Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc Evergrande nợ hơn 325 tỷ USD, còn nhiều hơn tổng nợ quốc gia của Nga.
Evergrande bán trụ sở chính ở Thâm Quyến vào năm 2022
Trong hai năm, công ty đã chao đảo từ cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác, liên tục không thể thanh toán các khoản vay hàng tỷ USD của mình.
Hiện người sáng lập của của Evergrande đang bị cảnh sát giám sát, cổ phiếu của công ty gần như vô giá trị và hơn một triệu người ở Trung Quốc vẫn đang chờ đợi ngôi nhà của họ được hoàn thành.
Hôm thứ Hai, một tòa án ở Hong Kong có thể mở ra một chương mới trong cuộc khủng hoảng bằng cách ra lệnh thanh toán một số tài sản của Evergrande để trả nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài đang khổ sở.
Evergrande đã trở thành hình mẫu điển hình của lĩnh vực bất động sản đang tụt dốc của Trung Quốc. Tên của nó, cùng với các nhà phát triển lớn khác như Country Garden, đã gắn liền với khoản nợ bất ổn định và thảm họa tài chính sắp xảy ra. Tuy nhiên, Evergrande vẫn cố gắng sống sót.
Ở hầu hết các nước phương Tây, một doanh nghiệp tư nhân phá sản như Evergrande sẽ bị đóng cửa hoặc trong trường hợp cực đoan sẽ được chính phủ giải cứu. Nhưng ở Trung Quốc, mọi thứ rất khác.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không phải là tư bản hay cộng sản. Nó độc nhất vô nhị khiến người ta khó có thể đoán trước được số phận của Evergrande.
Nhưng hiện tại, Bắc Kinh đã giảm bớt áp lực lên công ty này theo cách mà các nước khác không thể làm được.
Leland Miller, giám đốc điều hành của China Beige Book, một nền tảng phân tích theo dõi thị trường Trung Quốc, cho biết : "Nó còn tồn tại chỉ vì chính phủ chưa muốn nó chết".
Chế độ 'thây ma'
Không giống như các nước phương Tây, Trung Quốc không phải là thị trường tự do. Ông Miller giải thích, khi một vấn đề nảy sinh, nhà nước có thể chỉ cần huy động các làn sóng tiền tệ để giải quyết vấn đề đó.
Phần lớn số tiền Evergrande nợ là nợ các chủ nợ ở Trung Quốc, bao gồm các chủ sở hữu nhà, nhà cung cấp và ngân hàng thông thường. Và sự kiểm soát của chính phủ đối với họ là mấu chốt giải thích tình trạng giống như thây ma của công ty.
Dexter Roberts, thành viên cấp cao tại Hội đồng Atlantic, cho biết : "Hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc hầu như vẫn do nhà nước điều hành. Vì vậy, nếu Bắc Kinh yêu cầu các ngân hàng đó tìm cách đảo nợ, thì họ sẽ làm điều đó. Cuối cùng, họ phải trả lời với nhà nước và họ nhận thức rõ điều đó".
Ông Miller đồng tình : "Nhà nước Trung Quốc có thể ra lệnh cho người cho vay bỏ tiền cho vay, nhà cung cấp thực hiện cung cấp, người vay nợ đi mượn tiền. Evergrande không chết cũng không sống, nhưng trong hệ thống này điều đó không thực sự quan trọng".
Không phải tất cả chủ nợ của Evergrande đều là người Trung Quốc. Một nhóm nhỏ những người cho vay thất vọng bên ngoài Trung Quốc đã lên lịch ra tòa ở Hong Kong vào ngày 30 tháng 10. Thẩm phán có thể ra lệnh bán đi tài sản của công ty để chia cho các chủ nợ nước ngoài này.
Nhà phát triển đối thủ Country Garden cũng chịu áp lực tài chính rất lớn
Tuy nhiên, đây sẽ là điều chưa từng có về quy mô và độ phức tạp. Và gần như chắc chắn nó sẽ cần sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra với Evergrande ? Một số nhà phân tích cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa ra quyết định.
Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, cho biết : "Phần lớn hệ thống của Trung Quốc vẫn lấy Liên Xô làm hình mẫu và không có vụ phá sản nào ở Liên Xô".
