Hôm qua là Lê Văn Mạnh, ngày mai, ngày kia có thể lại là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Và biết đâu một ngày nào đó chính chúng ta lại là nạn nhân trong sự oan ức.
Facebooker Thái Hạo và anh Hoàng Tuấn Công bên mộ Lê Văn Mạnh.
Cái chết của tử tù Lê Văn Mạnh vào ngày 22/9 gây chấn động mạnh trong xã hội. Bởi chứng cứ buộc tội anh Mạnh thiếu sự thuyết phục. 19 năm kêu oan của gia đình cũng không đủ để cứu một con người bị đày đọa trong oan ức, mà chết cũng đầy oan khiên.
Nỗi đau này không chỉ cho anh Mạnh và gia đình, mà cả sự không hài lòng về một nền tư pháp còn nhiều thiếu sót.
Khi giết lầm sẽ là bỏ sót
Bất chấp sự kêu oan của gia đình và sự quan tâm của nhiều người, chính quyền Việt Nam đã có các bước đi cẩn thận hơn để giết tử tù Lê Văn Mạnh trong ồn ào của việc xét xử bà Nguyễn Phương Hằng còn đang nóng hổi.
Có thể đọc được qua việc thi hành án này, chính quyền đã rút ra kinh nghiệp sau sự phản đối mạnh mẽ của xã hội từ thông báo sẽ thi hành án với tử tù Nguyễn Văn Chưởng trước đó.
Việc thi hành án với một người bị kết tội cướp – hiếp – giết lẽ ra phải là sự an toàn cho chính quyền, trong sự thỏa mãn của công luận. Bởi đây là loại tội phạm trong xã hội hay thể chế nào cũng bị kinh bỉ và lên án. Nhưng cái chết của tử từ Lê Văn Mạnh đang tạo ra điều ngược lại trong lúc này.
Khi chứng cứ buộc tội chưa đủ thuyết phục, thì việc giết Lê Văn Mạnh không tạo ra sự an toàn hơn và răn đe cho xã hội về tính nghiêm minh của luật pháp.
Bởi thêm một người bị chết oan để kết thúc một vụ án, trong lúc biết đâu kẻ giết người thật sự còn đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ở hành động, thà giết lầm hơn bỏ sót lại là sự bỏ sót thật sự.
Hôm qua là Lê Văn Mạnh, ngày mai, ngày kia có thể lại là Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Và biết đâu một ngày nào đó chính chúng ta lại là nạn nhân trong sự oan ức.
Bởi mấy ai có thể chịu được sự tra tấn, đánh đập từ những điều tra viên, cả lời hứa hẹn nhận tội để được sự khoan hồng và qua đi nỗi đau thân xác. Để rồi sau đó chính nó lại là chứng cứ buộc tội trong bản án kết thúc đời người ở một vu án nào đó ở tương lai mà chúng ta vô tình đi ngang qua.
Liệu Việt Nam có tạo điểm về quyền con người qua bỏ án tử hình ?
Đặt ra câu hỏi, nhưng cũng thật không dễ để tin chính quyền Việt Nam có thể bỏ án tử hình trong thời gian ngắn trong khi hàng chục án tử vì buôn bán ma túy vẫn chưa thi hành.
Thi hành án đối với tử tù Lê Văn Mạnh sẽ tạo nên sự bức xúc trong xã hội là chính quyền hoàn toàn có thể dự báo được. Điều này có thể nằm trong tính toán của một số người có trọng lượng ?
Chứng cứ buộc tội Lê Văn Mạnh chưa thuyết phục, chính quyền vẫn xuống tay thi hành án tử với anh đã tạo ra sự phẫn uất trong xã hội có phải là lý do chuẩn bị của chính quyền đi đến việc bãi bỏ án tử hình trong thời gian đến ?
Trong khi chính quyền không thể đưa ra hành động ‘tự sát’ bỏ điều 4 của Hiến pháp về sự lãnh đạo của tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam.
Chính quyền cũng không thể bỏ đi điều 331, của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chứng tỏ là công cụ hữu hiệu trong việc trao quyền bắt bớ, bỏ tù những cá nhân, tổ chức có suy nghĩ khác với chính quyền độc tài.
Thì việc Việt Nam có thể bãi bỏ án tử hình sẽ là điểm son được ghi nhận của chính quyền độc tài với một số nền dân chủ và cả các tổ chức bảo vệ quyền con người.
Bởi quyết định giết đi một con người là đóng lại cánh cửa ở khả năng hoán cải và sửa chữa sai lầm nếu đó là án oan. Hơn nữa điều kiện giam giữ hiện nay hoàn toàn đảm bảo người bị kết tội khó có khả năng trốn thoát để tiếp tục gây ra sự nguy hiểm cho xã hội.
Đặt trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ mới được nâng cấp sẽ tạo ra tỷ số 1 – 0 nghiêng về phía Việt Nam trong quyền không ai được tước đi mạng sống của con người.
Bởi đến nay, nền tư pháp nước Mỹ vẫn chưa thể chấm dứt án tử hình. Và để chấm dứt án tử hình nước Mỹ sẽ khó làm hơn ở Việt Nam vốn chỉ cần nội bộ đảng đồng ý thì mọi việc còn lại sẽ nhanh như thủ tục một cửa.
Việc bãi bỏ án tử hình có thể còn là sự vận động cho không ít cựu quan chức của chính quyền đã bị tuyên án tử trong thời gian qua và cả thời gian đến.