiến lược cao nhất của mình.
"Một cách trực tiếp, việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến Việt Nam xích lại gần Mỹ hơn", ông Vuving nói và đưa ra ví dụ về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh ở lưu vực Nam Côn Sơn trên Biển Đông và Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia, mà ông gọi là "những giọt nước làm tràn ly" dẫn đến quyết định của Việt Nam.
Trung Quốc trong những năm qua đã nỗ lực ngăn cản việc khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông bằng cách đưa tàu thuyền đến vùng biển mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền. Các khu vực khai thác dầu khí, trong đó có Nam Côn Sơn, đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Sức ép của Trung Quốc được cho là đã khiến Việt Nam phảihủy bỏ các hoạt động khai thác ở các khu vực tranh chấp với thiệt hại lên đến 1 tỷ USD. Chính quyền Việt Nam chưa bao giờ công khai thừa nhận việc này nhưng nhiều lần lên tiếng phản đối các tàu thuyền của Trung Quốc "xâm nhập trái phép" vùng lãnh hải của mình.
Việc Campuchia cho Trung Quốc đặt căn cứ quân sự tại đây cũng được cho là khiến Việt Nam lo ngại. Trước thông tin mà cả Campuchia và Trung Quốc đều phủ nhận, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi các quốc gia "cần đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực". Theo nhận định của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, Trung Quốc có thểlập gọng kìm "xâm lược" Việt Nam khi đặt căn cứ quân sự ở Campuchia, nước có khoảng 1.200km đường biên giới với Việt Nam.
Cùng nhận định, ông Vũ Xuân Khang, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành An ninh Quốc tế của Đại học Boston (Boston College), cho rằng sự "hung hăng" trở lại của Trung Quốc vào năm nay là "động cơ chính khiến Việt Nam chấp thuận nâng cấp quan hệ với Mỹ vượt cấp thành đối tác chiến lược toàn diện".
"Trung Quốc đã tăng số lượng tàu vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam", ông Khang nhận định với VOA, và cho rằng Hà Nội đã từ chối nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược với Mỹ trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris vào năm 2021 vì "chưa có các áp lực từ Trung Quốc như năm 2023".
Theo cách gián tiếp, Giáo sư Vuving cho rằng mối đe dọa của Trung Quốc đối với quyền lực toàn cầu của Mỹ khiến Washington kết thân hơn với các quốc gia cam kết chống lại sự thống trị của Trung Quốc và muốn "làm bạn" trong chuỗi cung ứng của Mỹ.
"Cả hai chiến lược này hội tụ thành một cơ hội lớn cho Việt Nam, nhờ vị trí chiến lược dọc theo các tuyến thương mại sầm uất nhất nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương, tiềm năng kinh tế ấn tượng và cam kết chống lại sự thống trị của Trung Quốc", ông Vuving nói.
Cả Việt Nam và Mỹ đều phản đối các hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc và nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh hành xử theo luật lệ quốc tế.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ vẫn thận trọng không mô tả việc xích lại gần với Việt Nam – hay với các đối tác khác trong khu vực như Ấn Độ hay Philippines hoặc các đồng minh AUKUS như Anh và Úc – là một phần của chiến lược toàn diện nhằm chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.
Tại Hà Nội, Tổng thống Biden nói Mỹ không muốn "kiềm chế" Trung Quốc và không muốn phát động một cuộc "chiến tranh lạnh" với nước này. Ông Biden nói ông muốn thấy Trung Quốc "thành công" nhưng "theo luật lệ".
Tuy nhiên, động cơ để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên tầm cao nhất, theo ông Vuving, "không chỉ là sự hung hăng của Trung Quốc mà còn là công nghệ, vốn, thị trường và chuỗi cung ứng của Mỹ".
"Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các nhà lãnh đạo Hà Nội nhảy cóc lên ‘đối tác chiến lược toàn diện’ (với Mỹ)", ông Vuving nhận định.
Tại Hà Nội, các thương vụ kinh doanh quan trọng trị giá nhiều tỷ USD – trong đó có thỏa thuận trị giá 7,5 tỷ USD của Boeing với Vietnam Airlines và kế hoạch xây nhà máy trị giá 1,6 tỷ USD của Amkor tại Bắc Ninh – được công bố sau khi ông Biden và ông Trọng tuyên bố nâng tầm quan hệ Mỹ-Việt. Hơn thế nữa, với hợp tác chiến lược toàn diện, Mỹ sẽ giúp Việt Nam trong các ngành công nghệ quan trọng và mới nổi, đặc biệt là xung quanh việc xây dựng chuỗi cung ứng chất bán dẫn trong lúc Hoa Kỳ đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip ra khỏi Trung Quốc.
‘Nghệ thuật quyền lực mềm’
Giáo sư Vuving, người thường có các phân tích về tình hình Việt Nam, cho rằng việc nâng quan hệ Mỹ-Việt lên hàng đầu trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Việt Nam, ngang hàng với Trung Quốc và Nga, là kết quả của sự kết hợp của hai quá trình.
