VOA, 22/12/2023
Campuchia đang tìm cách xoa dịu những lo ngại của Việt Nam về dự án kênh đào Phù Nam Techo do Trung Quốc tài trợ nối Vịnh Thái Lan với các nhánh nội địa của sông Mekong.
Ông Jean-Francois Tain, trợ lý đối ngoại của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, cho biết Thủ tướng đã trấn an Hà Nội về dự án đã được lên kế hoạch trong chuyến thăm chính thức từ ngày 11 đến 12/12. Việt Nam trước đó nêu quan ngại rằng dự án sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng dòng nước ở hạ lưu.
Ông Hun Manet nói với lãnh đạo Việt Nam rằng "dự án sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến dòng chảy của sông Mekong hoặc các con sông khác trong khi vẫn duy trì môi trường, hệ sinh thái và môi trường sống tự nhiên ổn định cho đa dạng sinh học", ông Tain nói với các phóng viên hôm 13/12. "Campuchia đã trình bày các kết quả của một số nghiên cứu cho thấy không có tác động tiêu cực tới môi trường".
VOA đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh và yêu cầu bình luận về dự án này, nhưng không nhận được phản hồi.
Hồi tháng 5, chính phủ Campuchia phê duyệt dự án kênh đào Phù Nam Techo dài 180 km. Dự án trị giá 1,7 tỷ USD, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chính phủ Trung Quốc, sẽ kết nối tỉnh ven biển Kep với các tỉnh Kandal và Takeo trong đất liền.
Kênh đào này được thiết kế rộng 100 mét ở thượng nguồn và 80 mét ở hạ lưu và có độ sâu đều là 5,4 mét. Đây là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất được Trung Quốc tài trợ sau đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville trị giá 2 tỷ USD và đường cao tốc Phnom Penh-Bavet trị giá 1,3 tỷ USD.
Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, tổng nợ nước ngoài của Campuchia hiện ở mức gần 10 tỷ USD, 41% trong số đó là nợ Trung Quốc.
Theo Bộ Công trình Công cộng và Giao thông vận tải Campuchia, kênh đào này được quy hoạch sẽ giảm thời gian vận chuyển giữa các cảng ở Sihanoukville và Phnom Penh, đồng thời cải thiện sinh kế của hơn 1,6 triệu người sống dọc theo con kênh.
Ông Chea Chandara, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chuỗi cung ứng và hậu cần ở Campuchia, nói với trang The Phnom Penh Post rằng sau khi hoàn thành, kênh đào "sẽ là một phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa Campuchia của chúng tôi. Vận tải đường thủy thường rẻ hơn vận tải đường bộ và đường hàng không, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy cũng lớn, không gây hư hỏng đường bộ hay ùn tắc giao thông".
Trong khi Campuchia ký các thỏa thuận hợp tác khu vực về quản lý sông Mekong với Việt Nam, Lào và Thái Lan vào năm 1995, các quan chức Campuchia lập luận rằng dự án Phù Nam Techo được miễn trừ vì nó chỉ kết nối với các nhánh sông Mekong trong phạm vi Campuchia và chỉ yêu cầu thông báo cho các nước khác.
Ông Sun Chanthol, cựu bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Giao thông vận tải, cho biết vào tháng 6 : "Trong trường hợp chúng tôi sử dụng các nhánh sông ở đất nước mình, chúng tôi không cần phải xin phép ba quốc gia kia. Chúng tôi chỉ cần thông báo cho họ".
VOA yêu cầu đại sứ quán Thái Lan và Lào tại Campuchia bình luận nhưng không nhận được phản hồi. Ông So Sophort, Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong quốc gia Campuchia, không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Phan Rim, người phát ngôn của Bộ Công trình Công cộng và Giao thông, cho biết một nghiên cứu tác động môi trường gồm hai giai đoạn đã được hoàn thành – phần đầu tiên do Bộ thực hiện và phần thứ hai do nhà tư vấn vận tải đường thủy thực hiện.
Ông Rim nói với VOA Khmer qua ứng dụng Telegram : "Theo chi tiết của nghiên cứu, dự án sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến dòng nước, môi trường, sinh thái hoặc xâm nhập mặn trong nước cũng như không gây ra bất kỳ tác động xuyên biên giới nào đến các nước láng giềng".
Ông Phan Rim cho biết thêm con kênh này "sẽ giúp cân bằng tính bền vững của môi trường" và tạo thêm môi trường sống cho cá và các loài thuỷ sinh khác. Ông cho biết việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2024.
Thống đốc tỉnh Kandal Kong Sophorn nói với VOA Khmer hôm 18/12 rằng dự án vẫn đang trong giai đoạn đánh giá. Thống đốc các tỉnh Kep, Kampot và Takeo không trả lời yêu cầu bình luận về con kênh sẽ đi qua khu vực của họ.
Ông Heng Kimhong, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và vận động của Mạng lưới Thanh niên Campuchia (Cambodian Youth Network), nói với VOA Khmer rằng Campuchia nên cung cấp một nghiên cứu tác động minh bạch cho Việt Nam và các bên liên quan khác trong khu vực.
Ông nói : "Campuchia cần trấn an rằng có đủ khả năng ngăn chặn dòng nước biển chảy vào các nhánh nước ngọt để đảm bảo hệ sinh thái nước ngọt không bị ảnh hưởng".
Truyền thông Việt Nam không tường thuật về nội dung trao đổi liên quan đến kênh Phù Nam trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 11-12 tháng 12 của ông Hun Manet theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nguồn : VOA, 22/12/2023
Một số điểm nhấn trong chính sách tổng thể của Campuchia dưới thời chính quyền Hun Manet
Sau gần 4 thập niên trên cương vị Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã để lại nhiều di sản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ghi dấu ấn trong sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia mà tiêu biểu nhất là Chiến lược Tứ giác do ông đề xướng. Tiếp nối người cha tiền nhiệm, Thủ tướng Hun Manet cũng đã đề ra Chiến lược Ngũ giác với mục tiêu đưa Campuchia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050. Chính quyền mới của ông Hun Manet đã kế thừa và có nhiều nâng cấp so với chính sách cũ cả về đối nội cũng như đối ngoại.
Bình quân GDP/đầu người của Campuchia giai đoạn 1998 – 2028. Nguồn : Statista
Về kinh tế – xã hội và chính trị
Sau gần 4 thập niên trên cương vị Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen đã để lại nhiều di sản trong nhiều lĩnh vực khác nhau, ghi dấu ấn trong sự phát triển kinh tế xã hội của Campuchia. Ông chủ trương chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường tự do. Mục tiêu là đưa Campuchia trở thành quốc gia thu nhập trung bình vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050. Trong giai đoạn 1998-2019, tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trung bình 7,7%/năm, đưa Campuchia trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Quy mô GDP từ 2,8 tỷ USD năm 1995 lên 31 tỷ USD năm 2023 [1].
Chiến lược Ngũ giác là sự tiếp nối của Chiến lược Tứ giác khi thêm mục tiêu mới phát triển "Bền vững" với các mục tiêu từ trước là "Tăng trưởng, Việc làm, Công bằng và Hiệu quả". Với các mục tiêu đó, yêu cầu đặt ra cho Campuchia là cần thắt chặt hơn nữa quan hệ với các quốc gia láng giềng và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc [2]. Chiến lược với tầm nhìn đặt ra lộ trình đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia có thu nhập cao vào năm 2050. Hướng tới tương lai trong 25 năm và được thiết kế trong 5 giai đoạn [3]. Sự tiếp nối của Chiến lược Ngũ giác sau Chiến lược Tứ giác và Tam giác được coi vừa l à sự bổ sung, nâng cấp tham vọng hơn của các mục tiêu so với hai chiến lược trước đó. Nhằm ứng phó tốt hơn với những yêu cầu ở trong nước và những thay đổi, biến động trong khu vực cũng như trên thế giới. Phát biểu trong phiên họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Hun Manet tuyên bố, Campuchia đặt mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050. Ông cũng cho biết, đất nước đang dần chuyển mình từ vị thế quốc gia kém phát triển sang quốc gia đang phát triển vào năm 2027 [4]. Ngoại trưởng kiêm Người phát ngôn Bộ thương mại Campuchia Penn Sovicheat cho biết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Campuchia – Trung Quốc và Hiệp định Thương mại Tự do Campuchia – Hàn Quố c sẽ giúp Campuchia thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế vào năm 2030 và 2050 [5].