"Bạn phải nhớ rằng chủ nghĩa tư bản phương Tây đã có một thời gian dài thiết lập một quy trình cho các công ty phá sản và cách bạn quản lý nợ của họ. Ở Trung Quốc, không có khuôn mẫu tương tự".
Chính phủ Trung Quốc có thể để Evergrande sụp đổ. Tuy nhiên, theo ông Roberts, Bắc Kinh khi đó sẽ phải dọn dẹp mớ hỗn độn này, đây sẽ là một vấn đề rất đau đầu về mặt chính trị.
Ông nói thêm, tác động dây chuyền đối với chính quyền địa phương – vốn phụ thuộc vào việc buôn bán đất – các nhà cung cấp và ngân hàng sẽ là "thảm họa tiềm tàng".
Các nhà phân tích khác tranh luận rằng sự sụp đổ của Evergrande, nếu xảy ra, có thể gây tổn hại cho tương lai của chính Đảng cộng sản.
Shitong Qiao, chuyên gia về luật sở hữu Trung Quốc tại Đại học Duke ở Mỹ, cho biết : "Sự ổn định xã hội đang bị đe dọa".
"Sự sụp đổ sẽ không chỉ khiến nhiều ngân hàng Trung Quốc mắc nợ khó đòi mà còn khiến hàng trăm nghìn người mua nhà ở Trung Quốc mất đi căn hộ mà họ đã trả tiền mua".
Đã hơn một lần xảy ra cảnh hỗn loạn tại trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến, khi những người biểu tình chửi rủa các giám đốc điều hành và người mua nhà yêu cầu hoàn lại tiền mua nhà.
Năm ngoái, nhiều người trong số họ đã tham gia ngừng trả tiền nợ thế chấp cho đến khi nhà của họ được hoàn thiện.
Sự sụp đổ có thể phá vỡ niềm tin vào thị trường nhà đất, khiến giá nhà lao dốc hơn nữa. Điều đó sẽ khiến người dân nghèo hơn đáng kể ở một quốc gia nơi họ đầu tư tiền tiết kiệm cả đời vào những ngôi nhà mới. Và nó sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế vốn đã trì trệ - lĩnh vực bất động sản chiếm 1/4 trong số đó.
Tất cả những điều này có thể khiến công chúng phẫn nộ hơn và thậm chí gây bất ổn. Và đó có lẽ là mối đe dọa lớn nhất đối với Đảng cộng sản Trung Quốc, vốn nắm giữ quyền lực từ lâu và được củng cố nhờ sự thịnh vượng của Trung Quốc.
Quá to lớn để sụp đổ ?
Phải chăng điều đó có nghĩa là Evergrande - mượn một cụm từ phương Tây - "quá lớn để sụp đổ".
Thật khó cưỡng để không so sánh vụ việc này với so sánh với cuộc Khủng hoảng tín dụng nhà ở dành cho đối tượng vay có chấp thấp năm 2008, chứng kiến sự sụp đổ của gã khổng lồ đầu tư Phố Wall Lehman Brothers và cuộc suy thoái toàn cầu. Hồi đó, các ngân hàng và tổ chức bị phá sản trên khắp thế giới đã được chính phủ và ngân hàng trung ương của họ giải cứu.
Evergrande có hơn 1.300 dự án tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc
Nhưng Trung Quốc thì khác. Hệ thống tài chính của nước này không bị ràng buộc bởi lĩnh vực bất động sản như ở Mỹ.
Và Bắc Kinh, nơi có quyền kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, dường như không vội cứu Evergrande.
Ông Miller nói : "Hệ thống này được thiết kế để đảm bảo rằng một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng sẽ luôn khó xảy ra. Nó không dễ bị đổ sụp bởi 'khoảnh khắc Lehman' kiểu phương Tây".
Một gói cứu trợ cũng sẽ không phù hợp với hệ tư tưởng của giới lãnh đạo Trung Quốc. Trên thực tế, một số người cho rằng Đảng cố tình gây ra sự suy thoái của Evergrande vì thành công của công ty dựa trên một mô hình kinh tế thiếu sót.
