Campuchia trấn an Việt Nam rằng dự án kênh đào Phù Nam Techo ‘sẽ không ảnh hưởng’ đến sông Mekong
VOA, 22/12/2023
Campuchia đang tìm cách xoa dịu những lo ngại của Việt Nam về dự án kênh đào Phù Nam Techo do Trung Quốc tài trợ nối Vịnh Thái Lan với các nhánh nội địa của sông Mekong.
Ông Jean-Francois Tain, trợ lý đối ngoại của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, cho biết Thủ tướng đã trấn an Hà Nội về dự án đã được lên kế hoạch trong chuyến thăm chính thức từ ngày 11 đến 12/12. Việt Nam trước đó nêu quan ngại rằng dự án sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng dòng nước ở hạ lưu.
Ông Hun Manet nói với lãnh đạo Việt Nam rằng "dự án sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến dòng chảy của sông Mekong hoặc các con sông khác trong khi vẫn duy trì môi trường, hệ sinh thái và môi trường sống tự nhiên ổn định cho đa dạng sinh học", ông Tain nói với các phóng viên hôm 13/12. "Campuchia đã trình bày các kết quả của một số nghiên cứu cho thấy không có tác động tiêu cực tới môi trường".
VOA đã liên lạc Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh và yêu cầu bình luận về dự án này, nhưng không nhận được phản hồi.
Hồi tháng 5, chính phủ Campuchia phê duyệt dự án kênh đào Phù Nam Techo dài 180 km. Dự án trị giá 1,7 tỷ USD, là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của chính phủ Trung Quốc, sẽ kết nối tỉnh ven biển Kep với các tỉnh Kandal và Takeo trong đất liền.
Kênh đào này được thiết kế rộng 100 mét ở thượng nguồn và 80 mét ở hạ lưu và có độ sâu đều là 5,4 mét. Đây là dự án cơ sở hạ tầng mới nhất được Trung Quốc tài trợ sau đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville trị giá 2 tỷ USD và đường cao tốc Phnom Penh-Bavet trị giá 1,3 tỷ USD.
Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, tổng nợ nước ngoài của Campuchia hiện ở mức gần 10 tỷ USD, 41% trong số đó là nợ Trung Quốc.
Theo Bộ Công trình Công cộng và Giao thông vận tải Campuchia, kênh đào này được quy hoạch sẽ giảm thời gian vận chuyển giữa các cảng ở Sihanoukville và Phnom Penh, đồng thời cải thiện sinh kế của hơn 1,6 triệu người sống dọc theo con kênh.
Ông Chea Chandara, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chuỗi cung ứng và hậu cần ở Campuchia, nói với trang The Phnom Penh Post rằng sau khi hoàn thành, kênh đào "sẽ là một phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng xuất khẩu hàng hóa Campuchia của chúng tôi. Vận tải đường thủy thường rẻ hơn vận tải đường bộ và đường hàng không, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy cũng lớn, không gây hư hỏng đường bộ hay ùn tắc giao thông".
Trong khi Campuchia ký các thỏa thuận hợp tác khu vực về quản lý sông Mekong với Việt Nam, Lào và Thái Lan vào năm 1995, các quan chức Campuchia lập luận rằng dự án Phù Nam Techo được miễn trừ vì nó chỉ kết nối với các nhánh sông Mekong trong phạm vi Campuchia và chỉ yêu cầu thông báo cho các nước khác.
Ông Sun Chanthol, cựu bộ trưởng Bộ Công trình Công cộng và Giao thông vận tải, cho biết vào tháng 6 : "Trong trường hợp chúng tôi sử dụng các nhánh sông ở đất nước mình, chúng tôi không cần phải xin phép ba quốc gia kia. Chúng tôi chỉ cần thông báo cho họ".
VOA yêu cầu đại sứ quán Thái Lan và Lào tại Campuchia bình luận nhưng không nhận được phản hồi. Ông So Sophort, Tổng Thư ký Ủy ban sông Mekong quốc gia Campuchia, không trả lời yêu cầu bình luận.
Ông Phan Rim, người phát ngôn của Bộ Công trình Công cộng và Giao thông, cho biết một nghiên cứu tác động môi trường gồm hai giai đoạn đã được hoàn thành – phần đầu tiên do Bộ thực hiện và phần thứ hai do nhà tư vấn vận tải đường thủy thực hiện.
Ông Rim nói với VOA Khmer qua ứng dụng Telegram : "Theo chi tiết của nghiên cứu, dự án sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến dòng nước, môi trường, sinh thái hoặc xâm nhập mặn trong nước cũng như không gây ra bất kỳ tác động xuyên biên giới nào đến các nước láng giềng".
Ông Phan Rim cho biết thêm con kênh này "sẽ giúp cân bằng tính bền vững của môi trường" và tạo thêm môi trường sống cho cá và các loài thuỷ sinh khác. Ông cho biết việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2024.
Thống đốc tỉnh Kandal Kong Sophorn nói với VOA Khmer hôm 18/12 rằng dự án vẫn đang trong giai đoạn đánh giá. Thống đốc các tỉnh Kep, Kampot và Takeo không trả lời yêu cầu bình luận về con kênh sẽ đi qua khu vực của họ.
Ông Heng Kimhong, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và vận động của Mạng lưới Thanh niên Campuchia (Cambodian Youth Network), nói với VOA Khmer rằng Campuchia nên cung cấp một nghiên cứu tác động minh bạch cho Việt Nam và các bên liên quan khác trong khu vực.
Ông nói : "Campuchia cần trấn an rằng có đủ khả năng ngăn chặn dòng nước biển chảy vào các nhánh nước ngọt để đảm bảo hệ sinh thái nước ngọt không bị ảnh hưởng".
Truyền thông Việt Nam không tường thuật về nội dung trao đổi liên quan đến kênh Phù Nam trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 11-12 tháng 12 của ông Hun Manet theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nguồn : VOA, 22/12/2023