Chương trình ưu tiên 6 điểm của ông Hun Manet cũng bao gồm việc đưa khu vực phi chính thức vào nền kinh tế chính thức, phát triển khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp và hiện đại hóa kỹ thuật nông nghiệp [6]. Xây dựng hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả về mặt môi trường và bền vững về mặt tài chính, đảm bảo sức khỏe của người dân trước các tác động của rủi ro kinh tế, sức khỏe cộng đồng và những tổn thương phát sinh từ sự thay đổi điều kiện sống và làm việc. Mở rộng chăm sóc sức khỏe, đào tạo kỹ thuật cho thanh niên, viện trợ cho người nghèo và người dễ bị tổn thương. Trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới Trung Quốc, ô ng đã thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc các lĩnh vực kể trên và nhiều lĩnh vực khác như du lịch, cơ sở hạ tầng, giáo dục v.v.
Những cam kết nổi bật được nêu ra trong tuyên bố chung của Trung Quốc và Campuchia sau chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet bao gồm : phát triển tỉnh Preah Sihanouk thành hình mẫu của Đặc khu kinh tế (SEZ) đa năng, nghiên cứu về hành lang công nghiệp và công nghệ tại Campuchia ; xây dựng Đặc khu kinh tế Sihanoukville (SSEZ) làm dự án trọng điểm và đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville để thu hút thêm các doanh nghiệp Trung Quốc có năng lực tăng cường đầu tư, tăng cường hợp tác về thủy điện, quang điện và các nguồn năng lượng sạch khác ; thúc đẩy thành lập dự án Khu vực trình diễn Carbon thấp Trung Quốc – Campuchia của hợp tác Nam-Nam về Biến đổi khí hậu ở tỉnh Preah Sihanouk. Thực hiện hợp tác, đối thoại chính sách, nghiên cứu chung trong các vấn đề về an ninh năng lượng bền vững ; ti ếp tục dự án trùng tu Cung điện Hoàng gia ở Ankor, đền Preah Vihear và các di sản văn hóa khác do Trung Quốc viện trợ, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch của Campuchia. Trong lĩnh vực giáo dục, hai bên tăng cường thúc đẩy đưa thanh niên Campuchia sang Trung Quốc du học và hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp trong khuôn khổ Liên minh giáo dục nghề nghiệp Trung Quốc – Campuchia ; đưa nhà Thanh niên hữu nghị Campuchia – Trung Quốc trở thành nền tảng tăng cường trao đổi và đào tạo thanh niên giữa hai nước ; ngoài ra, còn thúc đẩy thành lập các Viện Khổng Tử.
Chính quyền Thủ tướng Hun Manet cũng chủ trương hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề an ninh. Trong tuyên bố chung nhân chuyến thăm của ông Hun Manet tới Trung Quốc, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề huấn luyện, diễn tập chung, dịch vụ y tế, hậu cần, rà phá bom mìn, tăng cường phối hợp và hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Nâng cao năng lực cảnh sát của hai nước trong việc chống cờ bạc xuyên biên giới, gian lận viễn thông ; thực hiện hợp tác an ninh trong các dự án Vành đai và Con đường (BRI). Thúc đẩy hợp tác với các nước láng giềng đảm bảo an ninh biên giới. Một trong những vấn đề đang ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế, uy tín quốc tế, an ninh trong nước của Campuchia là vấn đề biên gi ới. An ninh biên giới Campuchia hiện tại với các nước nổi lên các vấn đề buôn lậu, buôn bán người v.v. Vì vậy, trong những cuộc gặp với Thủ tướng các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, ông Hun Manet luôn đề cập và đưa vấn đề hợp tác xử lý về an ninh biên giới vào thảo luận. Điều này là cơ sở để ổn định tình hình biên giới, giúp người dân các nước yên tâm phát triển kinh tế, thúc đẩy trao đổi buôn bán hàng hóa giữa các nước qua đường bộ, cải thiện hình ảnh của Campuchia trong mắt bạn bè quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện chiến lược "Campuchia không có bom mìn vào năm 2025" và giảm số lượng vật liệu chưa nổ đến mức tối đ a.
Các ưu tiên trong chính sách đối ngoại
Trong thời gian tới, chính sách đối ngoại của Campuchia gồm 3 điểm chính. Thứ nhất, khôi phục quan hệ với các đối tác truyền thống. Thứ hai, thiết lập quan hệ với các đối tác mới, đặc biệt ở Mỹ Latinh, Châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Thứ ba, củng cố, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước láng giềng thân thiện và quốc gia trong khu vực [7].
Trong thời gian diễn ra hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43, Thủ tướng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã có cuộc gặp và buổi ăn trưa cùng nhau. Tại cuộc gặp, ba thủ tướng nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc song phương và ba bên thường xuyên, duy trì cơ chế ăn sáng làm việc giữa thủ tướng ba nước nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế nhằm không ngừng thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác, cùng nhau trao đổi các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm, đồng thời tìm biện pháp tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong quan hệ ba nước ; tăng cường hiệu quả các cơ chế hợp tác ba bên hiện có, trong đó có việc phối hợp sớm tổ chức Hội nghị Cấp cao về Tam giác Phát triển CLV (Campuchia – Lào – Việt Nam) lần thứ 13 và Cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội ba nước lần đầu tiên tại Lào trong năm 2023 ; đẩy mạnh giao lưu, tập huấn thanh niên và lãnh đạo trẻ nhằm vun đắp cho tương lai quan hệ hợp tác giữa ba nước [8].
Ngay trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Lào – Campuchia. Sau cuộc gặp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Đảng CPP Samdech Techo Hun Sen và Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith nhất trí, trong bối cảnh tình hình hiện nay, ba đảng, ba nước cần tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, tiếp tục coi quan hệ giữa ba đảng là nòng cốt, định hướng cho tổng thể quan hệ giữa ba nước ; củng cố trụ cột về quốc phòng – an ninh, tăng cường hợp tác trong công tác đối ngoại ; tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học – kỹ thuật, du lịch, nông nghiệp. Ba bên nhất trí tiếp t ục phát huy hiệu quả các cơ chế hiện có, nghiên cứu thiết lập một số cơ chế hợp tác mới nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa ba Đảng, ba nước vì lợi ích của nhân dân của ba nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới [9]. Vào tháng 8/2023, ngay sau khi Quốc hội khóa 7 của Campuchia thành công, Tổng bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen đã có cuộc hội đàm trực tuyến, tái khẳng định mối quan hệ song phương bền chặt[10].
Những cuộc gặp giữa những lãnh đạo cao nhất của cả ba nước giúp củng cố lòng tin chính trị trong bối cảnh cục diện khu vực và thế giới có nhiều diễn biễn phức tạp. Khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại 2 nước Lào và Campuchia ngày càng gia tăng, cuộc gặp giúp khẳng định tinh thần đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân ba nước. Tần suất các cuộc gặp cấp cao, ngay sau khi Lào và Campuchia thực hiện xong kì bầu cử quốc hội cho thấy sự tin cậy, tình đoàn kết bền chặt giữa 3 nước láng giềng. Những cuộc gặp là cơ sở, định hướng cho những năm tiếp theo trong nhiệm kỳ ở các nước. Thắt chặt quan hệ 3 nước có ý nghĩa quan trọng chiến lược đối với cả Việt Nam, Campuchia và Lào.
Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chọn Campuchia cho chuyến công du ASEAN đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Chuyến thăm khẳng định tầm quan trọng của Campuchia trong chính sách đối ngoại của nội các mới của chính phủ Thái Lan và được giới chuyên gia cho đó là điều bất thường. Có ý kiến cho rằng chuyến thăm nhằm mục đích làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa gia đình hai nhà lãnh đạo Thavisin và Hun Sen, vốn đã có mối giao tình từ lâu, trong thời kì Thavisin vẫn còn là Phó Thủ tướng dưới thời Thủ tướng Thaksin [11]. Hai nhà lãnh đạo có thể thảo luận về thúc đẩy hợp tác, củng cố kinh tế, thương mại, các vấn đề an ninh biên giới, tội phạm xuyên quốc gia. Chuyến thăm có thể là bước đầu mở ra một thời kì nồng ấm trong mối quan hệ giữa hai qu ốc gia. Mối giao tình giữa gia đình 2 nhà lãnh đạo là điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ với Thái Lan, phù hợp với Chiến lược Ngũ giác của Chính phủ Campuchia đã đề ra.
