Ý nghĩa chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới Trung Quốc
Ngày 14/09/2023, theo lời mời của Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Campuchia – ông Hun Manet chính thức tới thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông Hun Manet đã có thời gian làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác tại Bắc Kinh. Đồng thời, Thủ tướng Hun Manet đã tham dự hội chợ thương mại và đầu tư ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh. Chuyến thăm lần này tái khẳng định mối quan hệ tốt đẹp và củng cố quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận về việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác song phương vì một tương lai chung trong việc xây dựng một "Cộng đồng Campuchia – Trung Quốc", các định hướng chiến lược cho quan hệ song phương và các vấn đề khu v ực và quốc tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đón ông Hun Manet trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Campuchia. Ảnh : Tân hoa xã
Thúc đẩy quan hệ Campuchia – Trung Quốc lên tầm cao mới
Theo tuyên bố chung giữa hai chính phủ Campuchia và Trung Quốc sau chuyến thăm chính thức vào ngày 14/09, hai nước đã cùng ký kết kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng chung vận mệnh trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 2024 – 2028 và nhiều văn kiện hợp tác khác. Đặc biệt, chính phủ hai nước cũng đã nhấn mạnh, dù cho tình hình quốc tế có thay đổi ra sao thì Campuchia và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng sâu rộng vì lợi ích của cả hai bên, thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Campuchia – Trung Quốc [1]. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, việc Thủ tướng Hun Manet chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện chuyến thăm song phương sau khi nhậm chức, đã thể hiện sự coi trọng cao độ của Phnom Penh trong việc củng cố và phát triển tình hữu nghị với Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh : SCMP
Campuchia là đối tác ngoại giao quan trọng, là nước ủng hộ Trung Quốc trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Sự ủng hộ của Campuchia đã giúp giảm thiểu lời chỉ trích Trung Quốc đến từ mười quốc gia thành viên ASEAN, trong đó một số nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã tạo tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền chính trị và kinh tế của Campuchia. Điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc đầu tư vào quốc gia này thông qua những dự án có quy mô lớn, giá trị đầu tư tới hàng tỷ USD và càng ngày càng tăng. Các ngân hàng quốc gia của Trung Quốc cũng có những chính sách hỗ trợ tài chính, bằng việc cung cấp các khoản vay để đầu tư cho việc xây dựng sân bay, đường xá và các cơ sở hạ tầng khác. Trung Quốc cũng hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 thông qua những lần cung cấp vắc-xin, dụng cụ y tế, vật tư y tế chống dịch.
Hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia cũng như phát triển bền vững. Thủ tướng Hun Manet cam kết sẽ cải thiện việc thực thi pháp luật và hợp tác an ninh để trấn áp hành vi lừa đảo trên mạng ở Đông Nam Á, những hoạt động thường nhắm vào công dân Trung Quốc. Campuchia khẳng định Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia. Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng bày tỏ sẽ giúp Campuchia tìm ra những đường lối phát triển mới phù hợp với khả năng quốc gia, trong khi cam kết hỗ trợ hợp tác kinh tế nhiều hơn đối với các khu vực có tiềm năng bao gồm lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.
Ngoài hợp tác thương mại với các quốc gia khác, Campuchia vẫn nhập khẩu chủ yếu hàng hóa từ Trung Quốc, khoảng 35% hàng hóa nhập khẩu của Campuchia đều nhập từ Trung Quốc. Sau đại dịch Covid-19, tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp khó khăn, các lĩnh vực đều phát triển chậm, đều phải bước vào công cuộc hồi phục và phát triển nền kinh tế. Campuchia và Trung Quốc cũng không phải những trường hợp ngoại lệ. Lĩnh vực du lịch của Campuchia phát triển chậm, đồng thời, những khoản hỗ trợ tài chính của Trung Quốc vào quốc gia này cũng hạn chế hơn dự kiến. Chính vì vậy, Campuchia phải tìm kiếm sự liên kết thương mại với các đối tác khác ngoài Trung Quốc để hồi phục và phát triển kinh tế.
