Bất chấp các tuyên bố, hứa hẹn của những viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị như Tổng Bí thư, hệ thống công quyền như Chủ tịch Nhà nước, những cam kết như của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hệ thống giáo dục vẫn tiếp tục sản xuất ra đủ loại scandal thuộc loại khó có thể tìm thấy ở đâu bên ngoài biên giới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Học sinh trong một lần được phát quà. Hình minh họa.
Nếu tuần trước, công chúng xôn xao vì một giáo viên dạy Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông Đa Phúc, tọa lạc tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, đuổi một nữ sinh ra khỏi lớp, kèm tuyên bố "hạ bậc hạnh kiểm, không cho thi tốt nghiệp Trung học phổ thông" chỉ vì đừa trẻ này dám mua bánh cho bạn bè trong lớp ở tiệm bánh khác với tiệm mà giáo viên đã chỉ định, rồi giáo viên đó mặc kệ học trò quỳ ở cửa phòng học để bày tỏ sự ăn năn khiến đứa trẻ xỉu vì kiệt sức, kích xúc và khi biết chuyện, thay vì chấn chỉnh, hiệu trưởng trường này lại báo công an, đề nghị xác định học sinh đã ghi lại rồi chia sẻ cảnh này trên Internet có vi phạm Luật An ninh mạng hay không để trường "kỷ luật thích đáng" (1).
...thì tuần này, công chúng tiếp tục sửng sốt và bất bình vì một đứa trẻ khác là nữ sinh Trung học phổ thông Lạc Long Quân cũng tọa lạc tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bị trường "từ chối giáo dục" bởi hai lý do : Thứ nhất, cha của em dám thắc mắc về những khoản tiền mà trường bắt phụ huynh nộp. Thứ hai, lúc được hiệu trưởng "triệu tập" đến trường để "làm việc", cho dù hiệu trưởng đã cảnh cáo, nếu không chấp hành, trường sẽ "từ chối giáo dục", cha của em vẫn không chịu "trình diện" vì dám cho rằng ông có quyền đưa ra ý kiến và chỉ nêu nhận định cá nhân trong diễn đàn kín dành cho phụ huynh của lớp con ông đang theo học trên ứng dụng Zalo(2).
***
Ngoài những phản ứng mang tính chất cá nhân trên mạng xã hội, scandal tại trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân cũng làm thành viên của nhiều diễn đàn có tính chất chính thống – chẳng hạn Thông tin chính phủ nổi giận. Nhiều người khẳng định như Lê Huỳnh Gia Đạt :Đó là chà đạp Hiến pháp và pháp luật, vi phạm Điều 39 Hiến pháp, Điều 13 Luật Giáo dục, Điều 35 Thông tư 32/2020 của BộGiáo dục và đào tạo.Hoặc nhận định như Akini Ben :Không chỉcoi thường pháp luậtmà còn là hủy hoại đất nướcvì các em là tương lai đất nước. Cũng có người như Dang Khoa tin rằng :Hành vi này đối với một đứa trẻ đang học lớp12 là đặc biệt nghiêm trọng. Cứnhư vậy, ngàymai đất nước chúng ta sẽ ra sao (3) ?
Tương tự, trên trang Facebook của VTC, nhiều người nêu thắc mắc như Hồ Mậu Hòa :Giờ nhà trường cũng xài luật rừng à ? Hay than như Vien Ngo Van :Quá nhức nhối. Hoặc bất bình như Quí Trọng :Vô lý ! Giả sử ông talàm sai gì đó và người ta bắt con ông tachịu trách nhiệm thì ông tacó chấpnhận không (4) ?
Trong diễn đàn của Hội Khẩu nghiệp, Trần Văn Quang xem việc "từ chối giáo dục" ở trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân là :Ngáo quyền lực ! Lê Ánh Tuyết cũng nghĩ như vậy :Sợ thật. Chỉ là hiệu trưởng mà xửsự như vua ấy nhỉ. Không ít người như Pi Ka tu đồng tình :Sợ quá, phụ huynh manh động là con thất học luôn ! Cũng có người như Tai Thi kể thêm :Giống hệt hiệu trưởng trường con của mình, đọc được bình luận của mình trên facebook rồi gọi cho cô chủ nhiệm của con mình bảo cô ấy bắtmình gỡnhưng mình không gỡ vì có nhắc tên trường đâu. Trong khi Tuấn Đan ngán ngẩm : Đụng đâu nát đấy, nghĩ mà chán ! – thì Dao Thien Van nhắc : Sau câu chuyện này chúng ta rút được ra bài học gì nào(5) ?