Campuchia cũng đang cố gắng đa dạng hóa quan hệ. Trong đó, ASEAN được xác định là nền tảng để Campuchia giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngay sau khi nhậm chức, hãng thống tấn chính phủ Campuchia Agence Kampuchea Presse (AKP) đưa tin cho rằng ASEAN sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Campuchia. Chuyến thăm của Thủ tướng tới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 43 tại Jarkarta đã chứng minh tuyên bố không chỉ mang tính biểu tượng [12].
Trung Quốc vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại của Campuchia dưới thời tân Thủ tướng Hun Manet. Minh chứng cho điều đó là việc ông Manet đã chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên tới thăm ngay sau khi lên nhậm chức vào hồi tháng 8. Chuyến thăm nhằm mục đích củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hiện có, mở ra những con đường hợp tác và tăng trưởng mới cho Campuchia. Trong tuyên bố chung sau chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet tới Trung Quốc. Campuchia tái khẳng định tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc. Campuchia phản đối mọi nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hoặc ngăn chặn hay kiềm chế Trung Quốc dưới danh nghĩa vấn đề Đài Loan, hoặc bất kỳ hình thức hoạt động ly khai nào nhằm tìm kiếm "độc lập của Đài Loan". Ngoài ra tuyên bố chung cũng đề cập đến việc xây dựng cộng đồng Trung Quốc – Campuchia cùng chung vận mệnh trong kỷ nguyên mới trong chuyến thăm vào hồi tháng 2/2023 của Thủ tướng Hun Sen ; thúc đẩy phối hợp, hợp tác trong thực hiện kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng Trung Quốc-Campuchia cùng tương lai chung trong kỷ nguyên mới (2024-2028).
Bên cạnh những cơ hội về mặt kinh tế, có một số khó khăn và yếu tố tiềm tàng khi Campuchia thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Sam Seun, nhà phân tích chính trị tại Học viện Hoàng gia Campuchia đưa ra một số thách thức khi Phnom Penh ngày càng thắt chặt hơn mối quan hệ với Bắc Kinh.
Thứ nhất, khả năng xảy ra sự mất cân bằng quyền lực giữa Trung Quốc và Campuchia là một trong những trở ngại lớn. Campuchia là một quốc gia kém phát triển, Campuchia buộc phải đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận hoặc hợp tác nào với Trung Quốc đều có lợi cho cả hai bên và không dẫn đến sự phụ thuộc quá mức vào hỗ trợ tài chính của Trung Quốc.
Thứ hai, tác động tiềm tàng đối với các ngành và doanh nghiệp nội địa là một yếu tố khác cần tính đến. Thương mại và đầu tư của Trung Quốc gia tăng mức độ cạnh tranh với các công ty Campuchia, đặc biệt là trong các ngành mà Trung Quốc có thế mạnh. Campuchia phải có kế hoạch để bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa, hỗ trợ chúng và đảm bảo cạnh tranh công bằng.
Thứ ba, tính bền vững về môi trường cũng cần được tính đến. Trung Quốc trước đây từng bị chỉ trích vì các chính sách môi trường của mình ; do đó, Campuchia phải đảm bảo rằng bất kỳ sự hợp tác hoặc dự án nào với Trung Quốc đều tuân theo các nguyên tắc phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi phải bảo tồn tài nguyên, quản lý việc sử dụng chúng một cách có trách nhiệm và giảm thiểu mọi tác động bất lợi đến môi trường.
Vấn đề dân chủ nhân quyền và nâng cao uy tín quốc tế của Campuchia
Trước đây, Campuchia đã mất phần nào uy tín và lòng tin của một số nước trong ASEAN khi có những hành động được coi là "theo phe" Trung Quốc, tiêu biểu là sự kiện năm 2012 khi Campuchia với quyền chủ tịch đã ngăn ASEAN ra tuyên bố chung về vấn đề biển Đông. Vì vậy, khi nên nắm quyền, chính quyền thủ tướng Hun Manet tuyên bố tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, dựa trên luật lệ, chống mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài, xây dựng hữu nghị và hợp tác tốt đẹp với tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế, đồng thời tích cực góp phần thúc đẩy sự nghiệp hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và thế giới [13]. Từ đó, tìm kiếm sự ủng hộ của các trong ASEAN, gia tăng uy tín, lòng tin của các nước với ASEAN, và còn thúc đẩy đoàn kết trong toàn khối. Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, Hun Manet cho rằng cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc đang ngày càng gay gắt, điều trực tiếp gây áp lực lên "hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho toàn thể ASEAN". "Chiến tranh không thể kết thúc bằng chiến tranh", Hun Manet kêu gọi cộng đồng ASEAN và quốc tế phản đối việc đe dọa dùng vũ lực chống lại một quốc gia có chủ quyền" [14].
Chiến lược thứ hai trong Chiến lược Ngũ giác của Campuchia là đưa nước này trở thành một quốc gia thịnh vượng, mạnh mẽ, tự do, dân chủ đa đảng dựa trên pháp quyền và một nền kinh tế bền vững và công bằng. Ông Hun Manet cho rằng, chiến lược này hướng tới đảm bảo người dân có cuộc sống ấm no, chan hòa và được tôn trọng các quyền con người [15]. Ngoài ra, chiến lược thứ hai này có thể còn có một mục đích khác hướng ra bên ngoài. Chiến lược như một lời khẳng định với các nước phương Tây, vốn luôn bất đồng quan điểm với Campuchia về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do chính trị. Để duy trì phát triển kinh tế, Campuchia không thể tiếp tục trở thành đối tượng chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ hoặc phương Tây [16]. Việc bổ nhiệm Sok Chenda Sophea làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người từng là Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia, một tổ chức chịu trách nhiệm đầu tư vào Campuchia là minh chứng cho nỗ lực đa dạng hóa đối tác và thu hút vốn đầu tư của chính quyền Hun Manet. Tuy nhiên, cả Campuchia và phương Tây vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt về vấn đề nhân quyền. Do vậy, thách thức để các bên có thể tìm được tiếng nói chung là vô cùng lớn. Vì trong tuyên bố chung với Trung Quốc nhân chuyến thăm của Thủ tướng Hun Manet, cả hai bên đã cùng bày tỏ sự kiên quyết đối với việc chính trị hóa nhân quyền, tiêu chuẩn kép và can thiệp vào công việc nội bộ của n ước khác dưới chiêu bài nhân quyền hoặc dân chủ. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác chống can thiệp và cách mạng màu [17].
