Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2023

Một xã hội không an toàn

Bạch Liên

Đọc tin là thấy ớn rồi. Thấy tận mắt còn ớn lạnh hơn

Trước 1975, Sài Gòn được nhắc đến với những Đại Cathay, những Trần Thị Diễm Châu, những Loan Mắt Nhung… trong những câu chuyện đâm chém nhau của giới giang hồ trượng nghĩa.

baoluc1

Để xảy ra bạo lực, ngoại trừ môi trường gia đình, lỗi tất yếu phải là do giáo dục.

Còn giờ thì thử tìm kiếm trên thanh công cụ mang tên google, thật không khó để đọc những tin về "thanh niên chém nhau" với đủ thứ mọi lý do. Đầy hoang mang ! 

"Đọc tin là thấy ớn rồi. Thấy tận mắt còn ớn lạnh hơn. Trong một lần đi trên đường, tự dưng thấy một người cầm theo con dao dí một người, chạy vào quán cà phê. Rồi sau đó là một thanh niên cầm, cũng chẳng biết gọi là cái gì cho đúng, chắc là mã tấu, dí chém người ta. Mình đang chở con nít nữa, vội vàng nhấn ga chạy. Lỡ chẳng may "trâu bò húc nhau ruồi muỗi" chết nữa", ông Khang, một cư dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

"Mình ngày xưa cũng vậy đó. Cứ mỗi lần thấy ai đáng ghét, không cần nói nhiều, cứ nhảy vào là xong. Nhưng giờ lớn rồi, nhìn lại, thấy nó có gì không hay. Giờ nhìn tụi trẻ còn hơn mình ngày trước, ớn quá. Lúc trước chỉ là tay không hoặc cao lắm là ghế này nọ thôi, giờ toàn dao rựa này nọ, rồi súng ống gì nữa. Né đi cho lành", ông Hữu, một người dân ở phố núi chia sẻ.

"Lý do đến từ đâu từ mình cũng không rõ, nhưng đúng là xem tin tức, đọc báo thấy nhiều bạn trẻ có vẻ manh động quá. Không cần phải lời nói đâu, chỉ cần nhìn thấy khó ưa cũng động tay động chân. Trong khi rõ ràng có nhiều vấn đề, từ từ ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh là có thể giảng hòa, giải quyết trong êm đẹp rồi.

Nhiều người cho rằng đến từ giáo dục. Có lẽ không sai, nhưng chắc chưa đủ. Đơn cử, bạn lên youtube thử xem, bao nhiêu video, bao nhiêu phim ngắn về giang hồ, về giết người ? Dĩ nhiên, có nhiều phim ‘happy ending’, có nhiều phim cũng ít nhiều có tính giáo dục ẩn ngầm nhưng về cơ bản, cái hiện hữu vẫn là bạo lực, vẫn là đánh nhau.

Như mấy đứa nhóc tiểu học nó xem, nó có hiểu nhiều đến mấy cái sâu xa hay không ? Coi cho đã rồi ra xóm xưng hùng xưng bá, làm đại ca đại tỷ này nọ, nói ai không nghe lời là có chuyện liền", bà Hai, một người dân ở khu vực Đông Nam Bộ lắc đầu ngao ngán. 

"Dẫu biết rằng ở đâu cũng phức tạp, như đợt biểu tình ở Pháp sau vụ thiếu niên bị cảnh sát bắn chết. Nhưng đó là chuyện của người ta. Đâu thể so sánh, ờ nước văn minh còn bạo lực mà. Nếu nói như vậy thì Pháp, Mỹ mình còn đánh được thì cái gì mình làm không được ?

Tại sao vẫn còn đầy ra đó những tình trạng bạo lực ngoài xã hội ? Lỗi là do đến từ nhân chi sơ tính bản ác hay do những "nét chữ đầu tiên trên trang giấy đời người" hay do lực lượng chức năng chưa thật sự kiểm soát được những vấn đề còn tồn đọng đó ? Dẫu vì bất kỳ lý do nào đi chăng nữa, cũng mong có biện pháp để hạn chế tối đa những vấn đề này". 

Để xảy ra bạo lực, ngoại trừ môi trường gia đình, lỗi tất yếu phải là do giáo dục. Ngay cả đến trong môi trường giáo dục học đường cũng còn có thể "động tay động chân" thì huống chi là ngoài cuộc sống ?

Và, những buổi nói chuyện đầu năm với tân sinh viên hoặc những tiết học gọi là chính trị cho sinh viên, thay vì mải lo răn đe những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia đầy cao siêu này nọ, thì có nên chăng, cần thay thế bằng những buổi nói về tình trạng bạo lực, về những mâu thuẫn nhỏ mà sẵn sàng "cầm dao cầm rựa" hay không ?

Đầy hữu ích và tốt hơn cho xã hội nhiều…

Bạch Liên

Nguồn : VNTB, 24/09/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Bạch Liên
Read 249 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)