27 người Việt sắp bị bán ở Philippines được hồi hương
VOA, 23/12/2023
Philippine trong tuần này đã giải cứu và hồi hương 27 công nhân Việt Nam, những người được cho biết sắp bị những kẻ buôn người "bán" cho một công ty có trụ sở tại Cebu, Cục Di trú Philippines cho biết.
Một người chơi máy đánh bạc tại một casino ở Manila. Nhiều nạn nhân buôn người Việt Nam bị bán vào làm việc trong các sòng bạc ở Philippines.
ABS-CBN News dẫn lời Ủy viên về Di trú Norman Tansingco cho biết trong một thông cáo rằng các nạn nhân buôn người đi cùng với người quản lý người Trung Quốc, hai tài xế người Philippines và một phiên dịch viên người Philippines.
Nhóm người này đã bị chặn tại Nhà ga số 2 của Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino vào ngày 31/10, và Cục Di trú Philippines đã hủy thị thực lao động của 27 nạn nhân này và đưa hầu hết họ về nước.
Cục này không cung cấp thêm thông tin chi tiết về công ty hoặc loại công việc mà những người Việt Nam bị buôn sang Philippines tham gia.
Ông Tansingco nói ông sẽ không dung thứ cho người nước ngoài sử dụng Philippines làm trung tâm cho các hoạt động bất hợp pháp của họ, vẫn theo ABS-CBN News.
Theo Cục Di trú Philippines, hiện có 7 người Việt Nam nữa đang chờ hồi hương.
Philippines là một trong những điểm đến của những đường dây buôn người từ Việt Nam và một số nước láng giềng sang để bán cho các sòng bài chuyên tổ chức cá cược trực tuyến.
Hồi tháng 5 vừa qua, cảnh sát Philippines đã giải cứu hơn 1.000 người nghi là nạn nhân buôn người, trong đó có 437 người Việt Nam.
Những người này bị lừa bán sang Philippines, bị giam giữ và ép phải tham gia vào các vụ lừa đảo trực tuyến.
Theo các giới chức Philippines, những nạn nhân trên đã bị tịch thu hộ chiếu và bị ép làm việc 18 tiếng một ngày. Nếu bị phát hiện trò chuyện với những người xung quanh hoặc nghỉ lâu hơn thời gian cho phép, họ sẽ bị trừ lương.
Nguồn : VOA, 23/12/2023
*******************************
RSF : Việt Nam giam cầm 36 nhà báo, nằm trong tốp 10 trên thế giới
VOA, 22/12/2023
Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) tổng kết năm 2023 cho biết hiện có đến 36 nhà báo độc lập đang bị giam cầm tại Việt Nam, trong đó có 20 blogger, khiến Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia giam giữ nhà báo nhiều nhất trên thế giới.
Tổng kết của RSF nói rằng tại Việt Nam, Trung Quốc, Myanmar, Belarus có tất cả 264 nhà báo đang bị giam giữ trong tổng số 521 nhà báo bị giam giữ trên toàn thế giới.
Tổ chức này cũng xếp Việt Nam vào tốp 5 quốc gia có rủi ro cao nhất trên thế giới đối với các nhà báo.
RSF nhận định rằng chỉ có thông tin từ cơ quan của Đảng cộng sản quản lý mới được loan tin tự do ở Việt Nam, trong khi nhà báo độc lập và các blogger thường xuyên bị chính quyền nhắm mục tiêu.
RSF nêu trường hợp của nhà báo Nguyễn Lân Thắng, người vào tháng 4/2023 bị kết án 8 năm tù vì tội "Tuyên truyền chống nhà nước". Ông Thắng là nhà báo bị tuyên án tù cao nhất trong năm nay tại Việt Nam.
"Sự đàn áp của Đảng cầm quyền cũng vượt ra ngoài biên giới", RSF cho biết, đồng thời nêu trường hợp của nhà báo Đường Văn Thái, người bị bắt cóc ở Thái Lan vào tháng 4/2023, rồi sau đó lại xuất hiện ở Việt Nam và hiện đang chờ xét xử về tội "Tuyên truyền chống nhà nước", với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.
"Các nhà báo bị cầm tù ở Việt Nam gần như bị đối xử hèn hạ một cách có hệ thống và bị từ chối tiếp cận việc thăm khám y tế", RSF nhận định, nêu điển hình hai nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và Lê Trọng Hùng, đã tuyệt thực để phản đối điều kiện giam giữ ở trại giam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về báo cáo tổng kết 2023 của RSF, nhưng chưa được phản hồi.
Trao đổi với VOA, bà Đỗ Lê Na, vợ của nhà báo Lê Trọng Hùng – người đang thụ án 5 năm tù tại trại giam số 6 ở tỉnh Nghệ An- nói về trường hợp của chồng bà tuyệt thực vào tháng 9 :
"Vì vừa qua ở trại giam số 6 xảy ra quá nhiều vi phạm đến quyền lợi của tù nhân nên chồng tôi kết hợp trong vụ tuyệt thực yêu cầu họ phải thay đổi thái độ đối với tù nhân".
Hôm 11/12, RSF lên tiếng chỉ trích chính quyền Việt Nam vì đã kết án 2 năm 6 tháng tù đối với ông Lê Minh Thể, một nhà bình luận chính trị từng đăng tải các bài viết về ô nhiễm và tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, với tội danh "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ", cho rằng đây là "một điều luật vô lý được sử dụng rộng rãi để bức hại các nhà báo".
Tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do báo chí có trụ sở ở Paris kêu gọi các nền dân chủ tăng cường áp lực lên chế độ cầm quyền Việt Nam trả tự do cho ông Thể cùng với tất cả 36 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam cầm.
Hồi tháng 5, Việt Nam tụt hạng xuống gần chót 178/180 trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm 2023 do RSF công bố.
Trang Công an Nhân dân của Bộ Công an Việt Nam khi ấy phản bác việc xếp hạng 2023 của RSF rằng "thiếu khách quan, sai thực tế và quy chụp" về tình hình tự do báo chí tại Việt Nam. Trang này viết : "Với cơ sở chính trị, pháp lý đã khẳng định và thực tiễn đã chứng minh quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm".
Nguồn : VOA, 22/12/2023