Phạm Quang Phúc (tổng hợp)
Nguồn : Nghiên cứu chiến lược, 07/10/2023
Tài liệu tham khảo
[1] Minh Phương (2023), "Campuchia và những di sản kinh tế dưới sự chèo lái của Thủ tướng Hun Sen",Dân trí
[2] Hải Hoàng (2023), "Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam",Nghiên cứu Chiến lược
[3] Orm Bunthoeurn (2023), "Manet unveils first phase of ‘Pentagonal Strategy’", The Phnompenh Post
[4] VNA (2023), "Cambodia aims to become high-income country in 2050", Vietnamplus
[5] Xinhua (2023), "Cambodia targets high-income country status by 2050 : PM", Xinhuanet
[6] Phoung Vantha (2023), "Bumby Road Ahead as Hun Manet Takes Reins", Cambodianess
[7] Vĩnh Khang (2023), "Thủ tướng Hun Manet vạch ưu tiên chính sách đối ngoại của Campuchia",Pháp luật
[8] "Thắt chặt quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Lào và Campuchia có ý nghĩa quan trọng chiến lược" (2023),Công an nhân dân online
[9] TTXVN (2023), "Cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Campuchia – Lào : Tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống",Quân đội nhân dân
[10] VNA (2023), "Ruling parties of Laos, Cambodia foster relations", Vietnamplus
[11] "Srettha’s Cambodia trip related to Thaksin-Hun Sen close ties" (2023), Thai PBS world
[12] Sokvy Rim (2023), "Cambodia’s foreign policy under new Prime Minister Hun Manet", Think China
[13] Hải Hoàng (2023), tài liệu đã dẫn
[14] Kate Lamb (2023), "Hun Sen’s son aims to make Cambodia high-income country by 2050", Reuters
[15] Đỗ Thảo (2023), "Ông Hun Manet nêu 5 chiến lược lãnh đạo đất nước",Mekong ASEAN VN
[16] Sokvy Rim (2023), "The West’s impact on the future of Cambodia’s democracy", EastAsiaForum
[17] Xinhua (2023), "Full text : Joint Communique between the Government of the People’s Republic of China and the Royal Government of Cambodia", Xinhuanet
Ý nghĩa chuyến công du đầu tiên của tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet tới Trung Quốc
Ngày 14/09/2023, theo lời mời của Thủ tướng Lý Cường, Thủ tướng Campuchia – ông Hun Manet chính thức tới thăm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ông Hun Manet đã có thời gian làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác tại Bắc Kinh. Đồng thời, Thủ tướng Hun Manet đã tham dự hội chợ thương mại và đầu tư ASEAN – Trung Quốc lần thứ 20 tại thành phố Nam Ninh. Chuyến thăm lần này tái khẳng định mối quan hệ tốt đẹp và củng cố quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận về việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác song phương vì một tương lai chung trong việc xây dựng một "Cộng đồng Campuchia – Trung Quốc", các định hướng chiến lược cho quan hệ song phương và các vấn đề khu v ực và quốc tế.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tiếp đón ông Hun Manet trong chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Campuchia. Ảnh : Tân hoa xã
Thúc đẩy quan hệ Campuchia – Trung Quốc lên tầm cao mới
Theo tuyên bố chung giữa hai chính phủ Campuchia và Trung Quốc sau chuyến thăm chính thức vào ngày 14/09, hai nước đã cùng ký kết kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng chung vận mệnh trong kỷ nguyên mới, giai đoạn 2024 – 2028 và nhiều văn kiện hợp tác khác. Đặc biệt, chính phủ hai nước cũng đã nhấn mạnh, dù cho tình hình quốc tế có thay đổi ra sao thì Campuchia và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng sâu rộng vì lợi ích của cả hai bên, thúc đẩy hơn nữa quá trình xây dựng cộng đồng chung vận mệnh Campuchia – Trung Quốc [1]. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh, việc Thủ tướng Hun Manet chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện chuyến thăm song phương sau khi nhậm chức, đã thể hiện sự coi trọng cao độ của Phnom Penh trong việc củng cố và phát triển tình hữu nghị với Bắc Kinh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp Thủ tướng Campuchia Hun Manet. Ảnh : SCMP
Campuchia là đối tác ngoại giao quan trọng, là nước ủng hộ Trung Quốc trong các diễn đàn khu vực và quốc tế. Sự ủng hộ của Campuchia đã giúp giảm thiểu lời chỉ trích Trung Quốc đến từ mười quốc gia thành viên ASEAN, trong đó một số nước đang có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã tạo tầm ảnh hưởng quan trọng đối với nền chính trị và kinh tế của Campuchia. Điều đó được thể hiện qua việc Trung Quốc đầu tư vào quốc gia này thông qua những dự án có quy mô lớn, giá trị đầu tư tới hàng tỷ USD và càng ngày càng tăng. Các ngân hàng quốc gia của Trung Quốc cũng có những chính sách hỗ trợ tài chính, bằng việc cung cấp các khoản vay để đầu tư cho việc xây dựng sân bay, đường xá và các cơ sở hạ tầng khác. Trung Quốc cũng hỗ trợ Campuchia trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 thông qua những lần cung cấp vắc-xin, dụng cụ y tế, vật tư y tế chống dịch.
Hai nước cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia cũng như phát triển bền vững. Thủ tướng Hun Manet cam kết sẽ cải thiện việc thực thi pháp luật và hợp tác an ninh để trấn áp hành vi lừa đảo trên mạng ở Đông Nam Á, những hoạt động thường nhắm vào công dân Trung Quốc. Campuchia khẳng định Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia. Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng bày tỏ sẽ giúp Campuchia tìm ra những đường lối phát triển mới phù hợp với khả năng quốc gia, trong khi cam kết hỗ trợ hợp tác kinh tế nhiều hơn đối với các khu vực có tiềm năng bao gồm lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.
Ngoài hợp tác thương mại với các quốc gia khác, Campuchia vẫn nhập khẩu chủ yếu hàng hóa từ Trung Quốc, khoảng 35% hàng hóa nhập khẩu của Campuchia đều nhập từ Trung Quốc. Sau đại dịch Covid-19, tất cả các quốc gia trên thế giới đều gặp khó khăn, các lĩnh vực đều phát triển chậm, đều phải bước vào công cuộc hồi phục và phát triển nền kinh tế. Campuchia và Trung Quốc cũng không phải những trường hợp ngoại lệ. Lĩnh vực du lịch của Campuchia phát triển chậm, đồng thời, những khoản hỗ trợ tài chính của Trung Quốc vào quốc gia này cũng hạn chế hơn dự kiến. Chính vì vậy, Campuchia phải tìm kiếm sự liên kết thương mại với các đối tác khác ngoài Trung Quốc để hồi phục và phát triển kinh tế.
Tìm kiếm chính sách cân bằng với phương Tây
Khi mới nhậm chức vào ngày 22/08 vừa qua, Thủ tướng đương nhiệm Hun Manet đã vạch ra 5 ưu tiên chiến lược khi điều hành đất nước, trong đó nhấn mạnh Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên luật lệ. Mục tiêu của chiến lược là nhằm xây dựng quan hệ hữu nghĩ và hợp tác tốt đẹp giữa Campuchia với tất cả các nước trên thế giới, cũng như tham gia các tổ chức quốc tế. Campuchia sẽ tích cực vì hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới [2]. Có một số ý kiến cho rằng, trước đây, ông Hun Manet và một số quan chức cấp cao đã theo học tại phương Tây, vì vậy điều này có thể có tác động tới chính sách đối ngoại c ủa quốc gia này với phương Tây. Họ cũng đưa ra những dự đoán, e ngại rằng dưới sự lãnh đạo của ông Hun Manet, Campuchia có khả năng hợp tác tích cực hơn với Mỹ và các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo chuyên gia Kin Phea, Campuchia vẫn duy trì chính sách trung lập, không liên minh với bất kỳ quốc gia nào và cùng tồn tại, phát triển hòa bình với các nước. Theo chuyên gia Chheang Vannarith – Chủ tịch Viện Tầm nhìn châu Á, chính phủ hiện tại của Campuchia có xu hướng tiếp tục duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và sẽ có một số điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với thực trạng của Campuchia. Giới chuyên gia dự kiến, ông Hun Manet sẽ ưu tiên phát triển sức mạnh quốc gia của Campuchia để cân nhắc và đàm thoại các chính sách đối ngoại t ối đa hóa lợi ích cho đất nước. Điều này đòi hỏi chính phủ và các quan chức lãnh đạo phải biết tận dụng khả năng, nguồn lực, tiềm năng kinh tế và vị trí chiến lược của quốc gia để theo đuổi các cơ hội, đem lại sự phát triển và thịnh vượng cho Vương quốc Campuchia.