Sự trỗi dậy của Evergrande được thúc đẩy nhờ khoản vay lớn để xây nhà cho tầng lớp trung lưu Trung Quốc muốn kiếm tiền từ bất động sản. Nhưng các nhà phát triển bất động sản đã vay quá nhiều tiền để xây quá nhiều căn nhà mà không có đủ người muốn mua nhà.
Ông Roberts nói : "Đây không phải là một mô hình kinh tế bền vững và chính phủ biết điều này".
Sự "tăng trưởng nhờ đầu tư" này - hay xây dựng vì mục đích xây dựng - đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc rất tốt trước khi Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012.
Nhưng theo thời gian, sự kiềm chế của Đảng, được ông Tập đẩy mạnh, đã trở thành "nhà để ở chứ không phải để đầu cơ tích trữ".
Mọi thứ trở nên khủng hoảng vào năm 2020 khi chính phủ lo ngại về bong bóng trên thị trường bất động sản nên đưa ra các hướng dẫn quản lý tài chính mới, được gọi là "ba vạch đỏ".
Biện pháp này hạn chế nghiêm ngặt khả năng vay thêm tiền của các nhà phát triển, cuối cùng gây ra cuộc khủng hoảng đã khiến cho Evergrande và ngành bất động sản Trung Quốc sa lầy.
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, biện pháp đau đớn nhưng cần thiết này là cách duy nhất để kiềm chế khoản nợ không bền vững. Ngoại trừ việc họ không lường trước được mọi chuyện sẽ còn tồi tệ đến mức nào, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề từ các lệnh phong tỏa từ chính sách Zero Covid.
Ông Roberts nói : "Tuy nhiên, việc giải cứu Evergrande bây giờ sẽ lập tức tạo ra trò hề đối với mọi thứ mà chính phủ đang cố gắng thực hiện nhằm giảm đòn bẩy cho lĩnh vực này và thay đổi nền kinh tế".
Ông Wright đồng ý rằng đây sẽ được coi là một bước lùi : "Bạn sẽ gửi tín hiệu gì đến những người còn lại trong ngành nếu cứu Evergrande ?"
Nói cách khác, giới lãnh đạo của Trung Quốc đang bị mắc kẹt. Một sự sụp đổ sẽ là thảm họa và một gói cứu trợ sẽ không thể giữ vững được về mặt ý thức hệ.
Ông Miller nói : "Đây có thể là một quan điểm trái ngược - nhưng tôi hoàn toàn tin rằng Bắc Kinh có chiến lược ở đây".
"Trong nhiều năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã dạy cho Bắc Kinh rằng họ cần ngừng dựa vào mức tăng trưởng cao giả tạo do vay mượn trong lĩnh vực bất động sản. Bây giờ Đảng cuối cùng đã làm điều đó - và đó sẽ không bao giờ là một quá trình không đớn đau".
Mô hình mới mà ông Tập, người ngày càng tập trung quyền lực trong tay, mong muốn là gì vẫn chưa rõ ràng.
Tại Đại hội Đảng năm ngoái, khi đảm bảo nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba mang tính lịch sử, ông đã cảnh báo việc tiếp tục mô hình kinh tế "không bền vững" của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi cái mà ông gọi là "tôn thờ tiền bạc" và "tư lợi".
Khi phê phán sự nguy hiểm của chủ nghĩa tư bản tự do, ông nói : "Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc là đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc".
Trong bối cảnh hỗn loạn của Evergrande, vụ bắt giữ tỷ phú sáng lập kiêm chủ tịch Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan) đã củng cố quan điểm rằng Đảng, chứ không phải các doanh nhân tư nhân, vẫn nắm quyền tuyệt đối.
Theo ông Miller, Trung Quốc đang phải trả giá một cách có ý thức cho "sự quản lý tổng thể yếu kém về kinh tế", nhưng việc nước này tiếp tục kiểm soát nền kinh tế cho thấy họ đã có kế hoạch.
Nhưng những người khác nhấn mạnh rằng điều đó không được rõ ràng lắm.
Ông Wright nói : "Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống lời và lỗ. Sẽ rất thú vị để xem Trung Quốc giải quyết phần tổn thất như thế nào".
Nick Marsh
Nguồn : BBC, 27/10/2023