"Đầu tiên, Mỹ mang quà rất lớn đến Việt Nam mà không kèm theo điều kiện ràng buộc nào – bao gồm việc Washington tặng vô điều kiện một lượng rất lớn vaccine chống Covid (trong khi tài trợ của Trung Quốc có điều kiện và chưa bằng một nửa số viện trợ của Mỹ)", Giáo sư Vuving nói, và cho rằng sự thuyết phục của Mỹ còn bao gồm đề nghị Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng công nghệ cao của Hoa Kỳ ‘tại các quốc gia bằng hữu’.
Trong thời gian đại dịch, chính phủ Mỹ tặng Việt Nam khoảng 40 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna, nhiều hơn bất kỳ khoản quyên góp của bất cứ nước nào, gồm cả Trung Quốc, cho Việt Nam. Chính phủ Hà Nội gọi sự trợ giúp này là "vô cùng quý giá" cho nhân dân Việt Nam giữa đại dịch.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, khi đến thăm Việt Nam hồi cuối tháng 7, nói rằng Việt Nam là "đối tác chủ chốt" của Mỹ trong việc "friendshoring", tức chuyển chuỗi cung ứng sang các nước bằng hữu của Hoa Kỳ để tránh rủi ro từ Trung Quốc.
Quá trình thứ hai, theo Giáo sư Vuving, là Việt Nam đã phải "xoa dịu Trung Quốc và gửi những tín hiệu tới Nga rằng Hà Nội sẽ vẫn là bạn thân của Moscow".
Sau khi Nga bị Mỹ và phương Tây lên án cũng như cô lập vì xâm lược Ukraine, Việt Nam cùng Trung Quốc từ chối bỏ phiếu chống lại Nga tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cũng như tiếp tục quan hệ với Nga trong mọi mặt.
Giáo sư Vuving cho rằng Việt Nam đã "lùi một bước để tiến hai bước" trong quan hệ với Mỹ và gọi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mới được Mỹ và Việt thiết lập là một "kiệt tác của nghệ thuật quyền lực mềm".
Theo phân tích của The Economist Intelligence Unit (EIU) việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng giúp Việt Nam tránh được rủi ro trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ.
"Mối quan hệ địa chính trị chặt chẽ hơn sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra các hành động trừng phạt thương mại trong bối cảnh Mỹ giám sát chặt chẽ về tỷ lệ gian lận trung chuyển, với xu hướng hàng hóa Trung Quốc thường được tái xuất dưới dạng hàng xuất khẩu của Việt Nam", nhóm phân tích của EIU nhận định.
Mỹ đã mở các cuộc điều tra vào các sản phẩm nhập từ Việt Nam, bao gồm pin mặt trời và các sản phẩm gỗ nội thất, vì bị nghi được sản xuất với các chất liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc, nước đang bị Mỹ áp nhiều loại thuế trong cuộc thương chiến mà Tổng thống Donald Trump phát động khi lên cầm quyền vào năm 2017.
Việc nâng cấp quan hệ, theo nhóm phân tích của EIU, cũng sẽ giúp giảm nguy cơ Việt Nam bị Mỹ coi là nước thao túng tiền tệ trong giai đoạn dự báo 2023-2027. Bộ tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ nhưng đưa quốc gia Đông Nam Á ra khỏi danh sách này khi chính quyền Biden lên thay.
Theo Giáo sư Vuving, ngoài "sự thúc đẩy lớn cho cả nền kinh tế Việt Nam" nhờ vào những thương vụ kinh doanh từ các công ty Mỹ, sự nâng cấp quan hệ với Mỹ còn tăng cường "tính hợp pháp của Đảng cộng sản".
Tổng thống Biden đến Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Trọng và đây là lần đầu tiên một vị tổng thống Mỹ đến công du cấp nhà nước ở Hà Nội mà không phải do người đồng cấp mời. Ông Biden gặp người đứng đầu đảng cộng sản trước khi gặp những người còn lại trong ‘tứ trụ’ lãnh đạo Việt Nam. Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ cũng do ông Trọng đưa ra cùng Tổng thống Biden.
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũngnhận định với VOA trong một phỏng vấn gần đây rằng màn tiếp xúc của ông Biden ở Hà Nội "đem đến cho Đảng cộng sản tính chính danh".
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, từng là Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, gọi đây là một "thắng lợi" và cho rằng khuôn khổ quan hệ mới – tức đối tác chiến lược toàn diện – sẽ "củng cố sự đồng thuận của hai đảng ở Mỹ với Việt Nam, làm chính sách của Mỹ với Việt Nam ổn định, bền vững và dễ đoán định hơn dù đảng nào của Mỹ lên cầm quyền". Còn Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper gọi việcnâng cấp 2 bậc này là "phi thường và chưa từng có tiền lệ".