Một vài quan điểm cho rằng, Thủ tướng Campuchia sẽ tìm kiếm và gây dựng một sự cân bằng tích cực giữa Bắc Kinh và các nước dân chủ. Có thể Chính phủ mới sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại với Bắc Kinh. Thay vào đó, họ có thể sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại để theo cùng một quỹ đạo và ăn khớp với các nước phương Tây, hoặc để nuôi dưỡng mối quan hệ thân thiện hơn với các đối tác này vì lợi ích kinh tế. Theo đó, Mỹ và EU vẫn là hai đối tượng xuất khẩu lớn nhất của Campuchia. Trong tháng 9, sau chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Hun Manet đã sang dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) được tổ chức tại Mỹ, đồng thời có chuyến thăm quốc gia này. Ông được sắp xếp hội kiến với các quan chức cấp cao và lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ. Mục đích của ông Hun Manet trong chuyến thăm này là khẳng định lập trường của Campuchia về chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế. Qua chuyến thăm, ông được kỳ vọng rằng sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và các doanh nghiệp Mỹ đến đầu tư tại Campuchia. Sau cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 22/09, Ủy ban Hợp tác Campuchia (Cooperation Committee for Cambodia – CCC) và Phòng Thương mại Mỹ sẽ tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Campuchia – Mỹ tại New York nhằm thúc đẩy các cơ hội đầu tư và kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á. Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này. Từ tháng 01 đến th áng 8 năm nay, xuất khẩu hàng hóa Campuchia sang Mỹ đạt 6,11 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 38% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Những người chỉ trích đảng cầm quyền đưa ra ý kiến rằng, ông Hun Manet có thể sẽ mang lại một số cuộc cải cách dân chủ cần thiết để điều chỉnh chính sách và cải thiện quan hệ đối ngoại với các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, ông Sam Rainsy cho rằng, việc các nước phương Tây có thể kéo Hun Manet hoặc Hun Sen ra khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc là một "ảo tưởng", đặc biệt là khi ông Hun Sen vẫn đứng ở phía sau "hỗ trợ" con trai mình. Astrid Norén – Nilsson, giảng viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Đông và Đông Nam Á tại Đại học Lund ở Thụy Điển, cho biết Hun Sen có thể vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ quyền lực trong thời gian ngắn. Ông Hun Manet có tiếp tục đi theo con đường chính trị c ủa cha mình về lâu dài hay không, điều này vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, hiện đang có những nỗ lực từ phía Campuchia nhằm thu hút các nhà đầu tư phương Tây tới đầu tư cho Campuchia. Trong khi tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc là trọng điểm, Chính phủ mới cũng đang mong muốn đa dạng hóa và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thông qua một số động thái như điều chỉnh chính sách đối ngoại, cải cách dân chủ… hay còn gọi là những động thái "đánh bóng hình ảnh" quốc gia; trong khi mối quan tâm đặc biệt của các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ là sự phát triển tại căn cứ hải quân chính của Campuchia, nơi các quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đang bí mật xây dựng một c ơ sở hải quân để sử dụng riêng – một hành động mà Mỹ tỏ thái độ không hài lòng.
Từ quan hệ Campuchia – Trung Quốc nhìn sang quan hệ Campuchia – Việt Nam và tam giác Campuchia – Việt Nam – Trung Quốc
Vừa qua, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp gỡ lần đầu tiên với tân Thủ tướng Campuchia Hun Manet tại Hội nghị ASEAN ở Jakarta, Indonesia vào ngày 05/09. Trong cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định việc hợp tác với Campuchia luôn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo hai nước cùng nhất trí về việc tăng cường hợp tác vì lợi ích của nhân dân hai nước, đặc biệt là trên các lĩnh vực thương mại, hợp tác và phát triển an ninh xuyên biên giới, kết nối cơ sở hạ tầng và lĩnh vực du lịch. Ngoài cuộc gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã có chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 6 vừa qua. Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Minh Sơn, trong các cuộc trao đ ổi, lãnh đạo hai bên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy chính trị, xử lý thỏa đáng và kiểm soát tốt bất đồng, đưa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả lâu dài. Trong các cuộc gặp, các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều khẳng định hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, việc phát triển quan hệ với Việt Nam là lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, Trung Quốc coi trọng phát triển quan hệ lâu dài với Việt Nam [3]. Qua chuyến thăm, cả hai nước Việt Nam, Trung Quốc đều nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh t ế, thương mại, đầu tư, kết nối và giao lưu cơ sở hạ tầng; nhiều biện pháp cụ thể về thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Theo như đánh giá của các doanh nghiệp, Việt Nam là một đất nước có triển vọng, mong muốn trong thời gian sắp tới sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (phải) gặp Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin tại Hà Nội. Ảnh : Dương Giang – VNA / VNS
Cho tới thời điểm hiện tại, quan hệ Campuchia – Việt Nam cũng như quan hệ Campuchia – Trung Quốc đều đang được duy trì và phát triển trong trạng thái tích cực. Lịch sử và hiện tại đều đã cho thấy tầm quan trọng của tam giác quan hệ Campuchia – Việt Nam – Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận hai đối tác quan trọng này của Chính quyền tân Thủ tướng Hun Manet sẽ có nhiều điểm khác biệt. Bắc Kinh là đối tác kinh tế lớn nhất và Hà Nội có quan hệ chính trị đặc biệt với Phnom Penh. Việc xử lý hài hòa mối quan hệ với hai đối tác hàng đầu này đối với ông Hun Manet là điều đặc biệt quan trọng và cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh mới của khu vực cũng như toàn cầu./.
Linh Khánh
Tài liệu tham khảo :
[1] Văn Đỗ (2023), "Campuchia và Trung Quốc ký kế hoạch hành động xây dựng cộng đồng chung vận mệnh",Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV, https://vov.vn/the-gioi/campuchia-va-trung-quoc-ky-ke-hoach-hanh-dong-xay-dung-cong-dong-chung-van-menh-post1046489.vov
[2] Đức Hoàng (2023), "Campuchia theo đuổi chiến lược đối ngoại nào dưới thời Thủ tướng Hun Manet?",Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/campuchia-theo-duoi-chien-luoc-doi-ngoai-nao-duoi-thoi-thu-tuong-hun-manet-20230820230835131.htm
[3] Hoài Thu (2023), "Những kết quả quan trọng sau chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng",Báo Dân trí, https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-ket-qua-quan-trong-sau-chuyen-tham-trung-quoc-cua-thu-tuong-20230628123057351.htm
[4] "Cambodian Prime Minister Hun Manet visits country’s close ally China on his 1st official trip abroad", US News / AP, https://www.usnews.com/news/business/articles/2023-09-14/cambodias-new-prime-minister-hun-manet-visiting-close-ally-china-on-his-first-official-trip-abroad
[5] Niem Chheng (2023), "Manet’s China visit for ‘interests of nation, people’", The Phnom Penh Post, https://www.phnompenhpost.com/national-politics/manets-china-visit-interests-nation-people
[6] Sopheng Cheang and Ken Moritsugu (2023), "Cambodia’s new Prime Minister Hun Manet visiting close ally China on his first official trip abroad", AmericaOnline Inc. Aol, https://www.aol.com/news/cambodias-prime-minister-hun-manet-015939742.html
[7] Yuji Nitta and Yukio Tajima (2023), "Cambodian PM Hun Manet pledges stronger China ties in Beijing visit", Nikkei Asia, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Cambodian-PM-Hun-Manet-pledges-stronger-China-ties-in-Beijing-visit
Tiếp tân thủ tướng Cam Bốt, chủ tịch Trung Quốc ca ngợi "đóng góp lịch sử" của Hun Sen
Trọng Thành, RFI, 15/09/2023
Tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh hôm nay, 15/09/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp thủ tướng Cam Bốt Hun Manet, trong chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên. Lãnh đạo Trung Quốc ca ngợi đóng góp lớn của cựu thủ tướng Hun Sen, thân phụ ông Hun Manet, và hy vọng quan hệ hai nước siết chặt hơn.
Ảnh đăng trên kênh Telegram của thủ tướng Cam Bốt : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Hun Manet, tại Bắc Kinh, ngày 15/09/2023. AP - Cambodia Prime Minister Telegram
Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, được AFP trích dẫn, lãnh đạo Trung Quốc đã ca ngợi "những đóng góp lịch sử" của cựu thủ tướng Hun Sen cho tình hữu nghị Trung Quốc - Cam Bốt, đồng thời mời ông Hun Manet đến thăm Trung Quốc thường xuyên. Chủ tịch Trung Quốc tin tưởng là chuyến thăm của ông Hun Manet sẽ giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước "sâu sắc hơn và thiết thực hơn".
Theo Reuters, trong buổi gặp tân thủ tướng Cam Bốt hôm nay, lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẵn sàng duy trì trao đổi thường xuyên ở cấp chiến lược. Chủ tịch Trung Quốc cũng cho biết Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Phnom Penh trong lĩnh vực thực thi pháp luật và hợp tác an ninh, đồng thời tiếp tục trấn áp các tội phạm xuyên biên giới như đánh bạc qua mạng và lừa đảo viễn thông.
Cựu thủ tướng Hun Sen, cai trị Campuchia bằng bàn tay sắt trong gần bốn thập niên, vừa trao lại chức thủ tướng cho con trai hồi tháng 8. Dưới thời ông Hun Sen, Cam Bốt trở thành một trong những đồng minh chủ chốt nhất của Bắc Kinh ở Đông Nam Á. Theo AFP, mặc dù đã chính thức chuyển giao chức vụ thủ tướng cho con trai, nhưng cựu thủ tướng Hun Sen bác bỏ quan điểm cho rằng Cam Bốt có thể thay đổi hướng đi dưới thời con trai ông.