Tìm kiếm chính sách cân bằng với phương Tây
Khi mới nhậm chức vào ngày 22/08 vừa qua, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet đã vạch ra 5 ưu tiên chiến lược khi điều hành đất nước, trong đó nhấn mạnh Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật lệ. Mục tiêu của chiến lược là nhằm xây dựng quan hệ hữu nghĩ và hợp tác tốt đẹp giữa Campuchia với tất cả các nước trên thế giới, cũng như tham gia các tổ chức quốc tế. Campuchia sẽ tích cực vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới [2]. Có một số ý kiến cho rằng, trước đây, ông Hun Manet và một số quan chức cấp cao đã theo học tại phương Tây, vì vậy điều này có thể có tác động tới chính sách đối ngoại c ủa quốc gia này với phương Tây. Họ cũng đưa ra những dự đoán, e ngại rằng dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manet, Campuchia có khả năng hợp tác tích cực hơn với Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo chuyên gia Kin Phea, Campuchia vẫn duy trì chính sách trung lập, không liên minh với bất kỳ quốc gia nào và cùng tồn tại, phát triển hòa bình với các nước. Theo chuyên gia Chheang Vannarith – Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á, chính phủ hiện tại của Campuchia có xu hướng tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và sẽ có một số điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực trạng của Campuchia. Giới chuyên gia dự kiến, ông Hun Manet sẽ ưu tiên phát triển sức mạnh quốc gia của Campuchia để cân nhắc và đàm thoại các chính sách đối ngoại t ối đa hóa lợi ích cho đất nước. Điều này đòi hỏi chính phủ và các quan chức lãnh đạo phải biết tận dụng khả năng, nguồn lực, tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược của quốc gia để theo đuổi các cơ hội, đem lại sự phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Campuchia.
Một vài quan điểm cho rằng, Thủ tướng Campuchia sẽ tìm kiếm và gây dựng một sự cân bằng tích cực giữa Bắc Kinh và các nước dân chủ. Có thể Chính phủ mới sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại với Bắc Kinh. Thay vào đó, họ có thể sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại để theo cùng một quỹ đạo và ăn khớp với các nước phương Tây, hoặc để nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiện hơn với các đối tác này vì lợi ích kinh tế. Theo đó, Mỹ và EU vẫn là hai đối tượng xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Trong tháng 9, sau chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Hun Manet đã sang dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) được tổ chức tại Mỹ, đồng thời có chuyến thăm quốc gia này. Ông được sắp xếp hội kiến với các quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ. Mục đích của ông Hun Manet trong chuyến thăm này là khẳng định lập trường của Campuchia về chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế. Qua chuyến thăm, ông được kỳ vọng rằng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư tại Campuchia. Sau cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 22/09, Ủy ban Hợp tác Campuchia (Cooperation Committee for Cambodia – CCC) và Phòng Thương mại Mỹ sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Campuchia – Mỹ tại New York nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á. Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này. Từ tháng 01 đến th áng 8 năm nay, xuất khẩu hàng hóa Campuchia sang Mỹ đạt 6,11 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Những người chỉ trích đảng cầm quyền đưa ra ý kiến rằng, ông Hun Manet có thể sẽ mang lại một số cuộc cải cách dân chủ cần thiết để điều chỉnh chính sách và cải thiện quan hệ đối ngoại với các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, ông Sam Rainsy cho rằng, việc các nước phương Tây có thể kéo Hun Manet hoặc Hun Sen ra khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc là một "ảo tưởng", đặc biệt là khi ông Hun Sen vẫn đứng ở phía sau "hỗ trợ" con trai mình. Astrid Norén – Nilsson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Đông và Đông Nam Á tại Đại học Lund ở Thụy Điển, cho biết Hun Sen có thể vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực trong thời gian ngắn. Ông Hun Manet có tiếp tục đi theo con đường chính trị c ủa cha mình về lâu dài hay không, điều này vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, hiện đang có những nỗ lực từ phía Campuchia nhằm thu hút các nhà đầu tư phương Tây tới đầu tư cho Campuchia. Trong khi tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc là trọng điểm, Chính phủ mới cũng đang mong muốn đa dạng hóa và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thông qua một số động thái như điều chỉnh chính sách đối ngoại, cải cách dân chủ… hay còn gọi là những động thái "đánh bóng hình ảnh" quốc gia; trong khi mối quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ là sự phát triển tại căn cứ hải quân chính của Campuchia, nơi các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đang bí mật xây dựng một c ơ sở hải quân để sử dụng riêng – một hành động mà Mỹ tỏ thái độ không hài lòng.