Ở diễn đàn của Theanh28 Entertainment, khá nhiều người nghĩ như Bevid Đặng, Nguyễn Trọng :Đúng là làm nghề nào ăn nghề ấy, với giáo dục, thầy cô chọn chuyện "bào" phụ huynh để đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc Châu Phi ! Không chỉ có một Ngan Ho ngậm ngùi :Đó cũng là lý do nhiều phụ huynh phải thắt lưng buộc bụng để "tự nguyện" đóng đủ thứ tiền vì không "tự nguyện" là không xong ! - mà còn có những Công :Kinh hãi với mấy scandal liên quan tới giáo viên và nhà trường ngày nay. Rồi những Viết Vũ thở dài :Nguyên ngành trồng người nát như thếmà vẫn trơ trơ ! Những Huỳnh Thịnh nhấn mạnh :Phải thay cả vỏ lẫn ruột của hệ thống giáo dục(6) !
***
Giống như scandal xảy ra ở Trung học phổ thông Đa Phúc, Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng phải nhập cuộc để công chúng hạ hỏa sau scandal ở Trung học phổ thông Lạc Long Quân. Dù có gắng biến chuyện giáo viên tùy tiện, càn rỡ, bạo hành học sinh thành chuyện nhỏ(7) nhưng cuối cùng Hiệu trưởng Trung học phổ thông Đa Phúc cũng phải theo lệnh của thượng cấp, đình chỉ công tác, điều chuyển giáo viên sai phạm làm việc khác. Tương tự, sau khi "từ chối giáo dục" nữ sinh có cha không thi hành lệnh "triệu tập" của hiệu trưởng, trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân đã vời nạn nhân quay trở lại trường theo yêu cầu của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội(8). Song những vấn nạn liên quan đến giáo dục vẫn còn nguyên.
Vô số scandal trong lĩnh vực giáo dục khiến xã hội ngỡ ngàng, phẫn nộ cho thấy, nguyên nhân chính nằm ở chỗ, mầm non nói riêng, con người nói chung không những không được trân trọng mà còn bị dùng như công cụ để có thể khai thác kiếm lợi theo đủ kiểu, bất kể điều đó nguy hại thế nào đối với tiền đồ quốc gia, tương lai dân tộc. Đó không phải là hạn chế của riêng ngành giáo dục mà là kết quả mang tính tất yếu của cung cách quản trị, điều hành quốc gia. Chính cung cách này tạo ra những viên chức giáo dục tin rằng có thể dùng công an để truy tìm, dùng luật pháp để "kỷ luật thích đáng" đứa trẻ dám chia sẻ thông tin về vụ bạo hành ở Trung học phổ thông Đa Phúc như hệ thống công quyền vẫn thường làm.
Đâu phải tự nhiên mà hiệu trưởng Trung học phổ thông Lạc Long Quân "triệu tập" phụ huynh dám nêu thắc mắc về yêu cầu đóng góp của trường và "từ chối giáo dục" con của ông bởi ông dám chống "lệnh triệu tập". Chỉ bất bình với kiểu sử dụng quyền lực của hiệu trưởng Trung học phổ thông Lạc Long Quân dường như chưa đủ và chưa đúng. Tại sao công an có quyền hành xử y hệt như thế, sử dụng loại văn phong như thế với mọi công dân mà viên chức giáo dục thì không ? Tại sao chấp nhận việc hệ thống chính trị, hệ thống công quyền xét lý lịch đến ba đời để chọn đồng chí tham gia thống trị và chỉ lên án người buộc đứa trẻ phải chịu trách nhiệm vì cha em không khuất phục hiệu trưởng ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 06/10/2023
Chú thích
(4) https://www.facebook.com/vtcnownetwork/videos/852101363191085/