Theo báo Khmer Times, thủ tướng Cam Bốt Hun Manet và phu nhân hôm nay cũng đã đến yết kiến quốc vương Cam Bốt Norodom Sihamoni và thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, đang có mặt tại Bắc Kinh để kiểm tra sức khỏe định kỳ, từ cuối tháng 8.
Trọng Thành
**********************
Tân thủ tướng Cam Bốt Hun Manet công du Trung Quốc
Thùy Dương, RFI, 14/09/2023
Tân thủ tướng Cam Bốt Hun Manet chiều hôm nay, 14/09/2023, đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CGTN cho biết thủ tướng Cam Bốt Hun Manet sẽ gặp chủ tịch Tập Cận Bình và nhiều quan chức hàng đầu khác của Trung Quốc.
Tân thủ tướng Cam Bốt Hun Manet gặp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Phnom Penh, ngày 13/08/2023. AFP – Kok Ky
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, trong cuộc họp báo thường nhật, thông báo thủ tướng Cam Bốt Hun Manet có chuyến thăm ba ngày, từ 14 đến 16/09, theo lời mời của thủ tướng Trung Quốc Lý Cường. Đây là chuyến công du chính thức đầu tiên của tân thủ tướng Cam Bốt kể từ khi ông nhậm chức, nếu không kể đến chuyến đi dự thượng đỉnh ASEAN tại Jakarta, Indonesia, hồi tuần trước. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, điều này cho thấy Phnom Penh đề cao tầm quan trọng của việc phát triển quan hệ giữa hai nước.
Đối với bà Mao Ninh, chuyến công du của thủ tướng Hun Manet sẽ "có lợi cho quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện trong tương lai giữa Trung Quốc và Cam Bốt", trong bối cảnh năm 2023 là tròn 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Phnom Penh và Bắc Kinh.
Trả lời truyền thông tại sân bay quốc tế Phnom Penh hôm nay, Meas Sophorn, phát ngôn viên của thủ tướng Cam Bốt, cho biết ông Hun Manet sẽ đến chào xã giao chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và hội đàm với thủ tướng Lý Cường và chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế. Theo dự kiến, ông Hun Manet sau đó sẽ tới thành phố Nam Ninh, miền nam Trung Quốc, dự Triển lãm ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20.
AFP nhắc lại là hồi tháng 08, mới nhậm chức thủ tướng, khi tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Phnom Penh, ông Hun Manet đã tái khẳng định "quan điểm không thay đổi" của chính phủ Cam Bốt về chính sách một nước Trung Hoa duy nhất và cam kết không can dự vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Dưới thời thủ tướng tiền nhiệm Hun Sen (cha của ông Hun Manet), Cam Bốt là đồng minh chính của Bắc Kinh trong khu vực Đông Nam Á. Trong gần 40 năm Hun Sen điều hành đất nước, Cam Bốt đã tiếp nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc.
Thùy Dương
‘Truyền ngôi’ cho Hun Manet và ảnh hưởng ngoại giao
Hoàng Trường, VOA, 06/08/2023
Bất chấp các tuyên bố gây chóng mặt của Samdech Hun Sen, hy vọng Campuchia sẽ có nội các mới trong tháng 8. Phương Tây kỳ vọng gì từ chính phủ do cựu sinh viên West Point cầm đầu ? Bất hòa tiềm ẩn với Việt Nam láng giềng liệu có được hóa giải và tân nội các sẽ đối mặt với di sản của Hun Sen ra sao ?
Hun Manet, con trai thủ tướng Hun Sen, vừa được cha truyền chức Thủ tướng vào ngày 26/07/2023. Reuters - CINDY LIU
Phương Tây kỳ vọng gì ở nội các mới ?
Ông Hun Sen từng giải thích rằng việc chuyển giao quyền lực cho con trai ông không phải do quan hệ gia đình, mà là để duy trì hòa bình và ổn định tại Campuchia. Năm 2021, Samdech Hun Sen còn tuyên bố, con trai Manet của ông sẽ chưa đảm nhận ghế thủ tướng trước năm 2028, thậm chí trước 2030. "Tôi vẫn đứng vững, vậy con trai tôi làm thủ tướng có ích lợi gì ?", ông chất vấn như thế. Nhưng sau một thời gian, Hun Sen lại thay đổi ý định tại vị và cho biết sẽ sớm "nhường ngôi cho thái tử" (1). Việc chuyển giao quyền lực có thể diễn ra muộn nhất là ba hoặc bốn tuần sau cuộc bầu cử ngày 23/7/2023. Tuy nhiên, ngày 3/8/2023, tại lễ khánh thành đường vành đai ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen, một lần nữa, lại "xoay như chong chóng" khi tuyên bố, ông sẽ quay trở lại ghế lãnh đạo chính phủ nếu Hun Manet, con trai và cũng là người kế nhiệm ông gặp nguy hiểm tính mạng (2).
"Khmer Times", dẫn lại tuyên bố của Hun Sen : "Tôi muốn cảnh báo rằng, nếu con trai tôi có nguy cơ tử vong, khả năng cao là tôi sẽ trở lại làm thủ tướng. Nếu Hun Manet gặp nguy hiểm đến tính mạng, tôi sẽ phải trở lại làm thủ tướng một thời gian, sau đó tôi sẽ quyết định ai có thể đảm đương chức vụ này". Nhà lãnh đạo Campuchia giải thích thêm, điều này sẽ giúp cho đất nước tránh rơi vào hỗn loạn và đảm bảo hạnh phúc bình yên cho người dân. Ông Hun Sen cũng tiết lộ, bản thân đã thông báo cho Ủy ban thường vụ của đảng Nhân dân Campuchia (Cambodia People's Party-CPP) về quyết định này từ tháng 12/2021. Sau khi đảng CPP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23/7, ông Hun Sen hôm 26/7 thông báo sẽ từ chức thủ tướng và người kế nhiệm ông sẽ là con trai trưởng, Tướng Hun Manet, Phó tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia, kiêm Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia. Sau khi rời ghế thủ tướng, ông Hun Sen, 70 tuổi dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Hội đồng Tôn vương Vương thất Campuchia, cơ quan gồm 9 thành viên chịu trách nhiệm lựa chọn Quốc vương (3).
Triển vọng về một tân thủ tướng ở Campuchia và một nội các mới tập trung vào giới trẻ – một số người, như Hun Manet, được giáo dục ở phương Tây – đã khiến một số nhà bình luận phỏng đoán rằng đất nước này sẽ có thể trải qua quá trình thiết lập lại chính sách ngoại giao. Hun Manet, 45 tuổi, được đào tạo ở Mỹ và Anh, nói tiếng Anh lưu loát và thường có hình ảnh quốc tế hơn cha mình, lớn lên trong bối cảnh Mỹ can dự vào Campuchia trong những năm 1970. Về phong cách, một chính quyền non trẻ do Hun Manet lãnh đạo, nhiều khả năng sẽ muốn có bang giao tốt hơn với các nền dân chủ phương Tây, vốn cũng quan tâm đến việc cải thiện quan hệ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ít chú ý hơn đến các vi phạm nhân quyền và suy thoái dân chủ ở Campuchia, các nhà phân tích nói với "Asia Times". Đảng CPP cầm quyền lâu năm đã thắng thêm một cuộc tổng tuyển cử rõ ràng là có gian lận hôm 23/7, chiếm tất cả trừ năm ghế tại Quốc hội trong một cuộc tranh cử mà đảng đối lập khả thi duy nhất (đảng Ánh Nến) bị cấm cạnh tranh và có gần nửa triệu phiếu bất hợp lệ (4).