Từ quan hệ Campuchia – Trung Quốc nhìn sang quan hệ Campuchia – Việt Nam và tam giác Campuchia – Việt Nam – Trung Quốc
Vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Hội nghị ASEAN ở Jakarta, Indonesia vào ngày 05/09. Trong cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc hợp tác với Campuchia luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo hai nước cùng nhất trí về việc tăng cường hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực thương mại, hợp tác và phát triển an ninh xuyên biên giới, kết nối cơ sở hạ tầng và lĩnh vực du lịch. Ngoài cuộc gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Minh Sơn, trong các cuộc trao đ ổi, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài. Trong các cuộc gặp, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam [3]. Qua chuyến thăm, cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc đều nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh t ế, thương mại, đầu tư, kết nối và giao lưu cơ sở hạ tầng; nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Theo như đánh giá của các doanh nghiệp, Việt Nam là một đất nước có triển vọng, mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) gặp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin tại Hà Nội. Ảnh : Dương Giang – VNA / VNS
Cho tới thời điểm hiện tại, quan hệ Campuchia – Việt Nam cũng như quan hệ Campuchia – Trung Quốc đều đang được duy trì và phát triển trong trạng thái tích cực. Lịch sử và hiện tại đều đã cho thấy tầm quan trọng của tam giác quan hệ Campuchia – Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận hai đối tác quan trọng này của Chính quyền tân Thủ tướng Hun Manet sẽ có nhiều điểm khác biệt. Bắc Kinh là đối tác kinh tế lớn nhất và Hà Nội có quan hệ chính trị đặc biệt với Phnom Penh. Việc xử lý hài hòa mối quan hệ với hai đối tác hàng đầu này đối với ông Hun Manet là điều đặc biệt quan trọng và cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mới của khu vực cũng như toàn cầu./.
Linh Khánh
Nguồn : Nghiên cứu chiến lược, 28/09/2023
Tài liệu tham khảo :
[1] Văn Đỗ (2023), "Campuchia và Trung Quốc ký kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng chung vận mệnh",Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, https://vov.vn/the-gioi/campuchia-va-trung-quoc-ky-ke-hoach-hanh-dong-xay-dung-cong-dong-chung-van-menh-post1046489.vov
[2] Đức Hoàng (2023), "Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet?",Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/campuchia-theo-duoi-chien-luoc-doi-ngoai-nao-duoi-thoi-thu-tuong-hun-manet-20230820230835131.htm
[3] Hoài Thu (2023), "Những kết quả quan trọng sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng",Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-ket-qua-quan-trong-sau-chuyen-tham-trung-quoc-cua-thu-tuong-20230628123057351.htm
[4] "Cambodian Prime Minister Hun Manet visits country’s close ally China on his 1st official trip abroad", US News / AP, https://www.usnews.com/news/business/articles/2023-09-14/cambodias-new-prime-minister-hun-manet-visiting-close-ally-china-on-his-first-official-trip-abroad
[5] Niem Chheng (2023), "Manet’s China visit for ‘interests of nation, people’", The Phnom Penh Post, https://www.phnompenhpost.com/national-politics/manets-china-visit-interests-nation-people
[6] Sopheng Cheang and Ken Moritsugu (2023), "Cambodia’s new Prime Minister Hun Manet visiting close ally China on his first official trip abroad", AmericaOnline Inc. Aol, https://www.aol.com/news/cambodias-prime-minister-hun-manet-015939742.html
[7] Yuji Nitta and Yukio Tajima (2023), "Cambodian PM Hun Manet pledges stronger China ties in Beijing visit", Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Cambodian-PM-Hun-Manet-pledges-stronger-China-ties-in-Beijing-visit