Giới quan sát cho rằng một khi nắm quyền, Hun Manet và chính quyền mới trẻ trung của ông có thể sẽ thay đổi một số cách tiếp cận của Campuchia, ít nhất là về giọng điệu, đối với Hoa Kỳ và phương Tây. Manet được đào tạo tại Học viện Quân sự ưu tú của Mỹ ở West Point, New York, và sau đó học tại Đại học New York và Đại học Bristol ở Anh. Ông đã tham gia một số cuộc tập trận do phương Tây chỉ huy trong thời gian làm Tư lệnh quân đội. Một số quan chức trẻ khác dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng vào tháng này, khi nội các mới được thành lập, cũng đã được đào tạo từ phương Tây. Chhay Rithysen, người có khả năng trở thành Bộ trưởng Kế hoạch nông thôn tiếp theo, từng học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ưu tú của Mỹ (5). Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hoài nghi cho rằng, con trai các nhà độc tài sẽ ít độc tài hơn các bậc cha chú. Theo Giáo sư từ Đại học Griffith Lee Morgenbesser, không nhất thiết được giáo dục ở phương Tây thì nhà cai trị sẽ ôn hòa hơn. Giáo sư Morgenbesser cho rằng : "Con trai của một nhà độc tài kế vị nhà độc tài, thì câu chuyện luôn là anh ta là một nhà cải cách tiềm năng, một người ôn hòa tiềm năng, một người tiến bộ tiềm năng, vì anh ta được giáo dục theo phương Tây. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy những điều này trên thực tế cả !" (6)
Xung khắc Cam – Việt sẽ được hóa giải ?
Không ai hy vọng, những xung khắc từ quá khứ để lại sẽ được giải quyết dưới thời tân Thủ tướng Hun Manet. Thứ nhất, 16% đường biên giới trên bộ chưa được cắm mốc, dù bản đồ của Pháp và Liên Hiệp Quốc đã nêu rất rõ… Vấn đề biên giới giữa hai nước là chủ đề nhạy cảm tại Campuchia và nhiều nhân vật trong chính trường đã lên tiếng phản pháo. Ở Campuchia từng có niềm tin rằng, quốc gia này đã để mất Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ) và đảo Koh Tral (đảo Phú Quốc hiện nay) vào tay Việt Nam. Theo Tiến sĩ Heng Kimkong, vẫn còn các bộ phận cư dân Campuchia nhất định tin vào điều này, và thường xuyên lặp lại cáo buộc chính phủ Campuchia đang vận hành dưới tầm ảnh hưởng của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tuy nhiên sau khi duy trì sự hiện diện quân sự từ năm 1979 đến 1989 đã tạo những cái nhìn khác nhau trong giới đối lập với đảng cầm quyền CPP của ông Hun Sen. Vấn đề vướng mắc thứ ba trong quan hệ hai nước là hàng chục ngàn người lao động gốc Việt phải chịu cảnh sống 'vô chính phủ' tại Campuchia khi không được nhập quốc tịch. Năm 2022 có hơn 100.000 người Việt đang sinh sống tại Campuchia, theo truyền thông Việt Nam (7).
Nhưng có lẽ vướng mắc sẽ còn dài dài giữa Campuchia và Việt Nam là vấn để Căn cứ hải quân Ream ở Campuchia do Trung Quốc xây dựng và sắp hoàn thành một bến tàu có thể neo đậu một hàng không mẫu hạm. Hình ảnh thương mại của vệ tinh cho thấy, việc xây dựng Căn cứ Ream tương tự một cách đáng kinh ngạc với một bến tàu mà quân đội Trung Quốc sử dụng tại căn cứ hải ngoại duy nhất của họ ở Djibouti. Dennis Wilder, cựu chuyên gia hàng đầu của CIA về quân đội Trung Quốc, cho biết căn cứ Ream sẽ có giá trị chiến lược lớn nhất một khi căng thẳng trên Biển Đông có thể dẫn đến đối đầu quân sự. Evan Medeiros, một chuyên gia khác về Trung Quốc tại Đại học Georgetown, cho biết : "Căn cứ hải quân ở Campuchia làm tăng ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc ở Đông Nam Á, cho thấy thế giới đang phát triển theo hướng nhanh chóng trở thành đấu trường cho cuộc cạnh tranh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc" (8).
Một vài di sản khác "hậu Hun Sen"
Nếu nhìn quanh các nhà độc tài Châu Á trong lịch sử, thật khó có thể xếp Hun Sen vào loại nào ? Ông có giống Park Chung-hee, người từng hứa "sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công, dù chỉ một đồng… và sẵn lòng chết cho lý tưởng mà mình đã đề ra" ? Chắc chắn là không ! Cha con ông Hun Sen có giống cha con Tưởng Giới Thạch, dù vẫn độc đảng, nhưng bắt đầu cởi mở hơn với các phong trào chính trị đối lập ? Về cuối đời, Tưởng giảm bớt sự kiểm soát của chính quyền với các phương tiện truyền thông, cũng như cho phép người bản địa Đài Loan tham gia nắm quyền (người kế nhiệm con ông, Tưởng Kinh Quốc, là Lý Đăng Huy). Chúng ta có thể so sánh tiếp với cha con Lý Quang Diệu… để thấy rằng, các nhà độc tài Á Đông trước đây có chung một đặc điểm, họ độc tài không phải để bám giữ quyền lực, mà họ muốn tập trung sức mạnh trong tay để lấy các quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Họ biết cách lắng nghe và biết cách huy động trí thức cùng với các tầng lớp dân cư trong xã hội để phấn đấu thành cường quốc bậc trung trong thời gian ngắn nhất. Lý Quang Diệu ra đi chỉ để lại một căn nhà cho các con.
Dẫu rằng mọi so sánh đều tương đối, nhưng hậu thế chắc chắn sẽ không xếp Hun Sen vào hàng ngũ các bậc tiền bối nói trên. Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany có 6 người con, trong đó ba con trai gồm Manet, Manith và Many là những gương mặt nổi bật trên chính trường Campuchia. Tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh) đưa ra thông tin, chỉ tính một mình con gái lớn của Hun Sen là Hun Mana, đang nắm giữ hàng chục công ty, và được đánh giá là nhân vật quan trọng nhất trong "đế chế kinh doanh" của gia đình. Khoảng 27 người thân của ông Thủ tướng được cho là có liên quan tới các công ty có giá trị vốn cổ phần nhiều trăm triệu USD. Giới phân tích cho rằng, những con số này còn xa với thực thực tế (9). Tuy nhiên, có sự khác nhau thú vị giữa độc tài CPP và Đảng cộng sản Việt Nam. Một bên là độc tài cá nhân, Hun Sen có một "bàn tay sắt" trong quản trị đất nước, còn Đảng cộng sản Việt Nam là "độc tài tập thể", "vua tập thể" … Đứng về tính hiệu quả, đặc biệt là sự độc lập trong chính sách đối ngoại, vênh nhau tương đối giữa CPP và Đảng cộng sản Việt Nam cũng là một điều bất ngờ và dễ nhận ra.
Hoàng Trường
Nguồn : VOA, 06/08/2023
(2) https://www.rfa.org/english/news/cambodia/hun-sen-hasty-08032023161709.html
(3) https://www.aljazeera.com/news/2023/7/26/cambodia-leader-hun-sen-to-stepdown-hand-over-power-to-son .
(4 – 5) https://asiatimes.com/2023/07/will-hun-manet-reset-ties-with-the-west/ .
(7) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crgr8d8kk3do
(8) https://www.ft.com/content/cec4bbb9-8e92-4fc1-85fb-ded826a735c5
(9) https://vietnamthoibao.org/vntb-campuchia-co-tham-nhung-nhieu-nhu-viet-nam-khong/
Quốc vương Cam Bốt chính thức bổ nhiệm Hun Manet làm thủ tướng
Thùy Dương, RFI, 07/08/2023
Theo đề nghị của thủ tướng mãn nhiệm Hun Sen, hôm 07/08/2023, Quốc vương Cam Bốt Norodom Sihamoni chính thức bổ nhiệm đại tướng Hun Manet, 45 tuổi, vào vị trí thủ tướng. Trong gần bốn thập niên qua, Cam Bốt nằm dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen, thân phụ tân thủ tướng.
Hun Manet, con trai cả của cựu thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, vẫy tay chào những người ủng hộ mình, tại Phnom Penh, Cam Bốt ngày 21/07/2023. AP - Heng Sinith
Sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, ông Hun Manet sẽ phải thành lập nội các mới và theo dự kiến, Quốc hội Cam Bốt sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ mới.
Tuy nhiên, đây chỉ một thủ tục, bởi vì tại Quốc hội Cam Bốt, vừa được bầu sau cuộc bỏ phiếu ngày 23/07, đảng Nhân Dân Cam Bốt của ông Hun Sen chiếm 120 trong tổng số 125 ghế. AFP cho biết, chính phủ của thủ tướng Hun Manet có thể gồm nhiều bộ trưởng trẻ, những vị trí bộ trưởng bị bỏ trống dưới thời thủ tướng Hun Sen cũng sẽ được bổ nhiệm.
Tiến sĩ, đại tướng Hun Manet, con trai cả của ông Hun Sen, từng theo học ở Anh Quốc và Học viện quân sự danh tiếng West Point của Mỹ. Đại tướng Hun Manet là tư lệnh Lục quân Cam Bốt từ năm 2018.
Liệu Cam Bốt thời Hun Manet sẽ giữ khoảng cách hơn với Trung Quốc ? Theo Carl Thayer, giáo sư danh dự của đại học UNSW của Úc, đó chỉ là "một ảo tưởng" bởi Hun Manet "sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nắm lấy bàn tay chìa ra cho ông, có nghĩa là lệ thuộc vào Trung Quốc để duy trì quyền lực của đảng Nhân Dân Cam Bốt".
Người dân Cam Bốt sẽ có nhiều quyền tự do hơn sau 38 năm dưới "bàn tay sắt" của Hun Sen ? Trên báo Le Figaro, Sebastian Strangio, tác giả một tác phẩm về Cam Bốt dưới thời Hun Sen, nhận định, chưa có gì cho thấy là Hun Manet "sẽ làm được nhiều hơn là những thay đổi chỉ mang tính hình thức về hệ thống chính trị hiện tại", và nếu không có sự ủng hộ của người cha, thì dù có muốn, ông Hun Manet cũng khó có thể tạo ra sự thay đổi. Quả thực, Hun Manet chưa có nhiều "cơ hội cọ sát về chính trị".
Xin nhắc lại, chỉ vài ngày sau chiến thắng của đảng cầm quyền tại kỳ bầu cử Quốc hội vừa qua, ông Hun Sen đã thông báo từ nhiệm thủ tướng, chuyển giao quyền lực cho con trai cả. Còn ông sẽ giữ chức chủ tịch Thượng Viện Cam Bốt, về lý thuyết, là nhân vật quyền lực thứ 2, chỉ sau Quốc vương Norodom Sihamoni.
Con trai cả của Thủ tướng Hun Sen đang được chuẩn bị để kế nhiệm, nhưng sẽ cần phải thuyết phục các đối thủ chính trị chủ chốt.
Hun Manet, trưởng nam của Thủ tướng Hun Sen, đang được chuẩn bị để kế nhiệm cha
Hun Manet, phó tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Campuchia, và con trai của thủ tướng Hun Sun (Tang Chhin Sothy / AFP qua Getty Images)
Tuần này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen xác nhận những gì đã được nghi vấn từ lâu, rằng ông đang chuẩn bị cho con trai cả của mình, Hun Manet, trở thành lãnh đạo của đất nước. "Là một người cha", Hun Sen tuyên bố, "tôi phải ủng hộ con trai mình và bồi dưỡng nó để giúp nó có đủ lông đủ cánh".
Không phải sẽ sớm có việc chuyển giao quyền lực tại Campuchia. Hun Sen cũng nói rõ ông có ý định tiếp tục nắm quyền thêm 10 năm nữa. Được xem là "một nhà lãnh đạo độc tài", Hun Sen đã là Thủ tướng Campuchia từ năm 1985.
Hun Manet, hiện là tướng 3 sao của quân đội hoàng gia Campuchia, đã trở thành chủ đề của các đồn đoán lâu nay rằng ông sẽ trở thành ‘thái tử ngoài hoàng gia’ tiếp theo trong nền chính trị Campuchia. Nhiều năm nay, ông đã được nhiều lần cất nhắc và thăng tiến vượt bậc. Năm 2018, sau khi được thăng chức, Hun Manet trở thành người có cấp bậc lớn thứ 2 trong quân đội Campuchia. Sau đó, ông được bầu vào uỷ ban thường trực Đảng Nhân dân Campuchia (CPP). Tháng này, ông được thăng từ cấp phó bí thư lên bí thư Đoàn Thanh niên của CPP.
Hun Manet từng theo học ở Mỹ và Anh. Ông lấy bằng cử nhân ở Học viện quân sự West Point năm 1999, bằng thạc sỹ Đại học New York năm 2002, và bằng tiến sỹ Đại học Bristol năm 2008. Tất cả các bằng cấp đều về kinh tế học.
Hun Manet có vẻ rất được hâm mộ bởi giới trẻ nước này. Ông là người có trình độ, có vẻ biết cư xử và dễ gần. Trên Facebook, ông có 750.000 người theo dõi.
Ông là trưởng nhóm công tác thanh niên ngoài nước của CPP và trước khi có đại dịch Covid-19, Hun Manet thường xuyên ra nước ngoài để thu hút sự ủng hộ của người Campuchia và sinh viên đang sinh sống và học tập ở hải ngoại. Những chuyến đi như vậy thường bị phá rối bởi các cuộc biểu tình phản đối tình trạng hiện nay của nền dân chủ Campuchia. Tuy nhiên, Hun Manet có vẻ đã xây dựng được một cấp độ quan hệ công chúng hợp lý đối với những người ủng hộ ông, nỗ lực làm giảm thái độ thù hằn đối với cha ông – người nổi tiếng có bàn tay sắt.
Là con của Hun Sen, việc tạo dựng một thương hiệu cá nhân tốt về chính trị không phải dễ dàng cho Hun Manet. Bất kể ông có nỗ lực thế nào, bất kể học vấn và trình độ của ông có cao đến đâu, cả về quân sự lẫn chính trị, ông vẫn bị che phủ bởi danh tiếng, tai tiếng và quyền lực của cha mình. Các lần cất nhắc gần đây của Hun Manet mặc dù được dựa vào thành tích của bản thân ông, nhưng lại thường được xem là một phần trong kế hoạch lớn của Hun Sen nhằm trao quyền cho con.
Hun Sen, về phần mình, đã nói rằng con ông sẽ tiếp quản vị trí của ông nếu được người dân ủng hộ và bỏ phiếu qua bầu cử. Tuy nhiên, đối với các nhà quan sát, một cuộc bầu cử như vậy rõ ràng không phải là một trở ngại. Hun Sen đã sử dụng các nguồn lực và quyền lực trong khả năng của mình để đảm bảo rằng bất cứ cuộc bầu cử nào cũng đều sẽ theo hướng lựa chọn của cá nhân ông. Các nhà bình luận cho rằng vấn đề đối với Hun Manet là làm sao để thu hút được sự ủng hộ từ giới tinh hoa trong đảng cầm quyền.
Hun Manet, 43 tuổi, vẫn còn non trẻ nếu so với các chính trị gia lão thành trong CPP. Để nhận được sự chống lưng, Hun Manet phải vun đắp cho danh tiếng của mình, cả trong lẫn ngoài đảng. Ông phải bảo đảm với những vị cây cao bóng cả trong ủy ban thường trực CPP rằng mình có khả năng lãnh đạo, có tiềm năng vượt trội cha mình, và ông ta sẽ phải thu hút được giới trẻ Campuchia, những người chiếm tới 2/3 trong tổng số 16,7 triệu dân, những người hi vọng, dù không nhiều, rằng tình hình chính trị của đất nước sẽ diễn tiến theo hướng dân chủ hơn.
Hun Sen đã 68 tuổi và đã lãnh đạo Campuchia được hơn 3 thập niên. Là một chiến lược gia chính trị lão làng đã lớn tuổi và ngày càng ít được yêu thích, đặc biệt là trong giới trẻ, Hun Sen có lẽ đang tự hỏi làm cách nào để hạ cánh an toàn mà không phải hứng chịu hậu quả xấu nào. Ngay cả khi ông đã tuyên bố đảng CPP sẽ cầm quyền đến 100 năm, Hun Sen cũng không thể chắc rằng ông hoặc gia đình mình có thể an toàn khi ông không còn nắm quyền nữa.
Sự sợ hãi này dường như sẽ đóng vai trò mấu chốt trong việc định hình nền chính trị Campuchia những năm sắp tới. Hiện giờ, khi không có những cản trở quá lớn từ phe đối lập, Hun Sen có vẻ đang tự tin và sẵn sàng tiến cử Hun Manet trở thành người kế vị của mình.
Kimkong Heng
Nguyên tác : "Hun Manet : A Cambodian dynasty ?", The Interpreter, 26/06/2020.
Huỳnh Ngọc Lập biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/07/2020